Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Người cha thật sự của vua Bảo Đại là ai?
Ngày cập nhật 01/03/2019

 Cuốn "Bảo Đại - Hoàng đế cuối cùng" đưa ra những giả thuyết cho rằng hoàng tử Vĩnh Thụy (tức vua Bảo Đại) không phải con của vua Khải Định.

Mới đây, cuốn sách Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang đã gây chú ý với độc giả khi cung cấp nhiều thông tin, sử liệu mới mẻ và thú vị về nhân vật đặc biệt này.

Vừa qua, cuốn sách thứ hai của cùng tác giả mang tên Bảo Đại - Hoàng đế cuối cùng cũng đã ra mắt. Cuốn sách không chỉ tập hợp khối lượng tư liệu đáng kể về vị vua cuối cùng của Việt Nam mà giống như sự quan chiếu thêm về Nam Phương hoàng hậu qua vua Bảo Đại và ngược lại.

Sách Bảo Đại - Hoàng đế cuối cùng với tham vọng phác chân dung vua Bảo Đại.

Giả thuyết vua Khải Định "bất lực"

Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy sinh ngày 22/10/1913 tại Huế. Cha của Vĩnh Thụy là Nguyễn Phúc Bửu Đảo, tức Vua Khải Định, mẹ là Hoàng Thị Cúc tức bà Từ Cung sau này. Các vị hoàng thân quốc thích đã kể thêm về điều đó cho nhà nghiên cứu Huế là ông Nguyễn Đắc Xuân và ông Xuân đã viết lại như sau:

“Vua Đồng Khánh sinh được sáu trai và hai gái, nhưng chỉ nuôi được một trai là Bửu Đảo và hai gái là Ngọc Lâm, Ngọc Sơn. Vua Đồng Khánh với bà Thánh Cung (con đại thần Nguyễn Hữu Độ) và bà Tiên Cung (họ Dương, mẹ đẻ Bửu Đảo) hằng hy vọng Bửu Đảo sẽ là người nối dõi tông đường, bảo vệ được những gì vua Đồng Khánh đã vun đắp được trong thời gian ở ngai vàng (1885-1888).

Khi Bửu Đảo đến tuổi lập phủ thiếp, hai bà vui mừng đi cưới con quan đại thần Trương Như Cương cho con trai mình ngay, với hy vọng: Làm rể họ Trương vừa có thế lực, vừa được của cải, biết đâu ‘trời đất đoái hoài’, Bửu Đảo được chọn làm vua. Nào ngờ vợ chồng Bửu Đảo ăn ở với nhau không hạnh phúc. Ngày đêm Bửu Đảo chỉ ham thích đánh bạc không ngó ngàng chi đến bà vợ mới cưới. Khi vợ chồng gặp nhau, Bửu Đảo chỉ bàn đúng một việc là làm sao xin gia đình họ Trương cho thật nhiều tiền. Vợ Bửu Đảo rất buồn, nhiều lần phải khóc lóc với cha mẹ mới xin được đủ tiền cho chồng tiêu xài.

Lúc đầu, gia đình họ Trương còn giữ uy tín cho ông hoàng Phụng Hóa công (tước của Bửu Đảo lúc chưa làm vua) nhưng về sau Bửu Đảo cứ ép vợ về lấy tiền hoài, Trương gia bất bình nhiếc móc chàng rể là ‘đồ bất lực vô hậu’.

Biết chuyện con trai duy nhất của mình ‘không có hậu’, hai bà Thánh Cung và Tiên Cung buồn bã, thất vọng não nề, suốt ngày than thở cùng nhau về hậu vận. Và cứ thế, nỗi lo lắng chồng chất làm cho đêm mất ngủ, ngày biếng ăn… sức vóc của hai bà ngày càng sa sút, tiều tụy… Tuy ham mê cờ bạc nhưng Bửu Đảo là đứa con có hiếu, thấy hai mẹ mình buồn đau như thế ông cũng phải lo”.

Từ phải qua: hoàng tử Vĩnh Thụy (vua Bảo Đại sau này), hoàng thái hậu Tiên Cung (bà nội Vĩnh Thụy) và vua Khải Định.

Cũng theo lời kể của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, thì Bửu Đảo đã đem nỗi lo của mình tâm sự với một người trong hoàng tộc thuộc bậc ông nhưng lại cùng trang lứa và chơi rất thân với Bửu Đảo, đó chính là ông Hường Đ. (sinh năm 1885). Để giúp cháu, ông Hường Đ. đã bày cho Bửu Đảo dựng lên câu chuyện như sau:

“Phụng Hóa công vốn là một người bất lực. Nhưng một hôm, công bắn được một con chồn hương, người nhà đã hầm con chồn hương với sâm, nhung và nhiều vị thuốc bổ dương khác. Buổi tối, công uống rượu và ăn món hầm đại bổ ấy... liền cảm thấy hứng khởi và nổi cơn đòi phụ nữ... Giây phút sinh lực trần thế đột ngột, sợ nó tan biến đi nên sẵn có cô Hoàng Thị Cúc đang ở trong nhà, công cho gọi đến và may mắn sao cô Cúc đã thọ thai.”

