Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Diều huế “bay xa”
Ngày cập nhật 10/03/2017

Tham gia Festival nghề truyền thống Huế 2017 vào tháng 4 tới đây, Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Diều Anh Vũ (TP. Huế) sẽ đem đến hàng chục mẫu diều mang đậm nét đặc trưng truyền thống của xứ Huế nhằm quảng bá bản sắc văn hóa Huế đến du khách trong và ngoài nước.

Những ngày này, để chuẩn bị sản phẩm tham gia giới thiệu tại Festival nghề truyền thống Huế 2017, không khí làm việc tại DNTN Diều Anh Vũ (số 13/36 đường Nguyễn Du) trở nên nhộn nhịp hơn. Hiện 15 anh em trong CLB đang khẩn trương làm việc để kịp tiến độ. Mỗi người một công đoạn như: vót tre, tạo hình, vẽ hoa văn, cắt vải... khẩn trương để cho ra đời những cánh diều hoàn thiện.

Tiếp nối thành công các kỳ Festival nghề trước, dịp này, DNTN Diều Anh Vũ sẽ đem đến hơn 170 mẫu diều, gồm hàng chục mẫu mã diều mới nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Mỗi loại diều đều mang những nét đặc trưng riêng, tạo nên sự đa dạng về chủng loại, kích cỡ, màu sắc. Trải qua 45 năm gắn bó với diều, ở Nghệ nhân (NN) - Giảng viên Đại học Nghệ thuật Huế Nguyễn Văn Hoàng là tình yêu và niềm đam mê cháy bỏng đối với diều Huế. NN Hoàng trải lòng: “Với tôi, diều vừa là người bạn, vừa là thú vui. Cứ mỗi lần đưa diều lên không trung bay lượn, niềm đam mê sáng tạo ra những cánh diều sắc nét luôn là ước mơ cháy bỏng trong tôi. Ngoài ra, Festival Nghề truyền thống Huế còn là dịp giới thiệu các sản phẩm của cơ sở đến với du khách, mở rộng thêm thị trường tiêu thụ, cũng như nâng tầm vị thế của Huế. Vì lẽ đó, tôi luôn dặn dò các nhân công phải khéo léo, tỉ mỉ và đặt tất cả tâm huyết vào các sản phẩm”.

Tận mắt thấy các công đoạn làm nên diều mới thấy, nghề chơi diều cũng lắm công phu. Không hẳn nhiên mà nghệ thuật trình diễn diều Huế được gọi là “nghệ thuật múa rối trên không”. Mỗi cánh diều là 1 tác phẩm nghệ thuật. Đó là sự kết hợp của kiến trúc, hội họa, kinh nghiệm và qua rất nhiều lần thử nghiệm mới được trình diễn trước công chúng. Hiện nay, các loại diều Huế chủ yếu được làm bằng khung tre, dán vải, sơn bằng sơn dầu và bột màu luy-mi-nơ cho màu bền, đẹp. Nguyên liệu chính là các thanh tre được vót thật tỉ mỉ, tính toán kích thước chính xác, phải cân chỉnh làm sao để thăng bằng. Tính sai một ly thôi là diều sẽ không bao giờ cất cánh. Diều Huế nay còn là sản phẩm thủ công mang thương hiệu đặc thù, được đặt hàng và bày bán với số lượng lớn tại nhiều nơi…

Theo NN Hoàng, từ thời xa xưa đã có các cuộc thi diều. Do vậy ngày nay hoa văn và họa tiết trên diều ít nhiều ảnh hưởng tính chất cung đình; hình tượng diều cũng thường mô phỏng dáng dấp của rùa, rồng, phụng, bướm,… Điểm đặc biệt là diều Huế được làm hoàn toàn bằng thủ công, trong đó các khâu từ lên ý tưởng, chọn vật liệu, định hình khung diều, bọc vải, sơn vẽ họa tiết và thử nghiệm. Nhờ đó, nghệ nhân có thể tùy ý thay đổi linh hoạt mẫu mã cũng như màu sắc tạo cho diều Huế "muôn hình vạn trạng". Từ các loài diều mang hình chim, phượng, đến “con người” cũng được cho uốn lượn trên không trung. NN Hoàng cho biết ưu điểm diều Huế: “Ở các tỉnh thành khác, họ làm diều theo hướng công nghiệp nên rất nhanh nhưng không thể nào có những mô hình cầu kỳ như chim công, chim phụng, rồng… Còn diều Huế được làm hoàn toàn bằng tay, người thợ phải rất kì công khiến con diều xứ Huế luôn mang đậm dấu ấn bản sắc địa phương”.

