Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới
Ngày cập nhật 28/12/2022
Nguồn ảnh: Báo điện tử Chính phủ

Ngày 16/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) trong giai đoạn mới. Đây là một yêu cầu cấp thiết nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, phù hợp với thực tiễn và tạo nguồn lực và động lực mới để phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

I. KINH TẾ TẬP THỂ
Kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là hợp tác xã (HTX), là những cơ sở kinh tế do các thành viên tự nguyện góp vốn, tài sản, tư liệu sản xuất và góp sức; cùng sản xuất, kinh doanh; cùng quản lý theo nguyên tắc dân chủ, bình đẳng; phân phối theo vốn góp, lao động hoặc theo mức độ tham gia dịch vụ; thành viên KTTT khi tự nguyện chấm dứt tư cách thành viên thì được tổ chức KTTT trả lại phần vốn, tài sản, tư liệu sản xuất đã đóng góp.
 
II. QUAN ĐIỂM, ĐƯỜNG LỐI CỦA ĐẢNG, NHÀ NƯỚC TA VỀ KINH TẾ TẬP THỂ (trước khi ban hành Nghị quyết 20-NQ/TW)
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên đưa tư tưởng HTX vào Việt Nam, ngay từ khi còn đang bôn ba tìm đường cứu nước, Người đã quan tâm đến tổ chức KTTT, HTX. Trong cuốn “Đường cách mệnh” (1927), Người đã nói về tính chất HTX là tổ chức kinh tế - xã hội; cách tổ chức HTX phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, cùng có lợi và đi từ thấp đến cao; phân tích những lợi ích của HTX. Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, ngày 11/4/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi điền chủ, nông gia Việt Nam tham gia HTX nông nghiệp. Sau 19 năm, vào ngày 11/4/1964, Bác Hồ gửi thư cho Đại hội HTX và đội sản xuất nông nghiệp tiên tiến miền núi và trung du, khen ngợi những HTX điển hình tiên tiến và yêu cầu các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo các HTX nông nghiệp phát triển.
KTTT, kinh tế hợp tác luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta hết sức quan tâm trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của KTTT, thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát triển thành phần kinh tế này. Cương lĩnh của Đảng đã khẳng định: Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Đặc biệt, kể từ khi Luật Hợp tác xã đầu tiên ra đời (tháng 3/1996) và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/1997 và tiếp đó là Luật Hợp tác xã 2003 và Luật Hợp tác xã 2012, đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho khu vực KTTT, HTX. Ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; ngày 09/3/2022, ban hành Kết luận 70-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể đã xác định: kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. 
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã khẳng định: việc đổi mới, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với phát huy vai trò làm chủ, tăng cường lợi ích của các thành viên, nâng cao khả năng huy động nguồn lực. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII, ngày 25/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 255/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025.
Nhờ chủ trương, chính sách đúng đắn cùng sự chỉ đạo kịp thời của Đảng và Nhà nước, trong những năm qua, KTTT đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Nhiều mô hình KTTT, HTX hoạt động hiệu quả xuất hiện và ngày càng được nhân rộng đã mang lại nhiều lợi ích cho các thành viên, người lao động, đóng góp không nhỏ vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hiện thực hóa chủ trương xóa đói, giảm nghèo; đồng thời góp phần vào đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp hướng đến kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, bảo đảm sự phát triển bền vững.
 
