Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Chuyển đổi số để phát huy giá trị di sản, thu hút khách du lịch
Ngày cập nhật 12/11/2022

Cùng với việc tăng cường chuyển đổi số nhằm cung cấp nhiều tiện ích hơn, ngày càng nhiều đơn vị tận dụng công nghệ một cách hiệu quả trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản, thu hút khách bằng những sản phẩm mới lạ, hấp dẫn và hiện đại hơn.

Những ngày này, thông tin di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội xây dựng chương trình thực cảnh về Văn Miếu – Quốc Tử Giám không chỉ hấp dẫn với những người yêu di sản mà với rất nhiều du khách muốn khám phá Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là Hà Nội về đêm. Bởi lẽ, việc “kể” câu chuyện về lịch sử Văn Miếu – Quốc Tử Giám bằng ngôn ngữ nghệ thuật, ánh sáng, âm nhạc, kỹ xảo vô cùng mới mẻ.
 
Thử nghiệm áp dụng công nghệ 3D Mapping tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
 
Theo TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám thì chương trình được xây dựng trên nền tảng ứng dụng công nghệ mới nhất nhằm mang lại trải nghiệm không thể quên dành cho du khách vào dịp cuối tuần. Chương trình thực cảnh mới là một trong số nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ khác trong bảo tồn phát huy giá trị của di tích này.
 
Hiện tại, Trung tâm đang triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu số 3D Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Đây là hệ thống cơ sở dữ liệu số được xây dựng theo hướng nền tảng mở, ứng dụng các công nghệ số hóa mới nhất hiện nay trong lĩnh vực di sản văn hóa cho phép kết nối, chia sẻ dữ liệu số, phục vụ các nhiệm vụ chung của TP Hà Nội trong việc xây dựng thành phố sáng tạo và phát triển công nghiệp văn hóa.
 
Bên cạnh đó, hệ thống các công trình nghiên cứu, tác phẩm, ấn phẩm, tư liệu về Văn Miếu - Quốc Tử Giám; các danh nhân, các vị tế tửu, các vị Tiến sĩ, nho học đỗ đạt được lưu danh tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.... được nghiên cứu, tổng hợp, sưu tầm, xây dựng và số hóa trên nền tảng kỹ thuật công nghệ 4.0, bao gồm: Ấn phẩm số (sách công nghệ), sách 3D. Với việc ứng dụng kỹ thuật công nghệ 4.0 hiện đại (công nghệ tương tác 3D, tương tác thực tế tăng cường (AR/VR), thuyết minh tự động), sách 3D sẽ phản ánh trực quan, sinh động và hấp dẫn các nội dung, giá trị kiến trúc nghệ thuật và lịch sử văn hóa của các công trình, tác phẩm.
 
Sách 3D được xây dựng cả phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh để có thể giới thiệu, quảng bá không chỉ tại Việt Nam mà còn trên thế giới. Trung tâm còn xây dựng dữ liệu số scan 2D (bản in, bản dập, ảnh tư liệu), số hóa 3D hệ thống bia Tiến sĩ, các tác phẩm điêu khắc, mỹ thuật, nghệ thuật… và số hóa 3D chi tiết không gian kiến trúc toàn bộ Văn Miếu – Quốc Tử Giám, phục dựng 3D không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám thời xưa…
 
Bảo tàng Lịch sử quốc gia, du khách có dịp tiếp cận hệ thống Bảo tàng ảo/ trưng bày ảo 3D. Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Bảo tàng này thì đây là hoạt động nhằm bắt nhịp xu hướng hiện đại hóa thông qua ứng dụng công nghệ trong trưng bày của các bảo tàng hiện đại. Gần đây nhất, trưng bày ảo 3D chuyên đề Bảo vật quốc gia giới thiệu 20 bảo vật quốc gia đã được hoàn thiện và đưa vào phục vụ công chúng.
 
Lần đầu tiên, công chúng có cơ hội có thể tự tìm hiểu, tra cứu, khám phá bảo vật quốc gia ở nhiều góc độ, cấp độ thông tin khác nhau tùy theo nhu cầu và sự quan tâm của mình. Bên cạnh đó, một số trưng bày chuyên đề trực tuyến đã có phụ đề tiếng Anh kết hợp với những hình ảnh 3D hiện vật đặc sắc và không gian trưng bày sinh động, chân thực.
 
Cũng theo ông Hà, trưng bày ảo 3D/trưng bày trực tuyến là một hình thức không mới đối với nhiều bảo tàng trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, hình thức này chỉ thực sự được chú trọng ở một số bảo tàng, di tích trong những năm gần đây, nhất là từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Đây là phương thức tiếp cận công chúng thông qua việc số hóa, ứng dụng công nghệ, sáng tạo các hình thức trải nghiệm, giới thiệu di sản văn hóa trên không gian số góp phần từng bước hiện đại hóa, đa dạng hóa các hoạt động bảo tàng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng…
 
Về vấn đề này, bà Huỳnh Phương Lan, cán bộ Viện Bảo tồn di tích nhận định, hiện nay nhiều di tích, đặc biệt là các di tích lớn đã ứng dụng tốt công nghệ kỹ thuật số trong hoạt động thuyết minh giới thiệu, quảng bá giá trị di sản đem lại nhiều trải nghiệm mới mẻ cho người tham quan. Việc ứng dụng công nghệ trong việc giới thiệu di tích, tái hiện các sự kiện lịch sử là hướng đi đúng đắn, hiệu quả và giúp bảo tồn, phát huy giá trị di sản, cũng như mang đến các hình thức du lịch mới.
 
Tại nhiều địa phương, đã bước đầu triển khai thực hiện các giải pháp chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số hóa 3D trong việc quản lý, khai thác, quảng bá và phát huy giá trị di sản, tiêu biểu như Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai app hướng dẫn tham quan "Di tích Huế", ứng dụng công nghệ trải nghiệm thực tế ảo VR 3D trong hoạt động tham quan tại Hoàng Thành Thăng Long...
 
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Phạm Văn Thủy cũng cho rằng, thời gian qua, trong quản lý điểm đến đã áp dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại như thực tế ảo, thực tế tăng cường, hình ảnh 360 độ, 3D... để đưa ra nhiều sản phẩm mới mẻ, độc đáo, gây ấn tượng mạnh cho du khách. Trong thời đại công nghệ số, việc kết hợp công nghệ ảo và trải nghiệm thực tế sẽ mang lại những ấn tượng rất khác biệt cho du khách.
 
Đặc biệt, có những sản phẩm công nghệ có khả năng mang lại những cảm xúc vượt qua các giới hạn dành cho du khách, giúp họ có cảm giác phấn khích, khó quên. Bên cạnh đó, những công nghệ mới này cũng sẽ hỗ trợ số hóa các điểm đến du lịch. Trên thực tế, phương thức bảo tồn truyền thống mặc dù rất quan trọng nhưng cũng bộc lộ các hạn chế theo thời gian. Việc số hóa các giá trị di sản và quảng bá trên các nền tảng số sẽ giúp nâng cao hiệu quả bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc, đa dạng của các địa phương trong cả nước.
 
N.Nguyễn
Theo: cand.com.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.037.249
Đang truy cập 21.213