Tìm kiếm tin tức
Băn khoăn về quy định ký quỹ đối với doanh nghiệp lữ hành
Ngày cập nhật 28/11/2018

Luật Du lịch năm 2017 đã có hiệu lực thi hành, nhưng quy định doanh nghiệp lữ hành phải ký quỹ vẫn là câu chuyện gây tranh luận.

Đón du khách nước ngoài đến Việt Nam qua đường tàu biển. Ảnh: ĐÀO LOAN

 
Ký quỹ để làm gì? Luật không giải thích. Tuy nhiên, điều 16 Nghị định 168/2017/NĐ-CP về quản lý, sử dụng tiền ký quỹ có nêu: “Trong trường hợp khách du lịch bị chết, bị tai nạn, rủi ro, bị xâm hại tính mạng cần phải đưa về nơi cư trú hoặc điều trị khẩn cấp mà doanh nghiệp không có khả năng bố trí kinh phí để giải quyết kịp thời, doanh nghiệp gửi đề nghị giải tỏa tạm thời tiền ký quỹ đến cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành. Trong thời hạn 48 giờ kể từ thời điểm nhận được đề nghị của doanh nghiệp, cơ quan cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành xem xét và đề nghị ngân hàng cho doanh nghiệp trích tài khoản tiền ký quỹ để sử dụng hoặc từ chối”.
 
Như vậy, có thể thấy quỹ là một khoản “bỏ heo” mà cơ quan nhà nước bắt buộc doanh nghiệp phải có để bảo đảm quyền lợi của khách du lịch, hoặc để trách nhiệm của doanh nghiệp đối với khách được thực thi. Và để đảm bảo doanh nghiệp không sử dụng quỹ vào việc khác, cơ quan quản lý nhà nước sẽ là người đề nghị ngân hàng trích tiền quỹ cho doanh nghiệp.
 
Nhưng e rằng quy định này vẫn khó bảo đảm trách nhiệm của doanh nghiệp với khách, vì những băn khoăn như sau:
 
- Khi xảy ra sự cố hoặc rủi ro cho khách, việc giải tỏa tạm thời tiền quỹ hoàn toàn phụ thuộc quyết định chủ quan của doanh nghiệp lữ hành. Nếu họ thiện chí, họ có thể dàn xếp đến hàng trăm triệu đồng. Nhưng nếu không (chẳng hạn họ cho rằng không do lỗi của doanh nghiệp), họ có thể không làm đề nghị giải quỹ và cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể lấy tiền quỹ của doanh nghiệp để chi trả cho du khách.
 
- Khoản tiền ký quỹ cao nhất là 500 triệu đồng, trong khi các doanh nghiệp vẫn thường “chạy” nhiều chương trình cùng lúc. Khoản ký quỹ này là quá ít, khó đủ để lo chi phí trong trường hợp khẩn cấp liên quan đến sức khỏe, tính mạng của đoàn du khách nước ngoài có số lượng đông. Chưa kể quy định ký quỹ đối với doanh nghiệp lữ hành nội địa chỉ có 100 triệu đồng.
 
- Khi xảy ra tranh chấp giữa du khách và doanh nghiệp lữ hành, tòa án hoặc cơ quan thi hành án có được can thiệp để giải quỹ bồi thường cho du khách hay không cũng là câu hỏi chưa có sự giải đáp rõ ràng. Bởi theo quy định hiện nay thì chỉ duy nhất cơ quan cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành được quyền đề nghị ngân hàng giải tỏa quỹ.
 
Ngoài ra, quy định về ký quỹ của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành cũng gây băn khoăn trong trường hợp cơ quan cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành không giải quyết kịp thời trong thời hạn 48 giờ, khiến doanh nghiệp không có tiền đưa khách đi cấp cứu dẫn đến khách bị tử vong do can thiệp y tế chậm thì sẽ phải chịu trách nhiệm ra sao?
 
Một số quốc gia trong khu vực quy định về vốn của doanh nghiệp như sau: Singapore quy định vốn tối thiểu đối với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế là 100.000 đô la Singapore (khoảng 1,67 tỉ đồng); Nhật Bản quy định doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế vừa phải có vốn pháp định là 30 triệu yen (khoảng 6,2 tỉ đồng), vừa phải ký quỹ 70 triệu yen (khoảng 14,6 tỉ đồng).
 
Do vậy, chúng tôi cho rằng để đảm bảo thực thi trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành với khách du lịch, Việt Nam nên quy định doanh nghiệp kinh doanh lữ hành phải có vốn pháp định. Vì vốn pháp định là số vốn mà doanh nghiệp phải duy trì trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, việc quy định này cần lộ trình để nhà đầu tư, doanh nghiệp kịp chuẩn bị.
Theo: xaluan.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 28.164