Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Thời của du lịch thông minh lên ngôi, Kỳ cuối
Ngày cập nhật 08/08/2018

Trong sự phát triển của kỷ nguyên số, internet đã trở thành một phương tiện thuận lợi giúp kết nối trực tiếp giữa người dân địa phương và du khách một cách nhanh chóng, thuận tiện và làm thỏa mãn nhu cầu của khách du lịch.

Kỳ cuối: Công nghệ giúp du lịch như “hổ thêm cánh”

Thông qua ứng dụng công nghệ, khách hàng có thể tự làm thủ tục lên máy bay - ảnh tư liệu

Thời của kỷ nguyên số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động đến nhiều lĩnh vực trong sự phát triển kinh tế – xã hội, trong đó có lĩnh vực dịch vụ du lịch. Việc ứng dụng công nghệ số vào du lịch là cách hỗ trợ cho du khách tiếp cận điểm đến, các dịch vụ trên tour, giúp thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu hành trình để chuyến đi đạt chất lượng và hiệu quả. Ngoài ra, xu hướng các mạng lưới trung gian sẽ giảm dần hoặc phải thay đổi để đáp ứng các nhu cầu mới của du khách và cộng đồng. Đồng thời, hệ thống dữ liệu thông minh sẽ thống nhất khối dữ liệu du lịch khổng lồ mà hiện nay đang tản mát (rải rác ở các bộ phận chưa tập trung – PV), được tất cả các thành phần trong ngành Du lịch cùng xây dựng và khai thác để tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm và dịch vụ du lịch nhờ khả năng cá nhân hóa được xu hướng và nhu cầu của các du khách thông qua internet.

Theo thông tin của đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường công nghệ số Nielsen, doanh số du lịch trực tuyến trên thế giới năm 2016 tăng 13,8% và đạt giá trị khoảng 565 tỷ USD, trong đó thị trường châu Á – Thái Bình Dương vươn lên dẫn đầu thế giới về du lịch trực tuyến từ năm 2017.

Trong khi đó, theo dự đoán của Google, tại khu vực Đông Nam Á, giá trị của du lịch trực tuyến sẽ tăng từ 22 tỷ USD năm 2015 lên 90 tỷ USD vào năm 2025. “Thực tế này buộc tất cả các thành phần trong ngành Du lịch, từ các cơ quan quản lý nhà nước cho đến các công ty cung cấp sản phẩm – dịch vụ du lịch, đều đứng trước yêu cầu phải thực hiện quá trình chuyển đổi số càng sớm càng tốt, hướng tới hình thành một hệ thống tích hợp và trao đổi dữ liệu du lịch thông minh của Việt Nam”, bà Trần Bảo Trân, chuyên gia Du lịch và Phát triển, Giám đốc khu vực châu Á Diễn đàn Du lịch thế giới, nhận định. Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, xu hướng người Việt Nam và cả du khách quốc tế dùng điện thoại thông minh hoặc các thiết bị điện tử để tra cứu thông tin trước khi đi du lịch ngày càng nhiều.

Robert (22 tuổi, khách du lịch đến từ nước Pháp) chia sẻ rằng, phần đa những du khách trẻ thường có xu hướng đi du lịch tự do, đi phượt… để được trải nghiệm nhiều hơn về văn hóa điểm đến. “Do đó, du lịch thông minh là tiếp cận thông tin đa dạng và tiện lợi nhất”, Robert thừa nhận.

Tại một cuộc hội thảo về phát triển du lịch gắn với công nghệ, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Đại Dương, nhận định rằng, du lịch là ngành mà Việt Nam có nhiều lợi thế và tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, để có thể tận dụng thành công cơ hội này, bản thân các doanh nghiệp du lịch cần phải sẵn sàng cho sự chuyển đổi số một cách quyết liệt.

Xây dựng du lịch thông minh

Trước xu thế phát triển của công nghệ số, nhiều quốc gia đã bắt tay vào xây dựng du lịch minh để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của du khách.

