Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Điều ít biết về cuộc tập kích quân pháp ở trạm Nam Chơn Bài 2: Những lý giải của người Pháp về tấn thảm kịch ở Nam Chơn
Ngày cập nhật 01/03/2019

Camille Paris viết: “Hai ngày trước khi diễn ra tấn thảm kịch ở Nam Chơn của người Pháp. Có hơn 200 dân phu do những người cai dẫn đến để xin được làm việc tại công trường. 

Con đường vượt đèo hải Vân
 
Đại úy Besson vì nôn nóng cho công trình sớm được hoàn tất nên đã nhanh chóng chấp thuận mà không một chút mảy may nghi ngờ. Ông ta cũng chỉ nghĩ rằng đám cu li ấy chỉ đến xin việc làm để kiếm cái ăn cho đỡ đói. Ấy thế mà chính hơn 200 dân phu ấy là quân phiến loạn đến trước để liên kết với 300 phiến quân khác trong đêm 28/2 rạng ngày 1/3/1886”.
 
Liên quan đến con số 300 nghĩa quân này, một tài liệu của ông Lucien Huard đã viết và được Henri Cosserat công bố trong tập san BAVH năm 1925 như sau: “Vào khoảng giữa 11 và 12 giờ đêm, có 300 người An nam nổi loạn đi bằng thuyền đáp vào Vịnh Tourane. Họ đã yên lặng đổ bộ lên làng Nam Chơn, lúc đó không còn ai thức. Họ đã bao vây 2 cái nhà và tuồn vào nơi ông đại úy Besson ở. Ông này đang làm việc trước một cái bàn. Ông đại úy vừa đủ thời gian đặt bàn tay lên khẩu súng lục mà một phát đạn duy nhất vừa được bắn ra, ông liền bị bắt, quật ngã xuống đất và giữ chặt bởi những kẻ thù hận điên loạn, họ chặt đầu ông đại úy ngay và châm lửa đốt nhà.
 
Thân thể của Besson chỉ còn lại chân tay bị thiêu cháy, người ta đã tìm thấy chiếc đầu của Besson ở một cái hố trên bãi biển Nam Ô. Ở ngôi nhà khác thì cuộc mưu sát không hoàn thành được một cách dễ dàng. Bị đánh thức bởi phát súng của viên đại úy và được soi sáng bởi ngọn lửa của ngôi nhà đang cháy, cuộc đánh nhau kéo dài khá lâu.
 
Những người lính Pháp đã rất kinh hoàng khi họ đang ngủ, không đem lại một chút thành công nào trong việc đẩy lùi bước tấn công của những người An nam vào ngôi nhà của họ. Những người lính Pháp bèn đặt chướng ngại vật để cản bước tiến của người An nam, nhưng ngay lập tức những người An nam ấy đã châm lửa để đốt cháy căn nhà. Những người lính đã rất đau khổ vì khói mù, lúc đó họ phải chạy ào ra ngoài và tất cả đều bị giết”. Viên đội trạm có một ngôi nhà ngói nằm gần đó đã lủi trốn, để lại trong căn nhà ấy một mẹ già và mấy bà vợ đang run rẫy quỳ gối cầu nguyện trước bàn thờ.
 
Những người nghĩa quân tham gia cuộc tập kích đã tha chết cho họ và sau đó chính bà già 85 tuổi mẹ của viên Đội là nhân chứng duy nhất kể lại cho Camille Paris cùng các nhà chức trách Pháp khác nghe những gì đã xảy ra trong đêm 28/2 rạng sáng ngày 1/3/1886 ở Nam Chơn.
 
Chi tiết này sau đó đã được đại úy Jean Masson viết lại và công bố trong tạp chí BAVH, năm 1925 như sau: “Trong khi làm biên bản điều tra về biến cố này, cốt để tìm cho ra thủ phạm của vụ ấy, người ta đã tìm ra cái đầu của đại úy Besson trong những trường hợp tỏ ra một khía cạnh lạ lùng trong phong tục An nam. Tại Nam Ô, một ngôi làng cạnh trạm Nam Chơn, có một bà già 85 tuổi đã nói cho vị sĩ quan có nhiệm vụ làm biên bản điều tra biết rằng bà đã có sự phát hiện can đảm để chỉ chỗ cho biết, nhưng bà cũng nói rằng, nếu chẳng may bà nói ra chắc chắn bà sẽ bị giết bởi dân chúng ở đây đã thỏa hiệp với thủ phạm.
 
