Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Sông Hương là không gian và trục cảnh quan chính
Ngày cập nhật 02/11/2018

Đó là mong muốn của Chủ tịch UBND TP. Huế, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo dự án (DA) Koica - Nguyễn Văn Thành tại hội thảo cuối kỳ quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương (QHCTHBSH) và DA thí điểm diễn ra sáng 1/11. 

Tham dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; ông Kim Jin-oh, Trưởng đại diện Koica tại Việt Nam; các đơn vị tư vấn Hàn Quốc và lãnh đạo các sở, ban ngành.
 
Dự án QHCTHBSH do Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (Koica) tài trợ 6 triệu USD, triển khai từ tháng 9/2015. Dự án bắt đầu từ đồi Vọng Cảnh đến phố cổ Bao Vinh với chiều dài 15km, bao gồm cả cồn Hến và cồn Dã Viên với diện tích quy hoạch gần 840ha, trong đó khu vực HBSH hơn 313ha và diện tích mặt nước 485ha.
 
Khung cảnh cầu đi bộ sông Hương vào buổi chiều thu hút nhiều người đi dạo, ngắm cảnh. Ảnh: P. Thành
 
Dự án thiết lập điểm mốc ven sông và địa điểm tổ chức các sự kiện, lễ hội tầm vóc quốc tế; hình thành cảnh quan ven sông hài hòa với cảnh quan tự nhiên và môi trường văn hóa lịch sử. Với mục đích tạo sức sống cho TP cũng như phát triển trục trung tâm, DA triển khai các tính năng để TP phát triển, như thiết lập không gian đặc biệt ven sông nhằm củng cố sức sống và tăng cường cảnh quan, tính liên kết khu vực bằng hệ thống mạng lưới giao thông đường thủy, qua đó cung cấp không gian giải trí và hoạt động ngoài trời cho người dân và du khách. Ngoài ra, DA thiết lập không gian ven sông thân thiện môi trường và an toàn trước thiên tai.
 
Theo Quản lý DA Koica Giáo sư Moon Chang-Yeob, khi thực hiện QHCTHBSH và DA thí điểm, các đơn vị tư vấn Hàn Quốc đặc biệt chú ý tới cây cầu đi bộ trên sông Hương. Vì vậy, DA quy hoạch cầu đi bộ không chỉ mang tính chất nối liền giữa cầu Phú Xuân và Trường Tiền mà có ý nghĩa là tạo không gian thư giãn, là địa điểm tổ chức các lễ hội vừa và nhỏ để thu hút khách. Mặt khác, cây cầu không chỉ mang tính chất đi bộ dọc HBSH mà còn là điểm đến hấp dẫn để du khách khám phá và thưởng thức vẻ đẹp của khu vực hai bên bờ sông.
 
Giáo sư Moon Chang- Yeob nhấn mạnh, sau này nếu người dân Huế đồng lòng và mong muốn tiếp tục nhận sự hỗ trợ để khai thác vẻ đẹp riêng có của HBSH thì chúng tôi sẽ sẵn sàng hợp tác với mong muốn phát huy và khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh vẻ đẹp HBSH, góp phần đưa TP. Huế không những trở thành trung tâm văn hóa du lịch tiêu biểu của cả nước mà còn trở thành điểm đến du lịch quốc tế.
 
Với mục đích mang lại hình ảnh cảnh quan đa sắc màu, phản ánh được từng đặc điểm khu vực ở HBSH, DA đã xây dựng hệ thống quản lý theo điểm, tuyến, khu vực đối với nguồn tài nguyên cảnh quan như công trình kiến trúc, văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên.
 
Chủ tịch UBND TP. Huế Nguyễn Văn Thành thông tin, trên cơ sở đồ án QHCTHBSH, TP đã và đang triển khai xây dựng một số DA tại bờ Nam sông Hương, như chỉnh trang công viên Tứ Tượng, đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, lắp đặt hệ thống camera giám sát, điện chiếu sáng nghệ thuật cầu Trường Tiền, xây dựng đường đi bộ ven sông trong khuôn viên công viên Lý Tự Trọng để kết nối với DA thí điểm, hình thành tuyến đường kết nối các khu vực bờ Nam, từ khu vực phố đi bộ Võ Thị Sáu, Chu Văn An, Phạm Ngũ Lão đến phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, công viên 3/2, Tứ Tượng, Lý Tự Trọng.
 
Quang cảnh hội thảo
 
Ông Nguyễn Văn Thành cho rằng, sau khi DA thí điểm và các hạng mục chỉnh trang HBSH hoàn thiện, ngoài việc huy động các nguồn lực để đầu tư, chỉnh trang xây dựng các công trình, TP và người dân Huế phải ứng xử, quản lý và coi sông Hương là công trình di sản để giữ gìn và phát huy giá trị riêng có của khu vực HBSH. Phải tạo thêm nhiều địa điểm vui chơi giải trí, bán hàng lưu niệm cũng như dốc sức đầu tư hạ tầng, để sông Hương trở thành không gian và trục cảnh quan chính, tạo bản sắc cho Huế để thu hút du khách.
 
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đánh giá DA quy hoạch chi tiết HBSH và DA thí điểm có ý nghĩa quan trọng đối với TP. Huế nói riêng và tỉnh nói chung khi mục tiêu của tỉnh là đẩy nhanh tốc độ phát triển trên cơ sở đảm bảo yếu tố bền vững, hài hòa giữa bảo tồn - phát triển, bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên. Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, DA góp phần rất lớn trong việc phục vụ du lịch và phát triển kinh tế xã hội, phát huy giá trị cảnh quan và tạo nên những không gian mới quyến rũ, hấp dẫn HBSH, đồng thời là điểm nhấn về kiến trúc cảnh quan cho khu vực trung tâm TP. Huế.
Trưởng đại diện Koica tại Việt Nam, ông Kim Jin-oh cho rằng, DA QHCTHBSH với tư cách là DA nối tiếp của Đồ án “Quy hoạch xây dựng và cải thiện chung TP. Huế”. Mục đích của DA là góp phần vào việc phát triển cân bằng đô thị với ý nghĩa “phát triển và bảo tồn”, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua mô hình phát triển trung tâm sông Hương.
 
Bài, ảnh: Thanh Hương
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 30.773