Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Chuyện về nữ chủ nhân nhà vườn nổi tiếng bậc nhất xứ Huế
Ngày cập nhật 14/08/2017

 Là người phụ nữ Trung Kỳ đầu tiên có bằng Tú tài, bà Nguyễn Đình Chi còn là chủ nhân khu nhà vườn An Hiên - một trong ba ngôi nhà vườn đẹp nhất xứ Huế.

Ở Huế, người ta thường biết đến bà Nguyễn Đình Chi (tên thời con gái là Đào Thị Xuân Yến) với tên gọi bà Tùng Chi – nữ chủ nhân của ngôi nhà vườn An Hiên nổi tiếng xứ Huế. Nhiều người từng ví von, đến Huế mà chưa ghé thăm An Hiên thì xem như chưa đến Huế.

Chân dung bà Đào Thị Xuân Yến

Sinh ra ở Bình Định, nhưng bà Nguyễn Đình Chi yêu Huế với một tình yêu đặc biệt. Chồng của bà là ông cử Nguyễn Đình Chi, sinh năm 1888, đỗ Cử nhân năm 1912 dưới triều Duy Tân. Ông Nguyễn Đình Chi góa vợ sớm, phải sống cảnh gà trống nuôi con khi cậu con trai mới biết đi chập chững. Khi ông cử Nguyễn Đình Chi được bổ vào làm Tri huyện An Nhơn (Bình Đình), hằng ngày ông thường đi xe ngựa đến Huyện đường ở phía Tây Bắc thành phố Quy Nhơn bây giờ.

Trên đường đi, ông cử Chi bắt gặp hình ảnh một gia đình tình nguyện để nước ngoài đường cho khách bộ hành uống. Sau nhiều ngày quan sát, ông rất cảm phục trước tấm lòng của gia đình đó đã tìm đến nhà và thăm hỏi.

Thì ra, đó là gia đình cụ Đào Thái Hanh - Tham biện Viện cơ mật, một vị quan rất nổi tiếng dưới triều Duy Tân. Cụ Đào Thái Hanh đã mất từ năm 1916. Biết chuyện, ông Huyện Nguyễn Đình Chi hết sức xúc động. Ông không nghĩ gia đình một quan Tham biện mà nghèo đến thế. Từ đó, ông hay lui tới giúp đỡ gia đình.

Bà góa phụ của quan Tham biện Đào Thái Hanh biết quan Huyện Nguyễn Đình Chi đang góa vợ và phải nuôi con dại nên đã gả cô con gái thứ hai là Đào Thị Xuân Oanh (sinh năm 1903) cho ông. Sau này, ông Huyện Nguyễn Đình Chi được cất nhắc lên làm Tuần vũ Quảng Ngãi.

Ông Tuần rất yêu quý gia đình vợ và coi gia đình vợ như gia đình mình. Ông nuôi hai người em út của gia đình vợ là Đào Thị Xuân Yến (sinh năm 1909) và Đào Thị Xuân Nhạn (sinh năm 1910) ra học nội trú ở trường Đồng Khánh (Huế).

Nhưng số ông lận đận. Sau mấy năm hạnh phúc ngắn ngủi, bà Xuân Oanh qua đời vào năm 1934. Ông Tuần hết sức đau đớn, lại tiếp tục cảnh gà trống nuôi con. Khi đó, bà Đào Thị Xuân Yến đã đỗ Tú tài, trở thành người phụ nữ Trung Kỳ đầu tiên có bằng Tú tài. Rất nhiều quan lại trẻ, trí thức ở Hà thành và Kinh đô Huế muốn được kết tóc xe tơ với một người phụ nữ vừa có nhan sắc, vừa có học vấn như bà. Tuy vậy, bà lặng lẽ chọn chính anh rể của mình để lấy làm chồng bởi bà muốn mình thay chị và gia đình trả ơn cho người anh rể.

Bà Nguyễn Đình Chi - người mặc áo tối màu.