II. NHỮNG THÀNH TỰU NỔI BẬT CỦA KINH TẾ TẬP THỂ VÀ HỢP TÁC XÃ
1. Những thành tựu chủ yếu của khu vực KTTT, HTX ở Việt Nam
KTTT, HTX đã hình thành và phát triển gần 70 năm, đóng góp quan trọng sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đất nước ta. Trải qua các thời kỳ phát triển, bản chất, giá trị và các nguyên tắc hoạt động, vai trò của KTTT, HTX phù hợp với chủ trương của Đảng về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta và quy định của Hiến pháp.
* Giai đoạn 1955 - 1986, hợp tác xã phát triển nhanh về số lượng ở cả địa bàn nông thôn và thành thị. 
Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, HTX được hình thành và phát triển ở nhiều vùng tự do và căn cứ địa cách mạng với các hình thức hợp tác giản đơn như tổ vần công, tổ đổi công. Ngày 08/3/1948, tại Chiến khu Việt Bắc, HTX Thủy tinh Dân Chủ được thành lập, mở đầu cho sự ra đời và phát triển của KTTT, HTX ở Việt Nam. Sự phát triển của KTTT, HTX cùng với kết quả của cải cách ruộng đất đã góp phần giải phóng nông dân thoát khỏi sự ràng buộc của phương thức sản xuất phong kiến, đưa nông dân lên vị trí người làm chủ, có những đóng góp tích cực trong việc đảm bảo hậu cần cho cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, động viên sức người, sức của cho tiền tuyến.
Ngay sau khi miền Bắc được giải phóng, Đảng, Nhà nước ta đã chú trọng chỉ đạo xây dựng, phát triển HTX trong các ngành kinh tế. Từ 1961 đến 1965, khu vực KTTT, HTX tiếp tục được đẩy mạnh cùng với việc thực hiện cuộc vận động cải tiến quản lý, xây dựng các HTX bậc cao với quy mô được mở rộng trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Từ 1965 đến 1975, khu vực kinh tế tập thể, HTX được củng cố, phát triển và trở thành một lực lượng kinh tế quan trọng trong nền kinh tế của hậu phương lớn miền Bắc. Nhờ có HTX, chúng ta đã huy động cao độ được sức người, sức của cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Sau Chiến thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, KTTT, HTX được phát triển và lan rộng tới các tỉnh, thành phố phía Nam. 
* Giai đoạn 1986 - 2002, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, khu vực KTTT, HTX đã có những biến đổi quan trọng. Đến năm 1986, năm được coi là thời kỳ phát triển cao nhất của khu vực KTTT, HTX, cả nước có 76.000 HTX trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, thu hút hơn 20 triệu xã viên tham gia và có những đóng góp to lớn. Khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã đã từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, có bước phát triển tích cực cả về số lượng và chất lượng; xuất hiện nhiều loại hình hợp tác xã, mô hình kinh tế tập thể có hiệu quả. Các HTX từng bước chuyển đổi và đăng ký lại cho phù hợp và thích ứng ngày càng tốt hơn với sự biến động của cơ chế thị trường; quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất trong các HTX được tăng cường; đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
* Giai đoạn 2002 - 2021, kinh tế tập thể, hợp tác xã có bước phát triển về số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động. Mô hình hợp tác xã mới, hợp tác xã phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị được hình thành. KTTT, HTX dần trở thành động lực phát triển kinh tế - xã hội bền vững, cùng với kinh tế nhà nước dần trở thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân; đóng góp trực tiếp khoảng 4,8%, gián tiếp trên 30% GDP cả nước trên cơ sở giá trị gia tăng của kinh tế hộ thành viên; thu hút hơn 3 triệu lao động, tạo hơn 40 nghìn việc làm mới hằng năm. Việc sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, áp dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm, ký kết hoạt động tiêu thụ sản phẩm dài hạn với doanh nghiệp, thu nhập của thành viên tăng 36%; tích lũy khoảng 18.600 tỷ đồng lợi nhuận để tái đầu tư, mở rộng sản xuất; là “hạt nhân” quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Tính đến cuối năm 2021 cả nước có 26.823 hợp tác xã, 120.319 tổ hợp tác và 106 liên hiệp hợp tác xã, thu hút 33% tổng số hộ gia đình ở địa bàn nông thôn tham gia, gần 60% số hợp tác xã hoạt động có hiệu quả; doanh thu, lợi nhuận của hợp tác xã tăng dần qua các năm.
 
