Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, đô thị biển và sân golf quốc tế, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang
Ngày cập nhật 14/02/2022

Ngày 10/02/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 307/QĐ-UBND về việc phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, đô thị biển và sân golf quốc tế, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, đô thị biển và sân golf quốc tế, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế với những nội dung chính như sau:

1. Tên quy hoạch: Điều chỉnh Quy hoạch phân khu xây dựng (tỷ lệ 1/2000) Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, đô thị biển và sân golf quốc tế, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Phạm vi lập quy hoạch: Khu vực nghiên cứu lập quy hoạch thuộc xã Vinh Xuân huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế; ranh giới cụ thể như sau:

  • Phía Đông Bắc giáp biển Đông;
  • Phía Tây Nam giáp khu dân cư thôn Kế Võ;
  • Phía Đông Nam giáp khu dân cư thôn Xuân Thiên Thượng;
  • Phía Tây Bắc giáp xã Phú Diên.

3. Quy mô:

  1. Quy mô đất đai: Khoảng 173,29 ha.
  2. Quy mô dân số: Khoảng 3.800 người

4. Tính chất:

  • Là khu tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp sân gôn kết hợp với các dịch vụ phụ trợ như khách sạn, khu nghỉ dưỡng thấp tầng, trung tâm hội nghị, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe,...
  • Là khu vực đô thị phát triển mới gắn liền với đặc thù cảnh quan ven biển, đáp ứng nhu cầu đầu tư và phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

5. Nội dung quy hoạch:

5.1.Yêu cầu về phân tích đánh giá điều kiện tự nhiên và hiện trạng

a) Vị trí và vai trò khu vực lập quy hoạch:

         Phân tích mối quan hệ và đánh giá tiềm năng của khu vực lập quy hoạch trong mối liên hệ với các khu vực lân cận.

b) Đánh giá điều kiện tự nhiên và môi trường:

  • Tổng quan các đặc điểm tự nhiên của khu vực nghiên cứu (về địa hình, địa mạo, khí hậu, thủy hải văn, thủy lợi, địa chất công trình, địa chấn...), đặc điểm cảnh quan sinh thái của khu vực quy hoạch trong mối liên kết với các khu vực xung quanh và các vùng lân cận.
  • Đánh giá ảnh hưởng tiêu cực, tích cực của điều kiện tự nhiên tới khu vực xây dựng và sự phát triển của khu vực. Đánh giá chi tiết về quỹ đất xây dựng trên cơ sở phân vùng xây dựng thuận lợi, không thuận lợi và cấm xây dựng.
  • Nhận định các kết quả phân tích cụ thể, từ đó đề xuất các vấn đề cần phải giải quyết trong quy hoạch để khắc phục những nhược điểm (độ dốc, khả năng ngập lũ...) và phát huy các ưu điểm tự nhiên của khu vực, từ đó xác định các khu vực có tiềm năng về tự nhiên, có thể khai thác tạo động lực phát triển kinh tế đô thị.

c) Hiện trạng về dân số, lao động, kinh tế - xã hội:

  • Đánh giá hiện trạng phát triển dân cư khu vực nghiên cứu, thống kê tỉ lệ dân số, lao động. Ngoài ra, cần đánh giá mức độ phát triển kinh tế, khả năng tăng trưởng, thu hút nguồn nhân lực, nguồn vốn đầu tư.
  • Đánh giá những ảnh hưởng tác động môi trường văn hóa lịch sử tới quá trình phát triển kinh tế, văn hóa và đời sống của cư dân khu vực.

d) Hiện trạng về sử dụng đất và kiến trúc cảnh quan:

Đánh giá tình hình sử dụng đất khu vực lập quy hoạch theo các khu chức năng (du lịch, công cộng, ở, nông nghiệp, nuổi trồng thủy sản...). Thống kê sử dụng đất, nhận xét đánh giá các vấn đề tồn tại về sử dụng đất cần giải quyết.

