Ngô đồng xứ Huế
Mình đã từng mong ước điều gì trong cuộc sống này? Có lúc tôi thả lỏng trong không gian mênh mang và vẩn vơ tự hỏi, rồi bất chợt nhận ra, có rất nhiều thứ đã thay đổi. Cả mình nữa, cũng đã bị cuốn đi theo một cách nào đó trên dòng sông đời người. Có những năm tháng mải mê, chúng ta có lẽ cũng đã không để ý đến việc dòng sông ấy đã chảy như thế nào, đã ngụp lặn trong những ngày nước dữ ra làm sao. Những ngày trẻ, tâm thế của chúng ta bao giờ cũng chạy về phía trước. Vươn về phía trước. Chắc cũng không để ý đến việc có bao giờ quay đầu lại để xem, mình đã thở như thế nào.
Người anh của chúng tôi có lần bảo, Huế dịu quá, và anh muốn đến Huế để thở. Điều anh nói, thoạt tiên làm tôi ngỡ ngàng. Không phải vì Huế, mà là cách anh chia sẻ. Về sự “thở” kia!
Tôi đã yêu Hà Nội bằng một tình yêu day dứt. Nhớ Hà Nội cả trong những sớm heo may hay những ngày ngàn ngạt rét giá. Hà Nội đánh dấu những ngày thương nhớ của tôi. Không biết có phải vì niềm thương nhớ ấy không mà trong những bước chân, trong những ô cửa ký ức về Hà Nội, tôi đã không mấy khi bị chi phối bởi những sốt ruột đặc mùi khói xe trên những tuyến đường chật quánh. Tiếng rì rầm của muôn ngàn những cục nóng giăng mắc trên các tường nhà cao. Tiếng vội vã lắm lúc xộc xệch của những chiếc taxi. Mùi thức ăn nồng nàn trên các ngõ phố…
Bạn tôi thì khác. Tôi đoan chắc tình yêu của anh với Hà Nội đã thành một “đặc tính”. Đó đương nhiên là nơi anh thuộc về. Không chỉ với chị - người đàn bà đoan trang của phố cổ và những người con, đứa cháu đã lớn lên từ Hà Nội. Dãi dầu và phong sương, với cơ man là những chuyến đi, những điểm đến và muôn vẻ góc cạnh gương mặt cuộc đời, hẳn người đàn ông ấy lắm lúc muốn kiếm cho mình những không gian để tìm về yên ả. Huế với anh, là nơi trong không nhiều của số đó…
Thở - anh bảo là điều cực thích khi bách bộ trong những ban mai dọc sông Hương. Tôi nghe anh nói và hình dung mùi xanh của lá, mùi hăng của cỏ và mùi ngọt từ hiền hòa dòng nước mà mình đã từng chạm vào và hòa lẫn trong nó. Huế của tôi chắc chắn là bầu không khí lành sạch đến từ thiên nhiên. Là tiếng cười rất trong và khẽ. Là những nhu mì và ôn hòa của giọng nói, cho dù tiếng dạ thưa không phải lúc nào cũng còn sẵn như những ngày đã qua. Tôi nhớ một người bạn khác đã trầm ngâm hoài trước hiên cỏ của sông Hương, mé trước Trường Quốc Học trong một chuyến tạt qua thành phố. Bạn bảo đã không nghĩ gì cả. Mọi thứ trở nên dễ chịu hẳn trong chậm rãi và lâu lắm, bạn mới có khoảng không như thế, để trả về mọi thứ và cân bằng mọi thứ!
Rồi thì tôi cũng nhận ra sự dễ chịu của mình sau những chuyến đi. Không phải chỉ vì nơi trở về bao giờ cũng là để an trú. Có lẽ đó là cảm giác của thư thái, với những tiếng đập thật trầm và nghe thương như âm thanh vọng ra từ những thớ gỗ. Nhớ ra mình đã từng đọc ở đâu đó về tiếng ồn nâu. Chuyển động âm thanh này được đặt tên là Brown – một nhà thực vật học người Anh. Tôi nghĩ nó không chỉ đơn thuần là âm thanh đã được giảm nốt tần số cao, tăng nốt tần số thấp theo cách nói từ những nghiên cứu khoa học. Bằng trải nghiệm của năm tháng đời người, bằng trải nghiệm nơi tôi sống, bằng cảm nhận được chia sẻ từ bạn bè đã đến từ khắp nơi, Huế hẳn là nơi không gian giàu dinh dưỡng cho hơi thở. Cả những nốt trầm như được thoát ra từ những thớ gỗ nâu thật nâu kia, hẳn nó cũng được lọc qua rất nhiều tầng nấc của thời gian, biến cố, gầy dựng, chịu đựng, dung hòa... và trên hết là để trao đi. Nó có lẽ cũng là những âm hưởng đã thoát ra từ rêu phong thành quách, từ mù sương trên những nhịp cầu, từ những quang gánh còn cong trên vai người mỗi sáng, mùi thơm của các món ăn đầu ngày nơi triêng gióng đặt trên xích lô, dải màu của mấy con đò, cánh cò, đồng ruộng, thảm xanh. Cả kiểu cười dìu dịu như một cách giấu và thả trôi gian khó…
Tôi vẫn thường nói với các bạn của mình về “sự giàu” mà mình đang có. Không gian này, mảnh đất này và tất thảy những gì đã đi qua cuộc đời tôi, bao giờ cũng là Huế. Chí ít thì những khi quá nhiều ngùi ngẫm hay quá nhiều thương yêu, tôi vẫn có hẳn cả một bầu trời để nhoài người mà thở.
Không ít người đến Huế như tìm về nơi an trú, để có thể tránh bớt hay tránh được sự pha tạp và có khi, là sự gây nhiễu đến làm ngạt thở bởi sự vị kỷ. Đó chẳng phải là một cách chữa lành “by Huế” hay sao…?
Bài: Hoàng Mai
Ảnh: Bảo Minh