Tìm kiếm tin tức
Thừa Thiên Huế: Kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực
Ngày cập nhật 19/12/2017

Mặc dù nền kinh tế chung của tỉnh Thừa Thiên Huế đang còn đó những khó khăn thách thức, nhất là bị ảnh hưởng nặng nề do thiên tai gây ra trong những tháng cuối năm 2017. Song với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nền kinh tế - xã hội (KT- XH) năm 2017 của tỉnh đã có những chuyển chuyển biến tích cực hơn...

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nền KT- XH năm 2017 của tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chuyển chuyển biến tích cực hơn...

Đạt và vượt 12/13 chỉ tiêu KT-XH

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2017 có 12/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra; kinh tế tăng trưởng 7,76%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 19 nghìn tỷ đồng; thu ngân sách Nhà nước trên 6.770 tỷ đồng; các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; an sinh xã hội luôn đảm bảo; quốc phòng - an ninh luôn giữ vững; năng lực chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền được nâng lên...

Đáng chú ý là khu vực công nghiệp - xây dựng tăng cao nhất với 12,69% (kế hoạch tăng 9,0%). Các chương trình trọng điểm thực hiện trong năm 2017 đã đạt hiệu quả cao, tạo đà và thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển.

Theo đó, về chương trình phát triển du lịch - dịch vụ, lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế năm 2017 ước đạt 3.780 nghìn lượt, tăng 16% so với năm 2016, trong đó khách quốc tế đạt 1.450 nghìn lượt; doanh thu du lịch ước đạt 3.520 tỷ đồng, tăng gần 10% so với năm 2016. Các công trình, dự án đầu tư phục vụ phát triển du lịch tiếp tục được triển khai, trong đó có nhiều công trình hoàn thành và được khởi công mới trong năm 2017.

Lượng khách du lịch đến Thừa Thiên Huế năm 2017 ước đạt 3.780 nghìn lượt, tăng 16% so với năm 2016

Các địa phương cũng đã triển khai và phát triển loại hình du lịch và hoạt động lưu trú homestay, tour du lịch đầm phá. Các cuộc vận động tạo môi trường du lịch thân thiện đã có chuyển biến, góp phần tạo hình ảnh cho du lịch Huế như cuộc vận động “Huế - Thành phố không tiếng còi xe”, xã hội hóa nhà vệ sinh công cộng...

Năm 2017 là năm có nhiều chuyển biến trong chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng với các dự án phát triển hạ tầng giao thông của Quốc gia làm động lực thúc đẩy phát triển nhanh mọi mặt kinh tế - xã hội của tỉnh thì nhiều dự án đầu tư bằng nhiều nguồn vốn huy động đã được thực hiện, hoàn thành  trong năm 2017.

“Huế -Thành phố không tiếng còi xe”- Cuộc vận động đã tạo môi trường du lịch thân thiện hơn cho Huế

Nổi bật như hoàn thành dự án nút giao khác mức QL1 - đường tránh Huế tại Phú Bài, dự án đầu tư chỉnh trang cửa ngõ phía Bắc (TP. Huế), dự án đường cao tốc La Sơn - Túy Loan; dự án đường nối đường cứu hộ cứu nạn với đường tỉnh 9 - khu CN Phong Điền, dự án đường gom số 3-4 tại Cụm công nghiệp Thủy Phương; dự án đường quy hoạch nội bộ cụm công nghiệp Tứ Hạ...

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững năm 2017 có chuyển biến tích cực. Cùng với nguồn ngân sách của Trung ương, Tỉnh đã dành đáng kể nguồn ngân sách địa phương để triển khai đồng bộ và hoàn thành các công trình hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh. Dự kiến đến hết năm 2017 thêm 10 xã đạt chuẩn NTM...

Tuy nhiên, vẫn còn đó những hạn chế như mức độ tăng trưởng kinh tế vẫn còn chậm, chưa xuất hiện những nhân tố có tính chất đột phá; năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chưa cao, chưa hình thành các chuỗi cung ứng sản phẩm; nguồn thu ngân sách chưa ổn định, chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư. Công tác cải cách hành chính vẫn chưa triệt để; công tác tham mưu xử lý các vấn đề phát sinh cho doanh nghiệp, người dân có khi vẫn còn thiếu kịp thời, năng động...

Festival Huế 2018 sẽ diễn ra trong 6 ngày (từ ngày 27/4- 2/5/2018) với quy mô quốc tế, hứa hẹn sẽ là điểm nhấn cho Huế trong năm tới

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XV và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020. Mục tiêu là tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình trọng điểm của kế hoạch kinh tế - xã hội 2016 – 2020; trong đó, tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch - dịch vụ, khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí...

Phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,5 - 8,0%; GRDP bình quân đầu người: 1.750 USD; Tổng đầu tư toàn xã hội 20.000 tỷ đồng; Thu ngân sách nhà nước 6.830 tỷ đồng; Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,06% (còn 5%)...Thu hút 4 - 4,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 10-12%.

Thừa Thiên Huế phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 7,5 - 8,0% trong năm 2018...

Các nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh xác định tập trung chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện trong năm 2018, cụ thể:

Tập trung thực hiện Nghị quyết 03-NQ/TU ngày 8/11/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch, dịch vụ Thừa Thiên Huế trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Trong đó, “Làm mới” loại hình du lịch di sản; tập trung đầu tư hạ tầng du lịch, tiếp tục cải thiện môi trường du lịch "Thân thiện, hấp dẫn"; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, tạo sức hút lâu bền cho du lịch của tỉnh... Tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao của ngành công nghiệp - TTCN với giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) đạt 30.000 tỷ đồng, tăng 10%. Tập trung phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh (công nghệ phần mềm,...).

Tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi; hỗ trợ tối đa các dự án trọng điểm, giám sát chặt chẽ và xử lý kịp thời đối với các nhà đầu tư không đảm bảo tiến độ theo cam kết. Ưu tiên vốn cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch để thu hút đầu tư. Cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 40 - 50 dự án trong và ngoài nước; phấn đấu năm 2018 thành lập mới trên 900 doanh nghiệp...

Cải cách một cách đồng bộ bộ máy hành chính nhà nước; vận hành hiệu quả Trung tâm Hành chính công tỉnh, cấp huyện. Thực hiện các hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp...Khai thác tiềm năng, lợi thế về lịch sử, văn hóa và cách mạng để phát triển công nghiệp văn hóa; xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của cả nước...

Bài, ảnh: Văn Dinh

Theo: baotainguyenmoitruong.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.433.922
Đang truy cập 1.695