đ) Hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật và môi trường:

  • Đánh giá hiện trạng hệ thống hạ tầng kỹ thuật bao gồm: Chuẩn bị kỹ thuật (hiện trạng nền xây dựng, thoát nước mưa); Hệ thống các tuyến giao thông và công trình đầu mối giao thông,…); Hệ thống các tuyến cấp nước (nguồn, công trình đầu mối, mạng lưới, chất lượng, khả năng cung cấp...); Hệ thống các tuyến Cấp điện (nguồn, vị trí trạm biến áp, quy mô trạm, khả năng cung cấp, chất lượng mạng lưới...); Hệ thống các tuyến thông tin liên lạc; Hệ thống các tuyến ống thoát nước thải (hiện trạng hệ thống thoát nước thải, khả năng đáp ứng khi đô thị phát triển...); Quản lý chất thải rắn, nghĩa trang (Hiện trạng thu gom chất thải rắn, vị trí bãi chôn lấp, khả năng thu gom, khu vực nghĩa trang, mức độ gần khu dân cư và ô nhiễm môi trường...).
  • Đánh giá các ưu điểm, các vấn đề tồn tại liên quan đến hệ thống hạ tầng kỹ thuật cần giải quyết trong quy hoạch phân khu. Đánh giá mối liên quan về hiện trạng với mạng lưới hạ tầng kỹ thuật như các tuyến chính, các công trình đầu mối bên ngoài khu vực thiết kế. Đánh giá, tổng hợp các giải pháp hạ tầng kỹ thuật của các dự án, đồ án đã có.
  • Nêu thực trạng và đánh giá hiện trạng môi trường tự nhiên (nước, không khí, đất, hệ sinh thái…) và môi trường xã hội. 
  • Những vấn đề về môi trường và những vùng dễ bị tác động, những khuyến cáo về tình hình ô nhiễm, suy thoái môi trường; xác định các nội dung bảo vệ môi trường mà quy hoạch cần giải quyết.

e) Các dự án, chương trình đang triển khai:

  • Đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch trên địa bàn.
  • Tổng quan chung về các chương trình, dự án trong khu vực như: Các dự án quy hoạch lân cận tại các khu vực Vinh Xuân, Vinh Thanh...; các dự án về hạ tầng kỹ thuật; các dự án về công trình xây dựng.
  • Nghiên cứu các dự án đầu tư ngoài ranh giới có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp, đặc biệt là các dự án về hệ thống hạ tầng kỹ thuật như dự án đường ven biển.
  • Rà soát mức độ triển khai, chất lượng và phân loại từng dự án với tổng thể chung của toàn khu. Xem xét tính hiệu quả và sự phù hợp của các chương trình, dự án với các vấn đề về mục tiêu và tầm nhìn đã đặt ra.

g) Đánh giá tổng hợp hiện trạng:

  • Tổng hợp các vấn đề hiện trạng, lập phân tích về điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức (SWOT) trong khu vực nghiên cứu phát triển.
  • Xác định những nội dung, các vấn đề cần giải quyết và các ưu điểm cần phải khai thác làm cơ sở cho phương án (trên cơ sở đánh giá tổng hợp hiện trạng dân cư sinh sống, sử dụng đất, hiện trạng kiến trúc công trình, hạ tầng kỹ thuật, hiện trạng hạ tầng xã hội; các công trình tôn giáo, tín ngưỡng và các công trình an ninh quốc phòng...) hướng đến xây dựng khu đô thị hiện đại và phát triển bền vững.

5.2. Yêu cầu về nội dung nghiên cứu quy hoạch:

a) Nguyên tắc thiết kế:

  • Bảo đảm tuân thủ khung phát triển từ các quy hoạch định hướng cấp trên.
  • Bảo đảm phát triển một khu vực thuộc trung tâm cấp vùng mang đặc trưng về văn hóa, gắn kết với các không gian xung quanh.
  • Bảo đảm tính hợp lý của tổ chức không gian các khu chức năng cũng như đảm bảo tính bền vững của môi trường và cảnh quan thiên nhiên.
  • Không gian quy hoạch kiến trúc phải đạt được các yêu cầu về tổ chức không gian, đảm bảo môi trường sống và làm việc, nghỉ dưỡng hiện đại, tiện nghi cao đáp ứng nhu cầu phát triển dài hạn.
  • Đưa ra các phương án ứng xử hợp lý với các dự án được đầu tư triển khai xây dựng hoặc các đồ án quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt.
  • Đảm bảo thuận lợi trong phân kỳ đầu tư và hiệu quả kinh tế của nhà đầu tư.

