Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Ngọt ngào chè đậu ván của ngoại
Ngày cập nhật 29/03/2019

Buổi trưa chở con đi học, rồi chẳng biết làm gì nên đi loanh quanh ngoài phố. Trời tháng ba, rét nàng Bân khe khẽ, sáng mở mắt thấy mưa phùn bay nhè nhẹ.

Hình như trời bây giờ mới đúng trời mùa xuân. Lòng vòng một hồi nghe bụng sôi, cơn đói ập tới mới nhớ ra mình chưa ăn trưa. Đang dừng ngay đèn đỏ, nhìn sang bên kia đường góc nhà sách Phú Xuân, thấy có hai gánh hàng rong của hai mệ già đang ngồi chơ vơ nơi góc phố. Một người bán khoai, sắn, chuối luộc. Còn người kia, già hơn, má đã trổ đồi mồi, miệng đã móm mén, ngồi bán mấy bì chè đậu đỏ, đậu ván.
 
Chè đậu ván, món quà ngọt ngào tuổi thơ
 
Dừng xe ghé lại, mua hai bì đậu ván, nhìn cái bì chè thân thuộc quá, bỗng nhiên cả ký ức tuổi thơ cứ hiện về trước mắt. Ký ức về quán chè đậu ván của ngoại.
 
Bây giờ, chè đậu ván chẳng ai còn nấu kiểu như xưa, kiểu nấu với đường vàng để có được loại chè sẫm màu. Đường trắng bây giờ rẻ quá, người ta nấu đường trắng tiện hơn. Và có lẽ, cả phố Huế bây chừ chỉ còn mỗi mệ này nấu chè kiểu xưa như thế.
 
Ngày xưa, khi còn là một cô bé tiểu học, mẹ tôi thường cho tôi về ngoại ở lại chơi với ngoại. Và ngày nào, tôi cũng được ăn chè do ngoại nấu bán. Chừng chín mười tuổi tôi đã thuộc nằm lòng công thức nấu chè đậu ván của ngoại. Đầu tiên là ngoại ngâm đậu. Đậu ván khô cho vào một thau nước lạnh rồi ngâm qua đêm cho nó uống no nước và nở ra, cái gì ngâm qua đêm, ngoại thường xé miếng lá chuối, đặt chéo lên thau đậu.
 
Sáng ra, từ năm giờ sáng ngoại đã dậy nấu chè, đậu ngâm xong ngoại cho vào luộc sơ qua rồi đổ ra thau, sau đó, đổ nước lạnh vào ngập đậu và bắt đầu công đoạn bóc vỏ đậu. Đây là công đoạn tốn thời gian nhất vì phải bóc từng hạt đậu một, vứt cái vỏ bọc bên ngoài và giữ lại cái nhân bên trong. Tôi thường được tham gia vào công đoạn này. Để bóc xong thau đậu ván cũng mất ít nhất hai tiếng đồng hồ.
 
Bóc đậu xong, ngoại xóc nước rửa đậu vài lần để bay hết cái mầm đậu, khi nước trong, ngoại bắt đầu đổ đậu vào xoong và đặt lên hấp. Trước khi cho đậu vào hấp, ngoại không bao giờ quên lót một lớp lá dứa bên dưới cho thơm.
 
Trong khi chờ đậu chín, ngoại nhen bếp lửa khác và chuẩn bị nấu nước đường. Đường vàng cho vào nồi, đổ nước sau đó bắc lên bếp nấu cho sôi, thêm ống vani vào cho thơm. Sau đó, ngoại lấy một cục bột lọc, hòa nước vào tô và đổ vào trong nồi nước đường tạo thành cái nước sền sệt. Khi đậu đã chín tới, ngoại cho ra rổ và từ từ đổ vào nồi nước đường, vừa đổ vừa dùng đũa khuấy thật đều nhưng rất cẩn thận để hạt đậu không bị nát ra. Sau đó, đặt lên bếp cho sôi lại là xong. Bắt đầu múc ra ly để bán cho những người đi chợ.
 
Quán chè của ngoại nằm ven đường, nên mấy dì, mấy o trên đường đi chợ thường ghé vào ăn một ly chè cho... ngọt miệng, kể cho nhau nghe câu chuyện xóm làng. Và, quán chè của ngoại cũng nằm trên đường tôi đi học, nên dù có sang nhà ngoại ở lại hay không, hôm nào tôi cũng được ngoại gọi lại cho một bì chè vừa đi vừa ăn.
 
Giờ ngoại đã gần chín mươi tuổi, quán chè cũng nghỉ bán từ rất lâu rồi. Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn thèm món chè đậu ván của ngoại, đó là một món quà tuổi thơ ngọt ngào của tôi. Và trưa nay, tôi lại được thưởng thức lại một kỷ niệm ấu thơ đẹp đẽ với món chè đậu ván đường vàng này.
 
Bài, ảnh: NAM GIAO
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 26.517