Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 31
Ngày cập nhật 21/05/2021

Thuần đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ ba bên trái tượng trưng cho sự tinh khiết.

Bạng
 
 
Bạng, tục danh con ngao, chủng loại ngao rất nhiều, sinh sản rất nhanh, sông biển nước lợ các tỉnh đều có. Người làm nghề bắt ngao lâu năm nói: xem con bạng, với con cáp cùng một loại mà hình dáng khác nhau, con dài gọi chung là bạng, con tròn gọi chung là cáp; thịt của ngao ăn ngon và mát, nhiều chất bổ dưỡng, vỏ có thể nung vôi rất tốt, tục gọi vôi hàu. Lại có con ngao ở đầm Hậu Ngư (tức đầm Sam) tự thân nó sinh ra thứ phân châu, tức trân châu. Khoảng đời Minh Mạng, triều đình có sai người lặn xuống đầm tìm ngọc châu, nhưng ngọc còn non, nên sau lại thôi.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng con ngao vào Thuần đỉnh
 
Tản Viên Sơn
 
 
Tản Viên Sơn, tức núi Tản Viên; núi ở địa giới hai huyện Tùng Thiện và Bất Bạt tỉnh Hà Tây cũ - nay thuộc thành phố Hà Nội; núi có ba ngọn cao vót, hình tròn như cái tán; trên núi có dựng đền thiêng. Nhà bác học Lê Quí Đôn từng viết rằng, núi Tản Viên ở địa giới các huyện Bất Bạt và Minh Nghĩa (tức huyện Tùng Thiện), mạch núi từ Mường Thanh liên tiếp chạy dài, đến đây thì nổi vọt ba ngọn thành hàng ở giữa hai sông Thao và sông Đà. Cảnh sắc hai bờ lưu vực xanh tươi, hình thế cao cả, như trấn giữ đất nước; ngọn giữa rất cao, có đền thờ Thượng Đẳng thần, ở đỉnh núi, sườn núi và chân núi có các đền Thượng, Trung và Hạ, núi cao sát trời xanh, suốt ngày có mây bao phủ. Theo Bắc Thành địa dư chí của Lê Đại Cương thời nhà Nguyễn, núi này ở bốn mặt có sông bao bọc, cây cối um tùm, hình thế đẹp sáng, trên núi có giống cỏ kỳ lạ, có tên “vô phong độc dao” (không có gió mà cỏ vẫn lay động); thân cỏ có hai nhánh, tự chụm vào nhau và tự tách ra. Tương truyền, người ta đeo thứ cỏ này (như đeo bùa) trong mình thì duyên vợ chồng ngày càng thắm thiết và son sắt hơn.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng núi Tản Viên vào Thuần đỉnh; năm Tự Đức thứ 3, 1850, liệt Tản Viên vào hàng danh sơn, chép trong điển thờ, hàng năm triều đình sai quan sắm lễ vật đến tế thần núi.
 
Núi Tản Viên ngày nay thuộc xã Thủ Pháp, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội, nằm ở cuối tây nam tỉnh Hà Tây cũ, giáp tỉnh Hòa Bình, nên núi còn được gọi là núi Ba Vì. Núi có ba đỉnh cao (núi Ông, núi Bà, núi Chẹ), đỉnh núi cao nhất là 1296m ngày đêm mây phủ, ngọn giữa có hình thắt cổ bồng, trên tỏa ra như cái tán nên gọi là Tản Viên. Núi thiêng này là ngọn danh sơn rất nổi tiếng của nước Việt Nam từ cổ xưa. Tương truyền núi Tản Viên là nơi vua Hùng chấp thuận cho thần Sơn Tinh chọn để đóng đại bản doanh dàn quân chống nhau với thần Thủy Tinh, tranh tài lấy nàng Mỵ Nương xinh đẹp, và nhờ sơn thần hỗ trợ, Sơn Tinh đã thắng Thủy Tinh. Trên núi bây giờ vẫn còn đền thờ thần Sơn Tinh trị thủy.
 
Người xưa còn nói rằng, những lễ vật mà thần Sơn Tinh đem dâng lên vua Hùng, như “Gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” đều được lấy từ vùng rừng núi này. Đúng là “Ba Vì cao ngất tầng mây / Sơn Tinh chuyện cũ đến nay vẫn còn”.
 
Theo các nhà địa lý cổ, Tản Viên là núi tổ của hệ sơn mạch nước ta, chân núi, lưng chừng núi đều có nhiều huyệt kết tụ thành linh khí phù hợp với âm trạch. Ai có đức lớn được trời giúp mới mong tầm ra một huyệt mộ an nghỉ ngàn thu tại vùng sơn địa này.
 
Đào
 
 
Đào, tục danh là đào đất, chữ Hán là Xích ty đào. Thơ của vua Minh Mạng có bài Vịnh xích ty đào lược chú rằng: Loại đào này thân cây thấp, lá dày lớn, sắc lục sáng ngời, hoa đỏ tươi có tơ rủ xuống, nên gọi tên ấy (xích ty đào, tức đào tơ đỏ). Quả đào trên dẹt dưới rộng, vỏ đỏ, ruột trắng như bông, không được thơm ngọt lắm, nhưng trông có vẻ khả ái, đem sánh với các loại đào khác thì đào này tốt đẹp hơn, tưởng như ở phương Bắc không có thứ thổ sản ấy. Quả đào đất là một loại dược liệu của thuốc Nam, dùng bồi bổ sức khỏe. Ở vùng Tây Bắc của Việt Nam trồng nhiều giống đào này.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng cây đào đất vào Thuần đỉnh.
 
Đăng Sơn Ngư
 
 
Đăng Sơn Ngư, tục danh con cá rô (40); có mấy loại: còn nhỏ thì gọi rô răm, già thì gọi rô xù. Sau này (khoảng 1950) người ta nhập một loại nữa từ Phi Luật Tân về nuôi có tên gọi là rô phi, sản lượng thịt cá rô rất cao và ngon. Mình cá rô rất nhiều nhớt. Nước khô thì lấy mang chống xuống đất mà đi trên cạn. Sống chủ yếu ở đồng ruộng, sông ngòi, ao cạn, nó có thể nhảy xa bằng vây. Mùa mưa rào, nó thường ngược dòng nước chảy, phi lên bờ, chống vây nhảy đi nên có tên như vậy.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng con cá rô vào Thuần đỉnh.
 
(40). ĐNNTC, Sài Gòn XB, (1962), chép là Quá sơn ngư. Có lẽ do chữ đăng phạm húy tên vua Kiến Phúc (tức Nguyễn Phúc Ưng Đăng) mà phiên trại chữ đăng ra chữ quá.
 
(Còn nữa)
 
Dương Phước Thu
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.106.374
Đang truy cập 11.484