b) Cơ cấu quy hoạch các khu chức năng:

Cơ cấu tổ chức các khu chức năng của đồ án, phân chia cơ cấu rõ ràng, rành mạch nhưng vẫn đảm bảo tính kết nối thuận lợi giữa các khu chức năng trong và ngoài khu vực.

c) Quy hoạch sử dụng đất đai:

  • Khai thác tối đa hiệu quả giá trị quỹ đất xây dựng. Đảm bảo quy hoạch sử dụng đất tiết kiệm, hợp lý, đúng quy chuẩn quy phạm hiện hành về đất đai và xây dựng. Đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, sinh thái cảnh quan và đặc trưng tự nhiên của khu vực.
  • Đảm bảo tính toán khoa học, hợp lý trong việc sử dụng đất, đáp ứng nhu cầu đất đai cho công trình cấp vùng, ưu tiên giành quỹ đất cho cây xanh.
  • Đề xuất quy hoạch sử dụng đất cho toàn bộ khu đất và từng khu chức năng theo cơ cấu được xác định.
  • Xác định các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật chủ yếu về sử dụng đất và hạ tầng kỹ thuật của khu vực thiết kế.
  • Xây dựng hệ thống bảng biểu cân bằng và sơ đồ cho hệ thống số liệu sử dụng đất.
  • Đề xuất quy định quản lý sử dụng đất nhằm đảm bảo khai thác hiệu quả đầu tư và đáp ứng các nhu cầu phát triển trong tương lai.

d) Quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan

  • Khai thác tối đa lợi thế cảnh quan, môi trường vào bố cục không gian của khu vực.
  • Tổ chức không gian kiến trúc sinh động, hấp dẫn, tạo được đặc trưng và tạo sức hút trong khu vực. Kết nối hài hòa với cảnh quan xung quanh.
  • Khái quát các ý tưởng tổ chức không gian, từ đó đề xuất bố cục không gian kiến trúc cảnh quan theo các khu vực chức năng. Đề xuất và mô tả hình ảnh không gian quy hoạch toàn khu, cảnh quan tổng thể gắn kết với các khu vực liên kế đặc biệt là gắn kết khu vực với các không gian khác nhau.
  • Đề xuất liên kết không gian trọng tâm các khu vực theo các điểm - tuyến - diện đã xác định trong quy hoạch chung, quy hoạch phân khu. Nghiên cứu đề xuất mô hình tổ hợp các công trình phù hợp với công năng sử dụng, khí hậu địa phương và tiết kiệm năng lượng.
  • Đề xuất bố cục không gian kiến trúc cảnh quan theo từng khu vực chức năng, theo các trục không gian; đề xuất tổ chức không gian cho các khu trung tâm, các trục không gian chính, không gian cây xanh, mặt nước và điểm nhấn khu vực... Các liên kết về giao thông và hạ tầng kỹ thuật giữa các khu vực.

đ) Định hướng và kiểm soát kiến trúc cảnh quan:

  • Đề xuất được định hướng kiến trúc cảnh quan đô thị tổng thể, xác định các khu vực quan trọng cần phải khống chế và kiểm soát xây dựng bao gồm các không gian trọng tâm, trọng điểm và các không gian đặc trưng trong các khu chức năng. Lựa chọn không gian chủ đạo (Khu trung tâm, các khu chức năng, không gian mở, các trục không gian, ...), lựa chọn các điểm nhấn của đô thị.
  • Nghiên cứu, xác định các công trình điểm nhấn trong không gian khu vực quy hoạch theo các hướng, tầm nhìn khác nhau. Đề xuất chi tiết về thiết kế tầng cao, hình khối kiến trúc, màu sắc, ánh sáng, và các quy định về quản lý kiến trúc cảnh quan cho toàn bộ khu vực.