Tất nhiên, chuyện Bửu Đảo bất lực bấy lâu nay bỗng nhiên làm cho cô Cúc có thai không khỏi khiến người ta nửa tin nửa ngờ. Để làm rõ sự thật, hai bà Tiên Cung và Thánh Cung đã tìm cách tra hỏi cô Cúc xem chủ nhân của cái thai là ai. Các bà sai đào một cái hố (sâu khoảng hai tấc), bảo cô Cúc nằm xuống, để cái bụng có mang nằm lọt dưới hố rồi dùng roi đánh, buộc cô phải khai ra mình đã thụ thai với người nào. Thế nhưng, cô Cúc cắn răng chịu đựng và chỉ nhất mực khai rằng đã thụ thai với Phụng Hóa công. Thế là hai bà cũng phải thừa nhận và công bố với hoàng tộc rằng Phụng Hóa công sắp có người nối dõi.

Nhưng dựa trên lời kể của một số nhân vật thân tín với hoàng tộc như ông Phan Văn Dật và ông Ngũ đẳng Thị vệ Nguyễn Đắc Vọng, thì cái thai trong bụng cô Cúc không phải là của Phụng Hóa công, mà cô đã có thai với Hường Đ.  từ trước. Chính vì lẽ này mà sau đó, Bửu Đảo đã mang ơn Hường Đ. và giúp đỡ cho ân nhân của mình rất nhiều về chuyện quan tước hay tiền bạc. Ngoài ra, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cũng tìm thêm được một số bằng chứng khác chứng minh Vĩnh Thụy chính là con của cụ Hường Đ., như tài liệu 1.700 trang viết tay của thầy Ưng Đồng (con trai ruột của cụ Hường Đ.). Chúng tôi có thể kể ra đây một vài tình tiết như sau:

- Trong khi đi dự họp Nguyễn Phúc tộc ở Phủ Tân, người ta thường chào thầy Ưng Đồng là “ông em giáo sư của cựu hoàng”, ám chỉ thầy Ưng Đồng với Bảo Đại là anh em cùng cha.

- Sau khi Vĩnh Thụy (Bảo Đại) ra đời vào ngày 22/10/1913, thì khoảng một tháng rưỡi sau, vào ngày 7/12/1913, Ưng Linh, con chính thức của cụ Hường Đ. cũng chào đời. Hai người này lớn lên trông đều cao to khỏe mạnh, khi đặt ảnh hai người cạnh nhau thì trông giống như anh em ruột.

- Hay rõ nhất là vào năm 1934, khi vào Đại nội thăm Hoàng đế Bảo Đại, cụ Hường Đ. đã bị mật thám Pháp chặn lại. Trở về nhà, cụ bực mình mà nói: “Đồ chó má! Tau là cha vua mà tụi nó chẳng nể nang chi.”

Về vấn đề này, như tác giả Nguyễn Đắc Xuân đã khẳng định, mẹ đích (mẹ đẻ) của Vĩnh Thụy là bà Hoàng Thị Cúc tức bà Từ Cung. Điều này không ai chối cãi rồi. Nhưng người tạo nên cái bào thai trong bụng để bà sinh ra Vĩnh Thụy mới là rắc rối. Tuy có nhiều giả thuyết được đưa ra nhưng vẫn chưa có lập luận nào đứng vững, trong khi đó, các đương sự có đủ thẩm quyền trả lời về vấn đề này đã trở thành người thiên cổ: Vua Khải Định, bà Hoàng Thị Cúc, cụ Hường Đ. Còn Bảo Đại thì lại không thể trả lời được về chuyện sâu kín này.

Hoàng tử Vĩnh Thụy thời thơ ấu.

Giả thuyết về "âm mưu của thực dân Pháp"

Sau này, một cận thần của Vua Bảo Đại là cụ Phạm Khắc Hòe đã nêu lên một giả thuyết khác về cha đẻ của vua. Thuyết này bắt nguồn từ vị Khâm sứ người Pháp là Pasquier. Cụ Phạm Khắc Hòe viết:

“Khi Khải Định mới được Pháp cho lên làm vua, nhiều người đã bàn tán về sự liệt dương của ông và khẳng định rằng Vĩnh Thụy không phải là con của Khải Định.

