Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đâu là “điểm nghẽn” của ngành du lịch Việt?
Ngày cập nhật 21/07/2017

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu của Việt Nam chỉ đứng thứ 75/141 quốc gia. Do đó, cần tháo gỡ những “điểm nghẽn” về chính sách, quảng bá, phát triển bền vững để thúc đẩy du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

Mới đây, Nhóm công tác du lịch của Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) đã tổ chức Hội thảo bàn về những nội dung trọng tâm để phát triển cũng như nâng tầm ngành du lịch trên bản đồ thế giới.
 
Hội thảo tháo gỡ điểm nghẽn để tạo đà phát triển du lịch do VPSF tổ chức.
Chính sách thiếu độ mở
 
Theo đó, ông Hoàng Nhân Chính- Tổng thư ký Nhóm Công tác Du lich VPSF, Trưởng ban Thư ký Hội đồng tư vấn du lịch nhận định, 3 điểm nghẽn lớn của du lịch Việt Nam hiện nay là: Nghẽn trong chính sách thị thực; vấn đề thu hút khách du lịch trở lại và vấn đề môi trường du lịch sạch và thân thiện.
 
Theo ông Chính, để tăng sự đóng góp của ngành du lịch vào GDP phải chú trọng vào lượng khách du lịch chịu chi tiêu cao, bởi nếu hút số lượng khách lớn mà mức chi tiêu thấp thì cơ sở hạ tầng VN liệu có đáp ứng đủ? Trong khi đó mức đóng góp vào cho tăng trưởng nền kinh tế lại không tương xứng.
 
Nếu coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn thì phải lưu ý về vấn đề đóng góp vào GDP. Chúng ta đang thuộc top 6 các nước có đóng góp cao du lịch vào kinh tế-xã hội, mục tiêu đến năm 2020 sẽ vươn tới top 3. Cùng với đó, mục tiêu năm 2020, Việt Nam đạt trung bình 18,5 triệu khách du lịch quốc tế, muốn đạt được mục tiêu đó, du lịch phải giữ mức tăng trưởng 15-20%/năm trong vòng 4 năm tới”- ông Chính nhấn mạnh. 
 
Đồng quan điểm, Tổng giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ, cho rằng: "Một trong những điều Chính phủ cần quan tâm là tháo các điểm nghẽn: Về chính sách, níu chân du khách là chính sách cho phát triển du lịch. Chính sách của Chính phủ cần có độ mở, trong đó có visa và xúc tiến du lịch và chính sách về kinh tế nhằm kiến tạo, tạo ra một môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và môi trường xã hội".
 
Theo ông Kỳ, chính sách phải có độ mở vì đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tức là sẽ mang về khoảng 35 tỷ USD thì đầu tư của Chính phủ là như thế nào trong chính sách về visa hay xúc tiến du lịch.
 
"Tôi cho rằng cần mạnh dạn, 35 tỷ USD là mang lại 2 triệu việc làm, mấy chục triệu khách xứng đáng để Chính phủ đầu tư ngân sách: nghiên cứu quốc tế, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, chính sách về tạo môi trường du lịch để nghiên cứu tư vấn quốc tế. Thứ 2 là xúc tiến, thứ 3 là chính sách visa – chính sách này tác động rất sâu cho xúc tiến du lịch"- ông Kỳ chỉ rõ.
 
Đại diện Vietravel cũng cho rằng, về môi trường kinh doanh, chúng ta đang quá chú trọng đảm bảo an ninh, an toàn nhưng cần có độ mở nhất định để cho doanh nghiệp du lịch phát triển. Dịch vụ du lịch cũng thu trong giờ là chủ yếu, còn ngoài giờ, các hoạt động về đêm thì ít.
 
"Doanh nghiệp còn manh mún, chính sách chưa thực sự có những ưu đãi về thuế, tài chính, vốn cho các Doanh nghiệp kinh doanh du lịch nên kết quả mang lại là con số nhỏ, chưa tạo ra tích lũy. Chính sách về thuế, vốn phát triển thì mới tạo được doanh nghiệp mạnh. Ngoài ra, tôi quan tâm tới việc, chính sách cho phát triển du lịch phải dài hơi. Với các doanh nghiệp tư nhân du lịch nhỏ, cần áp dụng triệt để công nghệ thông tin như thế nào để cạnh tranh được với các doanh nghiệp khác"- ông Kỳ nói thêm.
 
