Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Thanh âm của Huế riêng mình
Ngày cập nhật 01/02/2023

Trong cuộc đời, đôi khi chúng ta có những khoảnh khắc chỉ muốn dành riêng cho một người bạn. Một người bạn thân hơn người bạn thân, thương hơn một người anh, quý hơn một người bình thường. Nói chung là người bạn mà bao năm qua dù ở đâu, dù lúc nào, dù vui hay buồn, dù đi cà phê với nhau hay không, dù liên lạc hay đứt đoạn mình vẫn luôn nghĩ rằng đó là người bạn, khi cần có thể nhấc máy ngạc nhiên rằng: sao không thể nào nguôi nhớ về nhau?

Chuồn chuồn qua bóng nắng
 
Đời người, người ta gọi đó là “tri âm”, Hoàng Tử Bé gọi là “bạn thiết”. Và tôi gọi đó là người trong bóng mình.
 
Huế nhỏ tự xưa đến bây giờ. Nhưng Huế có cái thẳm sâu tâm hồn không thước tấc nào đo tới được. Nên người Huế sống ở Huế, lâu dần thấm nhiễm niềm vời vợi khôn nguôi. Đi dưới Huế xanh, bạn bè bốn phương tám hướng khen Huế đẹp, tôi cười mà rằng, nơi khác còn nhiều chỗ đẹp hơn. Trôi trên đò dọc sông Hương chiều tím như thơ, bạn bè xuýt xoa Huế là nàng thơ áo tím, tôi cười rằng nếu gặp giai nhân xứ khác, người ta cũng quên mất nàng thiếu nữ Hương Giang này mất thôi. Ăn một món ngon, tôi đồ rằng sơn hào hải vị khắp thế gian này nơi đâu cũng có. Nhưng tôi e rằng một điều, cái thăm thẳm tâm hồn nhu mì mà cương nghị trong trái tim và đôi mắt người nữ, thì phải là “một đêm đàn Huế trên sông lạnh” – phi Huế ra, bất xứ nào thành!
 
Đó là đôi mắt đàn tranh trên phím loan chập chùng, tiếng nỉ non, réo rắt của điệu tương tư khúc cất lên từ giọng hò hanh khô mà thánh thót, cao vút non ngàn rồi hạ xuống vực sâu. Tôi đã từng nghe tiếng ca này trên sông Hương một đêm trăng tàn lạnh ngác ngơ đôi mắt người thiếu phụ. Tiếng ca tan ra cùng sóng lan mạn thuyền, la đà cùng sương khuya và ngọn đèn mờ tỏ không gian u hoài làm nên một “thanh âm Huế” không nơi nào có được.
 
Tôi gọi đó là thanh âm Huế của riêng tôi.
 
Hoài mang thanh âm Huế đi khắp nơi, sẻ chia với nhiều người xa Huế, bạn cũ đã mừng vui mà thốt lên khi có dịp trở về ngang qua những “Đêm Huế”, chứng kiến những thanh âm bắt đầu “mọc” lên những bờ bến dọc đôi mạn Hương giang. Tôi đã bắt gặp Huế tuổi trẻ của tôi trong một đêm lang thang bến gỗ Cầu Lim, nơi ngày xưa mang cái tên “Xẹc” giản dị, quen thuộc mỗi lần hẹn hò, đã từng là chỗ ngồi một phần người trẻ tuổi của Huế.
 
