Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Cảnh báo du lịch xuống cấp và khuyến nghị của World Bank
Ngày cập nhật 05/07/2019

Mô hình tăng trưởng du lịch dựa trên số đông sẽ dẫn tới rủi ro là tác động của ngành đến nền kinh tế giảm dần, tài sản du lịch văn hóa và thiên nhiên bị xuống cấp, sự ủng hộ của cộng đồng địa phương với du lịch bị xói mòn, Ngân hàng Thế giới (World Bank) khuyến cáo.

Trong báo cáo Điểm lại công bố mới đây, World Bank cho biết, ngành du lịch của Việt Nam cần chuyển dịch trọng tâm để phát triển theo hướng bền vững hơn về văn hóa, xã hội và môi trường.
 
Trong những năm gần đây, số lượng khách du lịch tại Việt Nam liên tục phá kỷ lục, bao gồm cả khách trong nước lẫn khách quốc tế. 
 
Năm 2018, khách quốc tế đạt mức 15,5 triệu lượt, còn khách nội địa đạt 80 triệu lượt, đều tăng lên 4 lần so với 10 năm trước đây.
 
Theo World Bank, số lượng khách du lịch tăng mạnh một phần là do sự chuyển dịch sang cơ cấu khách có mức chi thấp hơn, tiếp tục chú trọng vào những sản phẩm du lịch đại chúng, gia tăng du khách vào những điểm đến quen thuộc vốn đã quá tải.
 
"Nếu thiếu quan tâm, mô hình tăng trưởng du lịch như trên sẽ dẫn tới rủi ro là tác động của ngành đến nền kinh tế giảm dần, tài sản du lịch văn hóa và thiên nhiên bị xuống cấp, sự ủng hộ của cộng đồng địa phương với du lịch bị xói mòn", World Bank khuyến cáo.
 
Bên cạnh đó, tăng trưởng nhanh trong ngành du lịch còn có nguy cơ làm trầm trọng hơn những áp lực vốn đã cao về môi trường và những thông lệ chưa đảm bảo bền vững. Các quốc gia Đông Nam Á thuộc nhóm có kết quả kém nhất về bền vững môi trường, nhưng Việt Nam lại còn đứng sau mốc vốn đã thấp của khu vực.
 
Theo xếp hạng gần đây về năng lực cạnh tranh ngành du lịch năm 2017 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), Việt Nam có thứ hạng thấp hơn mức bình quân ở Đông Nam Á trong hầu hết mọi nội dung đánh giá về bền vững môi trường, ngoại trừ áp lực ban đầu về nước và tự đánh bắt cả vùng duyên hải.
 
Nguồn: WEF
 
Đặc biệt, độ tương quan lớn giữa Việt Nam với mức trung bình ở ASEAN nổi bật trong nội dung về ô nhiễm không khí (nghĩa là ô nhiễm hạt nhỏ), xử lý nước thải và mức độ tuân thủ chặt chẽ các quy định môi trường.
 
Khi số lượng du khách tiếp tục đổ về ngày càng nhiều, áp lực với ba điểm yếu trên sẽ chỉ tăng lên. Tương tự là những nguy cơ khác về môi trường chưa được thể hiện trong chỉ số của WEF, như mức độ tích lũy chất thải nhựa tại Việt Nam đang ở mức cao nhất thế giới sẽ tác động tới hệ sinh thái biển và đất liền. 
 
World Bank đã đề cập tới hiện trạng về môi trường sinh thái tại một số địa danh nổi tiếng như tại Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), ô nhiễm và hủy hoại sinh vật biển hoang dã do các tàu thuyền du lịch và làng chài trong Vịnh là vấn đề tồn tại lâu nay.
 
Mặc dù chính quyền đã tiến hành những biện pháp quan trọng trong những năm qua, như tái định cư làng chài và thắt chặt quy định về xả thải của tàu thuyền, nhưng rủi ro vẫn tiếp diễn do lưu lượng tàu thuyền lớn và đội tàu cũ kỹ, không chỉ gây ảnh hưởng đối với môi trường địa phương mà còn ảnh hưởng đến trải nhiệm chung của du khách.
 
Tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (khu di sản thế giới của UNESCO), tỉnh Quảng Bình, kế hoạch xây dựng đường cáp treo mới dẫn vào hang Sơn Đoòng đã gây lo lắng về nguy cơ gây hại đến rừng xung quanh trong quá trình xây dựng và hệ sinh thái động do cáp treo sẽ làm tăng mạnh khách du lịch.
 
Ngoài ra, World Bank còn cho rằng tăng trưởng khách du lịch tràn lan cũng đe dọa đến bền vững ở các điểm du lịch văn hóa quan trọng.
 
Như Sa Pa (Lào Cai) là thành phố cửa ngõ để đến với những thửa ruộng mang tính biểu tượng quanh vùng, đỉnh núi Fansipan, làng văn hóa Cát Cát. 
 