Ở Việt Nam, nhiều thành phố lớn, thu hút đông lượng khách du lịch như Hà Nội và TP.HCM đều xây dựng du lịch thông minh. Tại diễn đàn TPO thứ 8 được diễn ra cách đây chưa lâu tại TP.HCM, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Liêm nhấn mạnh, đây là cơ hội để các thành viên tiếp cận các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hoạt động du lịch – xu hướng tất yếu trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0.

Chia sẻ về du lịch thông minh, ông Perry Hobson, chuyên gia đến từ Malaysia cho rằng, công nghệ đã làm thay đổi ngành Du lịch một cách rõ rệt. Thông qua internet, khách du lịch có nhiều “kênh”, dễ dàng tìm kiếm thông tin và đặt dịch vụ. Chính điều này đã đòi hỏi không chỉ doanh nghiệp mà điểm đến cũng phải “thích ứng” để đáp ứng nhu cầu.

Không chỉ doanh nghiệp đầu tư mạnh cho du lịch thông minh mà theo chia sẻ của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, công nghệ, nhiều thành phố ở các quốc gia trên thế giới cũng đang phát triển theo xu hướng này để mang lại các tiện ích cho du khách và nâng cao vị thế cạnh tranh điểm đến.

Đơn cử như thành phố Fukuoka (Nhật Bản) cho phép khách du lịch dùng dấu vân tay để thanh toán dịch vụ và làm thủ tục nhận phòng, dùng công nghệ thực tế ảo cho khách trải nghiệm không khí của lễ hội. Những thành phố khác ở Hàn Quốc, Malaysia... cũng tích cực tham gia xu hướng du lịch thông minh bằng cách cung cấp các dịch vụ wifi miễn phí không giới hạn dung lượng, dùng mã QR để trả tiền dịch vụ, tìm điểm tham quan cùng nhiều tiện ích khác. Phân tích về công nghệ gắn với phát triển du lịch, Giáo sư Perry Hobson (người Malaysia) khẳng định, đây là thời đại của trí thông minh nhân tạo nên du khách có nhiều cơ hội tìm kiếm thông tin, đặt dịch vụ dễ dàng chỉ qua một chiếc điện thoại. Vì thế, doanh nghiệp du lịch phải thay đổi một cách thông minh hơn để tiếp cận và đáp ứng nhu cầu khách hàng mọi lúc mọi nơi.

Đồng ý với quan điểm trên, Giáo sư Yoonjae Nam (người Hàn Quốc) cho biết thêm, số hóa là trọng tâm, mang lại nhiều tiềm năng nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành Du lịch. Để phát triển du lịch trong thời đại 4.0, nhiều thành phố ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia... đã đầu tư mạnh cho du lịch thông minh như áp dụng ví điện tử giúp khách không phải trả tiền mặt dù mua một trái dừa trên đường. Bằng việc áp dụng mã QR, khách có thể tự check-in khách sạn, lên máy bay không cần boarding pass, thay vé vào cửa nhiều điểm vui chơi, thuê xe tự lái, không cần chìa khóa phòng...

Với công nghệ, mọi thứ rất tiện lợi, cơ quan chức năng vẫn theo dõi được mọi thông tin, xử lý nhanh mọi than phiền, khiếu nại của khách, kiểm tra xem món đồ đó bán có đúng giá không…

Hiểu rõ tầm quan trọng của công nghệ trong sự phát triển của du lịch, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, khẳng định: “Ngành Du lịch xác định ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ là xu hướng phát triển tất yếu mà còn là bước đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Do đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Du lịch được chú trọng theo hướng tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0, đẩy mạnh số hóa công tác quản lý ngành Du lịch, lấy nhu cầu của khách du lịch, người dân và doanh nghiệp làm trung tâm...”.

Nguyễn Nam

Theo: baodulich.net.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 751