Cần một “nhạc trưởng 
 
Do đó, để tháo gỡ những nút thắt và thúc đẩy phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các ý kiến đều đồng nhất cho rằng cần xác định một “nhạc trưởng” để kết nối giữa du lịch với các ngành có liên quan. Du lịch cần phải được gắn vào quy hoạch giao thông, chú trọng nâng cấp cơ sở hạ tầng về vận chuyển gồm đường không, đường bộ và đường thủy kết nối du lịch. 
 
Ông Hoàng Nhân Chính kiến nghị những biện pháp cụ thể gồm: Thứ nhất, tăng số ngày miễn thị thực lên 30 ngày giúp thu hút khách du lịch có thời gian lưu trú lâu, đặc biệt là thu hút khách du lịch có mức chi tiêu cao đến VN.
 
Thứ hai, bổ sung 6 quốc gia được miễn thị thực. Thứ ba, tạo thuận lợi tối đa và đơn giản về thủ tục thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến VN. Cụ thể, về chính sách miễn thị thực, Cần bãi bỏ quy định “mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi VN lần trc ít nhất 30 ngày”, điều này gây khó khăn cho DN, bởi nhiều tour khách đi VN, Nhật, Malay rồi quay lại VN lại ko đc chấp nhận. Bên cạnh đó, công bố sớm chính sách chương trình thị thực kéo dài thành 5 năm, thông báo miễn thị thực trước ít nhất 6 tháng.
 
Về chính sách thị thực điện tử cần nâng cấp trang web và cải thiện tốc độ truy cập. Vấn đề tên miền cũng đang gây khó khăn cho khách “evisa.xuatnhapcanh.gov.vn” của cục quản lý xuất nhập canh nên được đổi thành “evisa.gov.vn”. Về chính sách thị thực quá cảnh, áp dụng chính sách miễn thị thực quá cảnh 48-72 giờ cho những hành khách có vé máy bay từ Úc đi Châu Âu hoặc ngược lại, tạo lượng khách tiềm năng.
 
Trong khi đó, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thiên Minh Group lại nhấn mạnh tới việc ưu tiên quảng bá Việt Nam tới các thị trường trọng điểm thông qua các kênh truyền thông số trong bối cảnh cuộc CM CN 4.0 phát triển nở rộ.
 
"Việc khuyếch trương, quảng bá, nêu thông điệp rõ ràng cho du lịch vẫn là việc khó của Việt Nam. Ngoài ra, việc du khách quay trở lại một điểm đến là đòi hỏi sống còn đặt ra hiện nay cho các điểm du lịch của Việt Nam. Du lịch phải phát triển bền vững cả ở môi trường tự nhiên lẫn xã hội, sự niềm nở, thân thiện, sự an toàn, tiện ích của điểm đến, nhà vệ sinh sạch sẽ… Đó là những việc rất đơn giản, các địa phương đều có thể làm được và làm từ sân bay – nơi du khách đặt bước chân đầu tiên tới Việt Nam"- ông Kiên cho biết.
 
Còn ông Vũ Thế Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề nghị tiếp tục miễn visa thêm cho các nước Châu Âu và Châu Mỹ như: Canada, Úc, New zealand, Ấn Độ. Đặc biệt với những nước đã miễn nên miễn dài thêm vì hiện 6 nước đang được miễn visa đã chiếm đến 84% lượng khách du lịch Việt Nam năm 2016.
 
Bên cạnh đó, theo đại diện HH Du lịch VN, Chính phủ cần tập trung cho đào tạo nguồn nhân lực bởi nguồn nhân lực trong ngành du lịch Việt hiện còn yếu, 40% người lao động trong ngành chưa qua đào tạo.
 
Về việc quản lý ông Bình cũng kiến nghị nên thành lập cơ quan quản lý Nhà nước theo ngành dọc, như mô hình của Nhật Bản và Thái Lan để có thể quản lý tới các cấp địa phương.
 
Chúng tôi về nhiều địa phương người đứng đầu Sở du lịch lại là người chưa từng làm về du lịch, vậy đưa người đứng đầu lên để làm gì? Do đó, yêu cầu cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước phải có chuyên môn về luật, du lịch. Cần sự cải tổ mạnh mẽ bộ máy đang thực thi quản lý nhà nước về du lịch”- ông Bình nhấn mạnh.
 
Thy Hằng
Theo: enternews.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.418.897
Đang truy cập 6.417