Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Gắn di sản văn hóa với phát triển du lịch
Ngày cập nhật 03/02/2018

Tính đến hết năm 2017, Việt Nam có 18 di sản văn hóa thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận. Trong đó có 12 di sản phi vật thể, 5 di sản vật thể và 1 di sản hỗn hợp (di sản thiên nhiên và văn hóa) cùng với 6 di sản tư liệu thế giới.

So với nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới, Việt Nam có một kho tàng di sản văn hóa khổng lồ, là nguồn tài nguyên văn hóa vô cùng giá trị để khai thác nhằm phát  triển bền vững du lịch nước nhà trong thời kỳ Hội nhập. Gắn di sản với du lịch, khai thác di sản phải đi đôi với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản là nguyên lý bất di bất dịch trong phát triển du lịch. Tuy nhiên, để khai thác tốt lợi thế về di sản văn hóa trong phát triển du lịch Việt Nam không phải là điều dễ dàng.

Hội An-ảnh: Nguyễn Chính

Còn nhiều hạn chế

Trong vài thập kỷ gần đây, dòng khách du lịch trên thế giới đã và đang thể hiện rõ xu hướng đi du lịch với mục đích khám phá, tìm hiểu về văn hóa ngày càng chiếm ưu thế. Sự khác biệt cơ bản của hầu hết các loại hình du lịch văn hóa so với du lịch khám phá thiên nhiên là ở chỗ, nếu để khám phá thiên nhiên thì du khách chỉ cần đến đến với điểm du lịch là có thể trải nghiệm nhiều điều thú vị, trong khi đi du lịch với mục đích tìm hiểu, khám phá về văn hóa thì du khách có thể đến đó nhiều lần, mà mỗi lần đến lại thu nhận được những hiểu biết mới. Điều này thể hiện rõ nhất trong một số loại hình du lịch như: du lịch tâm linh, du lịch lễ hội, du lịch tôn giáo,….

Vì vậy, trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định rõ một trong những thế mạnh của du lịch Việt Nam là du lịch văn hóa. Trên cơ sở đó, trong những năm gần đây, Bộ VHTTDL rất quan tâm đến việc khai thác các di sản văn hóa để phát triển du lịch với quan điểm xuyên suốt là khai thác đi đôi với bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đưa giá trị di sản văn hóa Việt Nam lên tầm cao mới.

Ở nhiều địa phương trên cả nước đã dựa vào thế mạnh về di sản văn hóa hiện có để xây dựng nên các sản phẩm du lịch đặc thù, đặc trưng, đồng thời nỗ lực đa dạng hóa các sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách đến với địa phương mình, như “Con đường di sản ở miền Trung”, “Quảng Nam – điểm đến hai di sản thế giới” hay “Huế - với hành trình qua các kinh đô Việt”,…

Tuy nhiên, việc khai thác các giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế và trình độ phát triển du lịch của nước ta nói chung vẫn còn thấp hơn so với một số nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia,….

Hạn chế chung trong khai thác di sản văn hóa của du lịch Việt Nam hiện nay là: xâm hại cảnh quan, môi trường, xâm hại di tích, sản phẩm du lịch di sản còn đơn điệu và bị trùng lặp,… chưa coi trọng đúng mức công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di sản. Cùng với đó, nguồn nhân lực cho khai thác du lịch di sản còn nhiều hạn chế cả về số lượng và chất lượng, số hướng dẫn viên có khả năng giới thiệu cho khách du lịch văn hóa chuyên đề là rất hiếm, ngay cả ở những điểm du lịch là di sản văn hóa thế giới hay một số điểm du lịch tâm linh nổi tiếng.

Trình diễn nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thu hút khách du lịch

Phát triển theo hướng bền vững

Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc. Trong đó, nội dung văn hóa của du lịch hàm chứa nhiều nghĩa: Các giá trị văn hóa là tài nguyên, là cái gốc để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch văn hóa; Kinh doanh du lịch phải có văn hóa; ứng xử của khách du lịch và cộng đồng địa phương nơi có hoạt động du lịch phải có văn hóa;… Hơn thế nữa, thế mạnh của một quốc gia/địa phương chính là bản sắc văn hóa và chỉ có dựa vào văn hóa thì du lịch mới phát triển bền vững được. Trong Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã chỉ rõ trong quá trình phát triển du lịch phải chú trọng bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, tài nguyên du lịch văn hóa, nhất là các di sản văn hóa đã được xếp hạng, là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá để phát triển du lịch bền vững ở các quốc gia/địa phương.

Tâm lý chung của du khách là thích tìm hiểu, khám phá những gì mới lạ, quý hiếm. Vì thế, một số địa phương có những phong tục tập quán cổ đã thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Trong những năm gần đây, dòng khách du lịch  trên thế giới nói chung tìm đến những nơi có các giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc ngày càng tăng nhanh. Việt Nam cũng là một điểm đến hấp dẫn như vậy.

Khi nói về bảo tồn văn hóa dân gian, GS. TSKH Tô Ngọc Thanh - Chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam cho rằng “cái gì của dân gian phải trả lại cho dân gian”, có nghĩa là phải bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian thông qua sinh hoạt của cộng đồng chứ không thể chỉ dùng các giải pháp về chuyên môn để áp đặt. Nói cách khác, cần có những biện pháp hợp lý để giữ gìn và nhân rộng mô hình trong cộng đồng thì các giá trị văn hóa đó mới được bảo tồn bền vững. Để làm được điều này, giai đoạn đầu, Nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ cùng với đó khuyến khích phát triển các câu lạc bộ văn nghệ dân gian. Sau đó, trong các sự kiện lớn của địa phương, quốc gia… chúng ta có thể lồng ghép các tiết mục về nghệ thuật dân gian vào chương trình nghệ thuật, chú trọng khai thác các khu vực di sản để tổ chức các sự kiện văn hóa, đồng thời kết hợp giáo dục truyền thống cho những người trẻ tuổi,…

Thực trạng khai thác di sản trong phát triển du lịch ở Việt Nam hiện nay cho thấy, để khai thác tốt hơn giá trị của các di sản, cần thấm nhuần quan điểm khai thác hợp lý đi đôi với bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Theo đó, cần đào tạo đội ngũ cán bộ từ quản lý di sản cho đến những người làm du lịch am hiểu cả về văn hóa và kinh doanh du lịch. Bên cạnh đó, trong phát triển du lịch tại các khu vực di sản phải giải quyết hài hòa mối quan hệ và quyền lợi của các bên tham gia, nhất là đối với cộng đồng địa phương. Mặt khác, cần đầu tư thỏa đáng cho công tác kiểm kê hệ thống di sản và nghiên cứu, đánh giá giá trị của các di sản để quản lý và xây dựng chiến lược khai thác một cách bài bản.

Cũng cần lưu ý là gắn di sản với phát triển du lịch không có nghĩa là tất cả các di sản nào đều được khai thác du lịch. Có những di sản chưa hoặc không được khai thác du lịch mà phải bảo tồn. Trong khai thác du lịch ở các khu vực di sản, phải chú ý đến quy mô, mức độ và thời điểm khai thác, đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa để tạo thêm nguồn kinh phí cho  trùng tu, bảo tồn di sản, phát huy vai trò của cộng đồng địa phương với tư cách là chủ nhân của di sản trong các hoạt động bảo vệ, quản lý và khai thác di sản.

TS. Mai Hà Phương
Trưởng Khoa Du lịch, Đại học Văn hóa TP.HCM

Theo: baodulich.net.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 30.878