Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 26
Ngày cập nhật 18/03/2021

Nghị đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ hai bên phải tượng trưng cho sự cương nghị.

Biển Đậu
 
 
8. Biển Đậu, tục danh đậu ván, còn gọi là duyên ly đậu (loại đậu leo rào), lại có một tên nữa là nga my đậu (tức là đậu mày tằm), người ta thường trồng ở nơi rào giậu, hoặc trồng leo giàn thì sai quả hơn. Đậu ván quả còn non luộc ăn khá ngon. Hạt đậu nấu chè, nấu xôi, làm bột bánh ăn rất ngon. Đậu ván có thể dùng làm thuốc chữa bệnh hoắc loạn cấp tính, hạ khí, giải độc, chữa đi tiêu chảy; làm thuốc bổ tỳ vị cho trẻ con rất hiệu nghiệm. Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng cây đậu ván vào Nghị đỉnh.
 
Người phụ nữ Huế có biệt tài thường dùng đậu ván nấu chè ngon có tiếng khắp nước. Lại có một loại đậu tương tự đậu ván quen gọi đậu ngự, ngày xưa thường dùng để tiến vua.
 
Hải Đạo
 
 
9. Hải Đạo, chỉ về một loại thuyền chèo chiến đấu chuyên đi biển, được sản xuất nhiều dưới hai triều vua Gia Long và Minh Mạng. Thủy binh nhà Nguyễn điều động loại thuyền này rất linh hoạt trong chiến đấu và diễn tập trên sông nước. Trong một đơn vị thủy binh ngày trước, hải đạo được tổ chức từng nhóm hàng chục chiếc một, khi chiến đấu thì cơ động nhanh, lúc tuần tiễu thì đi theo hàng để tiện bề hỗ trợ cho nhau.
 
Hải đạo cũng đánh dấu một thành tựu đóng thuyền đi biển của quân dân Việt Nam từ thế kỷ XIX.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng thuyền hải đạo lên Nghị đỉnh.
 
Nam Đẩu
 
 
10. Nam Đẩu, tức sao Nam Đẩu, thường gọi Tiểu Hùng tinh, quần tinh ở về miền Nam, tức Nam Cực.
 
Người đi qua sa mạc, lạc rừng hay trên biển cả, giữa mênh mông sóng dữ, ban đêm nhìn lên bầu trời thấy sao Bắc Đẩu, hay Nam Đẩu đều có thể xác định được phương hướng cho cuộc hành trình có cơ nguy lạc lối.
 
Theo truyền thuyết, chòm sao Nam Đẩu (Nam Tào) được ông trời ủy nhiệm mà biến thành vị thần giữ sổ tử. Bắc Đẩu giữ sổ sinh, Nam Đẩu giữ sổ tử của hạ giới. Việc sống thọ hay chết yểu của con người đều xuất phát từ hai vị thần giữ sổ này.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng quần tinh Nam Đẩu lên Nghị đỉnh.
 
QUẾ
 
 
11. Quế, còn gọi là mẫu quế, hay là sâm quế. Phàm những loài cây thân mộc, giữa lá đều có một gân dọc, riêng lá quế có hai gân như hình ngọc khuê. Quế lại có công dụng làm chất dẫn được các vị thuốc khác, như sứ giả cầm ngọc khuê, cho nên viết theo chữ khuê. Ngày trước, cây quế được trồng nhiều ở các lăng vua; vị rất cay. Thơ “Vịnh Nam quế” của vua Minh Mạng có nói tới cây quế lớn vòng đến mấy thước, hoa nhỏ như hột gạo mà không thơm, lá to dài và nhẵn, có ba sống dọc, vỏ thô dày mà ngọt thơm ngào ngạt, dùng làm thuốc rất tốt. Tuy cùng sinh sản ở phương Nam, nhưng ngày trước quế tỉnh Thanh Hóa thì tốt hơn cả. Quế Thanh Hóa còn gọi là nhục quế, quế quỳ được dùng nhiều trong cung, thứ đến quế ở Nghệ An, quế Quảng Nam, Quảng Ngãi. Tương truyền lá của cây quế dùng làm thuốc chữa bệnh phù thũng rất hiệu nghiệm. Ngoài những chất như tinh bột, chất nhầy, chất màu, đường trong quế, người ta còn ép dầu quế để làm hương liệu trong công nghiệp. Ngày nay các tỉnh miền núi, vùng bán sơn địa, nhiều nơi trồng được, nhưng nhiều nhất vẫn là các tỉnh miền Trung và vùng đất đỏ Tây Nguyên, quế trồng bạt ngàn thành rừng để xuất khẩu.
 
Trong Tây y, quế và tinh dầu của nó được coi là vị thuốc có tác dụng kích thích làm cho sự tuần hoàn nhanh lên (huyết được lưu thông), hô hấp mạnh lên. Quế còn gây co mạch. Sự bài tiết cũng được tăng lên. Nó còn là chất gây co bóp tử cung và tăng nhu động ruột. Tinh dầu quế có chất sát trùng mạnh.
 
Còn theo Đông y, quế là một vị thuốc bổ, có thể chữa khỏi đau mắt, đau gân, nhức mỏi, tê bại, ho hen, kinh nguyệt bế, tiểu tiện bất lợi, bồi bổ cho phụ nữ sau sinh nở, trị được bệnh đau bụng đi tả nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài việc dùng dược liệu quế phối hợp với các vị thuốc khác, quế còn được sao để dùng độc vị. Ngày trước, người ta thường dùng quế chưng cất lấy nước rưới lên thi hài người chết để giữ thân nhiệt được lâu hơn.
 
Tuy có nhiều người dùng quế, rất tin ở quế, nhưng cũng có một số trường hợp dùng nhiều quế mà bị hỏng mắt, cho nên phải thật cẩn thận khi dùng quế chữa mắt. Người âm dương hư thịnh, phụ nữ có thai không dùng được.
 
Do cây quế có nhiều ích lợi, năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng cây quế vào Nghị đỉnh.
 
Hiện nay ở Việt Nam, còn có các giống quế như: quế Thanh, quế Quảng, quế Trung Quốc, quế quan, quế rành, quế bì... Giống nào cũng quí, duy chất lượng, độ cay nồng, lượng dầu có khác nhau đôi chút. Theo tài liệu cổ, quế có vị cay, ngọt, tính đại nhiệt, hơi có độc, vào hai kinh can và thận; có tác dụng bổ mệnh môn tướng hỏa, trị cố lãnh trầm hàn, dùng chữa tay chân co quắp, lưng gối tê mỏi, ung thư.
 
(Còn nữa)
 
Dương Phước Thu
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.088.995
Đang truy cập 2.848