Tìm kiếm tin tức
Chưa mặn mà với du lịch trực tuyến
Ngày cập nhật 16/04/2018


Nêu cao khẩu hiệu “Du lịch trực tuyến - Du lịch Việt Nam hướng tới công nghiệp 4.0”, Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2018 vừa mang tới nhiều cơ hội trải nghiệm ứng dụng du lịch trực tuyến. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là phương thức tiếp cận du khách chủ lực của doanh nghiệp hay các địa phương.

Tìm hiểu thông tin du lịch tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam – VITM Hà Nội 2018 .

Vẫn ưa cách làm truyền thống

Những hàng người dài từ sáng tới trưa “săn” vé máy bay giá rẻ tại những gian hàng của hãng hàng không. Nhân viên các công ty du lịch đứng tại quầy hay đi khắp khuôn viên hội chợ để phát tờ rơi về các sản phẩm khuyến mại… là cảnh quen thuộc nhiều năm nay tại VITM.

Với 502 gian hàng của 675 doanh nghiệp (DN), hàng nghìn DN du lịch Việt Nam và quốc tế đã quảng bá và chào bán sản phẩm cho khách du lịch và các công ty đối tác. Hưởng ứng chủ đề chung của Hội chợ, không ít DN bổ sung các ứng dụng công nghệ trực tuyến, sắp đặt khu vực trải nghiệm ứng dụng đặt tour trực tuyến trên các thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng… để chào bán, giới thiệu sản phẩm. Tuy nhiên, khách hàng tới hội chợ vẫn quen trao đổi thông tin trực tiếp từ nhân viên tư vấn, rồi đặt tour theo cách truyền thống hơn là tìm hiểu tiện ích công nghệ mới.

Đơn cử như tại gian hàng của Vietravel, công ty đã đặt những màn hình Led cảm ứng và có nhân viên hỗ trợ, hướng dẫn khách hàng thực hiện thao tác tìm đặt tour trực tuyến, theo dõi các trang mạng xã hội của Vietravel trên Facebook hay Zalo… Tuy nhiên, khảo sát trong ba ngày đầu tiên, lượng khách đặt tour trực tuyến của Vietravel cũng chỉ đạt trên 20% doanh thu.

Nhiều khách hàng đã được hướng dẫn dùng điện thoại thông minh (smart phone), thao tác dùng mã QR code được tích hợp sẵn trong chương trình tour để nắm thông tin, thay vì đi lấy từng tờ rơi chương trình. Tuy nhiên, tới khi thanh toán lại dè chừng. Chị Nguyễn Thị Thanh Hoài (Quận Cầu Giấy, Hà Nội) ngại ngần vì “nếu phải khai báo quá nhiều thông tin và tài khoản cá nhân trên mạng, tôi lo sợ tới vấn đề bảo mật và an toàn”. Bởi vậy, chị lại tìm cách đặt tour trực tiếp tại quầy hàng.

Ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Saigontourist, Giám đốc công ty Lữ hành Saigontourist cho biết, dù du lịch trực tuyến (DLTT) tăng nhanh nhưng Saigontourist vẫn sử dụng kênh bán hàng truyền thống là kênh chủ lực để khai thác và phát triển.

Hờ hững?

Theo thống kê của ngành Du lịch, ngoài các DN lớn và một số sàn giao dịch điện tử, các ứng dụng DLTT ở Việt Nam vẫn chủ yếu ở mức độ tiếp cận ban đầu. DN du lịch chủ yếu là vừa và nhỏ nên hạn chế trong tiếp cận và đầu tư ứng dụng công nghệ… Ông Hà Anh Tuấn (Giám đốc công ty Vinalink) chỉ ra rằng, DN Việt Nam tập trung nhiều để làm quảng cáo nhưng không hiểu khách hàng, trong khi đó lại là phần đầu tư và thắng lợi của các DN nước ngoài.

Ngay tại điểm đến, hiện nay không nhiều địa phương có những ứng dụng tiện ích cho du khách. Ông Lê Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Hợp tác Quốc tế (Tổng cục Du lịch) cho biết, 100% các điểm đến ở Việt Nam đều có website, chủ yếu bằng tiếng Việt, bằng chữ và ảnh, ít các video có cốt truyện. Quảng bá điểm đến bằng công cụ tìm kiếm, mạng xã hội chủ yếu sử dụng dịch vụ miễn phí, hiệu quả chưa cao. Điều này có thể thấy ngay tại các gian hàng của các địa phương tại VITM 2018, các địa phương vẫn chú trọng mang sản vật và các tờ rơi, tập gấp giới thiệu du lịch địa phương hơn là giới thiệu được các ứng dụng công nghệ mới áp dụng với điểm đến của mình để du khách có thể tìm hiểu.

Hiện nay, việc phát triển các ứng dụng di động giới thiệu điểm tham quan, kết nối giao thông, các dịch vụ tại điểm đến mới chỉ đang thí điểm ở một số thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Đại diện công ty giải pháp công nghệ Haranvan cho biết, Đà Nẵng đã xây dựng được cổng thông tin du lịch với nhiều tiện ích, trong đó có cài đặt phần mềm trả lời tự động, giải đáp thắc mắc của du khách về nơi ăn uống, nhà vệ sinh, giao thông…

Còn ở nhiều trung tâm du lịch khác trên cả nước chưa có, với những lý do như thiếu chính sách, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được với yêu cầu về công nghệ. Điều này lý giải vì sao DN trong nước chỉ có 20% “miếng bánh” thị phần DLTT, còn lại vẫn do các DN nước ngoài đảm nhận. Trong khi theo TS Trương Sỹ Vinh (Phó Viện trưởng Nghiên cứu phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch) với sự phát triển của DLTT, các DN du lịch Việt Nam có cơ hội cạnh tranh bình đẳng hơn với các DN nước ngoài nếu biết tận dụng lợi thế về công nghệ.

đặc sản Huế, fesstival huế, du lịch, hue tourism, du lịch Huế, khách sạn Huế, huetourism, festival huế, ẩm thực huế, món ngon, món ăn huế, visithue.vn, smarttourism

Theo: nhandan.com.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 29.807