Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Đại Nội có thêm dịch vụ mới
Ngày cập nhật 13/05/2019

Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt các đề án sử dụng tài sản công tại Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vào mục đích cho thuê, Đại Nội sẽ có thêm dịch vụ mới để phục vụ du khách.

Đông Khuyết Đài (nhìn từ đường Đoàn Thị Điểm) sắp trở thành điểm dừng chân mới cho du khách. Ảnh: ĐỒNG VĂN
 
Ẩm thực Huế vào cung Trường Sanh
 
Cung Trường Sanh nằm ở góc tây bắc trong Hoàng Thành, phía sau cung Diên Thọ. Cung được xây dựng năm 1822, dưới thời vua Minh Mạng với tên gọi ban đầu là cung Trường Ninh, có chức năng là một hoa viên hoàng gia. Đến năm 1886, dưới thời vua Đồng Khánh, Trường Ninh được chuyển thành cung điện dành cho các Thái hoàng Thái hậu và Hoàng Thái hậu của triều Nguyễn. Năm 1923, dưới thời vua Khải Định, Trường Ninh tiếp tục được tu bổ và đổi tên thành cung Trường Sanh. Qua chiến tranh, cung Trường Sanh bị lãng quên, hoang tàn và đổ nát. Những năm 2005-2007, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế mới trùng tu, tôn tạo và cung Trường Sanh lại được hồi sinh với vẻ đẹp vốn có. Ngoài điện, cung còn có đường xinh xắn, lạch Đào Nguyên và hồ Tân Nguyệt thơ mộng, hệ thống non bộ, vườn cảnh, tường thành, tam quan và được đưa vào khai thác dịch vụ để thu hút du khách.
 
Từ năm 2015, cung Trường Sanh được tổ chức thành một không gian văn hóa để trưng bày triển lãm về đời sống cung đình Huế và các hoạt động dịch vụ liên quan, như: chụp ảnh trang phục cung đình, ngự trà, ngự tửu… Tuy nhiên sau nhiều năm, hiệu quả kinh tế đạt được rất khiêm tốn nên Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã cải thiện tình hình bằng đề án “Sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê hoạt động dịch vụ ẩm thực món Huế tại cung Trường Sanh”.
 
Đại Nội cần có dịch vụ tương xứng. Ảnh: BẢO MINH
 
Mục tiêu của đề án nhằm góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy tinh hoa ẩm thực Huế, đồng thời hình thành các tour du lịch thưởng thức món ăn Huế tại Đại Nội kết hợp với các chương trình biểu diễn nghệ thuật cung đình. Những dịch vụ ở đây sẽ được phát triển theo hướng đẩy mạnh giá trị gia tăng các sản phẩm văn hóa truyền thống chất lượng cao, tăng thụ hưởng văn hóa.
 
Ông Hoàng Văn Triều, Giám đốc Trung tâm Phát triển Dịch vụ Di tích Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế) cho biết: Ẩm thực món Huế tại cung Trường Sanh hướng đến dòng khách trung và cao cấp. Mọi hoạt động của đơn vị khai thác dịch vụ luôn được giám sát để đảm bảo thực hiện đúng những yêu cầu về bảo vệ cảnh quan môi trường khu di tích, cũng như không tác động đến hệ thống công trình kiến trúc của di tích. Hiện nay, đã có nhà đầu tư trúng thầu dự án này và họ đang chuẩn bị để đưa dịch vụ vào hoạt động trong thời gian tới.
 
Dịch vụ tương xứng với di sản
 
Ngoài cung Trường Sanh, các điểm đến như Đông Khuyết Đài (Đại Nội) và cơ sở nhà đất số 57 Đặng Dung, TP. Huế, cũng được chính thức đưa vào khai thác dịch vụ. Trong đó, tại cơ sở nhà đất 57 Đặng Dung, dòng dịch vụ khai thác chính là những sản phẩm y học cổ truyền gắn với di sản Thái Y viện của triều Nguyễn xưa.
 
Hiện nay, trung bình mỗi ngày Hoàng cung Huế đón khoảng 5 ngàn lượt khách tham quan. Với mục tiêu thu hút ngày càng đông du khách, đơn vị chủ quản nỗ lực cải thiện hình ảnh khu di sản Huế ngày càng đẹp và hấp dẫn hơn. Từ năm 2012, các hoạt động dịch vụ tại khu di sản Huế được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đẩy mạnh theo lộ trình của đề án phát triển dịch vụ trên cơ sở phát huy giá trị di tích Cố đô Huế đến năm 2020, đã được UBND tỉnh thông qua. Theo đó, có 11 khu vực và cụm di tích được quy hoạch để tổ chức các hoạt động dịch vụ du lịch, với mục tiêu: Phát triển tổng thể hoạt động dịch vụ di sản Cố đô Huế nhằm khai thác tối đa, hiệu quả những lợi thế của văn hóa vùng đất Cố đô, nhưng phải phù hợp với công ước quốc tế về bảo tồn di sản và tuân thủ pháp luật.
 
Khác với các điểm văn hóa thiên về vui chơi giải trí, khu di sản Huế là quần thể di tích kiến trúc lịch sử, văn hóa và là những không gian đặc biệt. Trong không gian này, cần thiết phải giữ được sự tôn nghiêm cần thiết trong khai thác các hoạt động dịch vụ, thì du khách mới cảm nhận được chiều sâu của giá trị văn hóa phi vật thể.
 
Ông Hoàng Văn Triều chia sẻ: Hầu hết các hoạt động dịch vụ tại các điểm di tích đều được tổ chức triển khai đúng hướng theo chủ trương của UBND tỉnh và thu hút được nhiều nguồn lực xã hội. Để đảm bảo các hoạt động dịch vụ tại khu di sản được triển khai như các phương án đã được phê duyệt, chúng tôi kêu gọi những đối tác có đủ năng lực và hướng đến mục tiêu khai thác sản phẩm dịch vụ cao cấp hơn, chất lượng hơn để tương xứng với không gian di sản và đáp ứng nhu cầu cho các đối tượng khách có nhu cầu cao.
 
ĐỒNG VĂN
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 49.569