Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Chuyển đổi số của doanh nghiệp lữ hành trong Covid-19: Cơ hội phục hồi nhanh chóng sau đại dịch!
Ngày cập nhật 28/04/2022

Chuyển đổi số là một từ khoá thường xuyên xuất hiện trong một số năm gần đây, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng toàn cầu do Đại dịch Covid-19, khi mà các doanh nghiệp buộc phải làm việc qua các nền tảng số, chủ đề này trở thành một tiêu điểm của mọi ngành nghề, lĩnh vực. 

Chủ đề này lại có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp lữ hành – đã được đánh giá là một trong những loại hình doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch – giúp mở ra cơ hội phục hồi mạnh mẽ cho các doanh nghiệp này trong giai đoạn bình ổn.
 
Lợi ích thiết thực của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp lữ hành
 
Chuyển đổi số trong doanh nghiệp lữ hành là quá trình áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới của thời đại kỹ thuật số vào tái cơ cấu cấu trúc, mô hình hoạt động của doanh nghiệp lữ hành nhằm nâng cao hiệu quả của việc xây dựng, bán và tổ chức một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch, từ đó giúp nâng cao giá trị kinh doanh và mang lại nhiều lợi ích mới cho doanh nghiệp.
 
Theo Tổ chức hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD), chuyển đổi số mang lại cho doanh nghiệp du lịch, lữ hành những sự thay đổi tích cực, nâng cao hiệu quả hoạt động trong các khía cạnh: sự tương tác và ký kết của khách hàng, phân tích thị trường và tiếp thị, quy trình quản lý kinh doanh, kế hoạch kinh doanh, mô hình kinh doanh. Và cũng theo các nghiên cứu của nhiều tổ chức và học giả, chuyển đổi trong doanh nghiệp nói chung, bao gồm cả doanh nghiệp lữ hành được thể hiện ở một số nội dung: sự tham gia của khách hàng, vấn đề tiếp thị, quản lý kinh doanh, lập kế hoạch kinh doanh, phát triển sản phẩm và cung cấp dịch vụ.
 
Cảnh đẹp ở Phú Quốc, Kiên Giang. Ảnh minh họa
 
Giữa bối cảnh công nghệ số phát triển, hàng loạt các thành tựu từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư ra đời đã cung cấp cho các doanh nghiệp lữ hành những công cụ hữu hiệu để áp dụng vào doanh nghiệp của mình nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Theo kết quả nghiên cứu và khảo sát về chuyển đổi số tại doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Hà Nội, chúng tôi nhận thấy chuyển đổi số mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp lữ hành và nổi bật nhất bao gồm:
 
Thứ nhất, giảm tải quy trình hoạt động, do đó giúp tăng hiệu quả vận hành. Các công nghệ số như phần mềm quản lý doanh nghiệp, phần mềm kết nối trực tuyến trong nội bộ doanh nghiệp… đã giúp cho việc thông tin doanh nghiệp lữ hành được số hoá hoàn toàn, giảm tải rất nhiều cho việc lưu trữ, quản lý hồ sơ. Bên cạnh đó, tương tác theo thời gian thực, quản lý công việc trên nền tảng số cung cấp cho nhà lãnh đạo, quản lý khả năng kiểm soát công việc rất tốt khi toàn bộ các công việc, tiến trình, từng đầu việc cho nhân viên đều được thể hiện ngay trên phần mềm quản lý. Do vậy việc vận hành tại các doanh nghiệp lữ hành cũng được đánh giá là tinh gọn và chính xác hơn rất nhiều. Chẳng hạn, tại một số doanh nghiệp lữ hành ở Hà Nội chúng tôi khảo sát, toàn bộ nhân viên được mã hoá trên phần mềm quản lý, các công việc được giao trực tiếp thông qua hệ thống và kết quả thực hiện cũng được báo cáo và phản hồi liên tục cho cấp quản lý. Bên cạnh đó, dữ liệu khách hàng vốn rất đồ sộ cũng được số hoá, hoạt động quản lý, chăm sóc khách hàng hiện tại chỉ cần 1 nhân sự phụ trách thay vì cả một đội ngũ…
 
Thứ hai, nâng cao hiệu quả kinh doanh. Với việc các công nghệ số được ứng dụng trong quá trình phân tích thị trường, tiếp thị, tương tác với khách hàng, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp có thể thấy rõ được nâng cao đáng kể. Các doanh nghiệp lữ hành, theo khảo sát của chúng tôi đã tối ưu hoá được việc phân tích thị trường dựa vào các công nghệ Big data, khi đó toàn bộ dữ liệu về khách hàng được phân tích và được xếp theo những nhóm khách rất rõ ràng, nhờ đó doanh nghiệp không còn phải điều tra thủ công, phân loại khách hàng; Bên cạnh đó, việc tiếp thị, phân phối sản phẩm được tối ưu ở mức cao, nhất là tìm khách hàng mới qua khai thác dữ liệu Big data từ Google hay Facebook… để tiếp thị sản phẩm tới khách hàng mục tiêu của doanh nghiệp. Việc tiếp cận khách hàng nhanh với chi phí ít hơn cùng với việc mô hình kinh của các doanh nghiệp cũng chuyển dịch sang B2C (business to customer – làm việc trực tiếp với khách hàng) đã góp phần tăng đáng kể hiệu quả kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp.
 