2. Một số kết quả nổi bật của khu vực kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế trong thời gian qua
Công tác tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển KTTT, HTX được đẩy mạnh, cùng với việc tích cực tổ chức các phong trào thi đua trong khu vực KTTT, HTX, như: “Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, Liên hiệp HTX”, “HTX tiên phong trong xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới”… Các thành viên của HTX và các HTX đã tham gia hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng của tỉnh, như: giao thông, thủy lợi, điện, nước… tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế của tỉnh nói chung mà trong đó có kinh tế hợp tác, HTX; đóng góp hơn 151,1 tỷ đồng, 350.120 ngày công, làm mới và sửa chữa 12.941 km đường giao thông nông thôn; đào, đắp nạo vét kênh mương hơn 604.390 m3; kiên cố hóa và sửa chữa 19.360 km kênh, mương nội đồng; vận động thành viên tự nguyện hiến hơn 1.840.760 m2 đất để xây dựng đường thôn, ngõ xóm, nhà văn hóa thôn, chỉnh trang tường rào, cổng ngõ, nhà cửa...
Nhận thức về vai trò, vị trí của KTTT, HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển KTTT, HTX đã dần được đông đảo người dân ủng hộ, tham gia tích cực qua các mô hình HTX kiểu mới. Sự phát triển của HTX khá phong phú, đa dạng về loại hình, quy mô, mở rộng nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh mà pháp luật không cấm. Với tâm điểm là hỗ trợ phát triển kinh tế hộ thành viên, HTX đã tham gia tích cực vào các hoạt động sản xuất, nhất là các thế mạnh của địa phương, tay nghề của người lao động, năng lực sản xuất của thành viên... 
Các chính sách hỗ trợ HTX về đất đai, tài chính tín dụng, tiếp thị và mở rộng thị trường, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng... đã được quan tâm triển khai. Đã có 147 HTX đang sử dụng 271 khu đất với tổng diện tích 2.128,83 ha để xây dựng trụ sở, nhà kho bến bãi. Các chương trình hội thảo, hội nghị kết nối về các chính sách tín dụng cho khu vực HTX được tổ chức, giúp các HTX tiếp cận thông tin, chính sách hỗ trợ tín dụng của nhà nước để thực hiện đầu tư trong hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX, nhất là đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp với gần 100 máy gặt đập liên hợp, máy cày, máy cấy... Triển khai các chương trình khuyến công, kế hoạch phát triển nghề, làng nghề và sản phẩm xuất khẩu, chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường... Đã xây dựng thành công Sàn thương mại điện tử kinh tế hợp tác với tên miền: http://kinhtehoptac.com và cửa hàng trưng bày, giới thiệu, quảng bá tiêu thụ sản phẩm cho HTX và các tổ chức kinh tế trong và ngoài tỉnh, bước đầu đã phát huy được hiệu quả, nhất là trong các thời điểm bị dịch Covid-19. Hỗ trợ HTX tham gia các triển lãm trong và ngoài nước, tổ chức các hội chợ, triển lãm giành riêng cho khu vực HTX; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, với 56 HTX được hỗ trợ kinh phí xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ triển lãm trong nước do Liên minh HTX Việt Nam và các ngành tổ chức với kinh phí 436 triệu đồng. Tổ chức các hội thảo trình diễn và giới thiệu sản phẩm phục vụ nông nghiệp, qua đó giúp các HTX tiếp cận thông tin, đầu tư cơ giới hóa vào sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, đưa phân bón hữu cơ vi sinh vào canh tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chuyển giao các phầm mềm ứng dụng về kế toán, thanh toán tiền điện, quản lý chợ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm gỗ... cho các HTX ứng dụng và sử dụng. Hiện có hơn 20% số HTX sử dụng các phần mềm ứng dụng vào sản xuất kinh doanh và công tác quản lý điều hành HTX. Tư vấn, hỗ trợ cho các HTX thực hiện các dự án đổi mới công nghệ, dây chuyền sản xuất thông qua chương trình khuyến công với tổng kinh phí 1,7 tỷ đồng, xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao với kinh phí 2,2 tỷ đồng. Tranh thủ nguồn hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam để hỗ trợ cho 05 HTX (Dầu tràm Lộc Thủy, Dệt Zèng Nhâm, An Lỗ, Quảng Thọ 2, Hồng Thủy) thực hiện xây dựng mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị với tổng kinh phí là 1,8 tỷ đồng. 
Quyền và lợi ích hợp pháp của các HTX được bảo vệ; đẩy mạnh công tác tư vấn, hỗ trợ và cung ứng một số dịch vụ công; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực KTTT, HTX. Phối hợp với Trung tâm Khoa học Công nghệ và Môi trường thuộc Liên minh HTX Việt Nam hỗ trợ cho các HTX Phò Ninh, HTX Môi trường và Đô thị Phong Hiền, HTX dệt thổ cẩm Nhâm ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất kinh doanh, chế biến sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao. Phối hợp triển khai xây dựng các mô hình HTX kiểu mới gắn liên kết chuỗi sản phẩm hàng hóa chủ lực cho 12 HTX có tiềm năng, lợi thể để đẩy mạnh tiếp cận mô hình, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm tạo vị trí vững vàng trên thị trường (gạo ngon Phú Hồ, gạo chất lượng cao Thủy Thanh, gạo hữu cơ Phong Điền; nấm Phú Lương, rau màu Quảng Thành, thanh trà Thủy Biều, bưởi đỏ Hương Hồ, bưởi da xanh Phong Xuân, bưởi cốm Hương Thọ, cá Thủy Tân, rau má, bột mát cha rau má Quảng Thọ, mướp đắng Thủy Dương, dầu tràm Lộc Thủy, ớt Phú Diên, nước mắm Phú Thuận, hành lá Hương An, Hương Chữ, ném Vĩnh Xương, thổ cẩm dệt Zèng A Lưới, dầu lạc Quảng Thọ,...
Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế được đẩy mạnh, huy động nguồn lực để hỗ trợ phát triển KTTT, HTX, qua đó đã huy động thêm được nguồn lực góp phần hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động cho Liên minh HTX tỉnh, các HTX và thúc đẩy phát triển KTTT, HTX trên địa bàn tỉnh, như: Dự án “Hỗ trợ các hộ trồng rừng qui mô nhỏ tại Việt Nam hướng tới cấp chứng chỉ rừng” do FFD tài trợ (được thực hiện tại 06 HTX NN: Hòa Mỹ, Phù Bài,Thủy Phù, Thủy Phương,Thủy Dương, Nam Sơn); Dự án đã hỗ trợ xây dựng mô hình vườn ươm cây lâm nghiệp tại HTX Hòa Mỹ, HTX Phú Bài, HTX Nam Sơn mang lại khoản thu nhập tương đối trong các dịch vụ của HTX; Phối hợp tổ chức thành công hội thảo Quốc tế về “Thúc đẩy phát triển rừng trồng sản xuất quy mô hộ gia đình theo hướng quản lý rừng bền vững và có lợi nhuận ở Việt Nam”; kết thúc dự án, có 124 hộ chủ rừng của 6 HTX trên địa bàn tỉnh đã được cấp chứng chỉ rừng (GFA) theo tiêu chuẩn Việt Nam (VFCS) với tổng diện tích 851,89 ha rừng Keo. Hợp tác với Liên đoàn HTX Cộng hòa Liên bang Đức tư vấn nghiệp vụ và tăng cường khả năng kinh doanh cho các quỹ tín dụng nhân dân và một số HTX trên địa bàn. Phối hợp với tổ chức WWF hỗ trợ thành lập HTX Dịch vụ tổng hợp Hương Phong (A Lưới), hỗ trợ xây dựng vườn ươm cây giống và đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ, thành viên của HTX; phối hợp với tổ chức ILO hỗ trợ thành lập HTX Dịch vụ Du lịch Thanh Toàn (Hương Thủy), hỗ trợ kinh phí cải tạo, sửa chữa nhà nông cụ để phục vụ khách du lịch tham quan; Tham gia dự án 3 bên (Việt Nam - Thái Lan - Đức) tư vấn, hỗ trợ cho 3 HTX: HTX Mây tre đan Thủy Lập, HTX NN Bắc Hà, HTX NN Phú Hồ về xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, xây dựng chiến lược SXKD, mô hình sản xuất lúa sạch... Hợp tác với Tổ chức phát triển nông nghiệp Hà Lan (Agriterra) thực hiện thí điểm chương trình Phát triển HTX tại Thừa Thiên Huế...
Đến 30/6/2021, toàn tỉnh có 306 HTX, trong đó có 218 HTX nông nghiệp, 23 HTX công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, 3 HTX xây dựng, 9 HTX thương mại, 27 HTX vận tải, 7 Quỹ tính dụng nhân dân (Quỹ TDND) và 19 HTX thuộc lĩnh vực khác (3 HTX điện, 5 HTX môi trường, 5 HTX du lịch, 2 HTX công nghệ thông tin, 2 HTX khai thác cát, sỏi và 2 HTX dịch vụ khác). Đến 31/12/2021, tổng số thành viên HTX đạt 172.475 thành viên; tổng số lao động thường xuyên trong HTX đạt 38.535 người; doanh thu bình quân 1 HTX đạt 3.300 triệu đồng; lãi bình quân 1 HTX ước đạt 150 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động ước đạt 32 triệu đồng/năm; tổng số cán bộ quản lý HTX ước đạt 1.300 người trong đó số cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo đạt trình độ sơ, trung cấp ước đạt 900 người, số cán bộ quản lý HTX đã qua đào tạo đạt trình độ cao đẳng, đại học trở lên ước đạt 300 người. Một số mô hình HTX, liên hiệp HTX nổi bật, điển hình với cách làm mới, như: HTX nông nghiệp Thủy Thanh với thương hiệu “Gạo ngon Thủy Thanh”; HTX cao cấp Đúc Thắng Lợi với công nghệ mới chuyển từ khuôn đất truyền thống chuyển sang sử dụng khuôn cát; HTX mây tre đan Bao La với “Bộ sản phẩm đèn trang trí, rổ, rá” là sản phẩm OCOP đạt 4 sao; HTX thêu Phú Hòa; TX Công nghệ thông tin Huế là mô hình HTX đầu tiên của cả nước về các giải pháp công nghệ thông tin và phần mềm ứng dụng trong quản lý… Một số mô hình HTX, liên hiệp HTX thành công theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, như: HTX nông nghiệp Thủy Dương với mô hình trồng mướp đắng theo chuỗi giá trị sản phẩm “từ sản xuất đến tiêu dùng”; HTX nông nghiệp Quảng Thọ 2 với Dự án “Mở rộng vùng nguyên liệu, xây dựng cơ sở thu mua và chế biến rau má” mang thương hiệu “Trà Rau má Quảng Thọ”, “Bột Matcha rau má hữu cơ”; HTX nông nghiệp Điền Hòa với mô hình liên kết nuôi lợn thịt...
 
