Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Gỡ điểm nghẽn đón khách quốc tế - Bài 2: Nâng chất lượng sản phẩm du lịch
Ngày cập nhật 16/03/2023

Du lịch là một sản phẩm tổng hợp từ nhiều ngành kinh tế khác, vì vậy du lịch Việt Nam muốn thu hút du khách cần có sự đầu tư phối hợp đồng bộ của nhiều ngành.

Tuy nhiên, thực tế ngành du lịch vẫn đang phát triển theo hướng mạnh ai nấy làm. Sản phẩm du lịch vẫn nghèo nàn, cơ sở hạ tầng yếu kém... Đây là những điểm trừ khiến du lịch Việt Nam kém hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế.
 
Du khách nước ngoài tham quan tại Bưu điện TP Hồ Chí Minh.
 
Thiếu sản phẩm du lịch về đêm
 
Theo đại diện một số các công ty lữ hành tại TP Hồ Chí Minh, một thực tế ai cũng thấy là sản phẩm du lịch của Việt Nam nghèo nàn, chưa có sản phẩm đặc trưng để thu hút du khách. Mặc dù, mỗi năm ngành du lịch cho ra đời rất nhiều sản phẩm du lịch nhưng các sản phẩm này xây dựng theo phong trào, dàn đều và chưa tập trung vào một sản phẩm đặc trưng, không gây nhiều ấn tượng với bạn bè quốc tế.
 
Trong khi đó, các nước khác như Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore đều có chương trình văn hóa nghệ thuật, các điểm vui chơi về đêm quy mô và hoành tráng để kích thích chi tiêu của du khách. Còn tại Việt Nam, cụ thể tại TP Hồ Chí Minh - nơi thu hút du khách quốc tế đến nhiều nhất cả nước, vẫn chưa có chương trình, sân khấu văn hóa đúng tầm để níu chân du khách ở lại về đêm. Các ấn phẩm quảng bá về du lịch Việt Nam vừa thiếu vừa chưa chuyên nghiệp, chất lượng còn thấp cả về hình thức lẫn nội dung; ngay cả quà lưu niệm cho khách quốc tế, qua các cuộc thi thiết kế của ngành du lịch vẫn chưa tìm được một tặng phẩm nào ý nghĩa, mang tính đặc trưng cho hình ảnh Việt Nam…
 
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corporation cho rằng, có lẽ ngành du lịch Việt Nam vẫn đang “mắc kẹt đâu đó”. Thực tế là, dù lượng khách có tăng cao nhưng đóng góp GDP lại có xu hướng giảm, thậm chí chi tiêu của du khách giảm gần gấp đôi. Điều này cho thấy, du lịch Việt Nam mới chú trọng chỗ ăn ngủ nhưng chưa chú trọng chỗ chơi, dẫn đến mức chi tiêu thấp.
 
"Mức chi tiêu của khách du lịch Mỹ mỗi ngày khoảng 100 USD nhưng ở Việt Nam họ không có điều kiện để tiêu tiền, trong khi đó sở thích của khách Mỹ là ăn tại nhà hàng và mua sắm... Còn khách Nhật thì thích mua sắm hàng lưu niệm, thư giãn làm đẹp tại các spa... nhưng chúng ta có bao nhiêu điểm mua sắm lôi kéo được khách, bao nhiêu điểm spa đạt chuẩn quốc tế? Thêm nữa, hằng năm các địa phương bỏ hàng tỉ đồng để làm lễ hội, tỉnh nào cũng có lễ hội nhưng một lễ hội mang tính đặc thù dân tộc để quảng bá bán tour cho khách nước ngoài thì lại chưa có. Tour trong nước quá đơn điệu, đi miền Tây thì sản phẩm vùng nào cũng giống vùng nào, cũng vào vườn trái cây, cũng tát mương bắt cá... Du lịch Phan Thiết, Ninh Chữ cũng chẳng có gì mới ngoài các resort. Đi Huế, Phú Quốc thì luôn thiếu vé máy bay... Ra phía Bắc thì nhiều nơi còn nhếch nhác, giá tour còn quá đắt so với đi nước ngoài...", ông Nguyễn Quốc Kỳ bức xúc cho biết.
 
Du khách ngồi ngắm sông Sài Gòn về đêm từ trên cao.
 
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Danh dự của Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, yếu kém của du lịch Việt Nam trước hết là trách nhiệm của ngành du lịch. Tuy nhiên, du lịch phải là một sản phẩm tổng hợp, có sự đầu tư phối hợp đồng bộ của nhiều ngành như giao thông, hàng không, thương mại, văn hóa... một mình ngành du lịch không thể nào làm được gì. Vì thế, du lịch Việt Nam cần phải có "một nhạc trưởng chung cho dàn đồng ca" du lịch, không thể để tình trạng mạnh ai nấy làm, cứ “đến hẹn lại lên”, khách đông là tăng giá phòng, giá xe, giảm chất lượng dịch vụ...
 
Trước mắt, theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Việt Nam cần phải đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại và chuyên nghiệp. Bởi hiện nay, hệ thống giao thông kém và lạc hậu, lái xe luôn bị ám ảnh bởi việc bắn tốc độ, kẹt xe ở nội thành thường xuyên dẫn đến thời gian di chuyển nhiều, gây mệt mỏi cho du khách...
 