Lãnh đạo chuyển đổi số - chìa khoá để doanh nghiệp lữ hành thực hiện chuyển đổi
 
Có thể thấy, chuyển đổi số đang là một vấn đề cấp thiết với các doanh nghiệp lữ hành. Song để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, lãnh đạo các doanh nghiệp đó phải là người tiên phong. Có một số quan điểm khá sai lầm về việc chuyển đổi số là việc các nhân viên kỹ thuật thực thi các công nghệ số vào doanh nghiệp. Bản chất thực sự của chuyển đổi số là doanh nghiệp phải thay đổi từ trong cốt lõi và công nghệ chỉ là các công cụ phải sử dụng để đạt được mục đích. Hay cách khác, khởi nguồn của chuyển đổi số phải từ lãnh đạo doanh nghiệp, chuyển đổi số phải là một chiến lược. Nếu nhà lãnh đạo không tự mình chuyển đổi số từ trong tư duy, nhận thức, thì việc thực hiện chuyển đổi số chỉ được coi là chạy theo xu thế, ứng dụng một cách máy móc vào doanh nghiệp và đôi khi lại làm bộ máy vận hành của doanh nghiệp trở nên nặng nề hơn.
 
Trong Hội thảo quốc tế "Lãnh đạo và quản lý trong thời đại chuyển đổi số" do Viện Quốc tế Pháp ngữ (IFI) phối hợp với Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (USB) và Viện Phát triển doanh nghiệp tổ chức tại trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2020, nhiều nhà nghiên cứu và doanh nghiệp cũng đã đồng nhất chỉ ra việc cốt lõi của chuyển đổi số phải đi từ nhà lãnh đạo.
 
Trên cơ sở đó, trong giai đoạn dịch bệnh, một số tổ chức, doanh nghiệp đã thực hiện các chương trình đào tạo, trao đổi với lãnh đạo các doanh nghiệp về vấn đề chuyển đổi số. Trong lĩnh vực du lịch, đặc thù là một ngành chịu tổn thất lớn nhất, cũng đã có những chương trình đào tạo như vậy. Chẳng hạn như công ty VietISO đã tổ chức những khoá đào tạo miễn phí cho CEO của doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Hà Nội về chuyển đổi số. Đây là một nền tảng rất tốt để các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi hiệu quả nhất.
 
Tiềm năng phát triển của doanh nghiệp lữ hành chuyển đổi số sau đại dịch Covid 19
 
Đại dịch Covid-19, theo những báo cáo của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) và Tổng cục Du lịch, đã gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng, làm đình trệ phần lớn kinh doanh lữ hành nội địa và gần như toàn bộ với kinh doanh lữ hành quốc tế. Song trước bối cảnh chung đó, các doanh nghiệp lữ hành cần tìm ra các cơ hội trong rủi ro để tranh thủ hoàn thiện việc chuyển đổi số. Thực tế, việc chuyển đổi số thường yêu cầu doanh nghiệp xoá bỏ phần lớn các quy trình làm việc, cách thức vận hành cũ để áp dụng công nghệ mới, quy trình mới và điều này thường tốn một khoảng thời gian và chi phí nhất định. Việc nhiều doanh nghiệp lữ hành tỏ ra chậm trễ trong chuyển đổi số thường do hai nguyên nhân: Một là doanh nghiệp không thể tạm ngừng hoạt động để chuyển đổi, vì ngừng hoạt động là doanh nghiệp chịu tổn thất nặng, không chỉ về chi phí mà còn là việc bị đối thủ cạnh tranh chiếm thị phần; Hai là doanh nghiệp không đủ tiềm lực để duy trì bộ máy chuyển đổi, vì trong khi chuyển đổi doanh nghiệp sẽ có những thời điểm duy trì cả bộ máy cũ và bộ máy mới.
 
Tuy nhiên, đại dịch làm toàn ngành du lịch đình trệ, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp lữ hành có một khoảng thời gian để thực hiện và hoàn thành nhanh chóng việc chuyển đổi số. Đây là cơ hội trong rủi ro, để nắm bắt được đòi hỏi các doanh nghiệp lữ hành sẵn sàng các phương án chuyển đổi và thực hiện chuyển đổi để khi bước qua khỏi đại dịch, các doanh nghiệp sẽ thực sự là các doanh nghiệp lữ hành số.
 
Với hiệu quả mà chuyển đổi số mang lại, các doanh nghiệp lữ hành đã chuyển đổi hoàn toàn có ưu thế vượt trội so với các đối thủ về chi phí vận hành và mô hình kinh doanh, hoạt động kinh doanh, tiếp thị. Đây là một tiềm năng để doanh nghiệp lữ hành bứt phá và tăng tốc phục hồi một cách nhanh chóng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, trước mắt là trong nội địa và lâu dài hơn là trên toàn cầu.
 
Do vậy, khuyến nghị cho các doanh nghiệp lữ hành trong thời điểm hiện tại đó là phải nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số, trước hết là chính lãnh đạo, quản lý cần thay đổi trong tư duy của mình về doanh nghiệp lữ hành số, về chuyển đổi số và sau đó là ứng dụng vào chuyển đổi doanh nghiệp./.
 
Mai Văn Trọng & Trịnh Lê Anh
Theo: toquoc.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 66.196