Bà nói, tuy nhiên, cũng có cách sắp xếp ổn thỏa, là bắt tôi ra chịu đánh trước công chúng, và sau đó tôi có thể nói ra mà không nguy hiểm, bởi vì ai cũng tin rằng tôi chỉ tiết lộ điều đó vì chịu đau không nổi”. “Người ta đã phải làm theo lời ước nguyện đó, nhưng bằng cách đánh cho bà ấy dữ dội, mặc dầu thế,thì cũng là đánh giả vờ thôi. Bà đã khai những thủ phạm theo bà biết và đã chỉ chỗ người ta giấu cái thủ cấp của đại úy Besson, thủ cấp này được đem chôn cất với nơi chôn cất tất cả các quân nhân Pháp bị giết ở nghĩa địa Tourane”.
 
Cũng trong trận tập kích này, tên tri huyện tay sai Trần Bân thuộc huyện Hòa Vang có nhiệm vụ ứng đón đoàn công tác của đại úy Besson ở Nam Chơn trong đêm ấy, cũng đã bất thần trốn về Nam Ô, nhưng trên đường lẩn trốn đã bị nghĩa quân chặn bắt rồi áp giải về giao cho thủ lĩnh hỏi tội.
 
Một làng ở phía Nam đèo Hải Vân xưa 
 
Một tài liệu khác cũng đã được công bố trong BAVH số năm 1925, tác giả Henri Cosserat đã viết: “Chính trung úy Malglaive là người đầu tiên đã cùng với 7 người nữa có mặt ở nơi đã xảy ra thảm kịch, đi theo bên ông ấy là Camille Paris. Họ có bổn phận nặng nề là đến thu dọn những xác chết không thành hình thù gì nữa của những người đồng hương da trắng. Tất cả họ đã được đưa về Tourane, tại đây họ đã được chôn cất trong nghĩa địa cũ. Thảm kịch ở Nam Chơn được mọi người cho là quá bất ngờ, và qua đó đã thấy được yếu điểm của quân số nơi đây. Tướng Prudhomme, tổng chỉ huy quân số Pháp ở Trung kỳ thời đó, không thể giữ tiếp số quân cần thiết để truy kích toán người khởi loạn được.
 
Trong ánh lửa hạ dần của những ngôi nhà mà đại úy Besson và các thuộc hạ của mình trú đóng, những người nghĩa quân đã lần lượt phân tán làm hai cánh. Một rút lên các thác nước nằm phía trên trạm Nam Chơn, một đi ra biển vòng về phía nam Ô. Không một dấu vết để lại trên hiện trường khả dĩ làm chỉ dẫn cho quân đội Pháp lần theo đó để mở cuộc truy lùng...Trung úy Gimard đã dẫn 30 quân của mình đi đến làng Nam Ô để tìm hiểu về tăm hơi của những người tham gia cuộc tập kích.
 
Nhưng tất cả đã hoài công. Những người Pháp lúc đó đã nhìn thấy trên đỉnh Hải Vân phất phới tung bay một lá cờ của nghĩa quân nhưng họ chỉ đứng nhìn trong bất lực...Ngày 8/3/1886, quân Pháp phải đau đớn ra bản “nhật lệnh” cho các binh đoàn của họ đang trú đóng tại Trung kỳ, gọi là để báo tang “Quân lệnh của lữ đoàn số 45.
 
“Một biến cố đau thương vừa xảy ra ở Trung kỳ”, “Đại úy công binh Besson, thuộc phái bộ quân sự, lãnh trách nhiệm điều chỉnh con đường Huế-Đà Nẵng, đã bị đánh úp và bị sát hại cùng với đội hộ tống gồm có một trung sĩ công binh và sáu lính thủy quân lục chiến, trong đêm 28 tháng 2, rạng ngày 1 tháng 3 vừa qua ở Nam Chơn...Tổng hành dinh Huế, ngày 8 tháng 3 năm 1886 - Tư lệnh các binh đoàn ở Trung kỳ. Ký tên: Prudhomme”.
 
Sau tấn thảm kịch ở Nam Chơn, người Pháp vẫn không từ bỏ ý đồ “bình định” tỉnh Quảng Nam, đặc biệt là vùng Tây-Bắc của tỉnh này. Vì thế, mặc dù đoàn công tác cầu đường ưu tú nhất của họ đã bị nghĩa quân xóa sổ nhưng ngay sau đó. Một đại úy công binh khác có tên là Nicod đã được giao phó trách nhiệm để tiếp tục công trình mà những người đồng nghiệp của ông ta đang thực hiện dang dỡ.
 
Phải làm việc liên tục trong một thời gian dài ở nơi rừng thiêng nước độc, viên đại úy kế nhiệm Nicod đã bị nhiễm các mầm bệnh nên cơ thể ông ta cứ lần hồi suy kiệt đến mức ông ta đã phải rời nhiệm sở để hồi hương vào tháng 7 năm 1887.
 