Thông thường một sản phẩm diều Huế phải trải qua nhiều công đoạn và đòi hỏi mức độ kì công rất cao. Trước tiên phải chọn tre, vót tre sao cho thật mỏng và đều. Tre phải dẻo, lóng dài mới dễ uốn và chống mối mọt. Sau đó bôi hồ, bọc vải xoa (một loại vải mỏng) lên khung diều để tránh cản gió. Cuối cùng là khâu “trang điểm” diều bằng những họa tiết do nghệ nhân trực tiếp tạo hình lên thân diều.

Làm diều Huế đã khó, để chơi được diều Huế càng khó hơn. NN Hoàng dẫn chứng: "Với diều rồng có hình dáng khá phức tạp, kích cỡ khổng lồ nên muốn nâng diều cần chọn đúng thời điểm, nhiều khi 1 lúc phải cần nhiều người để chơi 1 con diều. Đó là lúc gió đang mạnh dần nhưng không xoáy và người chơi phải chạy theo hướng gió để nâng diều. Khi diều đã lên cao cần cân bằng được thân diều, không để diều chao lượn nhiều sẽ bị rơi giữa chừng. Và chơi diều cần nhất là sự đam mê, không nên nản chí hay vội vàng bỏ cuộc, không phải ai thả con diều cũng đều bay cao, bay xa cả".

Cách đây vài năm, nghề làm diều dần rơi vào khó khăn. Do đây là nghề thủ công, tốn nhiều thời gian, giá thành sản phẩm khá đắt. Bình quân, mỗi cánh diều Huế giá dao động từ 200.000 đồng - 5.000.000 đồng. Trong khi nhiều loại diều công nghiệp xuất xứ từ Trung Quốc nhập về với giá rẻ khiến diều Huế khó tiêu thụ. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, với kế hoạch khôi phục nghề truyền thống của các ngành chức năng (điển hình như dự án “Khôi phục nghề làm diều và trình diễn Diều Huế của Sở Công thương”…), cũng như sự nỗ lực của các nghệ nhân, người đam mê, diều Huế đã thực sự “hồi sinh” và phát triển trở lại về cả quy mô và số lượng, chất lượng… Từ đó, các câu lạc bộ, nhiều cơ sở làm diều ra đời trên địa bàn tỉnh, tạo ra hàng ngàn cánh diều đa sắc phục vụ người dân và các dịp lễ hội.

Những năm trở lại đây, thương hiệu diều Huế không chỉ nổi tiếng trong nước mà được đông đảo bạn bè quốc tế biết đến qua các cuộc triển lãm, liên hoan hay những lễ hội lớn. Là người luôn có mặt trong những đợt xuất ngoại của diều Huế tham gia các cuộc thi diều quốc tế, NN Hoàng cho biết, người chơi diều các nước đánh giá rất cao về diều Việt Nam cũng như diều Huế nói riêng. Những cánh diều nghệ thuật đã theo chân nghệ nhân Nguyễn Văn Hoàng đi đến nhiều nước trên thế giới như: Indonesia, Ấn Độ, Pháp, Thái Lan hay các Festival biển Vũng Tàu, Nha Trang, … để triển lãm và thi thố tài năng. Và theo NN Hoàng: "Ở tất cả các cuộc thi từ trong đến ngoài nước, diều Huế luôn được người xem đón chờ với sự nồng nhiệt nhất”.

Thả diều là một thú chơi có từ xa xưa ở VN, nhưng để nâng cánh diều lên thành một nét văn hóa thì không phải nơi nào cũng làm được như ở xứ Huế. Tuy nghề đang phát triển nhưng NN Nguyễn Văn Hoàng vẫn còn trăn trở: “Cũng như nghệ nhân tâm huyết ở các làng nghề khác, tôi luôn muốn nghề làm diều của mình “sống tốt”, phát triển ngày càng mạnh. Ấp ủ của tôi là Huế sẽ có một cơ sở đào tạo nghề làm diều chuyên nghiệp. Hiện tại, tôi cùng nhiều người khác thường xuyên mở các lớp dạy làm diều, thả diều cho những ai đam mê. Ðó cũng chính là sự đảm bảo để nghệ thuật chế tác và thả diều truyền thống ở Huế phát triển lâu bền và không bị mai một trong tương lai, góp phần “giữ lửa” cho nghệ thuật chơi diều vốn rất nổi tiếng trên đất Cố đô”.

Thái Hùng
 

Sở Du lịch Thừa Thiên Huế
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.299.332
Đang truy cập 2.023