IV. SỰ CẦN THIẾT PHẢI BAN HÀNH NGHỊ QUYẾT 20-NQ/TW VỀ “TIẾP TỤC ĐỔI MỚI, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ KTTT TRONG GIAI ĐOẠN MỚI”
1. Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng của KTTT trong nền kinh tế quốc dân
Nhìn khái lược, phát triển KTTT, HTX là xu thế chung của nền sản xuất hàng hóa. KTTT tồn tại dưới nhiều hình thức, phổ biến hơn cả là tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX...; trong đó HTX được coi là loại hình nòng cốt của KTTT. Đây là một loại hình kinh tế khá phổ biến, hoạt động trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và hiện diện ở các nền kinh tế có trình độ phát triển khác nhau, trên khắp thế giới. 
Ở nước ta, chiếm 65,4% tổng dân số sống ở nông thôn và 40% lực lượng lao động làm nông nghiệp, nông dân là thành viên nòng cốt, KTTT, HTX là một bộ phận không thể thiếu trong nền kinh tế nước ta, có vị trí, vai trò và đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, an ninh - quốc phòng và tham gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, đây là thành phần kinh tế có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cải thiện và nâng cao đời sống mọi mặt cho người lao động; góp phần làm giảm sự phân hóa giàu nghèo, bất bình đẳng trong xã hội bởi KTTT tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc các thành viên cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi.
 
