Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025
Ngày cập nhật 29/09/2022

Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số thông qua (i) Chuyển đổi nhận thức, tầm nhìn, chiến lược của doanh nghiệp; (ii) Hỗ trợ số hóa các hoạt động kinh doanh; (iii) Hỗ trợ số hóa quy trình quản trị, quy trình công nghệ, sản xuất; và (iv) Hỗ trợ  chuyển đổi số toàn diện để tạo ra sản phẩm, dịch vụ, mô hình mới cho doanh nghiệp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động huy động nguồn lực từ Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án USAID LinkSME (Thúc đẩy cải cách và nâng cao năng lực kết nối của doanh nghiệp nhỏ và vừa” để thực hiện mục tiêu của Chương trình đến năm 2025: 
- 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; 
- Tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số; 
- Tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình chuyển đổi số điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; 
- Thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.
 
Trong năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022, gần 400.000 doanh nghiệp đã được tiếp cận các tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số, hơn 600 doanh nghiệp được đánh giá mức độ sẵn sàng và 100 doanh nghiệp được tư vấn hỗ trợ chuyên sâu về chuyển đổi số.
 
Một số hoạt động cụ thể đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan trong nước và quốc tế triển khai như:
 
a) Hỗ trợ phổ cập nhận thức về chuyển đổi số 
- Xây dựng tài liệu Hướng dẫn chuyển đổi số cho doanh nghiệp tại Việt Nam nhằm đưa ra các kiến thức, lộ trình và các giải pháp công nghệ chuyển đổi số một cách độc lập cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham khảo. Tài liệu đã được phổ biến tới 63 địa phương.
- Xây dựng công cụ đánh giá chuyển đổi số để doanh nghiệp tự đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số, công bố trên trang điện tử Chương trình http://digital.business.gov.vn. 
- Phát triển Hệ thống đào tạo trực tuyến cho doanh nghiệp, trong đó có các nội dung về chuyển đổi số tại địa chỉ https://vietnamsme.gov.vn/elearning/. Đến nay, Hệ thống đã có 46 chuyên đề đào tạo trực tuyến với hơn 500 clip (mỗi clip dài từ 7-10 phút) và hệ thống câu hỏi trắc nghiệm, tài liệu tham khảo, cấp chứng chỉ trực tuyến…; phục vụ hơn 6.500 học viên đăng ký học tập và khoảng gần 20.000 lượt truy cập, trải nghiệm các chuyên đề đào tạo trực tuyến trên Hệ thống.
- Phối hợp với nhiều địa phương, các tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức các buổi chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về chuyển đổi số, kết nối các cơ sở sản xuất kinh doanh, với các nhà cung ứng giải pháp chuyển đổi số tại thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk; phối hợp với Cơ quan Phát triển doanh nghiệp Singapore chia sẻ kinh nghiệm của Singapore khi chuyển đổi số cho các doanh nghiệp sản xuất; phối hợp với các tập đoàn công nghệ trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số trong từng nghiệp vụ, lĩnh vực (qua các số liệu thống kê, hơn 6.000 doanh nghiệp đã tiếp cận các hoạt động này của Chương trình).
 
b) Hỗ trợ chuyên sâu cho các doanh nghiệp thành các doanh nghiệp thành công điển hình về chuyển đổi số
- Bước đầu hình thành Mạng lưới chuyên gia về chuyển đổi số và tìm kiếm, sàng lọc những doanh nghiệp sẵn sàng, có quyết tâm chuyển đổi số để kết nối hỗ trợ xây dựng lộ trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp, ưu tiên doanh nghiệp quy mô vừa trở lên trong một số lĩnh vực như: sản xuất, chế biến, chế tạo, nông nghiệp, dệt may, da giày…
Trong năm 2021, đội ngũ chuyên gia của Chương trình đã xây dựng Lộ trình chuyển đổi số cho 11 doanh nghiệp tiêu biểu của các ngành, để từ đó hