Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Giải pháp Marketing nhằm phát triển Du lịch lễ hội tại Huế
Ngày cập nhật 06/08/2017

Lễ hội tại Huế là một trong những hình thức thể hiện hoạt động của đời sống tinh thần, là linh hồn của vùng đất cố đô. Du lịch lễ hội là một trong những sản phẩm văn hóa đặc trưng của Huế, phù hợp định hướng phát triển các sản phẩm du lịch tại thành phố Huế.

Thông qua du lịch lễ hội, khách du lịch sẽ cảm nhận được nền văn hóa của một vùng đất, một phần nào đời sống tinh thần của người dân cố đô, làm sáng tỏ các quan niệm về lối sống, sinh hoạt truyền thống. Tuy nhiên, hoạt động phát triển du lịch lễ hội tại Huế vẫn còn một số hạn chế, chưa được nghiên cứu một cách toàn diện. Bài viết đề cập đến một số vấn đề lý luận về hoạt động marketing nhằm phát triển du lịch lễ hội của một địa phương; thực trạng hoạt động marketing nhằm phát triển du lịch lễ hội tại Huế; đề xuất một số giải pháp marketing nhằm phát triển du lịch lễ hội tại Huế.

Cầu Trường Tiền-Huế

1. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ HOẠT ĐỘNG MARKETING NHẰM PHÁT TRIỂN DU LỊCH LỄ HỘI CỦA MỘT ĐỊA PHƯƠNG

Có nhiều quan niệm về lễ hội. Theo tác giả Nguyễn Minh Tuệ: “Lễ hội là loại hình sinh hoạt văn hóa tổng hợp hết sức đa dạng và phong phú, là một kiểu sinh hoạt tập thể của nhân dân sau thời gian lao động mệt nhọc, hoặc là một dịp để con người hướng về một sự kiện lịch sử trọng đại, ngưỡng mộ tổ tiên, ôn lại truyền thống, hoặc là giải quyết những nỗi lo âu, những khao khát, ước mơ mà cuộc sống hiện tại chưa giải quyết được” [5, tr.67].

Du lịch lễ hội tức lấy lễ hội làm điểm tựa, hoạt động du lịch lễ hội góp phần tôn vinh, bảo vệ bản sắc văn hóa của lễ hội, gìn giữ và phát triển lễ hội. Du lịch lễ hội là một loại hình du lịch, mục tiêu là đi du lịch đến với các lễ hội của địa phương, tham gia vào các lễ hội được tổ chức ở một địa danh nổi tiếng nào đó. Qua đó nâng cao hiểu biết về văn hóa, tăng cường mở rộng quan hệ giao tiếp.

Những yếu tố ảnh hưởng đến du lịch lễ hội

Thời gian và địa điểm tổ chức: Du lịch lễ hội lấy lễ hội làm đối tượng chính trong mục đích đi du lịch. Tuy nhiên hoạt động lễ hội lại xảy ra trong thời gian và không gian nhất định. Mỗi lễ hội xảy ra tại một thời điểm khác nhau gắn với cộng đồng địa phương tại điểm đó. Lễ hội xuất phát từ nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của người dân địa phương, được tổ chức trong các không gian nhất định. Thời gian lễ hội diễn ra ngắn không phụ thuộc vào khách du lịch.

Hình thức tổ chức: Việc tổ chức các chương trình du lịch phụ thuộc theo từng đoàn khách khác nhau, theo quốc tịch, tôn giáo, đối tượng khách theo độ tuổi, theo nghề nghiệp… Hình thức tổ chức các loại hình du lịch phong phú đa dạng theo nhu cầu của từng đoàn khách khác nhau luôn có sự thay đổi. Hình thức tổ chức các lễ hội lại bắt buộc phải tuân theo các quy định, các tập tục truyền thống khó có sự thay đổi.

Nội dung lễ hội: Lễ hội có các nội dung khác nhau như lễ hội tôn vinh các vị thần, lễ hội làng nghề, lễ hội tôn giáo, lễ hội gắn liền hình thành một vùng đất sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển du lịch lễ hội.

Sự tham gia của cộng đồng địa phương: Bản chất lễ hội là sản phẩm được hình thành phục vụ cho đời sống cộng đồng địa phương. Sự tham gia tích cực vào hoạt động lễ hội của cộng đồng địa phương không những làm cho chất lượng lễ hội được nâng cao đồng thời tạo nên sự hấp dẫn lôi cuốn du khách cùng tham gia vào hoạt động của lễ hội. Lễ hội càng có đông cộng đồng địa phương tham gia càng chứng tỏ sức sống mãnh liệt của lễ hội, giúp du lịch lễ hội phát triển.

Nhu cầu của khách du lịch: Xu hướng đi du lịch có sự thay đổi, khách du lịch không chỉ đến với các loại hình du lịch truyền thống như thể thao, nghỉ dưỡng hay tham quan đơn thuần mà yêu cầu tìm hiểu sâu hơn về văn hóa của điểm đến. Du lịch lễ hội là môi trường tốt nhất để đáp ứng được nhu cầu của du khách.

Hoạt động marketing nhằm phát triển du lịch lễ hội

Để phát triển du lịch lễ hội cần có các hoạt động marketing cơ bản như nghiên cứu thị trường và lựa chọn thị trường khách du lịch mục tiêu của địa phương nhằm phát triển du lịch lễ hội; các chính sách marketing nhằm phát triển du lịch lễ hội của địa phương.