Trong khi đó, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Saigontourist Group cho biết, hiện Việt Nam đang là “điểm nóng” đối với khách du lịch tàu biển. Các hãng tàu lớn đã đến Việt Nam nhiều lần, ghé nhiều cảng với số ngày lưu trú tại mỗi cảng cũng dài hơn. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có cảng hành khách chuyên dụng tại TP Hồ Chí Minh, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long... để đón khách. Thực tế, Việt Nam vẫn phải sử dụng các bến bãi của cảng hàng hóa để đón khách quốc tế.
 
Đẩy mạnh liên kết
 
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết, việc mở cánh cửa visa là việc cần phải làm ngay, song Việt Nam cũng cần phát triển các sản phẩm du lịch mua sắm để có thể tăng chi tiêu của du khách khi đến Việt Nam. Qua thống kê sơ bộ, trong các loại hình du lịch, Việt Nam đã và đang phát triển phổ biến nhất là du lịch nghỉ dưỡng và du lịch trải nghiệm, chủ yếu nhờ vào tính sẵn có, ưu đãi về điều kiện tự nhiên và đa dạng văn hóa. Tuy nhiên, xu hướng mới về du lịch sức khỏe và du lịch mua sắm - giải trí thì Việt Nam còn rất hạn chế.
 
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, hiện nay tiềm năng 2 loại hình du lịch trên là rất lớn, đây cũng chính là "nút thắt" cho việc tăng chi tiêu du khách. Có thể thấy tại Singapore, chỉ có diện tích chỉ tương đương đảo Phú Quốc của Việt Nam và hạn chế về thiên nhiên ưu đãi, thế nhưng Singapore chọn "đánh thật mạnh" 4 loại hình du lịch để phát triển là mua sắm, vui chơi - giải trí, du lịch công việc và du lịch trải nghiệm. Nhờ vậy, Singapore đã trở thành thiên đường mua sắm vì đây là đảo quốc miễn thuế. Kết quả, số lượng khách quốc tế đến Singapore và tổng chi tiêu trung bình của 1 du khách tại Singapore vượt rất nhiều so với Việt Nam.
 
Việt Nam chưa có sản phẩm du lịch mua sắm xứng tầm để kích thích chi tiêu của du khách.
 
Theo ông Johnathan Hạnh Nguyễn, tất cả các nước có ngành du lịch phát triển như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc hay Mỹ, các nước châu Âu... đều sử dụng mô hình factory outlet (trung tâm thương mại bán hàng giảm giá qua mùa) để thu hút du khách, tăng chi tiêu và doanh thu du lịch. Hiện nay, Chính phủ đang xem xét việc xây dựng cơ chế chính sách Khu phi thuế quan trong lĩnh vực thương mại - du lịch. Nếu quyết tâm triển khai, Việt Nam sẽ có các factory outlet trong khu miễn thuế đầu tiên của cả khu vực, giá bán lẻ tại các factory outlet này sẽ rẻ như ở Mỹ hoặc Milan (Italy). Du khách từ các nước lân cận sẽ đổ về Việt Nam mua sắm, kéo theo các dịch vụ khác cộng hưởng tăng theo và ngành du lịch sẽ có bước nhảy vượt bậc.
 
“Ngoài ra, để hút du khách quốc tế đến Việt Nam thì chỉ một đơn vị hàng không hay một đơn vị lữ hành, du lịch, khách sạn không thể làm được mà cần có sự liên kết giữa các cửa hàng miễn thuế, các doanh nghiệp phục vụ ngành du lịch. Theo đó, các hãng hàng không sẽ "bắt tay" với lữ hành để giảm giá vé, đưa khách tới các trung tâm mua sắm miễn thuế. Với mỗi đoàn khách, đơn vị kinh doanh cửa hàng miễn thuế sẽ bù trừ lại 10% cho doanh nghiệp lữ hành. Khách quốc tế sẽ đổ về Việt Nam, các hãng hàng không, khách sạn, nhà hàng cũng sẽ lập tức hồi phục", ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.
 
Là ngành liên quan chặt chẽ với ngành du lịch, ông Bùi Minh Đăng, Phó trưởng phòng Vận tải hành khách, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, trước thời điểm dịch COVID-19, năm 2019 ngành du lịch đón 18 triệu khách, ngành hàng không vận chuyển khoảng 40 triệu hành khách quốc tế. Trong đó, lượng khách du lịch chiếm khoảng 70% hành khách hàng không. Tuy nhiên, sau khi mở cửa du lịch trở lại, 1 năm qua tổng lượng vận chuyển trên các đường bay khoảng 12 triệu khách, trong đó có đóng góp 3 triệu khách du lịch. Như vậy, tỷ lệ khách du lịch sử dụng đường hàng không chỉ còn 50/50, so với trước đây là 70/30. Điều này cho thấy, ảnh hưởng của ngành du lịch đến hàng không rất lớn. Đến khi phục hồi các đường bay quốc tế,
 
"Năm nay, hàng không đặt mục tiêu khách quốc tế 34 triệu lượt, bằng khoảng 80% so với năm 2019. Đến tháng 2 vừa qua, tổng lượng khách quốc tế là 2,3 triệu khách, con số này tương đương 67% so với năm 2019. Theo tính toán, con số này tính đến tháng 4 có thể đạt trên 70% và dự kiến đến cuối quý 3 phục hồi khoảng 90% so với năm 2019. Tuy nhiên, đây là những con số kỳ vọng, còn đạt được hay không còn phụ thuộc lớn vào lượng khách quốc tế vào Việt Nam và việc tháo gỡ các điểm nghẽn cho ngành du lịch", ông Bùi Minh Đăng cho biết thêm.
 
Bài 3: Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá
 
Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Theo: baotintuc.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 1.247