2. Xuất phát từ yêu cầu của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thực hiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế
Thực tế lịch sử phát triển của các mô hình kinh tế thị trường trên thế giới trải qua nhiều thế kỷ cho thấy, cùng với sự hình thành và phát triển đa dạng của các kiểu hình thức tổ chức sản xuất khác nhau, trong các nền kinh tế thị trường luôn có sự hiện diện một cách khách quan, đa dạng của các HTX. Thực tiễn, kinh nghiệm ở nước ta và trên thế giới ngày càng khẳng định, KTTT, HTX vẫn đang chứng thực là mô hình hoạt động hiệu quả, phù hợp với điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt. Quá trình hình thành và phát triển HTX trên thế giới đã trải qua hơn 200 năm. Theo báo cáo năm 2021 của Liên đoàn Hợp tác xã quốc tế (ICA), HTX liên tục phát triển ở các nước phát triển và đang phát triển; đến nay có hơn 3 triệu HTX, đóng góp hơn 10% GDP và bảo đảm đời sống cho hơn một nửa dân số thế giới.
Lợi ích mà KTTT mang lại không chỉ là đưa đến cho các thành viên cơ hội tốt hơn về quyền lợi cũng như địa vị xã hội, hơn thế, xét ở phạm vi rộng lớn trên toàn xã hội, còn góp phần tạo ra sự ổn định xã hội, ổn định chính trị. Những giá trị như vậy của KTTT không chỉ thể hiện sự gần gũi mà chính là phản ánh bản chất xã hội chủ nghĩa trong hoạt động và phân phối lợi ích. Và quan trọng hơn nữa, thông qua HTX, các hộ nông dân, các doanh nghiệp nhỏ hợp tác với nhau, tăng sức mạnh để đối phó với khó khăn trên con đường mưu cầu no ấm và hạnh phúc của mình, trên quy mô toàn cầu. 
Theo nghĩa như vậy, KTTT thực sự là thành tố của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là thực thể bộ phận một cách khách quan của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, phát triển KTTT, cùng với các thành phần kinh tế khác là phương thức để thúc đẩy kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không ngừng hoàn thiện. Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước Việt Nam, trong đó KTTT được xác định là động lực quan trọng của nền kinh tế quốc dân. 
 
3. Xuất phát từ thực tiễn công tác quản lý, phát triển khu vực KTTT
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, khu vực KTTT nước ta đã có những chuyển biến tích cực. Nhận thức về phát triển KTTT, mà trọng tâm là HTX trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Chính sách, pháp luật về KTTT được quan tâm xây dựng, hoàn thiện phù hợp với từng giai đoạn phát triển. HTX đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi sang mô hình kiểu mới theo quy định của pháp luật. Số lượng HTX, liên hiệp HTX thành lập mới tăng đáng kể, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ, hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động. Tổ hợp tác với cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, nội dung hoạt động đơn giản nhưng thiết thực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu liên kết linh hoạt và mang tính ngắn hạn của người dân. Liên kết giữa các HTX với nhau, với doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác bước đầu phát triển. Khu vực KTTT cơ bản đã khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài, góp phần xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, từng bước khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Tính đến cuối năm 2021, cả nước có hơn 27.400 HTX, tăng 41% so với năm 2013, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 1 triệu lao động. Thu nhập của người lao động đạt trung bình 2,7 triệu đồng/người/tháng. Số HTX sản xuất kinh doanh có hiệu quả đạt 58% trong tổng số HTX đang hoạt động. Cả nước có trên 1.700 HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, công nghiệp cao. 
Tuy nhiên, khu vực KTTT của nước ta đến nay chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu nghị quyết đề ra. Đổi mới và nâng cao hiệu quả KTTT còn nhiều khó khăn. Tốc độ tăng trưởng, tỷ trọng đóng góp của khu vực KTTT vào GDP còn thấp và có xu hướng giảm. HTX phát triển không đồng đều giữa các địa phương, vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Số lượng HTX tuy tăng, nhưng số lượng thành viên bình quân trong HTX có xu hướng giảm; không ít thành viên tham gia hoạt động của HTX còn hình thức, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ trong HTX. Năng lực nội tại của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế. Phần lớn HTX, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp; tính liên kết trong nội bộ hợp tác xã còn rất yếu; vấn đề nợ của HTX, tình trạng chiếm dụng vốn chưa được xử lý dứt điểm. Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến. Số lượng liên hiệp HTX ít; tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác thiếu ổn định; nhiều HTX chuyển đổi, tổ chức lại mang tính hình thức, chưa thực sự chuyển biến về chất… 
 
