Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Đầu tư chuyên sâu phát triển du lịch trực tuyến
Ngày cập nhật 11/09/2018

Du lịch trực tuyến (DLTT) tại nước ta đang mang lại thuận lợi lớn cho các đơn vị, doanh nghiệp hoạt động du lịch, đồng thời tạo điều kiện cho khách hàng khi lựa chọn sản phẩm, dịch vụ với tiện ích tốt nhất. Tuy nhiên, DLTT cần những giải pháp đột phá mạnh mẽ hơn nữa để phát triển tương xứng với tiềm năng.

Tiện ích từ cái “nhấp chuột”
 
Dự định đi du lịch Phan Thiết (Bình Thuận) vào dịp cuối tuần, chị Phan Thị Cẩm Vân, ngụ phường 7 (Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) lên sàn giao dịch du lịch ivivu.com và chỉ vài thao tác, chị đã hoàn thành việc đặt vé xe chất lượng cao, phòng nghỉ khang trang tại khách sạn The Cliff (Phan Thiết). Theo chị Vân, trước đây, việc sắp xếp một chuyến đi du lịch mất nhiều thời gian và khó dự báo trước tình hình điểm đến. Hiện nay, các trang DLTT không chỉ dừng lại ở quảng bá tour, thể hiện lịch trình tour mà còn kết hợp hình ảnh, video, kết nối với nhà cung cấp dịch vụ khác để người dân được trải nghiệm điểm đến. Quả thật, mọi việc trở nên dễ dàng  chỉ với vài cái “nhấp chuột”.
 
Du lịch trực tuyến đang có xu hướng phát triển mạnh tại nước ta.
 
Theo ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Công ty Du lịch TransViet, những năm gần đây, người tiêu dùng tra cứu thông tin du lịch trên điện thoại, thiết bị điện tử tăng mạnh. Công ty đã đưa vào sử dụng phần mềm cài trên điện thoại di động, dễ dàng cài đặt và thao tác nhanh tra cứu, đặt tour, thanh toán trực tuyến... mà không cần phải đến giao dịch trực tiếp tại quầy. Từ đó giảm tải thời gian, nhân lực trong các khâu nhập dữ liệu, giảm chi phí tour, dành nhiều thời gian chăm sóc khách hàng.
 
Phấn khởi vì 100% sản phẩm, dịch vụ du lịch được bán qua môi trường internet, ông Nguyễn Duy Vĩ, Giám đốc tiếp thị của Công ty Du lịch Tugo (tugo.com.vn) thông tin, đơn vị đã chủ động tiếp cận khách hàng trên môi trường internet, đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông số. Đáng mừng, hiện 30% khách hàng của công ty đã quen với việc chuyển khoản phí đăng ký tour du lịch qua ngân hàng thay vì tới quầy giao dịch để trả tiền.
 
Nước ta hiện có hơn 10 sàn giao dịch điện tử về DLTT như: Ivivu.com, mytour.vn, chudu24.com, gotadi.com, tripi.vn… Các đơn vị đã giới thiệu ứng dụng thông minh tích hợp đặt phòng khách sạn, vé tàu, vé xe, tự động gợi ý gói du lịch thông minh trong khoảng thời gian khách hàng yêu cầu, cung cấp thông tin du lịch cho khách hàng. Các hoạt động, tiện ích DLTT đã tạo cơ hội thuận lợi nhất, nhanh nhất cho sự kết nối kinh doanh giữa doanh nghiệp và khách hàng, kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.
 
Liên kết thúc đẩy tiềm năng
 
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), khoảng 53% dân số nước ta sử dụng internet và xu hướng này đang tăng nhanh. Tuy nhiên, thói quen tiêu dùng online của người dân còn hạn chế, nhất là thanh toán trực tuyến kết hợp với tâm lý e ngại nên các sàn giao dịch DLTT nội địa chỉ chiếm khoảng 20%. Trong khi đó, các thương hiệu quốc tế, như: Agoda.com, booking.com, traveloka.com, expedia.com… đang chiếm lĩnh khoảng 80% thị phần giao dịch DLTT ở nước ta. Do vậy, việc khai thác tiềm năng và phát triển DLTT ở nước ta cần có sự vào cuộc đồng bộ không chỉ của cơ quan quản lý, chính quyền các cấp, mà đặc biệt cần sự năng động của đội ngũ doanh nghiệp du lịch (DNDL).
 
Du lịch trực tuyến đang có xu hướng phát triển mạnh tại nước ta.
 
Theo ông Nguyễn Tuấn Việt Sơn, đại diện sàn giao dịch DLTT tripi.vn: Cần có sự kết nối chặt chẽ giữa công nghệ và các doanh nghiệp, cơ quan quản lý chuyên ngành du lịch nhằm tăng thêm giá trị thặng dư cho sản phẩm của ngành thông qua hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin. Về phía DNDL, cần đẩy mạnh hoạt động kết nối giữa các DNDL, đại lý du lịch truyền thống để tăng quy mô thị trường, mở rộng phạm vi tiếp cận các sản phẩm du lịch. Còn ông Ngô Minh Đức, đại diện trang du lịch trực tuyến gotadi.com cho rằng, đã đến lúc các DNDL liên kết với nhau để giúp tăng sức cạnh tranh, cùng cung cấp các sản phẩm có chất lượng tốt hơn ra thị trường. Điều đó sẽ góp phần hình thành một hệ sinh thái trong lĩnh vực DLTT.
 
Một tín hiệu đáng mừng cho DLTT trong nước khi tháng 7-2018 vừa qua, Tổng cục Du lịch chính thức đưa vào vận hành website xúc tiến du lịch quốc tế mới tại địa chỉ www.vietnam.travel giúp nâng cao năng lực quảng bá xúc tiến của du lịch Việt Nam. Website cũng cung cấp thông tin thực tiễn về các điểm đến, quy trình xin cấp thị thực, các lễ hội, sự kiện lớn tại Việt Nam, cũng như dẫn đến các mạng xã hội facebook và Instagram chính thức của du lịch Việt Nam, để khách quốc tế chủ động tương tác và chia sẻ trải nghiệm. Đây cũng là lần đầu tiên website cung cấp “Cẩm nang du lịch” hoàn toàn miễn phí dành cho khách quốc tế mới đến Việt Nam.
 
Theo các chuyên gia, để có thể thu hút du khách từ hình thức DLTT, các DNDL cần nâng cao năng lực tài chính, đầu tư chuyên sâu cho nền tảng công nghệ để quảng cáo, năng động trong tiếp thị, thanh toán trực tuyến, dịch vụ đi kèm và nhất là khâu chăm sóc khách hàng. Để phát triển thị phần DLTT nội địa, các DNDL cần phải liên kết trong chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác truyền thông, nâng cao khả năng cạnh tranh, mang đến du khách sản phẩm du lịch chất lượng tốt nhất, giá cả hợp lý. Quan trọng hơn, DNDL phải tạo được uy tín, thương hiệu trên sàn giao dịch DLTT.
 
HỒNG GIANG
Theo: qdnd.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 15.691.581
Đang truy cập 1.361