Tìm kiếm tin tức
Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 6
Ngày cập nhật 19/03/2020
1. CAO ĐỈNH
Đỉnh đặt ở chính giữa tượng trưng cho sự vĩ đại (tiếp theo)
 
CANH
 
 
11. Canh, tục danh lúa tẻ. Người xưa nói: lúa xay ra gạo ăn không dẻo gọi là canh, một loại lúa rất thơm, cho gạo hảo hạng, nuôi sống con người đứng đầu các loại lúa tẻ; đại diện cho hơn 47 loại lúa tẻ thời ấy, đều là hạt ngọc nhà trời. (Ở đồng làng An Cựu xưa có trồng giống lúa tẻ hương đạo, tục danh nhe vàng, dân địa phương quen gọi là de, hột hơi dài, sắc gạo rất trắng mà thơm và mềm cơm; tháng 10 cấy, tháng 3 chín, hàng năm có tiến vua. Dân gian có câu: Tôm rằn bóc vỏ bỏ đuôi / Gạo de An Cựu để nuôi mẹ già. Quả là thứ gạo ngon. Đồng ruộng ở miền Bắc có giống tám thơm; miền Nam có nàng hương, đều là những thứ lúa cho gạo hảo hạng).
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng loại lúa tẻ này vào Cao đỉnh.
 
ĐA SÁCH THUYỀN
 
 
12. Đa Sách Thuyền, chỉ về một loại thuyền khá lớn có nhiều dây buồm (một âm là Đa Tác Thuyền) (có sách chú là thuyền nhiều đáy?), được sản xuất dưới triều vua Gia Long và Minh Mạng. Vì thuyền lớn nên cũng gọi là tàu. Loại thuyền này dùng đi theo sông lớn, đi biển dài ngày và có khả năng đi xa, vượt cả đại dương. Đời vua Minh Mạng có chiếc tàu d’Ajsas mua từ châu Âu về, trông khá giống loại thuyền này. Đa sách thuyền đạt trình độ cao về kỹ thuật đóng thuyền buồm của Việt Nam dưới thời nhà Nguyễn.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng loại thuyền đa sách này lên Cao đỉnh.
 
VĨNH TẾ HÀ
 
 
13. Vĩnh Tế Hà, tức là sông Vĩnh Tế, người miền Nam quen gọi là kênh (kinh) Vĩnh Tế. Nguyên trước đây, vùng này còn sình lầy, cả bộ lẫn thủy đi lại rất khó khăn, ông Nguyễn Văn Thoại, sinh quán tại Điện Bàn, Quảng Nam - sau vào định cư ở Vĩnh Long, có công phò tá chúa Nguyễn Ánh, được triều đình Huế trọng dụng, phong tước Hầu rất sớm, dân trong vùng quen gọi là Thoại Ngọc Hầu; năm 1818, ông được vua Gia Long bổ làm Trấn thủ Vĩnh Thanh (gồm cả Long Xuyên và Cần Thơ). Tại đây ông cùng quan quân địa phương thiết kế và đốc suất dân binh đào kênh Đông Xuyên rất ích lợi; kênh ấy được nhà vua cho gọi theo tên ông là Thoại Hà; nhân thấy bờ phía đông gần đấy có ngọn Khâu Sơn, bèn cho tên là Thoại Sơn để biểu dương công lao của ông, lại cho dựng miếu thờ sơn thần ở chân núi. Đầu năm 1820, ông lại được lệnh đào con kênh nối từ vùng Châu Đốc đến xứ Hà Tiên. Trong thời gian đào kênh, bà Châu Thị Vĩnh Tế, quê ở Vĩnh Long, vợ của Thoại Ngọc Hầu đã hết lòng lo liệu cùng chồng đốc suất dân binh để đào bằng xong con kênh này. Cảm phục trước công sức khó nhọc của bà, sau khi công trình hoàn thành, vua Minh Mạng đã lấy tên của bà để đặt cho con kênh này là Vĩnh Tế.
Kênh Vĩnh Tế là một công trình thủy lợi, do chính Thoại Ngọc Hầu thiết kế và tự thân đốc suất dân binh làm việc ngày đêm, với số nhân công lên đến 80.000 người. Thời gian đào kéo dài gần 5 năm (1820-1824). Sự thành công này đem lại lợi ích nhiều mặt cho vùng biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Đương thời khi kênh đào xong, vua Minh Mạng lấy làm hoan hỉ, khen ngợi công sức của dân binh trong vùng và ông bà Thoại Ngọc Hầu, lại sai dựng bia ở bên bờ sông để ghi sự tích. Kênh Vĩnh Tế lúc mới đào rộng 15 tầm, sâu 6 thước, dài hơn 200 dặm. Kênh này hiện có nhiều đoạn được nới rộng, sâu và dài hơn xưa, chảy từ Châu Đốc, Tri Tôn, tỉnh An Giang xuống huyện Kiên Lương gặp sông Giang Thành chảy tới cửa Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang; đoạn kênh chảy qua Hà Tiên còn được gọi là rạch Hà Tiên. Kênh chảy song song với đường biên giới Việt Nam - Campuchia cách đường biên giới 3 cây số. Có lẽ trong lịch sử mở nước, đây là trường hợp duy nhất ở nước ta, cả hai vợ chồng đều có công khai sông dẫn thủy đã được triều đình lấy tên để đặt tên cho công trình mà họ đã làm nên; đặc biệt là công sức đóng góp của người phụ nữ đối với đất nước. Vua Minh Mạng cho khắc hình tượng Vĩnh Tế Hà lên Cao đỉnh, thờ trước sân chầu Thế Tổ Miếu. Dưới chân núi Thoại Sơn, từ buổi ấy nhân dân đã lập đền thờ hai ông bà Thoại Ngọc Hầu, bốn mùa hương khói tri ân.
(còn nữa)
 
Dương Phước Thu
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.203.732
Đang truy cập 4.629