Về sau, mối quan hệ tớ thầy giữa Khải Định và thực dân Pháp càng khăng khít thì sự bàn tán ấy càng mở rộng làm cho Khải Định lo lắng sẽ gặp nhiều trở ngại trong việc truyền ngôi cho Vĩnh Thụy.

Khải Định bèn chỉ thị cho Hội đồng Hoàng tộc và Viện Cơ mật làm một tờ biểu xin nhà vua sớm lập Hoàng tử Vĩnh Thụy làm Đông cung Hoàng Thái tử.

Đó là tờ biểu ngày 2/4/1921 mà Khải Định đã tự tay đưa cho Khâm sứ Pasquier để nhờ giúp đỡ.

Pasquier vốn rất thương Vĩnh Thụy và coi đó là con bài tốt nhất để tránh cho thực dân khỏi phải đương đầu trở lại với dòng Thành Thái - Duy Tân chống Pháp. Cho nên ông ta đã mất gần một năm điều tra nghiên cứu rất tỉ mỉ và ngày 25-2-1922 đã gửi cho ông Toàn quyền một bản báo cáo tối mật dài hơn 20 trang đánh máy. Sau đây là một đoạn trích dịch bản báo cáo ấy:

“Nhằm tranh thủ sự đồng tình của những quan lại muốn phục hồi ngai vàng cho một dòng đã hai lần chỉ gây thất vọng (ý nói các vua Thành Thái, Duy Tân), người ta lại một lần nữa tung ra những tin đồn về sự bất lực của Vua Khải Định trong việc tự tạo cho mình một người kế vị trực tiếp và cậu bé nhà vua đang nuôi trong Đại nội không phải là con ông… Họ tung ra nhiều thuyết mà phổ biến nhất là thuyết cho rằng Vĩnh Thụy là con của hai người đầy tớ phục vụ trong gia đình Hoàng thân Phụng Hóa (Khải Định), nam tên là Thừa Quang, nữ tên là Thị Út, sau đổi là Thị Cúc. Nhưng đó là một chuyện hoang đường, sai về cơ bản vì nó không để ý đến một sự thật là Vĩnh Thụy rất giống vua Khải Định".

Về thuyết trên, chúng tôi đã đem so sánh hình hai cha con Khải Định - Vĩnh Thụy lúc nhỏ thì thấy rất giống nhau. Còn người ta nêu ra thuyết Khải Định mặt không to béo, người gầy ốm trong khi Vĩnh Thụy béo tốt, to con nên không thể là con của Khải Định được, thì thuyết này không đứng vững được. Lý do là Vĩnh Thụy ngay khi còn nhỏ đã được chăm sóc, ăn uống đầy đủ theo tiêu chuẩn phương Tây nên sức khỏe tốt, rồi được gửi sang Pháp học, tới năm 13 tuổi thì được phong vua kế ngôi cha Khải Định tạ thế. Nhưng dù được phong vua, Vĩnh Thụy (lúc này là Bảo Đại) vẫn ở Pháp tiếp tục việc học và nhất là Bảo Đại không như các vị vua tiền nhiệm sớm có vợ nên sức khỏe không bị suy yếu, đến năm 21 tuổi ông mới chính thức lấy vợ.

Thái tử Vĩnh Thụy được vua Khải Định đưa sang Pháp học.

Như vậy, thuyết cha yếu, gầy ốm, xanh xao như Khải Định không thể sanh con mạnh khỏe như Bảo Đại là không có cơ sở do những thực tế đã trình bày ở trên. Thế nhưng, cũng chính cụ Phạm Khắc Hòe lại đưa ra một giả thuyết khác nữa:

“Một thuyết nữa khôn khéo hơn, vụ lợi hơn. Đó là thuyết của các ông Tôn Tước cho rằng, việc Vĩnh Thụy được đăng ký vào sổ Hoàng tử ở Phủ Tôn Nhơn chỉ là vì Hoàng thân Phụng Hóa (Khải Định) vốn rất có hiếu với mẹ, muốn làm cho mẹ vui sướng được làm bà nội, nhưng sự thật thì Vĩnh Thụy là con một ông quan to ở Bộ Lễ là Dương Quảng Lược, em ruột của mẹ Vua Khải Định và điều đó cắt nghĩa vì sao Vĩnh Thụy lại giống Khải Định. Nhưng xét cho kỹ thì thuyết này cũng không đứng vững. Trước hết, vì nó chỉ xảy ra bốn hoặc năm năm sau khi Khải Định lên ngôi tức là lúc Vĩnh Thụy đã bảy tuổi.”