IV. MỘT SỐ ĐIỂM ĐÁNG CHÚ Ý TRONG NGHỊ QUYẾT 20
1. Về quan điểm chỉ đạo
1.1. Quan điểm thứ nhất 
Nghị quyết khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về KTTT, đó là: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Nghị quyết cũng nhấn mạnh: “Phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xuất phát từ nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện cho thành viên sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển bền vững. Phát triển kinh tế tập thể phải tôn trọng bản chất, giá trị, nguyên tắc hoạt động của kinh tế tập thể, phù hợp với điều kiện, đặc điểm kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng, miền và cả nước”.
Đây là nội dung mới so với Nghị quyết số 13-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 5 khóa IX, trên cơ sở cập nhật quan điểm trong Cương lĩnh 2011 và Nghị quyết Đại hội Đảng XIII. Qua đây, Trung ương thống nhất về quan điểm phát triển KTTT, trong đó khẳng định rõ vị trí, vai trò của KTTT trong nền kinh tế quốc dân và xu thế phát triển trong giai đoạn mới. KTTT không phủ nhận kinh tế hộ mà còn hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững hơn. 
 
1.2. Quan điểm thứ hai 
Nghị quyết xác định rõ: “Kinh tế tập thể với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX…) trong đó HTX là nòng cốt”, đồng thời đặt ra yêu cầu “tăng cường liên kết giữa các HTX, hình thành các liên hiệp HTX, không giới hạn về quy mô, lĩnh vực và địa bàn”. Nghị quyết cũng nêu rõ: “Kinh tế tập thể lấy lợi ích kinh tế là trọng tâm, bao gồm lợi ích của thành viên, tập thể và Nhà nước, đồng thời coi trọng lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn”.
 Quan điểm này kế thừa quan điểm của Nghị quyết số 13-NQ/TW, đồng thời làm rõ hơn hình thức tổ chức và mục tiêu hướng đến của KTTT: KTTT với nhiều hình thức tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, biểu hiện dưới một số hình thức tổ chức cụ thể, phát triển từ thấp đến cao như tổ hợp tác, HTX, liên hiệp HTX…. Mục tiêu chính của KTTT không chỉ là lợi ích kinh tế của thành viên, của tập thể và của Nhà nước, mà còn chú trọng lợi ích chính trị, văn hóa, xã hội trên địa bàn. Qua đó, đánh giá đầy đủ, toàn diện của KTTT. Đồng thời, quan điểm này nhằm khắc phục sự yếu kém trong việc liên kết giữa các HTX, hướng tới đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái các tổ chức KTTT. 
 
1.3. Quan điểm thứ ba
Quan điểm này là về những đặc điểm cơ bản của KTTT, gồm: “KTTT phát triển dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp. Thành viên KTTT bao gồm các thể nhân và pháp nhân, thành viên chính thức và thành viên liên kết, cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Khuyến khích việc tích lũy và sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản chung trong tổ chức KTTT”.
So với Nghị quyết số 13-NQ/TW, Nghị quyết lần này Trung ương đã bổ sung khái niệm thành viên chính thức và thành viên liên kết trong các tổ chức KTTT để tạo điều kiện thu hút thêm thành viên. Ở đây, có thể hiểu thành viên liên kết là những cá nhân, pháp nhân hợp tác với tổ chức KTTT để thực hiện một số khâu, nhiệm vụ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, có một số quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng hợp tác, là bước trung gian trước khi trở thành thành viên chính thức của tổ chức. Quan điểm này chỉ ra sự khác biệt giữa tổ chức theo hình thức KTTT và các hình tổ chức doanh nghiệp. Trong đó, Nghị quyết nhấn mạnh tính dân chủ và không phụ thuộc vào vốn góp trong quản lý, điều hành để bảo đảm quyền bình đẳng giữa các thành viên tham gia; đồng thời phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động và theo vốn góp (bảo đảm KTTT vận hành theo kinh tế thị trường định hướng XHCN). 
 