Nghiên cứu thị trường và lựa chọn thị trường khách du lịch mục tiêu của địa phương nhằm phát triển du lịch lễ hội:

Nghiên cứu thị trường khách du lịch trong việc phát triển du lịch lễ hội của một địa phương là sự tập hợp các hệ thống, ghi nhận và phân tích dữ liệu về các vấn đề có liên quan đến marketing cho một sản phẩm dịch vụ, nó giúp cho địa phương mở rộng hiểu biết về khách hàng cũ và khách hàng tiềm năng, giúp phát hiện đối thủ cạnh tranh cơ bản. Nội dung cơ bản của việc nghiên cứu thị trường khách du lịch trong việc phát triển du lịch lễ hội của một địa phương bao gồm: Nghiên cứu văn hóa, thị hiếu, sở thích, đặc điểm tiêu dùng của khách du lịch sử dụng sản phẩm du lịch lễ hội để cung cấp các sản phẩm dịch vụ phù hợp với họ; Nghiên cứu xu hướng đi du lịch của khách trong việc phát triển du lịch lễ hội để đưa ra kế hoạch phát triển trong tương lai cho một địa phương; Nghiên cứu về nhu cầu và mong đợi của khách du lịch sử dụng sản phẩm du lịch lễ hội. Do nhu cầu và mong đợi của khách du lịch thay đổi nhanh chóng nên hoạt động nghiên cứu thị trường là công cụ cơ bản của một địa phương để bắt kịp với sự thay đổi đó.

Lựa chọn thị trường khách du lịch mục tiêu của địa phương: Để lựa chọn thị trường khách du lịch mục tiêu sử dụng sản phẩm du lịch lễ hội của địa phương, các nhà quản trị marketing của địa phương cần chia thị trường du lịch thành các đoạn khác nhau và trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch marketing cho từng đoạn thị trường. Các địa phương thường sử dụng các cơ sở phân đoạn thị trường khách du lịch theo địa lý, theo dân số học, theo mục đích chuyến đi, theo sản phẩm, theo kênh phân phối. Trên cơ sở đó, các nhà quản trị marketing của địa phương lựa chọn ra các thị trường mục tiêu. Thị trường mục tiêu có thể hiểu là một phân đoạn thị trường được các địa phương lựa chọn để tập trung nỗ lực marketing kinh doanh có hiệu quả.

Các chính sách marketing nhằm phát triển du lịch lễ hội của địa phương

Các chính sách marketing nhằm phát triển du lịch lễ hội của một địa phương bao gồm một số chính sách chủ yếu: Chính sách phát triển sản phẩm du lịch lễ hội theo quy hoạch phát triển du lịch của địa phương; chính sách xúc tiến, quảng bá thu hút khách du lịch đến các điểm đến có du lịch lễ hội; chính sách liên kết với các điểm đến khác để phát triển du lịch lễ hội; chính sách giá; chính sách con người.

Việc phát triển du lịch lễ hội theo quy hoạch phát triển du lịch của địa phương gồm ba giai đoạn: Thứ nhất, xác định được sự hấp dẫn và tiềm năng của du lịch địa phương; Thứ hai, điều chỉnh cơ sở tiện nghi gần điểm du lịch của địa phương và dịch vụ phục vụ để trở thành sản phẩm du lịch; Thứ ba, quảng bá, thông tin tới khách du lịch hiện tại và tiềm năng.

Chính sách giá: Việc định giá cho các sản phẩm du lịch lễ hội của một địa phương là quá trình tương đối phức tạp. Khi đưa ra quyết định về giá, một điểm đến cần quan tâm tới các nhân tố như các loại chi phí cho chuyến đi; mục đích chuyến đi; nhu cầu (khả năng khách du lịch sẵn sàng chi trả, sự hiểu biết về giá cả, thông tin về giá cả và tính linh hoạt về giá); giá của các đối thủ cạnh tranh và các quy định về giá. Chiến lược giá rất quan trọng vì giá cả liên quan trực tiếp tới hình ảnh du lịch của điểm đến và cần nhận thức đúng về mối quan hệ giữa giá cả và giá trị lễ hội của địa phương.

Chính sách xúc tiến, quảng bá thu hút khách du lịch đến các điểm đến có du lịch lễ hội: Một địa phương cần xây dựng cho mình một bản thuyết minh và giới thiệu nhất quán nên cần phải tổ chức các hoạt động xúc tiến liên tục để giúp điểm du lịch tránh bị lãng quên. Các hoạt động xúc tiến phải cung cấp nhiều thông tin cho khách, khách dễ dàng tiếp cận với các công cụ mà hoạt động xúc tiến sử dụng và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiềm năng biết tới điểm đến. Các công cụ xúc tiến của địa phương để thu hút khách du lịch đến các điểm đến có du lịch lễ hội bao gồm: quảng cáo, marketing trực tiếp, khuyến mại (xúc tiến bán), quan hệ công chúng, bán hàng trực tiếp.

Chính sách con người: Con người là một yếu tố quan trọng của marketing - mix trong lĩnh vực du lịch, là yếu tố quan trọng cấu thành nên sản phẩm Du lịch. Phần lớn lao động trong ngành Du lịch tham gia trực tiếp vào quá trình phục vụ du khách nên mọi sai sót trong quá trình phục vụ đều bị du khách phát hiện. Do đó, việc tăng cường đào tạo và đào tạo lại để không ngừng nâng cao trình độ của nhân lực du lịch tham gia vào việc phát triển du lịch lễ hội, cung cấp đầy đủ các điều kiện và phương tiện làm việc cho họ, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên tại các điểm đến có lễ hội là rất cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ du lịch lễ hội của địa phương.(Còn nữa)

TS. Hoàng Thị Lan
(Trường Đại học Thương mại)
 

đặc sản Huế, fesstival huế, du lịch, hue tourism, du lịch Huế, khách sạn Huế, huetourism, festival huế, ẩm thực huế, món ngon, món ăn huế

Theo: baodulich.net.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.173.142
Đang truy cập 3.542