Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Diệp Văn Cương & chuyện lên ngôi của vua Thành Thái
Ngày cập nhật 28/03/2022

Chuyện rất thú vị nhưng thú thật tôi không dám tin ngay. Nghĩ đó chẳng qua chỉ là giai thoại, là kiểu "nói trạng” của mấy “mệ Huế” cho vui…

 
Thành Thái - vị Hoàng đế thứ 10 của nhà Nguyễn. Ảnh: TL
 
Trước đây, tôi có thói quen hay hay là hễ đi đâu xa, bao giờ tôi cũng sẽ tranh thủ tìm mua một cuốn sách nào đó để kỷ niệm nơi mà ngày ấy, năm ấy… mình đã từng được đặt chân đến. Và trong một lần như thế, tôi đã chọn mua cuốn “Kể chuyện các đời vua nhà Nguyễn” của Nguyễn Viết Kế (NXB Đà Nẵng – 2006). Cuốn sách khổ 13x19cm, chỉ dày cỡ trăm rưỡi trang, bìa màu vàng, trình bày giản dị. Vừa túi tiền lại đúng nội dung mà vốn dĩ tôi rất thích. Thế nên chọn ngay mà không cần một mảy may suy nghĩ.
 
Rồi trên chuyến tàu lửa lắc lư trở về Huế, tôi thong thả mở sách đọc một lèo cuộc đời của 13 ông vua nhà Nguyễn. Văn phong giản dị, trình bày mạch lạc, dễ hiểu nên đọc khá cuốn hút, nó giúp cho đường trở về nhà của tôi đỡ xa và đỡ oải hơn rất nhiều.
 
Bìa sách “Kể chuyện các đời vua nhà Nguyễn” của Nguyễn Viết Kế. Ảnh: TH. BÍCH
 
Trong các mẩu chuyện của sách, có mẩu chuyện kể về trường hợp lên ngôi của hoàng tử Bửu Lân (tức vua Thành Thái sau này) đọc rất vui. Chuyện kể, sau khi vua Đồng Khánh băng hà, Viện Cơ mật triều Nguyễn không dám quyết phải chọn ai kế vị nên phải cử đoàn sang hỏi ý kiến Tòa Khâm sứ. Lúc này, ở Tòa Khâm, ông Diệp Văn Cương đang đảm trách chức vụ Bí thư kiêm thông dịch viên, trực tiếp thông dịch cuộc trao đổi giữa phái đoàn của Cơ mật viện với quan Khâm sứ. Ý các quan ở Cơ mật viện muốn hỏi: Hiện nay vua Ðồng Khánh đã mất, theo quý Khâm sứ thì nên chọn ai kế vị?. Ông Diệp Văn Cương lại dịch câu trên thành: "Nay vua Ðồng Khánh đã mất, Lưỡng Tôn cung và Cơ mật viện đã đồng ý chọn hoàng tử Bửu Lân lên nối ngôi, vậy ý kiến của quý Khâm sứ thế nào?". Nghe vậy quan Khâm sứ đáp: “Nếu Lưỡng Tôn cung và Cơ mật viện đã đồng ý chọn hoàng tử Bửu Lân thì tôi xin tán thành”. Câu này lại được Diệp Văn Cương dịch là: "Theo ý tôi thì các quan Cơ mật nên chọn hoàng tử Bửu Lân là hơn cả".
 
Phái đoàn Cơ mật viện lĩnh ý trở về, và thế là hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Lân trở thành vua Thành Thái - vị Hoàng đế thứ 10 của vương triều Nguyễn. Nguyên do của sự việc được lý giải là bởi ông Diệp Văn Cương là dượng của hoàng tử Bửu Lân (ông là chồng bà Công Nữ Thiện Niệm, con gái của Thoại Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Y, là cô ruột của hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Lân). Thấy cơ hội đến và tận dụng nghề nghiệp của mình, ông Diệp Văn Cương đã ngầm giúp cho cháu vợ Bửu Lân có được ngôi báu!
 
