Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Dấu mốc ven đường
Ngày cập nhật 19/03/2019

Đến thời điểm này khó nói rõ cụ thể, chính xác về sự tồn tại của những phiến đá nằm ven đường từ trong xóm, đầu làng hay ngã tư giao lộ… được người dân xứ Huế thờ phụng. Nhưng quanh phiến đá ấy là những câu chuyện, giai thoại được truyền miệng từ đời này sang đời khác vô cùng sinh động, như một nét chấm phá về sự độc đáo của văn hóa tín ngưỡng.

Phiến đá “Thạch cảm đương” ở xóm Thượng, làng Nguyệt Biều (TP. Huế) có từ lâu đời và vẫn được gìn giữ đến bây giờ
 
Nét văn hóa độc đáo
 
Không khó để nhận ra một phiến đá được dựng ngay mép dưới cây bồ đề, cạnh quán cà phê ở ngã tư Hùng Vương – Nguyễn Tri Phương (TP. Huế). Giữa nhịp sống ồn ào sôi động, trải qua không biết bao phen chỉnh trang đô thị, phiến đá ấy đến thời điểm này vẫn được người dân sống quanh đó bảo vệ, khói hương. Bên trên phiến đá được khắc bốn chữ: “Đệ bát địa phận” (mốc giới phường Tám). Anh Nguyễn Trọng Nguyên – chủ quán cà phê ngoài 30 tuổi ở ngã tư này kể rằng, từ khi sinh ra và lớn lên đã thấy phiến đá này nằm ở vị trí này, nó như một nhân chứng của sự phát triển đô thị qua biết bao thời kì.
 
Khi hỏi về niên đại phiến đá, anh Nguyên nói khó mà khẳng định được chính xác, chỉ biết rằng có từ xa xưa, hơn cả trăm năm, từ thời ông nội đã có. “Tôi chỉ nghe người lớn kể lại phiến đá này được dựng lên như một cột mốc phân biệt địa giới các phường ngày xưa”, anh Nguyên nói và cho biết, trải qua biến thiên thời gian, nhiều công trình xây dựng, mở rộng đường sá khi đi ngang qua đây đều tránh phiến đó, vì thế phiến đá vẫn giữ được nguyên vẹn.
 
Cũng theo anh Nguyên, có nhiều người từng tới xin đem phiến đá để đem về nghiên cứu, nhưng người dân sống quanh đây không đồng ý. Với họ, phiến đá giờ đây như một phần của cuộc sống. “Phiến đã như một am thờ, được chúng tôi thờ cúng, thắp nhang hàng ngày. Thi thoảng, nét chữ trên phiến đá xuống màu chúng tôi cũng mua vôi hoặc sơn quét lại cho rõ ràng”, anh Nguyên tâm tình.
 
Trong khi đó, nằm cạnh dòng sông Hương, phiến đá cổ ở xóm Thượng, làng Nguyệt Biều (TP. Huế) cũng nổi tiếng với truyền thuyết có từ xa xưa. Lần theo chỉ dẫn của người dân trong làng, chúng tôi men theo gần hết con đường Nguyệt Biều để tìm thấy nơi thờ phiến đá nằm ngay con đập dưới tán cây vông đồng. Phiến đá hình chữ nhật, được khắc sâu ba chữ Hán “Thạch cảm đương”.
 
Ông Hồ Hữu Định (88 tuổi, vị cao niên của làng) sống gần đó kể rằng phiến đá đã tồn tại từ lâu đời, được làm bằng đá thanh, có đế rất to, rất linh thiêng. “Có nhiều chuyện về phiến đá đó lắm. Tui nghe các cụ đi trước kể lại rằng, ngày xưa làng Nguyệt Biều tiếp cả sông lẫn rừng núi nên hay xuất hiện thú dữ về quậy phá. Sau nhiều suy nghĩ, đắn đó, các vị bô lão đã quyết định dựng bia thạch cảm đầu làng, nay ở vị trí hiện tại để trấn giữ. Và kể từ đó thú dữ không còn xuất hiện, làng yên ổn”, ông Định kể.
 