1.4. Quan điểm thứ  tư 
Quan điểm này nhấn mạnh những yêu cầu đặt ra đối với phát triển KTTT trong giai đoạn mới, cụ thể: “Phát triển KTTT cả về số lượng và chất lượng, trong đó chú trọng chất lượng, bảo đảm sự hài hòa trong tất cả các ngành, lĩnh vực, địa bàn; có chính sách ưu tiên cho các tổ chức KTTT trong lĩnh vực nông nghiệp, gắn hoạt động sản xuất kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; ưu tiên phát triển các tổ chức KTTT gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Đánh giá hiệu quả KTTT toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, hiệu quả của tổ chức và của thành viên”.
So với Nghị quyết số 13-NQ/TW, Nghị quyết lần này của Trung ương xác định phát triển KTTT theo các xu thế phát triển hiện nay: phải đồng thời quan tâm cả số lượng và chất lượng (để đáp ứng yêu cầu mới của sự phát triển); phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.... Đồng thời, tiếp tục khẳng định đánh giá hiệu quả KTTT phải đánh giá toàn diện về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, cả hiệu quả của tổ chức và của các thành viên. Qua đó, khẳng định KTTT không đứng ngoài cuộc trong xu thế phát triển chung của đất nước, nhất là phát triển KTTT phải chú trọng chất lượng và bảo đảm hài hòa giữa các ngành, lĩnh vực, địa bàn.  Thực tế tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW cho thấy, KTTT phát huy hiệu quả tốt tại các khu vực khó khăn, vùng biên giới, hải đảo... (mô hình hay của tổng kết); góp phần bảo đảm an ninh, an sinh, an dân, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân...
 
1.5. Quan điểm thứ năm 
Trong quan điểm này, Trung ương đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan trong hệ thống chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân: “Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của KTTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh HTX và các tổ chức đại diện phối hợp chặt chẽ trong việc tuyên truyền, vận động quần chúng tham gia phát triển KTTT.”
Quan điểm này kế thừa Nghị quyết 13-NQ/TW, trong đó tiếp tục khẳng định phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân và hệ thống liên minh HTX trong việc phát triển KTTT.
 
2. Về mục tiêu
2.1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển KTTT năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của KTTT, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
2.2. Mục tiêu cụ thể
- Đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác với 2 triệu thành viên; 45.000 HTX với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp HTX với 1.700 HTX thành viên. Bảo đảm trên 60% tổ chức KTTT đạt loại tốt, khá; trong đó ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ, sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
- Mục tiêu cụ thể đến năm 2045, phấn đấu tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức KTTT. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức KTTT, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm trên 90% tổ chức KTTT hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức KTTT nằm trong bảng xếp hạng 300 HTX lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức KTTT đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. 
Đây là nội dung mới so với Nghị quyết số 13-NQ/TW, trong đó đưa ra những định hướng lớn, mang tính chất dài hạn và những mục tiêu cụ thể, lượng hóa cho từng giai đoạn, làm cơ sở để chúng ta xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát (Mục tiêu cụ thể này được xây dựng trên cơ sở đánh giá thực tiễn sự phát triển của KTTT thời gian qua và cập nhật xu thế phát triển của thế giới cũng như yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước giai đoạn đến 2030 và tầm nhìn đến 2045).
 
3. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
Nghị quyết đề ra 05 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu: 
Thứ nhất, nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Trên cơ sở kế thừa Nghị quyết 13-NQ/TW, Nghị quyết lần này bổ sung, làm rõ hơn về bản chất, nội hàm KTTT với cách diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu hơn trong quá trình thực hiện. 
- Về ý nghĩa của việc phát triển KTTT, phát triển KTTT là một trong những phương thức để khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, là nền tảng quan trọng để đạt mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; là cơ sở để “hợp tác” trở thành văn hóa, bản sắc trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; là một kênh quan trọng để thực hiện các chính sách phát triển văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư. 
- Làm rõ hơn về chức năng, mục đích hoạt động của KTTT. KTTT có mục đích kinh tế - xã hội và nhân văn, không chỉ vì lợi ích kinh tế thuần túy. Kinh tế tập thể coi trọng lợi ích của thành viên, sự hợp tác, liên kết, trợ giúp lẫn nhau, hướng đến làm giàu cho từng thành viên và tập thể. Bên cạnh mục tiêu kinh tế, các tổ chức kinh tế tập thể còn thực hiện các chính sách xã hội trên địa bàn.
- Về cách thức đánh giá hiệu quả của KTTT, Nghị quyết nhấn mạnh tư duy rất mới, đó là đánh giá hiệu quả của tổ chức KTTT chủ yếu dựa trên số lượng, chất lượng thành viên tham gia, lợi ích tổ chức mang lại cho thành viên và cộng đồng. 
Qua đây, Trung ương yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên quán triệt và thống nhất nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KTTT trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được giao, nhất là tính toán, đánh giá đúng mức độ đóng góp của khu vực KTTT vào GDP và các mặt kinh tế - xã hội khác. 
 
