Tìm kiếm tin tức
Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Bài Chòi ở Thừa Thiên Huế
Ngày cập nhật 30/01/2018

Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bài Chòi ở Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, vinh dự là đại diện duy nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Đặng Thị Bích Liên và đoàn Việt Nam vui mừng khi Bài Chòi được công nhận là di sản văn hóa của nhân loại

Bài Chòi ở Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, vinh dự là đại diện duy nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế vì trước đây một số địa phương ở Thừa Thiên Huế cũng có Bài Chòi, tuy nhiên, trải qua sự biến động của thời gian thì hiện nay chỉ còn Bài Chòi xã Thuỷ Thanh, thị xã Hương Thuỷ là còn tồn tại.

Theo các nhà nghiên cứu, Bài Chòi xuất hiện ở Thủy Thanh vào khoảng giữa thế kỷ 19, bắt nguồn từ quá trình lao động sản xuất của cộng đồng dân cư. Đây không chỉ là trò chơi dân gian thuần túy mà đã trở thành một hoạt động văn hóa đặc trưng, là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân địa phương trong các dịp lễ, tết. “Trước đây, Hội Bài chòi thường được tổ chức ở trước sân đình hay nơi họp chợ. Mỗi lần có hội Bài Chòi thì hầu hết người dân trong làng từ các em nhỏ, các cô cậu thanh niên cho đến các bà, các cụ đều háo hức tham gia”, nghệ nhân Trần Duy Đối, người có hơn 50 năm gắn bó với “nghề” hò Bài Chòi (còn gọi là Anh Hiệu) ở xã Thủy Thanh, cho biết.

Hội Bài Chòi ở Thủy Thanh thường được bắt đầu từ ngày mồng 01 tết. Người chơi bài được ngồi trong các chòi dựng bằng tre, lợp tranh, gồm 10 chòi được đặt ở hai bên và một chòi trung ương được đặt ở giữa, phía trên cùng là bàn điều khiển. Mỗi hội bài được chia thành 9 ván, mỗi ván người chơi phải đánh hết 5 quân bài, kết thúc mỗi ván người thắng sẽ được cắm một cờ vào chòi của mình và nhận số tiền thưởng tượng trưng.

Nét độc đáo của Hội Bài chòi chính là những câu rao, trong đó ngoài những câu được truyền khẩu, phần lớn đều do người rao tự phóng tác, ứng tác, như: “Ra đi mạ có dặn rồi/Khi mô em khóc thì đưa qua bác bồng” (con Bồng); “Trách duyên trách số trách phận của mình/Răng không thành đôi bạn, chao ôi cái số chi mình mà xác xơ” (con Xơ); “Ai về sở thú mà coi/Hươu nai chồn thỏ có con voi một ngà” (con Voi)…

Theo ông Nguyễn Đức Tăng, đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam: “Khác với Bài Chòi ở các địa phương tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi hay Bình Định, Bài Chòi ở Thủy Thanh (Thừa Thiên Huế) không đặt nặng tính sân khấu hóa, nhưng vẫn giữ được yếu tố nghệ thuật đặc sắc, riêng biệt. Bài Chòi ở Thủy Thanh là một sản phẩm văn hóa dân gian độc đáo, vừa mang hơi thở cuộc sống của cộng đồng cư dân bản địa, vừa in đậm bản sắc văn hóa của vùng miền”.

Với người dân Cầu ngói Thanh Toàn, Bài Chòi là món ăn tinh thần không thể thiếu trong những ngày lễ, tết. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Bài Chòi không chỉ  góp phần gìn giữ một sản phẩm văn hóa dân gian truyền thống, đó còn là bước đi lâu dài để thúc đẩy ngành Du lịch của địa phương ngày càng phát triển và để Bài Chòi xứng đáng là Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại../.

Theo: dulichvn.org.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.964.478
Đang truy cập 678