Bà Đào Thị Xuân Yến trở thành bà Tuần Chi từ năm 1935. Bà Tuần Chi ít hơn ông Tuần gần 30 tuổi. Chỉ sau 5 năm chung sống, ông Tuần đã bị bệnh nặng qua đời. Bà đưa chồng về an táng tại quê nhà Chí Long, trở thành quả phụ khi mới ngoài 30 tuổi. Kể từ đó bà ở vậy nuôi mẹ, nuôi con chồng và người con gái ăn học cho đến khi trưởng thành.

Nhìn lại cuộc đời bà Đào Thị Xuân Yến, tuy là người giỏi giang nhưng cuộc đời bà trải qua nhiều gian truân. Khi còn học ở trường nữ sinh Đồng Khánh, bà luôn đứng ở vị trí nhất, nhì lớp. Khi bà học năm thứ 3 thì cũng là lúc nhà yêu nước Phan Bội Châu bị bắt. Bà đã được là người đại diện cho học sinh Đồng Khánh năm thứ 3 đến thăm cụ Phan Bội Châu tại nơi cụ bị quản thúc. Bà cũng là người thường xuyên kêu gọi các bạn học phản đối những bài học về “sự trung thành với chính quyền bảo hộ Pháp” mà các giáo viên người Pháp thường dạy cho các nữ sinh Đồng Khánh.

Năm đó, một học sinh ở trường Khải Định tên là Nguyễn Chí Diểu (sau này là nhà hoạt động chính trị Nguyễn Chí Diểu) bị thầy giáo Pháp nhục mạ là đồ “sale race” – nòi giống dơ bẩn. Nguyễn Chí Diểu cãi lại và bị đuổi ra khỏi lớp. Việc này đã bị nhiều học sinh ở trường Khải Định phản đối, bỏ học, đòi nhà trường phải bỏ lệnh đuổi học Nguyễn Chí Diểu.

Bà Nguyễn Đình Chi khi đó đã vận động các nữ sinh Đồng Khánh viết đơn gửi Tòa Khâm, biểu tình chống đuổi học Nguyễn Chí Diểu. Vì chuyện đó mà bà bị đuổi ra khỏi trường Đồng Khánh với một lời phê trong học bạ: “Đuổi học vĩnh viễn ra khỏi trường Trung học Đồng Khánh vì đã tham gia tích cực vào cuộc bãi khóa ngày 27/4/1927”.

Tuy bị đuổi khỏi trường nữ sinh Đồng Khánh, nhưng năm 1933, bà vẫn đậu kỳ thi Tú tài tại trường Albert Sarraut, trở thành người phụ nữ Trung kỳ đầu tiên có bằng Tú tài Tây. Bất chấp việc đã từng bị trường Đồng Khánh đuổi học, sau này, bà đã hiên ngang trở lại trường Đồng Khánh rồi trở thành Hiệu trưởng trường này và là người phụ nữ Việt Nam thứ 3 nắm giữ cương vị này.

Nhà vườn An Hiên là một kiến trúc tiêu biểu, mẫu mực của nhà vườn xứ Huế.

Ngôi nhà vườn An Hiên là một trong 3 ngôi nhà vườn nổi tiếng nhất xứ Huế. Ngôi nhà được bà và ông Tuần mua lại khi ông còn sống. Sự nổi tiếng của nó có một phần đóng góp vô cùng to lớn của nữ chủ nhân – bà Nguyễn Đình Chi. Năm 1968, bà đã bỏ lại khu nhà vườn An Hiên để thoát ly tham gia kháng chiến. Sau này, Tuy bà đã qua đời nhưng mỗi khi đi qua ngôi nhà vườn An Hiên, người ta vẫn luôn cảm nhận bóng dáng bà luôn hiện hữu trong từng gốc cây, ngọn cỏ ở nơi đây.

đặc sản Huế, fesstival huế, du lịch, hue tourism, du lịch Huế, khách sạn Huế, huetourism, festival huế, ẩm thực huế, món ngon, món ăn huế

Theo: phunuvietnam.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.249.393
Đang truy cập 16.252