Tìm kiếm tin tức
Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 20
Ngày cập nhật 09/11/2020

Anh đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ hai bên trái tượng trưng cho sự hiển đạt

Khôi Hạc
 
5. Khôi Hạc, còn gọi là tiên cầm, là thai cầm, loài chim cổ dài, chân cao, ở cổ có da đỏ chừng vài tấc, lông trắng, cánh đen, cũng có con màu tro hoặc màu xanh, thường kêu về nửa đêm, tiếng kêu vang tầng mây; người xưa bảo, chim trống kêu trên gió; chim mái kêu dưới gió, tiếng hòa nhau mà mang thai? Loại chim này ăn các loại rắn rít. Kinh Thi nói: “Hạc minh vu cửu cao, thanh văn vu thiên”, chim hạc kêu ở hố trong núi, tiếng vang lên tận trời, tức chim này. Ngày trước chim hạc nuôi ở miếu đình hoặc cung điện là giống khôi hạc, phần nhiều sống ở Nam Bộ. Khi vào trước sân hoặc trong các ngôi đình, người ta thường thấy đôi chim hạc đứng trên thân đôi rùa, vật dùng để thờ biểu hiện ý nghĩa may mắn. Vì vậy, chim hạc cũng được xem là loài linh điểu. Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho chạm hình tượng khôi hạc vào Anh đỉnh.
 
Nhiêm Xà
 
6. Nhiêm Xà, tục danh con trăn, còn gọi là mai cảnh xà, thường ẩn trong rừng rình thú vật đi qua thì quăng mình bắt mồi, nuốt ăn. Có hai loại: trăn sống ở rừng, trăn sống ở đầm hồ. Có câu chuyện kể rằng: ngày xưa có con ba xà nuốt voi, ba năm thì ỉa ra xương voi, người quân tử dùng làm thuốc uống, sẽ không đau tim và đau bụng. Có sách lại nói rằng, nay gọi là nhiêm xà, tức là loại trăn này. Mật trăn rất quý, có công dụng chữa đau mắt và huyết chưng. Trong núi các tỉnh đều có. Ngày nay nhiều nơi người ta lập trang trại để nuôi trăn lấy thịt làm thực phẩm, dinh dưỡng cao, xương nấu cao làm thuốc, da được dùng nhiều trong công nghiệp thuộc da. Được biết thứ trăn nuôi không quí bằng trăn sống tự nhiên ở rừng núi.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng con trăn vào Anh đỉnh.
 
Lô Hà
 
7. Lô Hà, tức sông Lô, thời xa xưa còn gọi là sông Tam Đa, phát nguyên từ huyện Bình Viễn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, sông chảy vào biên giới Việt Nam ở địa phận xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang; chảy theo hướng bắc nam qua tỉnh Tuyên Quang, sang tỉnh Phú Thọ, xuống tỉnh Vĩnh Phúc, rồi đổ vào sông Hồng tại ngã ba Bạch Hạc tức ngã baViệt Trì. Thời trước ngã ba này từng là nơi huấn luyện thủy binh thường xuyên của quân đội nhà Trần ở vào thế kỷ XIII. Đoạn sông chảy trên đất Việt Nam dài 276 cây số; chảy qua mỗi nơi sông đều có tên gọi riêng: xưa gọi là sông Tuyên Giang chảy qua châu Tam Giang, lộ Tam Giang. Dưới đời Trần, khúc sông từ Đoan Hùng đến Việt Trì, lấy các tên gọi Lư Giang, sông Trôi, sông Cả. Người Minh sang nước ta đặt tên sông Bình Nguyên vì sông chảy qua huyện cùng tên gọi thay cho tên cũ Vị Xuyên. Sông chảy tiếp qua huyện Bắc Quang, huyện Hàm Yên, hợp với sông Gâm ở bờ trái Khe Lau (hay còn gọi là Bông Lau). Sông Lô có các phụ lưu bên phải: sông Con, sông Chảy; bên trái sông Miện, Ngòi Sảo, sông Gâm, sông Phó Đáy. Sông Lô ngày trước làm ranh giới giữa ba tỉnh Phú Thọ (về phía tây) và hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên (về phía đông - nay Vĩnh Yên một phần nhập vào Hà Nội, một phần vào Vĩnh Phúc); sông có nhiều thác ghềnh, nhiều hơn cả sông Hồng và sông Đà. Từ tỉnh Hà Giang chảy về đến tỉnh Tuyên Quang có 173 thác nước. Thác Đát ở phía dưới Vĩnh Tuy, thác Thượng Lẫm ở phía trên Bắc Sơn là những thác lớn. Sông Lô có hai phụ lưu lớn là: sông Chảy, chi lưu phía hữu ngạn hợp tại thị trấn Đoan Hùng; sông Gâm là chi lưu tả ngạn, đổ vào sông Lô ở Khe Lau, Tuyên Quang. Nước sông Lô mùa hạ rất trong. Sông Lô vừa là nguồn năng lượng thủy điện dồi dào vừa làm tăng vẻ đẹp và bồi đắp phù sa màu mỡ cho châu thổ Bắc Bộ. Sông Lô không chỉ là đường thủy thuận lợi của các tỉnh Tây và Đông Bắc, mà còn là nơi cung cấp nhiều thứ thủy sản quí và ngon lạ.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng sông Lô lên Anh đỉnh.
 
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, sông Lô đã từng là “chiến trường” nhận chìm tàu giặc và ghi nên bao chiến tích anh hùng. Nói đến sông Lô, bất cứ người Việt Nam nào cũng biết có bản trường ca âm nhạc bất hủ: Trường ca Sông Lô ngợi ca về những chiến công thần thánh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam giữa thế kỷ XX của nhạc sĩ tài danh Văn Cao. “Sông Lô, sóng ngàn Việt Bắc... bãi dài ngô lau, núi rừng âm u...”.
 
(còn nữa)
 
Dương Phước Thu
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.251.121
Đang truy cập 17.212