Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Chất lượng dịch vụ, “chìa khóa” của du lịch Cố đô
Ngày cập nhật 08/05/2023
 Du khách khám phá núi Bạch Mã hoang sơ
 
Biến không thành có
 
Nhiều người đã từng đi du lịch Thái Lan có cảm nhận khá giống nhau rằng, ở đất nước bạn, không có nhiều tài nguyên du lịch. Ở một số địa phương, gần như không có nhiều di tích, hoặc có thì quy mô nhỏ. Cảnh quan thiên nhiên không đa dạng, chủ yếu là cảnh quan nhân tạo, được xây dựng mới.
 
Chị Lê Thị Kim Thảo, trú ở TP. Huế cho biết, chị đi tour 4 ngày 3 đêm ở Thái Lan trong năm 2022. 2/3 điểm đến trong tour là những nơi mới được hình thành, như vườn nhiệt đới Nong Nooch; trung tâm nghiên cứu giấc ngủ hoàng gia; trung tâm mật ong hoàng gia; trại rắn hoàng gia; các show diễn của những người thuộc “giới tính thứ ba”… Còn những điểm du lịch gắn với di tích lịch sử, văn hóa truyền thống, danh lam thắng cảnh rất ít. Ngay cả núi Phật vàng nối tiếng cũng là điểm đến được xây dựng gần đây.
 
Không phải nổi bật về văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh,… nhưng sau chuyến đi, chính bản thân chị Thảo và nhóm bạn cơ bản ai cũng hài lòng vì đã sử dụng được những dịch vụ tốt. Nhiều điểm đến đưa khách đến chủ yếu là mua hàng, song trước đó được sử dụng rất nhiều dịch vụ hiện đại, đẳng cấp. Việc mua hàng cũng tùy thuộc vào mỗi người, chứ không có sự ép buộc. Vấn đề gì cũng gắn với hoàng gia nên dịch vụ như được nâng tầm.
 
Theo các doanh nghiệp du lịch, ngay cả du lịch Singapore hay Malaysia cũng có những nét tương tự như Thái Lan. Tour du lịch thường đến các điểm vui chơi giải trí quy mô, các công trình kiến trúc hiện đại để khách “check-in”... Như khi sang Singapore, du khách trải nghiệm thêm tour tàu điện ngầm về đêm với mức giá lên đến 100 USD/khách, vậy mà ai cũng tham gia. Lý do đây là trải nghiệm lần đầu của nhiều người.
 
Quay trở lại với du lịch trong nước. Ở một số địa phương, như Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Phú Quốc, Sapa… dịch vụ vui chơi giải trí giúp ngành du lịch các địa phương thu hút lượng lớn khách nội địa. Ông Vũ Văn Chương, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh thông tin, khoảng 2 năm trở lại, khách ở Huế và miền Trung chọn Hội An để đi du lịch rất nhiều. Lý do chính là đến vui chơi tại VinWonders Nam Hội An và xem show Ký ức Hội An. Hay như tại Đà Nẵng, cũng thu hút lượng lớn khách khu vực miền Trung sử dụng các dịch vụ tại Bà Nà, vì dịch vụ này thay đổi liên tục và luôn có mức giá ưu đãi cho người miền Trung.
 
Theo ông Nguyễn Ngọc An, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Kết nối Huế, nhìn chung, ở các điểm đến kể trên, dịch vụ du lịch được khai thác tối đa và nâng tầm chất lượng. Họ đã biến “không thành có”, dù không mạnh về tài nguyên du lịch, như biến những cánh rừng ven biển khô khốc thành khu vui chơi giải trí quy mô; những khu dưỡng đẳng cấp, rộng lên đến hàng trăm ha. Biến một đồi đất thành sân khấu thực cảnh đẳng cấp và hoành tráng… Đó là chưa phân tích hết cách khai thác và vận hành dịch vụ của các đơn vị cung ứng để có nguồn khách liên tục.
 
Hướng đến sự hài lòng
 
Luật Du lịch đã định nghĩa dịch vụ du lịch là việc cung cấp các dịch vụ về lữ hành, vận chuyển, lưu trú, ăn uống, vui chơi giải trí, thông tin, hướng dẫn và những dịch vụ khác nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
 
Trong kinh tế học, dịch vụ du lịch được định nghĩa cụ thể hơn, đó là những yếu tố tương tự như hàng hóa nhưng ở dạng phi vật chất (cảm nhận, hình ảnh…) được cung cấp bởi các cá nhân, tổ chức, cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch, nhằm thỏa mãn các nhu cầu của khách du lịch bắt đầu từ lúc di chuyển của du khách đến nơi lưu trú; thỏa mãn tối đa các nhu cầu về giải trí, nghỉ dưỡng của du khách và đem lại lợi ích kinh tế cho các cá nhân, tổ chức, cơ sở cung ứng các dịch vụ. Dịch vụ du lịch tốt, được đánh giá chất lượng là khi mang lại cho du khách sự hài lòng, trọn vẹn từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc chuyến đi du lịch tại điểm đến.
 
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đánh giá, xét về lợi thế so sánh, tài nguyên du lịch của Huế thuộc vào đa dạng, phong phú nhất cả nước. Đó là hệ thống di sản đồ sộ, hệ thống di tích lịch sử phong phú; tài nguyên thiên nhiên hội tụ đầy đủ biển, sông, núi, suối thác. Có bờ biển dài gần 130km, với điểm nhấn Lăng Cô, Cảnh Dương, Thuận An; có núi Bạch Mã, có sông Hương thuộc vào top các dòng sông đẹp nhất thế giới chứ không chỉ Việt Nam…, nhưng dịch vụ gắn với các tài nguyên còn thiếu. Vấn đề này được chỉ ra nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều thay đổi.
 
Với nhiều điểm đến trong tỉnh hiện nay, chủ yếu thấy tài nguyên du lịch, còn các dịch vụ đi kèm chưa thể hiện rõ nét. Cụ thể nhất là tại Quần thể Di tích Cố đô Huế, khách chủ yếu vào tham quan di sản, còn dịch vụ bổ trợ có thể kể đến, như trải nghiệm văn hóa, ăn uống, nghỉ ngơi… còn quá ít.
 
Hay như các chương trình nghệ thuật, điểm vui hơi giải trí ở Huế chưa có nhiều, hoặc chậm hình thành… Nhiều doanh nghiệp du lịch cho rằng, có cảm giác rằng, ở Huế như muốn “ôm” tài nguyên du lịch lại thật chặt mà không muốn buông ra để khai thác trở thành những sản phẩm hấp dẫn.
 
Dịch vụ như là chiếc “chìa khóa” giúp mở cánh cửa nhu cầu của du khách bằng sự hài lòng. Dịch vụ càng chất lượng, sẽ càng dễ thu hút khách và nâng mức chi tiêu. Điểm tích cực được chỉ ra dù dịch vụ dịch vụ khai thác chưa tốt là các tài nguyên du lịch còn được gìn giữ theo năm tháng. Nhưng nếu không khai thác dịch vụ, cứ “đóng khung” mãi thì du lịch sẽ không thể phát triển.
 
Bài, ảnh: QUANG SANG
Theo: thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.075.490
Đang truy cập 10.453