Mặt khác, không lẽ Hội đồng Hoàng tộc lại chấp nhận cho đăng ký vào sổ Hoàng tử một cậu bé mà ai cũng biết không phải là con của Hoàng thân Phụng Hóa? Bà nhạc thứ nhất của Hoàng thân Phụng Hóa và là vợ của quan đầu triều Trương Như Cương chắc có đóng góp vào những điều vu khống chĩa mũi nhọn vào chàng rể của mình. Thêm sự keo kiệt của quan đại thần Trương Như Cương đã dẫn đến sự ly dị giữa Hoàng thân Phụng Hóa và con gái họ, vì vậy sự ra đời của Vĩnh Thụy đã khiến người ta gọi đó là con đẻ của lòng tự ái bị xúc phạm.

Nguyên khi gả con cho Hoàng thân Phụng Hóa, Trương Như Cương có hứa với chàng rể mỗi tháng sẽ cho một số tiền nhưng sau lại từ chối không cho.

Để trả thù ông nhạc đã không giữ lời hứa, Hoàng thân Phụng Hóa không thèm ngủ với con gái của ông già keo kiệt. Bà Trương Như Cương bèn can thiệp, năn nỉ chồng nên làm trọn lời đã hứa, ông hoàng rể cũng khăng khăng đòi tiền. Nhưng Trương Như Cương vẫn nhất định không nhả tiền ra.

Cuối cùng, một hôm, trong cơn đấu khẩu với gia đình, bà mẹ vợ nổi nóng đã nhiếc chàng rể là “đồ bất lực”.

Lòng tự trọng của đấng mày râu bùng nổ, ông hoàng rể lập tức phủ định lời chế giễu của bà mẹ vợ bằng một cử chỉ hào hùng: ngài đã chọn trong bọn đầy tớ gái của vợ mình một cô đẹp nhất, mạnh khỏe nhất và ban ngay cho tại chỗ một trận mây mưa dồi dào và kết quả là sự hạ sinh một ông hoàng.

Sau khi khẳng định như vậy, Khâm sứ Pasquier nhấn mạnh thêm về lợi ích chính trị của vấn đề và đề nghị Toàn quyền cho phép thông báo cho nhà vua biết rằng Chính phủ Cộng hòa Pháp vui mừng được thấy lời thỉnh cầu của Nam triều về việc lập Hoàng tử Vĩnh Thụy làm Đông cung Hoàng Thái tử sẽ sớm được thực hiện.

Đề nghị của Khâm sứ Pasquier được Toàn quyền chuẩn y một cách khẩn trương và một tháng sau, cậu bé Vĩnh Thụy mới tám tuổi đã chính thức trở thành Đông cung Hoàng Thái tử thứ hai từ đời Gia Long.

Nhưng theo cụ Phạm Khắc Hòe, tất cả các màn kịch trên vẫn không thay đổi được sự thật là Vĩnh Thụy không phải là con vua Khải Định. Cụ Hòe cho rằng, Vĩnh Thụy chưa hẳn đúng là con của Khải Định “đúc cốt” mà Khải Định chỉ là kẻ “tráng men”. Cơ sở của sự thật ấy như sau:

“Năm 1907, thực dân Pháp sau khi phế truất thành công Thành Thái, đã định đưa Bửu Đảo (con Đồng Khánh và là Khải Định sau này) lên ngôi để chúng bón phân thêm cho ‘cây giống’ bù nhìn Đồng Khánh, nhưng vì khi đưa vấn đề ra cuộc hội thương giữa Khâm sứ Pháp và triều đình Huế, nhiều đình thần tỏ ý không muốn đặt lên ngai vàng một ông vua ‘vô hậu’ nên thực dân Pháp đành chấp nhận Duy Tân. Việc này đã được ghi vào trong biên bản của cuộc hội thương ấy.

Trước ngày Vĩnh Thụy chào đời theo thuyết ‘một cơn sóng tình đột xuất’ của Pasquier, Khải Định đã có hai vợ và sau đó lấy thêm mười vợ nữa mà không bà nào có con cả".

[...]

Như vậy, cho tới nay, chúng tôi thấy chưa có tác giả nào dám khẳng định và cam kết mình biết rõ sự thật ai là cha đẻ của Bảo Đại. Còn thuyết nọ, thuyết kia đưa ra cũng chỉ là do một phía chống đối, ghen ghét hoặc bảo vệ Khải Định mà thôi. Chỉ có một sự thật lịch sử có thể nắm bắt được, đó là việc Bảo Đại được tấn phong Đông cung Hoàng Thái tử trước khi Khải Định băng hà.

Trích sách "Bảo Đại - Hoàng đế cuối cùng"

Theo: news.zing.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 66.495