Tìm kiếm tin tức
Kỳ lạ ngôi làng phân biệt được lá đực lá cái làm nên chiếc nón huyền thoại
Ngày cập nhật 29/11/2018

Chiếc nón bài thơ từ lâu đã làm xao xuyến bao tâm hồn thi sĩ, với hình ảnh cô gái Huế dịu dàng, nghiêng nghiêng vành nón lá. Ngoài vẻ đẹp trầm mặc, mộng mơ của cảnh quan hay sự dịu dàng thùy mị của con gái xứ Huế thì chiếc nón bài thơ cũng đã in dấu trong lòng nhiều người lữ khách.

Nón bài thơ ra đời từ sự ngẫu hứng
 
Nghề làm nón lá đã xuất hiện ở Huế hàng trăm năm nay với nhiều làng nón như Dạ Lê, Phú Cam, Đốc Sơ, Triều Tây, Kim Long, Sịa... Trong đó, Tây Hồ là cái tên nổi bật nhất bởi đây chính là nơi xuất xứ của chiếc nón bài thơ nổi tiếng xứ Huế. Làng Tây Hồ (xã Phú Hồ, huyện Phú Vang) nằm bên dòng sông Như Ý.
 
Giai thoại về chiếc nón bài thơ ra đời ở Tây Hồ như một sự tình cờ. Đó là vào khoảng năm 1959 – 1960, ông Bùi Quang Bặc – một nghệ nhân làm nón lá, cũng là một người yêu thơ phú trong làng đã có sáng kiến làm nên nón bài thơ bằng cách ép những câu thơ vào giữa hai lớp lá, tôn vinh thêm vẻ đẹp của chiếc nón. Lúc đó, nón lá ở Huế chủ yếu được bán vào thị trường của các tỉnh phía Nam. Hai câu thơ đầu tiên được ông Bặc ép vào chiếc nón là: “Ai ra xứ Huế mộng mơ. Mua về chiếc nón bài thơ làm quà”.
 
Giai thoại về chiếc nón bài thơ ra đời ở Tây Hồ như một sự tình cờ.
 
Con gái làng Tây Hồ từ bao đời nay, đi học, đi làm xa thì thôi, chứ ở nhà là cứ chừng 10 tuổi là phải học khâu (chằm) nón, đã có nhiều người làng này cả đời làm nghề chằm nón, làm đến hơi thở cuối cùng. Công việc làm nón chủ yếu là của phụ nữ, đàn ông chỉ là phụ, phụ ủi lá, chẻ tre để làm vành nón. Một chiếc nón lá đơn sơ, mộc mạc tưởng chừng như rất đơn giản nhưng khi đến đây bạn sẽ hiểu thêm sự vất vả, kỳ công cũng như khéo léo của những đôi bàn tay chân chất. Để làm xong hoàn chỉnh một chiếc nón bài thơ vừa đẹp vừa nhẹ, người dân Tây Hồ phải hoàn thiện khoảng 15 công đoạn từ lên rừng hái lá, rồi sấy lá, mở, ủi, chọn lá, xây độn vành, chằm, cắt lá, nức vành, cắt chỉ...
 
Trước hết là khâu tạo khung và vành nón. Đây là công việc đòi hỏi người thợ có nhiều kinh nghiệm, cẩn thận và khéo tay. Với cây mác sắc, họ chuốt từng sợi tre thành 16 nan vành một cách công phu, sau đó uốn thành vòng thật tròn trịa và bóng bẩy. Chiếc khung nón bao gồm 12 thanh gỗ vát mảnh được ghép lại, khớp nhau ở đỉnh, phía dưới khoảng cách đều nhau. Toàn bộ mặt khung hình khum nhẹ. Tùy thuộc vào thợ làm nón đặt loại khung nào thì người thợ sẽ làm loại khung đó. Nhưng tinh tế hơn cả vẫn là khâu làm vành. Vành nón được làm từ thân cây lồ ô. Theo đó, bộ vành quyết định chủ yếu dáng vẻ chiếc nón.
 
Bàn tay “vàng” của những nghệ nhân
 
Vùng sơn cước của Thừa Thiên- Huế dường như là kho thiên nhiên vô tận để khai thác lá nón. Sau khi thợ sơn tràng đưa lá về, lá được tuyển sơ để chuyển sang sấy. Lá nón sấy đạt yêu cầu phải thỏa các điều kiện là phải sấy đều, khô vừa, giữ được sắc xanh nhẹ, chưa hoàn toàn ngả sang màu trắng vàng. Đây là công việc vất vả và khá quan trọng, quyết định đến chất lượng của chiếc nón được tạo ra.
 
Sau khi sấy xong, người thợ sẽ đem lá về rải sương (giữ độ ẩm), ủi và lựa lá. Họ rất thạo trong việc chọn lá đực, lá cái, mặt phải, mặt trái, cắt và rọc sống. Hai mươi chiếc lá đực được xây đầu tiên sẽ nằm ở mặt trong. Tiếp đến là hình hoa văn – bài thơ phủ kín diện tích xung quanh chiếc nón. Lá cái được xây ở ngoài cùng. Ở công đoạn này động tác phải nhẹ nhàng khéo léo, chèn kỹ, đẹp và dằn chắc chắn, giữ cho mặt lá phẳng không xê dịch. Khi xây và lợp lá, người thợ phải khéo léo sao cho khi chêm lá không bị chồng lên nhau nhiều lớp để nón có thể thanh và mỏng.
 
Khâu (chằm) nón là công đoạn quyết định đến sự hình thành và vẻ đẹp của cả chiếc nón. Người thợ sẽ khâu từ trên xuống đến vành 15, cứ 1cm 3 mũi cước trong suốt. Vành cuối cùng khâu cước trắng, 2 mũi kim cách nhau 2cm. Đường chằm phải mềm mại, thanh nhẹ, dịu dàng. Bằng tài năng và sự khổ luyện của mình, các nghệ nhân có khi phải chong đèn thâu đêm, suốt sáng, dường như họ không biết mỏi là gì.
 
Khi nón chằm hoàn tất, người ta đính thêm vào chóp nón một cái "xoài" được làm bằng chỉ bóng láng để làm duyên, sau đó mới phủ dầu nhiều lần. Lớp dầu bóng bằng nhựa thông pha cồn làm cho nón thêm sáng, đẹp và chống thấm nước. Sau đó nón được đem đi phơi cho đủ nắng để vừa đẹp, vừa bền. Từ đây, chiếc nón bắt đầu cuộc hành trình của mình đến với người yêu nón gần – xa.
 
Ban đầu, nón bài thơ được người dân Tây Hồ làm để tặng người thân, không ngờ lại được nhiều người yêu thích. Từ đó, những người làm nón ở Tây Hồ bắt đầu làm nón bài thơ hàng loạt, đưa ra bán ở thị trường. Những câu thơ được ép vào nón cũng đa dạng và phong phú hơn, thường là những câu thơ về Huế. Ngoài ra để làm đẹp thêm cho chiếc nón người ta còn ép vào đấy những bức tranh về sông Hương, núi Ngự, cạnh bài thơ.
 
Ngày nay nghề làm nón lá tuy không thịnh vượng như xưa, nhưng vẫn còn đó những làng nghề, những người thợ tài hoa âm thầm gắn bó với nghề làm nón. Mỗi năm các làng nghề làm nón ở Huế cho ra thị trường hàng triệu chiếc nón, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, mà còn là món quà lưu niệm đặc sắc cho du khách bốn phương mỗi khi đến Huế mua về làm kỷ niệm.                            
Thanh Bình
Theo: nguoiduatin.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.065.574
Đang truy cập 5.906