Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Từng bước chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên du lịch
Ngày cập nhật 30/11/2018

Ngành du lịch Việt Nam liên tục đạt tăng trưởng cao kéo theo số lượng hướng dẫn viên (HDV) tăng lên. Xếp hạng HDV du lịch vì thế được xem là giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy du lịch nước nhà phát triển.

Không để "loạn" hướng dẫn viên
 
Sau cuộc hành trình đến mảnh đất Tây Nguyên, ông bà Nguyễn Văn Thạch-Nguyễn Minh Thu trở về rất phấn khởi. Ông Thạch chia sẻ, Tây Nguyên là nơi chiến trường xưa của ông. Vài chục năm mới trở lại, ông nhận thấy nhiều thay đổi. Nhưng con người, mảnh đất nơi đây vẫn giữ nét thuần phác. Xưa chiến tranh ông không có dịp tìm hiểu nhiều về vùng đất này, nay vợ chồng ông được HDV giới thiệu cặn kẽ, được cùng múa cồng chiêng với đồng bào dân tộc thiểu số ở đây, ông càng hiểu và càng yêu mảnh đất này hơn. Ông cảm ơn người HDV du lịch đã làm nên linh hồn, sự thành công của chuyến đi.
 
Tìm được những HDV giỏi, tâm huyết, hiểu biết luôn là mong muốn của mọi du khách trên mỗi hành trình, cũng là mong mỏi của những người tổ chức, giám đốc các công ty du lịch, lữ hành. Nhưng không phải ai cũng may mắn như vợ chồng ông Nguyễn Văn Thạch. Việt Nam hiện nay có khoảng hơn 20.000 HDV du lịch nội địa và quốc tế; hơn 5.000 HDV đang hành nghề tại các điểm du lịch. Hầu hết trong số họ là HDV hoạt động tự do, khó quản lý. Vì thế, mới có chuyện nhiều HDV “chui” hoạt động nhốn nháo, gây bức xúc trong dư luận nói chung, những người làm du lịch nói riêng.
 
Không chỉ ảnh hưởng đến những HDV chân chính, HDV "chui" còn gây tác hại khi xuyên tạc lịch sử, sử dụng chiêu trò với du khách hay "lách luật", tạo cái nhìn méo mó về du lịch Việt. Vì thế, nhiều địa phương đã “mạnh tay” chấn chỉnh hoạt động HDV trên địa bàn. Tuy nhiên, bài toán làm sao để quản lý hoạt động của HDV vẫn chưa bao giờ hết nóng. Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết, lâu nay các đơn vị hoạt động du lịch tìm nguồn HDV và sử dụng HDV theo quan hệ quen biết, kinh nghiệm nhiều năm tổ chức, điều hành các tour và đánh giá chất lượng HDV theo kiểu mạnh ai người ấy làm. Việc không có tiêu chí chung để đánh giá chất lượng HDV không có lợi cho cả đơn vị sử dụng lao động lẫn người lao động. Do đó, việc xếp hạng HDV giúp các đơn vị du lịch có cơ sở để đánh giá chính xác hơn chất lượng của người lao động khi tuyển chọn. Đối với người làm nghề có chứng chỉ sẽ giúp bảo đảm trình độ, nghề nghiệp cho mình.
 
Hướng dẫn viên thuyết minh cho du khách tham quan Thành nhà Hồ (Thanh Hóa).
 
Cần tiếp tục hoàn thiện bộ tiêu chí xếp hạng
 
Để góp phần chấn chỉnh tình trạng lộn xộn trong hoạt động của HDV, Hiệp hội Du lịch Việt Nam đang triển khai xếp hạng HDV du lịch. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ đề án “Tăng cường năng lực cho Hiệp hội Du lịch Việt Nam” do Liên minh châu Âu tài trợ. Theo đó, đề án hỗ trợ Hội HDV du lịch Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam xây dựng hệ thống quản lý và phân loại HDV du lịch, xây dựng quy chế phân loại và xếp hạng HDV phù hợp với Luật Du lịch 2017.
 
Ông Bùi Văn Dũng, Phó chủ tịch Hội HDV du lịch Việt Nam cho biết, hoạt động đánh giá xếp hạng HDV du lịch sẽ bắt đầu được triển khai tại TP Hồ Chí Minh, sau đó là Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa, Lào Cai. Các HDV được xếp hạng 5 sao, 4 sao, 3 sao tùy theo trình độ, kinh nghiệm. HDV không tham gia xếp hạng hoặc tham gia xếp hạng mà chưa đạt hạng bậc (3 sao) tiếp tục sử dụng thẻ hội viên (chưa xếp hạng) của Hội HDV du lịch Việt Nam. Dự kiến, đánh giá xếp hạng thực hiện 5 năm/lần. Doanh nghiệp, người tổ chức tour có thể dựa vào những hạng HDV này để lựa chọn người phù hợp với nhu cầu của mình. Trong thời gian này, nếu HDV bị doanh nghiệp, du khách phản hồi không tốt, hội đồng sẽ hạ sao.
 
Đề án này nhận được nhiều ủng hộ của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và từ chính các HDV chân chính. Tuy nhiên, những người có kinh nghiệm trong hoạt động quản lý HDV đều cho rằng, đề án vẫn cần bổ sung, hoàn thiện để việc xếp hạng HDV thực sự có hiệu quả, là “bảng vàng” để tất cả thành phần đều có thể nhìn vào đó chọn HDV theo đúng nhu cầu của mình.
 
Ông Nguyễn Công Hoan, Phó tổng giám đốc Công ty Hanoi Redtours phân tích: "Trong đề án hiện nay, các tiêu chí xếp hạng đang dựa trên năng lực, kiến thức và kỹ năng thông qua một đợt đánh giá bằng lý lịch, thi kiến thức, thẩm định kỹ năng và nhận xét của các công ty lữ hành sau chuyến đi. Như vậy, vẫn còn một số vấn đề. Chẳng hạn, trong HDV, việc người này thông thạo thị trường này và không nắm chắc thị trường kia là chuyện bình thường, nhưng trong đề án chưa có sự phân định HDV giữa các thị trường. Bên cạnh đó, khi là HDV, việc xử lý sự cố rất quan trọng, như giải quyết thế nào khi có xung đột giữa các nhóm khách, khách bị lạc, khách mất hộ chiếu… Có những người có kiến thức chung tốt nhưng chưa chắc đã xử lý tình huống giỏi. Như vậy,  các tiêu chí xếp hạng cần cụ thể, sát thực hơn...".
 
Bước đầu để bảo đảm những tiêu chí chung là cần thiết, nhưng về lâu dài, việc cụ thể hóa các tiêu chí rõ ràng cần phải làm. Ngoài ra, để có một ngành du lịch thực sự chuyên nghiệp, bên cạnh tìm cách quản lý, chúng ta cần chú trọng hơn nữa đến công tác đào tạo, nâng chuẩn cả về đạo đức và nghiệp vụ cho đội ngũ HDV du lịch.
 
Bài và ảnh: LAN DỊU
Theo: qdnd.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 15.703.217
Đang truy cập 8.511