Theo đó, nếu như năm 2012, Việt Nam chỉ có khoảng 158 hành khách đi du lịch bằng tàu biển thì đến năm 2016, con số này đã tăng lên 4.100 hành khách.
Du thuyền 5 sao Majestic Princess mang theo khoảng 3.500 khách quốc tế từng cặp cảng Phú Mỹ - BRVT.
Mặc dù số lượng du khách Việt Nam chọn đi du lịch bằng du thuyền chỉ chiếm 0,1% trong tổng số lượng hành khách châu Á trong năm 2017 (Trung Quốc: 67,8%, Nhật: 7%, Singapore: 6,4%...) thế nhưng theo đánh giá của các hãng tàu, Việt Nam đang nổi lên như một tiềm năng mới. Bởi, theo thống kê của Boston Consulting Group tại khu vực Đông Nam Á, tầng lớp trung lưu tại Việt Nam hiện đang phát triển nhanh nhất. Dự tính đến năm 2020, tầng lớp trung lưu và giàu có ở Việt Nam sẽ tăng gấp đôi, với khoảng 33 triệu người và chiếm khoảng 1/3 dân số.
Cùng với sự gia tăng của tầng lớp trung lưu, nhu cầu người Việt đi du lịch nghỉ dưỡng tại nước ngoài cũng sẽ tăng lên nhanh chóng, đưa Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn trong mắt các hãng tàu du lịch tàu nghỉ dưỡng cao cấp. Điều này lý giải vì sao các hãng tàu du lịch ngày càng “nhắm” đến thị trường Việt Nam nhiều hơn.
Theo đó, chỉ riêng hãng tàu du lịch Princess Cruises, trong năm 2017, đã có 22 lượt tàu ghé Việt Nam qua các cảng biển Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu), Nha Trang, Cái Lân (Hạ Long), Đà Nẵng với số lượng lên đến hơn 58.000 khách quốc tế. Tuy nhiên, không dừng lại ở đây, theo ông Farriek Tawfik, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Princess Cruises, hãng tàu này sẽ tăng số lượng các chuyến hải trình tàu nghỉ dưỡng ghé Việt Nam lên 31 lượt (với lượng khách quốc tế khoảng 80.000 người) vào năm 2018 này nhằm mục đích phục vụ nhu cầu du lịch nghỉ dưỡng bằng du thuyền ngày càng tăng tại Việt Nam. Hiện Princess Cruises được xem là hãng tàu du lịch 5 sao có tầm hoạt động lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với các chuyến hải trình du lịch bằng đường biển đến các điểm đến châu Âu và châu Á.
Du khách thưởng thức nhạc nước trên tàu du lịch 5 sao.
“Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến phổ biến với du khách từ Mỹ, Úc, châu Âu cũng như các nước châu Á, trong đó du ngoạn bằng du thuyền được xem là một trong những cách tốt nhất để khám phá một trong những vùng đất tuyệt vời của hành tinh này. Để đáp ứng nhu cầu trên, chúng tôi đã tăng cường đáng kể số lượng hải trình của mình nhằm mang đến cho du khách nhiều lựa chọn hành trình du ngoạn thú vị”, ông Farriek Tawfik cho biết.
Cũng theo ông Farriek Tawfik, thị trường Việt Nam đang có tốc độ gia tăng nhanh chóng. Theo đó, Việt Nam hiện đứng thứ 6 trong danh sách các nước có lượng du thuyền cập bến nhiều nhất trong khu vực vào năm 2017 (đứng đầu là Nhật Bản với hơn 2.000 lượt/năm, Trung Quốc hơn 1.000 lượt, Hàn Quốc hơn 700 lượt, Thái Lan khoảng 500 lượt, Malaysia 460 lượt và Việt Nam 404 lượt, theo sau đó là Hồng Kông và Indonesia).
Trong tương lai, không chỉ Princess Cruises mà sẽ có nhiều hãng du thuyền khác khai thác thị trường Việt Nam hơn. Theo đó, việc các du thuyền đến Việt Nam nhiều hay không còn phụ thuộc vào cơ sở vật chất tại các cảng mà các tàu cập bến.
M.T