Tìm kiếm tin tức
Huế đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch
Ngày cập nhật 29/10/2018

Ngày 25/10/2018, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ban hành quyết định số 2389/QĐ-UBND về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ cho tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng - giai đoạn 2, dự án thành phần Thừa Thiên Huế. 

Với mục tiêu phát triển du lịch bền vững, phát triển cơ sở hạ tầng du lịch trên địa bàn, tổng mức đầu tư của dự án là 8,050 triệu USD tương đương 181,705 tỷ đồng. Trong đó vốn ADF là 6,444 triệu USD, phần vốn đối ứng là 1,606 triệu USD, tương đương 36.238 triệu VNĐ.
Ảnh: Hoàng Hải
Trong Dự án được phê duyệt gồm các công trình như: Nâng cấp tuyến đường kết nối từ Quốc lộ 1A đến rìa phía Tây - Nam của ranh giới Hòn Chén với chiều dài 1,2km, nền đường rộng 9,0m mặt đường rộng 7,0m và hệ thống thoát nước. Xây dựng một bãi đỗ xe 5.000m2 (bao gồm nhà vệ sinh, ki-ốt bán hàng lưu niệm, nhà quản lý, nhà chờ xe và vỉa hè, cây xanh trong bãi đỗ xe).
Dự án cũng tập trung phát triển du lịch đường thủy như xây dựng và nâng cấp 5 bến thuyền trên sông Hương gồm: bến Bao Vinh, bến Than, bến số 5 Lê Lợi, bến Voi Ré - Hổ Quyền, bến Thanh Tiên; nâng cấp 2 bến thuyền gồm bến Cồn Tộc và Vĩnh Tu ở đầm phá Tam Giang. Tất cả các bến thuyền đều được đầu tư các hạng mục phụ trợ hoàn chỉnh phục vụ khách du lịch.
Nâng cấp tuyến đường vào Thiền Viện Trúc Lâm Bạch Mã dài 5,54km, nền đường rộng 7,5m, mặt đường rộng 5,5m và hệ thống thoát nước. Đầu tư 2 xe buýt chạy bằng điện để vận chuyển khách du lịch từ bãi đỗ xe đến điểm xuất phát thuyền. Bến cây Đa Đá Bạc: Xây dựng một bến thuyền dài 70m; nhà dịch vụ với các ki-ốt bán hàng và nhà vệ sinh 300m2; bãi đỗ xe 260m2, sân vườn 2.805m2.
Để phát triển du lịch bền vững, toàn diện và cân bằng theo Kế hoạch Chiến lược Du lịch ASEAN 2016-2025; tăng khả năng cạnh tranh du lịch của các điểm đến du lịch thứ cấp nói riêng và của ngành du lịch Việt Nam nói chung, thông qua việc cải thiện cơ sở hạ tầng, môi trường phục vụ du lịch; bảo vệ di sản thiên nhiên và di sản văn hóa của Việt Nam; tăng cường năng lực của các cơ quan, tổ chức quản lý điểm đến du lịch; thúc đẩy hoạt động của khối kinh tế tư nhân; hỗ trợ ngành du lịch của các địa phương khai thác thế mạnh với các sản phẩm du lịch đặc thù để quảng bá và thu hút du khách quốc tế. Dự án cũng hỗ trợ xây dựng các tuyến du lịch xuyên quốc gia kết nối các điểm du lịch của khu vực tiểu vùng Mê Công mở rộng, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế toàn diện dọc hành lang kinh tế giữa các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanma.
 
Sở Du lịch Thừa Thiên Huế
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.051.545
Đang truy cập 18.724