Tìm kiếm tin tức
Tổng cục nói về vụ cấp thẻ hướng dẫn viên lạ lùng
Ngày cập nhật 10/04/2018

Nếu trường cao đẳng, đại học có đào tạo ngành Việt Nam học có học môn hướng dẫn du lịch cũng không đáp ứng đủ yêu cầu về kiến thức và kỹ năng của nghề hướng dẫn du lịch theo quy định của Bộ LĐTBXH.

Báo Pháp Luật TP.HCM số ra ngày 29/3/2018 có bài "Lạ lùng việc cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch".

Trong đó phản ảnh tình trạng hàng ngàn sinh viên học ngành liên quan đến hướng dẫn viên (HDV) lẫn HDV có thể không thể hành nghề do việc xét cấp thẻ chỉ dựa trên bằng tốt nghiệp. Nhưng bằng tốt nghiệp lại không thể hiện học chuyên ngành hướng dẫn viên. Do vậy muốn đủ điều kiện cấp thẻ, sinh viên, HDV phải học để có chứng chỉ nghiệp vụ trong khi họ đã được đào tạo tại các trường đại học...

Không thẩm định bảng điểm

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM vì sao điều kiện xét cấp thẻ HDV chỉ dựa trên bằng tốt nghiệp, không thẩm định bảng điểm của người nộp hồ sơ để xét cấp thẻ HDV....? Tổng cục du lịch giải thích: Theo qui định về mẫu bằng đại học tại Thông tư 19/2011/TT-BGDĐT và qui định về mẫu bằng tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng tại Thông tư số 10/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH thì các cơ sở giáo dục cấp bằng tốt nghiệp gồm đại học, cao đẳng, trung cấp cho sinh viên, học sinh phải ghi tên ngành đào tạo mà người học đã theo học.

Cụ thể là du lịch hoặc quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành hoặc hướng dẫn du lịch. Như vậy, trên bằng đã ghi ngành đào tạo rõ ràng, thuận lợi xác định đã đủ điều kiện về nghiệp vụ cấp thẻ hay phải có chứng chỉ.

Từ các qui định trên, Tổng cục Du lịch ban hành Công văn số 120 trong đó hướng dẫn các Sở chỉ thẩm định văn bằng, chứng chỉ, không thẩm định bảng điểm của người nộp hồ sơ để xét cấp thẻ HDV.

Tuy nhiên do gặp khó với quy định trên, nên có kiến nghị nên xem xét chấp nhận bảng điểm đối với sinh viên đang theo học chuyên ngành hướng dẫn du lịch  thuộc ngành Việt Nam học.

Về vấn đề này, Tổng cục du lịch viện dẫn theo quyết định 01/2017/QĐ-TTG quy định về danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân gồm bốn cấp.

Theo đó, các ngành nghề đào tạo liên quan đến du lịch được qui định với cấp I gồm mã 4,5,6,7,8,9 tương ứng là sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học, thạc sỹ và mã 9.

Cấp II với mã 81 gồm Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân; mã 34 gồm kinh doanh và quản lý. Cấp III với mã 8101 là nhóm ngành nghề đào tạo Dịch vụ du lịch...

Bên cạnh đó, các Thông tư số 04/2017/TT-BLĐTBXH ban hành Danh mục ngành, nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, cao đẳng đã quy định ngành Hướng dẫn du lịch có mã 5810103 trình độ trung cấp và mã 6810103 trình độ cao đẳng.

Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học chỉ quy định cho lĩnh vực đào tạo Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân mã ngành 81, nhóm ngành du lịch mã ngành 8101, các ngành du lịch là mã 7810101 và quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành mã 7810103. Không có ngành, nghề đào tạo hướng dẫn viên du lịch.

Tốt nghiệp ngành Việt Nam học  cũng phải chứng chỉ nghiệp vụ

Cũng theo các văn bản trên, ngành Việt Nam học có mã cấp IV là  6220103 (trình độ cao đẳng) thuộc nhóm ngành đào tạo ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam lĩnh vực đào tạo nhân văn…

Các nội dung về ngành, nhóm ngành, lĩnh vực đào tạo liên quan đến hướng dẫn du lịch và Việt Nam học ở hai thông tư này vẫn giữ nguyên như qui định tại Quyết định số 38/2009/QĐ-TTg về việc ban hành Bảng danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân.

Như vậy, qui định ngành đào tạo hướng dẫn du lịch và Việt Nam học đã có cách đây chín năm, thuộc hai lĩnh vực đào tạo khác nhau. Hai nhóm ngành đào tạo khác nhau, yêu cầu về kiến thức, kỹ năng chuyên môn nghề hướng dẫn du lịch trong các trường trung cấp, cao đẳng có mã ngành đào tạo hướng dẫn du lịch là hoàn toàn khác yêu cầu về kiến thức ngành Việt Nam học trong các trường cao đẳng, đại học.

Nếu trường cao đẳng, đại học có đào tạo ngành Việt Nam học có học môn hướng dẫn du lịch cũng không đáp ứng đủ yêu cầu về kiến thức và kỹ năng của nghề hướng dẫn du lịch theo quy định của Bộ LĐTBXH.

Do đó, trường hợp sinh viên tốt nghiệp ngành Việt Nam học, theo quy định của Luật Du lịch, khi đề nghị cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa, quốc tế phải có phải có chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch nội địa, quốc tế.

Khách du lịch mua sắm tại chợ Bến Thành

Trước đó, trường Đại học Văn hóa TP.HCM đã lên tiếng về vấn đề này. Theo T.S Mai Hà Phương, Trưởng khoa du lịch, trong tất cả các Thông tư ban hành Danh mục mã ngành đào tạo trình độ đại học, cao đẳng từ năm 2010 đến năm 2017-khi ngành du lịch chính thức có mã ngành riêng cũng không có ngành Hướng dẫn du lịch.

Trường ĐH Văn hóa đã xây dựng và ban hành Chương trình đào tạo ngành Việt Nam học - chuyên ngành Hướng dẫn du lịch để triển khai thực hiện trong phạm vi trường mình từ năm 2010 đến năm học 2017-2018.

Nội dung chương trình đào tạo thể hiện qua Chương trình Khung và Chương trình chi tiết) thể hiện rõ mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra khác hẳn với chương trình đào tạo ngành Việt Nam học không theo hướng tách thành chuyên ngành. Việc cấp văn bằng, bảng điểm thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.

Mặt khác, tại khoản 3, Điều 10, Quyết định số 33/2007/QĐ-BGDĐT Ban hành Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân thì qui định trên bằng tốt nghiệp từ bậc Trung cấp đến Đại học chỉ ghi tên ngành đào tạo (ghi đúng theo Danh mục ngành đào tạo theo qui định hiện hành của Nhà nước) chứ không ghi tên chuyên ngành.

Do đó, các Trường đại học ghi tên ngành và chuyên ngành đào tạo tương ứng trên Giấy chứng nhận tốt nghiệp và bảng kết quả học tập toàn khóa.
Lạ lùng chuyện cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch

Theo Tú Uyên

Theo: Pháp luật Tp HCM
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.037.249
Đang truy cập 4.128