Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 7
Ngày cập nhật 12/05/2020

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 7

1. CAO ĐỈNH
Đỉnh đặt ở chính giữa tượng trưng cho sự vĩ đại (Tiếp theo)
 
BA LA MẬT
 
 
14. Ba La Mật, tục danh quả mít; còn có tên nẵng gia kiết, quả to như cái đấu, gai mềm, vị ngọt và thơm, hột có thể luộc ăn; khi mít còn xanh người ta vẫn hái để chế biến làm món. Theo Đông y, mít có dược tính hay ích khí, khử phiền. Có hai loại: mít khô (còn gọi mít dai, hoặc ráo) và mít ướt (mít mật); lại có thứ mít nài, mít tố nữ, quả nhỏ hơn, ít múi nhưng mùi vị rất đặc biệt. Cây mít gọi là ba la mộc, chất gỗ có sắc mà bền, có thể dùng làm rường cột, xẻ ván, đóng tủ bàn, chạm tượng thờ, và đóng được nhiều đồ gia dụng khác. Các tỉnh đều có, từ Nghệ An trở vào nam Trung Bộ, miền gần núi trồng được nhiều hơn. Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng cây mít có quả vào Cao đỉnh.
 
HỔ
 
 
15. Hổ, tục danh con cọp, còn gọi con hùm, là động vật hoang dã ăn thịt, thuộc họ mèo; dân gian kiêng tránh thường gọi là ông ba mươi, là khái. Một số cổ thư còn chép là ô đồ, là đại trùng, là lý nhĩ. Hổ sống chủ yếu ở các khu rừng già, hoạt động rất rộng, lan ra cả rừng tái sinh, cây bụi, lau lách, trảng cỏ cao. Mỗi ngày đêm nó có thể đi xa hơn 30 cây số; hổ thường sống độc thân. Vùng rừng thấp nước ta, trước đây tỉnh nào cũng có, đôi khi chúng lẻn xuống tận miền đồng bằng rình bắt mồi và bắt cả người. Bộ lông hổ có nền màu vàng nhạt hoặc màu da bò. Toàn thân có nhiều sọc ngang màu đen hoặc nâu đen. Đuôi có vòng nâu đen không đều từ gốc đuôi đến mút đuôi. Thỉnh thoảng cũng có cọp trắng. Qua nghiên cứu, các nhà động vật học thấy được chu kỳ sinh lý của loài thú này: Tiết lập thu thì hổ hay kêu; tháng trọng đông thì hổ mới giao cấu. Hổ sinh con tự nhiên nhưng hơi khó nuôi nên cá thể không sống được nhiều như loài thú khác. Hổ thích ăn thịt chó, ăn rồi thì say, thịt chó được xem như là rượu của hổ vậy. Thịt hổ có thể làm thuốc trị chứng âm tà. Xương cốt hổ đem nấu cao thành cao hổ cốt, dược tính của nó có tác dụng chữa trị khá nhiều bệnh mãn tính, nhất là bệnh xương khớp; còn da được dùng nhiều trong kỹ nghệ. Do hổ có sức mạnh và nhanh nhẹn, dân gian thường quan niệm hổ là vị chúa cai quản núi rừng và gọi là chúa sơn lâm. Hổ có những miếng thế võ cực hiểm, ra đòn là quyết hạ ngay đối phương, tính rất quyết đoán. Thời quân chủ, các vị tướng đứng đầu quan võ cầm quân ra trận, bậc tướng soái được cấp “hổ phù” để điều binh khiển tướng, thể hiện uy quyền, sức mạnh của bậc chủ soái.
Hổ dù có sức mạnh, nhưng con người vẫn đủ bản lĩnh để “thuần hóa” được chúng, nhiều con hổ trở thành “diễn viên” làm các tiết mục xiếc. Trong 12 con giáp, hổ (dần) được xếp đứng hàng thứ ba của địa chi. Hổ có tính hay quên, nên không thù dai. Cổ nhân thường bảo: Người cầm tinh hổ, tính hay nóng nảy, ra cửa đụng phải ngọn lá thì mọi chuyện quên ngay. E chỉ là câu nói phỏng mà thôi. Ở tỉnh Thừa Thiên xưa có làng Phù Bài, thuộc huyện Hương Thủy; tỉnh Quảng Trị có làng Thủy Ba thuộc huyện Vĩnh Linh nổi tiếng về “nghề bắt cọp”, nay vẫn lưu truyền.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng hổ vào Cao đỉnh.
Nằm về phía tây của Kinh thành Huế, ở phường Thủy Biều vẫn còn dấu tích Hổ Quyền, đây thực chất là một chuồng nuôi hổ, và còn có chức năng của một đấu trường hết sức độc đáo hiếm thấy trên thế giới; đấu trường của những cuộc tử chiến giữa voi và hổ được xây dựng dưới thời vua Minh Mạng.
Dương Phước Thu
(còn nữa)
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.122.109
Đang truy cập 6.245