Phiến đá “Đệ bát địa phận” nằm ngay ngã tư đường Hùng Vương - Nguyễn Tri Phương
 
Dấu mốc tín ngưỡng
 
Cũng như hai phiến đá trên, trải qua biết bao biến thiên của lịch sử nhiều phiến đá khác vẫn đang tồn tại, như một nhân chứng của sự thay đổi, phát triển của xã hội. Có thể kể đến phiến đá “Thái Sơn thạch cảm đương” ở ngã ba xóm Thượng, làng Hải Cát (xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà); “Thần thạch trấn lộ” ở bên hông chùa Diệu Đế, đường Chùa Ông; “Thiền Tông tự địa phận” bên đường Thiên Thai…
 
Có lẽ nơi nào được chọn đặt “thần đá” cũng được xem là nơi linh thiêng, vì thế cũng trở thành nơi mà người dân tống tiễn những vật dụng như trang bà, bát nhang, ông Táo, bình hoa…
 
Không phải đến bây giờ giới nghiên cứu mới để tâm đến tục thờ thần đá, mà từ đầu thế kỷ 20 các học giả đã cất công tìm hiểu và ngạc nhiên khi biết được việc này rất phổ biến. Trong cuốn “Thần, người và đất Việt”, nhà nghiên cứu văn hóa Tạ Chí Đại Trường khẳng định rằng: “Mối liên hệ khăng khít giữa việc thờ cúng cây và đá có vẻ hơi bất ngờ nếu ta so sánh bề ngoài giữa sự bất động của đá và sự nảy nở của cây. Tuy nhiên trong sự tiếp cận có xúc cảm thì ta thấy cây cao um tùm và đá núi bề bộn là một tập hợp đan xe vào nhau. Trong quan niệm siêu hình thì đá và cây đều có hồn. Các nhà nghiên cứu đều cho thường cho tục thờ cúng cây đá gắn liền với tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp mong mỏi về sự sinh sôi nảy nở trong tạo vật”.
 
Thạc sĩ Lê Thọ Quốc, Phân viện Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam tại Huế cho rằng, tục thờ đá vốn có nguồn gốc từ xưa, gắn liền với đời sống thường nhật của người dân sinh tụ trên một mảnh đất nào đó với tâm thức “vạn vật hữu linh”. Và không chỉ là thờ đá mà người xưa còn thờ cây, hay thờ những gì liên quan, ảnh hưởng, chi phối đến đời sống tâm linh của họ.
 
Cũng theo ông Quốc, sự tiếp nối của tục thờ này còn tiếp diễn khi chúng ta vẫn tìm thấy được các trụ đá của tiền nhân dựng lên. Con cháu sau này muốn duy trì, không xâm phạm đã dựng nên các truyền tích, câu chuyện thiêng, đặt bát nhang, thắp hương.... để gìn giữ. Khi việc phát triển của xã hội và sự nhận thức của họ được nâng lên, mọi người hiểu biết về tục thờ này nhiều hơn nhưng sự tín tâm vẫn luôn được đề cập bởi sự hữu hình và tính chất thiêng hóa vẫn còn.
 
Tuy nhiên, trải qua thời gian một số bị hư hại hoặc bị phá bỏ. “Tôi nghĩ chúng cần được bảo lưu. Bởi vì cho đến hôm nay vai trò lẫn chức năng không còn nhưng đó là dấu mốc của một loại hình tín ngưỡng. Cần bảo tồn và xem nó gắn liền với tín ngưỡng tâm linh của cộng đồng trong một ý nghĩa khác, phù hợp với đời sống thực tại”, ông Quốc nhấn mạnh.
 
Bài, ảnh: PHAN THÀNH
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.013.428
Đang truy cập 2.516