Hiển Lâm các - Đại Nội Huế. Ảnh: THƯỢNG BÍCH
 
Câu chuyện rất thú vị nhưng thú thật tôi không dám tin ngay. Nghĩ đó chẳng qua chỉ là giai thoại, là kiểu "nói trạng” của mấy “mệ Huế” cho vui, chứ quốc gia đại sự, liên quan đến ngôi “cửu ngũ chí tôn”, chuyện mất đầu như bỡn, ai dám ba lơn?!! Thế nhưng, sau này tiếp cận với nhiều tài liệu, thấy tất cả đều đề cập đến sự kiện này. Như vậy, đây là chuyện có thật chứ không đơn thuần chỉ là giai thoại. Nó khiến tôi thực sự phục lăn cái sự… “liều mạng” của nhân vật lịch sử có tên Diệp Văn Cương. Ông là ai mà dám làm cái việc “tày đình” như vậy?
 
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia giới thiệu: Diệp Văn Cương (1862- 1929), tự Thọ Sơn, hiệu Yên Sa, bút hiệu Cuồng Sĩ; là nhà báo, nhà giáo Việt Nam ở đầu thế kỷ 20. Ông được học giả Vương Hồng Sển xem là nhân vật đại diện nhóm trí thức lúc bấy giờ. Ông sinh tại quận Cao Lãnh thuộc tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp). Nhà nghèo nhưng hiếu học, được chính quyền Pháp ở Nam Kỳ cho đi học tại trường Giám mục d'Adran; sau khi tốt nghiệp trung học, ông du học ở Alger và đỗ tú tài ở Pháp.
 
Về nước, với quốc tịch Pháp, ông đi dạy tại Trường Chasseloup Laubat (tục danh là "Trường Bổn quốc"). Tháng 4 năm 1886, Paul Bert được cử sang làm Tổng công sứ Trung - Bắc Kỳ. Ông được mời ra Huế làm thông ngôn cho Tòa Khâm sứ Huế. Cuối năm đó, ông được cử làm thầy dạy tiếng Pháp cho vua Đồng Khánh thay cho Trương Vĩnh Ký. Khoảng tháng 5 năm 1887, triều đình Huế mở trường dạy tiếng Pháp, gọi là Sở Hành Nhơn, ông được cử làm Chưởng giáo (Hiệu trưởng), hàm Kiểm thảo. Ông lập gia đình với Công nữ Thiện Niệm, con của Thoại Thái vương Hồng Y, em vua Dục Đức và là cô ruột của Hoàng tử Nguyễn Phúc Bửu Lân.
 
Trong sách Sài Gòn năm xưa, học giả Vương Hồng Sển viết về Diệp Văn Cương như sau: “Người ông nẫm thấp hùng vĩ, lịch duyệt Bắc Nam, ông ngâm thi sang sảng, nói tiếng Tây rất "giòn", bình sanh sở thích hát bội, roi chầu bóng bẩy rất mực phong lưu, tuồng hát nằm lòng, cô đào anh kép phục sát đất!…
 
Tánh tình cứng cỏi, thẳng thắn, quen việc xưng hô chốn triều đô…Được chỗ hay là thường thích kiếm chuyện gây gổ với người da trắng, lấy đó làm sung sướng, và luôn luôn cử xử địch thể với quan "mẫu quốc", không nhịn bước nào. Tây tà đều ngán và lánh ông vì sợ ông làm mất mặt.”
 
Tính khí như thế, chả trách ông thông ngôn họ Diệp đã dám tranh thủ nghiệp vụ tiếng Tây để cho cả Tây lẫn cả Viện Cơ mật của Nam triều mắc lỡm rất ngoạn mục. Trong câu chuyện này, có thể có chút tình riêng, cũng có thể không phải ngẫu nhiên mà từ trước đó Diệp Văn Cương đã từng để ý và cảm mến tư chất của hoàng tử Bửu Lân. Nhưng cho dù xuất phát từ nguyên do gì đi nữa, quan trọng nhất là cơ duyên hy hữu ấy đã giúp cho triều Nguyễn, cho dân ta trong một giai đoạn đen tối nhất của lịch sử vẫn xuất hiện một ông vua Thành Thái yêu nước mà cho đến nay vẫn còn lưu danh cùng sách sử.
 
THƯỢNG BÍCH
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 15.069