Chuyến hồi hương ấy cũng đã không cho ông ta có cơ hội để nhìn thấy quê hương, vì bệnh nặng, viên đại úy đã chết khi đang ở trên chiếc tàu thủy có tên là Oxus, khi chiếc tàu này đang lênh đênh ngoài biển cả, đó là ngày 6/8/1887.
 
Chắc chắn rằng, cuộc tập kích Nam Chơn của nghĩa quân đã được chuẩn bị một cách rất kỹ lưỡng.
 
Theo đánh giá của viên khâm sứ Trung kỳ lúc bấy giờ là Baille thì: “Cuộc tập kích trên đã được lệnh từ bộ tổng tham mưu của phong trào nghĩa hội do Nguyễn Duy Hiệu làm thủ lĩnh đưa xuống. Có thể là như thế, bởi lẽ từ Tân Tỉnh Trung Lộc Quế Sơn là nơi lãnh tụ Nguyễn Duy Hiệu chọn làm đại bản doanh của phong trào nghĩa hội đến làng Cu Đê (Nam Ô) là điểm xuất phát của lực lượng nghĩa quân đã tập kích Nam Chơn có chiều dài hơn 70 cây số.
 
Vì vậy, nếu nghĩa quân không được báo trước thì khoảng thời gian chỉ vỏn vẹn có 6 tiếng đồng hồ đoàn công tác của đại úy Besson dừng lại ở trạm Nam Chơn thì lực lượng nghĩa quân có xông xáo, nhạy bén đến đâu cũng không dễ tổ chức tập kích một cách ngoạn mục như thế được.
 
Nhân đây, chúng tôi cũng xin được nói lại cùng bạn đọc đôi chút về phong trào nghĩa hội ở Quảng Nam.
 
Theo sách “Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam” của tác giả Nguyễn Sinh Duy do NXB Đà Nẵng ấn hành năm 1998 thì: Suốt trong tháng 6 năm Ất Dậu (1885), tin tức giao liên giữa ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định “long ngóng” không ngớt, và tội nghiệp thay cho con ngựa trạm phi suốt ngày đêm, nên đã bị “què chân”! Địa đầu của cực Nam nằm sâu về hướng Tây-Nam của tỉnh Quảng Nam, nơi sơn phòng sứ Trần Văn Dư trấn đóng đã trở thành đầu mối chỉ đạo và liên lạc giữa ba tỉnh Nam-Ngãi-Định.
 
Do vị trí chiến lược và xã hội của một ông tiến sĩ, lại đang giữ chức chánh sứ sơn phòng Quảng Nam, nơi tiếp cận của ba tỉnh, Trần Văn Dư đã được bầu làm chủ Nghĩa hội.
 
Trần Văn Dư sinh năm 1839, quê ở làng An Mỹ Tây, huyện Tam Kỳ (Nay thuộc phường Tam An, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam). Ông đỗ tiến sĩ năm 1875, làm quan từ chức Hành tẩu tại Viện cơ mật, rồi lên các chức Tri phủ Ninh Giang (1876), tri phủ Quảng Oai (1879), Hàn lâm viện thị độc (1880), Giảng tập ở Dưỡng Thiện đường dạy cho hai hoàng tử Ưng Đăng và Chánh Mông (sau này là vua Dục Đức và Đồng Khánh), làm Án sát sứ đạo An Tĩnh (1882), biện lý bộ lại, Thương bạc sự vụ (1883), rồi cuối cùng giữ chức Chánh sứ sơn phòng Quảng Nam (1884).
 
Nhân đây cũng xin được nói thêm rằng, không biết đã có sự chuẩn bị từ trước hay không nhưng trong “Quốc triều chánh biên”, phần Hàm Nghi đế có chép lại rằng: “Tháng 7 năm Giáp Thân (1884) sửa nha sơn phòng Quảng Nam. Bởi vì quan đốc tiểu sứ là Trần Văn Dư xin sửa chữa cho kỹ để vững mặt tả kỳ, cho nên có chỉ cho sửa”.
 
Và trước ngày khởi sự phản công chống Pháp ở kinh thành Huế, Đại thần Tôn Thất Thuyết đã cho tải chứa rất nhiều muối gạo tại sơn phòng Quảng Nam, cũng như đã cho mang vào đây 90 gánh vàng bạc…rõ ràng là đã có những toan tính sâu xa cho một vùng căn cứ nằm về phía Nam Huế...
 
(còn nữa)
 
Phan Bùi Bảo Thi 
Theo: giaoducthoidai.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.036.967
Đang truy cập 18.625