e) Quy hoạch hệ thống hạ tầng kĩ thuật

  • Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ phù hợp với nhu cầu của dự án, cũng như phù hợp với khu vực lân cận theo định hướng của quy hoạch chung, đảm bảo khớp nối hạ tầng với khu vực xung quanh. Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật bao gồm:
  • Quy hoạch san nền và thoát nước mưa: Xác định cốt cao độ xây dựng cho từng lô đất, và các công trình chính, tại các nút giao, tính toán khối lượng và phương án đào đắp san nền. Đề xuất giải pháp công trình chuẩn bị kỹ thuật.
  • Quy hoạch giao thông: Cập nhật dự án, đồ án đã được duyệt, khớp nối hệ thống giao thông đối ngoại và khu vực. Xác định mạng lưới đường giao thông đường bộ, đường thủy, chỉ giới, mặt cắt ngang đường, các bãi đỗ xe, đường dạo cảnh quan, cầu đi bộ trên cao... các thông số kỹ thuật chính; đất giao thông (ngầm - nếu có), đảm bảo đấu nối hợp lý với mạng giao thông chung của khu vực.
  • Quy hoạch cấp điện và thông tin liên lạc: Xác định nhu cầu cấp điện và thông tin liên lạc, vị trí và công suất các trạm biến áp chính, mạng lưới đường dây trung thế hạ thế, mạng lưới truyền tải thông tin.
  • Quy hoạch cấp nước: Xác định nhu cầu, công trình đầu mối, nguồn nước, bể chứa, mạng lưới đường ống và các thông số kĩ thuật đảm bảo nhu cầu dùng nước sinh hoạt và nước chữa cháy của khu vực.
  • Quy hoạch thoát nước thải, quản lý chất thải rắn, nghĩa trang: Xác định quy mô chỉ tiêu thoát nước, công trình đầu mối, giếng thu hố ga, trạm xử lý, tính toán mạng lưới và thông số kỹ thuật… và đảm bảo kết nối hợp lý với hệ thống thoát nước hiện có trong khu vực. Xác định chỉ tiêu, khối lượng rác thải, phương án thu gom và xử lý rác thải. Nhu cầu an táng, nghĩa trang, biện pháp di dời giải tỏa nghĩa địa hiện hữu...vv.

+ Toàn bộ hệ thống Hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp thoát nước, thông tin liên lạc...) sẽ được hạ ngầm theo các quy định và quy chuẩn hiện hành, nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị cũng như phù hợp với tiêu chí một đô thị mới hiện đại.

f) Đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC)

  • Phân tích, đánh giá môi trường, xác định các tác động đến môi trường trong quá trình thực hiện quy hoạch; đề xuất tiêu chí bảo vệ môi trường.
  • Đánh giá tác động môi trường theo Nghị định 54/2021/NĐ-CP ngày 21/5/2021;
  • Đề xuất các biện pháp để giảm thiểu, khắc phục tác động đến môi trường khi triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết đô thị.
  • Đề xuất kế hoạch giám sát môi trường.
  • Đề xuất các phương án ứng phó với biến đổi khí hậu.
  • Xác định khối lượng đầu tư xây dựng công trình.
  1. Kinh tế xây dựng:
  • Khái toán kinh phí đầu tư xây dựng hạng mục công trình kiến trúc, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật và đền bù giải phóng mặt bằng theo các giải pháp quy hoạch đã đề xuất.
  • Xác định suất đầu tư tổng thể, suất đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong ranh giới thiết kế.

h) Lập quy định quản lý xây dựng theo đồ án quy hoạch.

6. Tiến độ thực hiện:    

- Bắt đầu thực hiện sau khi nhiệm vụ quy hoạch phân khu được phê duyệt.

- Thời gian hoàn thành: không quá 9 tháng kể từ ngày ký hợp đồng với đơn vị tư vấn.

7. Tổ chức thực hiện:

  1. Cơ quan phê duyệt: UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.
  2. Cơ quan thẩm định: Sở Xây dựng Thừa Thiên Huế.
  3. Đơn vị tổ chức lập quy hoạch: Viện quy hoạch xây dựng Thừa Thiên Huế.
  4. Đơn vị tư vấn thiết kế: Theo quy định.
  5. Đơn vị phản biện đồ án: Theo quy định.
  6. Nội dung khác: Trình Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi phê duyệt đồ án quy hoạch theo quy định./.
Tập tin đính kèm:
Văn Thị Thi Thi
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.061.402
Đang truy cập 3.737