Thứ hai, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể 
Kế thừa Nghị quyết 13-NQ/TW, cập nhật Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các nghị quyết, kết luận của Đảng gần đây, Nghị quyết 20 yêu cầu tiếp tục hoàn   thiện thể chế, chính sách cho phát triển KTTT, trong đó tập trung:
- Làm rõ hơn về các loại hình tổ chức KTTT, quy định về phát triển thành viên, nâng cao khả năng huy động vốn, quy định về phát triển doanh nghiệp trong các tổ chức KTTT, quy định về kiểm toán…
- Về mặt hình thức tổ chức, KTTT với nhiều hình thức tổ chức đa dạng, kết hợp sức mạnh tập thể với sức mạnh của từng thành viên, trong đó: Tổ chức KTTT, nòng cốt là các HTX là hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh thuộc thành phần KTTT, là tổ chức kinh tế của những thể nhân, pháp nhân có nhu cầu, tự nguyện lập ra và tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình theo quy định của pháp luật. Tổ chức KTTT hoạt động bình đẳng với các tổ chức kinh tế khác. Nhà nước không can thiệp trực tiếp, mà chỉ quản lý hoạt động của tổ chức KTTT thông qua pháp luật và chính sách. 
- Xác định rõ KTTT là chủ thể phù hợp để kết hợp đầu tư của Nhà nước và đầu tư, quản lý của tập thể người dân (đầu tư công - quản trị cộng đồng); có cơ chế đặc thù cho KTTT; có chương trình tổng thể về phát triển KTTT trên phạm vi toàn quốc để thống nhất, tập trung nguồn lực, phù hợp với yêu cầu phát triển của KTTT và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 
 
Thứ ba, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể 
Đây là một nội dung rất khó trong quá trình thực hiện, nhất là trong việc xử lý các vướng mắc, tồn đọng; đồng thời nâng cao năng lực nội tại của HTX phù hợp yêu cầu mới. Kiên quyết xử lý dứt điểm các hợp tác xã yếu kém; đồng thời đổi mới hình thức hoạt động của khu vực KTTT, tăng cường công khai, minh bạch, từng bước tạo lòng tin của người dân, doanh nghiệp đối với KTTT. Sớm khắc phục tình trạng thiếu liên kết giữa kinh tế nhà nước với KTTT; khắc phục cho được quan niệm HTX là yếu kém. Tư duy về KTTT lần này thể hiện tinh thần rất mới, rõ và toàn diện. Đặc biệt, trong đó thể hiện rất rõ tinh thần chú trọng hiệu quả và lợi ích cho thành viên và xã hội, chú trọng nguyên tắc tự nguyện, nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của kinh tế tập thể. 
Nhằm đa dạng hóa các mô hình hoạt động của KTTT, Nghị quyết 20 cho phép nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn HTX hoạt động chuyên môn hóa cao trong một số ngành, lĩnh vực. Tăng cường liên kết giữa tổ chức KTTT với các tổ chức thuộc thành phần kinh tế khác, đặc biệt là liên kết với doanh nghiệp nhà nước.
 
Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể, Nghị quyết 20 yêu cầu xây dựng bộ máy quản lý nhà nước về KTTT tập trung, thống nhất, xuyên suốt trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về KTTT); trong đó, tập trung làm rõ một số nội dung:
- Khẩn trương sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 và các quy định pháp luật liên quan đến KTTT, HTX. Trong khi chờ sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về KTTT, tiến hành triển khai thí điểm những nội dung của Nghị quyết khác với quy định hiện hành.
- Tăng cường minh bạch trong quản lý nhà nước về KTTT, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về KTTT, liên thông với hệ thống đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế. 
- Kiện toàn và nâng cao vai trò của Ban Chỉ đạo quốc gia về KTTT, tạo sự thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt, toàn diện trong lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, điều hành, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết và pháp luật về phát triển KTTT, HTX. 
 
Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đối với phát triển kinh tế tập thể 
Nghị quyết lần này tiếp tục kế thừa Nghị quyết số 13-NQ/TW và bổ sung làm rõ chức năng của Liên minh Hợp tác xã là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức KTTT, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển KTTT, làm cầu nối giữa Đảng và Nhà nước với thành phần KTTT (Liên minh HTX đóng vai trò nòng cốt trong các tổ chức đại diện).
Đồng thời, Nghị quyết 20 cũng đề ra 8 nhóm chính sách cụ thể để khuyến khích, phát triển KTTT gồm: (i) Chính sách phát triển nguồn nhân lực; (ii) Chính sách đất đai; (iii) Chính sách tài chính; (iv) Chính sách tín dụng; (v) Chính sách khoa học - công nghệ; (vi) Chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; (vii) Chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; (viii) Chính sách bảo hiểm xã hội. Đây là những định hướng lớn, cụ thể hơn, sát hơn với thực tế, làm căn cứ xây dựng Luật Hợp tác xã sửa đổi và các quy định pháp luật liên quan đến kinh tế tập thể thời gian tới. Yêu cầu các cấp ủy các cơ quan liên quan quán triệt, cập nhật vào Chương trình, Kế hoạch công tác của mình./.
 
Sở Du lịch Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.037.249
Đang truy cập 21.285