“Xẹc” ba mươi năm trước là nơi bao tâm hồn văn nhân thi sĩ Huế chọn làm nơi trú ngụ cho những câu thơ bềnh bồng khói sương rất Huế. Nơi gốc si già giờ còn chung thủy đứng, biết bao đôi mắt mơ màng, biết bao trái tim rung cảm, biết bao cuộc gặp gỡ trong bắc ngoài nam của lớp đàn anh văn nghệ sĩ trước dìu dắt lớp đàn em nhỏ theo sau. Ở đó, những chiều nắng loang, những câu thơ ra đời dẫu chưa biết để làm chi. Nhưng tôi chắc một điều, Huế không có thơ, không có nhạc, không có họa… e rằng người ta bớt thương Huế mấy phần. Mà Huế tự lúc nào không biết, khi định danh mình đã mang một danh xưng “Huế thương” đi khắp chốn. Hôm nay tôi cũng đi lại nơi này, cùng đôi mái tóc hoa râm và đuôi mắt đốm bạc, và bắt gặp những âm thanh tươi trẻ tan rộng cùng không gian. Lựa một chỗ ngồi trên bậc thềm cầu gỗ, chúng tôi ngồi say sưa hòa theo tiếng hát của tuổi trẻ, trong veo, hồn nhiên và tươi mới… Tuổi trẻ của chúng tôi đã từng ở nơi đây. Giờ đây, những thế hệ tuổi trẻ tiếp theo lại đến đây, lại làm cho quãng sông ngân lên tiếng hát dòng Hương, theo nhịp điệu mới của thời đại. Âm mái nhì mái đẩy hôm nào để biến tấu qua những nốt nhạc rộn rã tươi tắn hân hoan.
 
Tôi nghe Huế ngày xưa trỗi lên khúc ca của ngày mới.
 
Và lúc đó, tôi nghe thanh âm tiếng chuông chùa gieo xuống ngấn nước Hương giang trôi về cửa bể sông hồ.
 
Với xứ này, dẫu một ngàn thanh âm đọng lại, thì tiếng chuông chùa vẫn chưa bao giờ là thanh âm lẫn cùng bất cứ tiếng động cuộc sống nào. Huế có nhạc, họa, thơ thì Huế cũng phải có cả tiếng chuông chùa mỗi sớm tan trong sương, mỗi chiều hòa theo khói và lặng lẽ trong hương trầm mỗi đêm khuya. Không biết đã bao nhiêu lần, tôi đưa người bạn xa xứ của mình đi dọc hai triền sông chỉ để lắng nghe khúc sông nào tiếng chuông chùa lắng xuống sâu trong lòng nước nhất? Mê mẩn trước màu nước chuyển mình huyền ảo trên chặng Bằng Lãng mơ màng, tôi giật mình khi nghe tiếng chuông rơi xuống mặt nước, không tan ra mà lặn xuống, chìm dần mơ hồ xuống đáy sông sâu. Một chiều mùa hạ màu tím hồng, tôi đã chứng kiến giọt chuông lặn xuống sông mất hút khi đứng nhìn từ triền đồi Hà Khê. Câu ca dao xưa có gió đưa cành trúc la đà để tiếng chuông Thiên Mụ ngân nga khắp chốn, thì hôm nay một chiều đứng gió, mây tụ hội về dâng tặng mắt đời một vầng sắc tím hồng tươi tắn, rồi tiếng chuông chùa bí ẩn im lặng chìm xuống đáy sông như mang theo nụ cười huyền diệu của Mụ Trời thuở Chúa Tiên mở cõi.
 
Huế cho tôi những khoảnh khắc đẹp đến sững sờ.
 
Và bởi từ đó, tôi nhận ra rằng, trong đời sống của chúng ta, khi mình biết giữ thanh âm xứ sở trong đôi mắt và trái tim, thì dẫu có đi ngàn nơi, ngắm ngàn chốn, sống ngàn năm, vẫn đẹp nhất là khoảnh khắc tiếng nói nội tâm của mình hòa vào thanh âm của vùng đất mình đang hằng ngày đêm gắn bó.
 
Tôi gọi đó là thanh âm Huế của riêng mình. Như một cách nối Huế tự ngàn xưa lại với Huế hôm nay.
 
Bài: Đông Hà
Ảnh: Doãn Quang
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.037.249
Đang truy cập 8.935