Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Nghệ thuật trang trí mosaic trong lăng Khải Định
Ngày cập nhật 25/05/2021

Thư tịch đã ghi lại vào năm 1776, trong tác phẩm “Phủ Biên tạp lục”, nhà bác học Lê Quý Đôn đã miêu tả xứ Thuận Hóa, nay là thành phố Huế: “Tường trong tường ngoài đều xây dày mấy thước, lấy vôi và mảnh sứ đắp thành hình rồng, phượng, lân, hổ, cỏ hoa”. Đấy chính là nghệ thuật mosaic vào thời các chúa Nguyễn.

Đến thời các vua Nguyễn, kỹ thuật trang trí ghép mảnh sành sứ đã được sử dụng nhiều. Ngay trong lăng Tự Đức, nghệ thuật mosaic thể hiện ở việc trang trí các mảnh sứ men xanh có hình long mã (đầu rồng, thân ngựa) ở tấm bình phong. 

Trang trí hình rồng trên án thờ 

Có lẽ, đỉnh cao của nghệ thuật mosaic thể hiện trong kiến trúc nội thất của lăng Khải Định. Lúc đang sống, năm 1920, vua Khải Định đã lo việc xây lăng cho mình. Lăng cách kinh thành Huế khoảng 8km về phía nam. Vua Khải Định đã huy động các thợ giỏi trong nước để xây lăng. Ông cho nhập từ Pháp xi măng, sắt, thép, ngói và các đồ sứ, thủy tinh màu từ Trung Quốc, Nhật Bản, bên cạnh những đồ sứ đẹp của Việt Nam. Công trình lăng vì thế mà lộng lẫy, công phu và phải kéo dài tới 11 năm sau mới hoàn thiện.

Nghệ thuật mosaic trang trí nội thất trong cung Thiên Định, nơi có điện Khải Thành và phần mộ nhà vua, bên trên có tượng vua. Nghệ thuật mosaic thể hiện ở hàng trăm bức tranh ghép mảnh sứ, thủy tinh màu trang trí trong các ô hộc ở án thờ, thân cột, các bức tường.

Tranh: “Cửu Long ẩn vân” trên trần của điện Khải Thành 

Đề tài trang trí quan trọng nhất là rồng, hiện thân cho “long mệnh” nhà vua. Rồng được miêu tả ở góc nhìn thẳng và góc nhìn nghiêng thân. Rồng có mắt to, mũi sư tử, hai sừng nhọn, có bờm, tai, râu dài, có 5 móng, thân uốn khúc, miệng há rộng đang ngậm ngọc hay ngậm chữ Vạn. Đôi chỗ, có cảnh đôi rồng đang chầu mặt trời, rồng đang phun nước đùa vui với cá. Đó là 2 bức tranh “Long Ngư hý thủy” trang trí hết sức sinh động trên án thờ. Có lẽ, án thờ là nơi trang trí hình ảnh rồng đẹp nhất. Còn có khá nhiều họa tiết chữ Vạn mang ý nghĩa tốt lành và là biểu tượng của nhà Phật. Trên mặt án thờ có 4 cặp rồng trang trí ở góc án. Ngoài ra, còn có khá nhiều bức tranh khảm sứ trang trí cây cỏ, hoa lá. Những mảnh sứ được khảm đều là sứ nhiều màu sắc được mua từ nhiều nơi về, đập vỡ bình để lấy mảnh. Cách trang trí tranh khuôn gọn trong từng ô, hộc hình vuông hay hình chữ nhật. Kết cấu các bức tranh đăng đối, chặt chẽ. Các mảnh sứ nhiều màu còn giữ được nguyên sắc như buổi ban đầu, cho thấy cảm giác lộng lẫy, hơi sặc sỡ, đẹp đến tận chi tiết, quả là xứng đáng với vị thế của một vị vua triều Nguyễn. Đây là chiếc án thờ đẹp nhất trong các án thờ của các vua Nguyễn. Những nghệ nhân tạo ra án thờ có hình tượng rồng và chữ Vạn với hàm ý cầu mong cho vua Khải Định có cuộc sống tốt lành mãi mãi trong thế giới nhà Phật sau khi qua đời.

Tượng vua Khải Định và Bửu Tán 

Điểm nhấn trang trí nữa là khu vực Chính Tẩm, nơi đặt mộ vua ở dưới, trên có tượng vua và có tán che (bửu tán) được làm bằng bê tông, sắt thép nhưng đường nét hết sức mềm mại, tinh tế. Các mảng trang trí khảm sứ, thủy tinh ở bệ tượng cũng được bố trí theo ô, hộc. Đề tài vẫn là hình rồng, chữ Vạn, hoa lá. Các mô típ rồng được trang trí trên mặt chiếc tán này. Trên trần là hình tượng rồng đang ngậm chữ, bốn góc có hình tượng con dơi, hàm ý là chúc phúc cho nhà vua (Dơi có tên chữ nho là Biên Phúc, có âm trùng với chữ Phúc là tốt lành. Có khi trang trí 5 con dơi thì hàm ý là “Ngũ Phúc lâm môn”- 5 cái phúc lành cùng kéo đến). Trong Chính Tẩm còn có các hàng cột trang trí rồng trên thân cột. Tại Hậu Tẩm thờ bài vị, có đến hàng trăm chữ Vạn giản thể, biểu tượng của nhà Phật được khảm bằng thủy tinh màu xanh.

Tượng vua Khải Định 

Trên tường của lăng có các bức tranh khảm trang trí hình chim phượng, hổ, hươu, chim sẻ, chim công, gà trống, hạc, vịt, thỏ, cỏ hoa. Nhiều con vật rất gần gũi với cuộc sống bình dị của người dân, chủ yếu sống ở các làng quê Việt Nam Tranh bốn mùa có hình tượng của loài hoa đặc trưng: tùng, trúc, cúc, mai. Đôi khi, hoa sen cũng tượng trưng cho một mùa trong năm. Đặc biệt có hình tượng 5 con dơi đang vờn mây tượng trưng cho Ngũ Phúc. Có tranh còn có chữ Phúc, chữ Thọ trong dạng đại tự nữa.

Loại hình trang trí bằng cách khảm mảnh sứ, thủy tinh và đá chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa truyền thống thể hiện ở đề tài quen thuộc của xã hội Việt Nam bấy giờ, khá gần với tranh dân gian ở các đề tài và nghệ thuật chọn gam màu đôi khi sặc sỡ.

Cái đẹp lộng lẫy của lăng phản ánh đỉnh cao của nghệ thuật mosaic đương thời, phản ánh được sự tài khéo của các nghệ nhân, thợ thủ công khắp các miền hội tụ. Còn giá trị di sản văn hóa, dân tộc thì lại lắng đọng, ẩn chứa trong chiều sâu của đề tài tranh. 

Theo: heritagevietnamairlines.com
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 29.825