Tuy nhiên, việc xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng và các công trình du lịch khác (bao gồm cả đường cáp treo dẫn lên đỉnh Fansipan) đã dẫn đến đẩy mạnh phá rừng, ô nhiễm và ùn tắc giao thông, bắt đầu hủy hoại đặc trưng về vẻ đẹp mộc mạc trước đây của vùng này cũng như chất lượng chung về trải nghiệm của du khách.
 
Các tòa nhà lịch sử và di sản đang dần dần bị thay thế bằng các khách sạn, trung tâm thương mại hiện đại.
 
Thêm nữa, rủi ro của xu hướng phát triển trên không chỉ giới hạn ở những điểm du lịch văn hóa thuần túy mà tại các thành phố lớn như Hà Nội, các tòa nhà lịch sử và di sản đang dần dần bị thay thế bằng khách sạn hiện đại và công trình thương mại khác để đáp ứng lượng khách tăng lên.
 
Theo World Bank, "nếu không có những nỗ lực bảo tồn di sản mạnh mẽ hơn, sự hấp dẫn về du lịch văn hóa ở những nơi đó đang gặp rủi ro sẽ mất dần để nhường chỗ cho những cơ hội thiên về thị trường du lịch đại chúng nhiều hơn".
 
Sự ủng hộ của cộng đồng địa phương với du lịch bị xói mòn
 
"Cuối cùng, sức chịu đựng của các cộng đồng địa phương với du lịch và những tác động theo hướng bất lợi đang có rủi ro bị quá tải", World Bank khuyến cáo.
 
Trong những năm qua, nhiều nghiên cứu và khảo sát đã được thực hiện về quan điểm cũng như thái độ của các cộng đồng địa phương về du lịch ở các điểm đến quen thuộc ở Việt Nam.
 
World Bank đã đưa ra một số cuộc khảo sát của các Tạp chí quốc tế chuyên nguyên cứu về du lịch như cuộc khảo sát năm 2015 với 480 người dân địa phương ở Huế cho thấy mặc dù du lịch đem lại cảm giác thịnh vượng và lòng tự hào của cộng đồng, nhưng nhìn chung người dân chưa hài lòng về chất lượng việc làm đem lại, có cảm giác chưa được trao quyền đầy đủ để tham gia vào những quyết định và chính sách về du lịch.
 
Một khảo sát tương tự tại Hội An năm 2016 kết luận rằng người dân địa phương nhìn chung cho rằng du lịch đem lại sự phát triển về kinh tế và văn hóa xã hội tích cực, nhưng lại băn khoăn về tác động của nó đến môi trường.
 
Khuyến nghị
 
World Bank khuyến nghị rằng, Việt Nam cần bảo tồn tài sản văn hóa và môi trường song song với việc đẩy nhanh phát triển ngành du lịch. Cụ thể, để nỗ lực bảo tồn hiệu quả, Việt Nam đòi hỏi phải kết hợp các biện pháp về chính sách, theo dõi và tài chính.
 
Về mặt chính sách, việc xếp hạng những địa điểm văn hóa/thiên nhiên cụ thể cùng những điểm hấp dẫn du khách là điểm bảo tồn hoặc khu vực di sản là biện pháp nền tảng. 
 
Như tại những điểm đến như Hà Nội, ngày càng có nhiều tòa nhà lịch sử đang bị đập bỏ để nhường chỗ cho nhà cao tầng hiện đại, cần cân nhắc áp dụng những quy định hoặc hướng dẫn chặt chẽ hơn về bảo tồn di sản văn hóa.
 
Các biện pháp theo dõi bao hàm xác định hoặc thành lập các tổ chức và hệ thống để theo dõi những rủi ro lớn cho tài sản văn hóa, xã hội và thiên nhiên ở những điểm đến, đồng thời xác định ra những điểm có áp lực đang tăng lên (ví dụ việc sử dụng đồ nhựa dùng một lần đang trở nên phổ biến).
 
Về mặt tài chính, đó là huy động nguồn thu dành riêng cho bảo tồn tài sản, sao cho có đủ nguồn lực để quản lý các điểm di sản và các khu vực được bảo vệ, thực thi hiệu lực đầy đủ các quy định, duy tu bảo dưỡng cả về tài sản và hạ tầng công cộng và các dịch vụ liên quan.
 
Thu phí du khách là cách tiếp cận để đảm bảo nguồn thu dành cho bảo tồn tăng tương ứng với nhu cầu của du khách, qua đó góp phần đảm bảo bền vững. Một phương án nữa trong các gói giải pháp có thể áp dụng là thiết lập quan hệ hợp tác với các quỹ tư nhân hoặc doanh nghiệp để đồng quản lý và đồng tài trợ cho các nỗ lực bảo tồn.
Theo: theleader.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 28.865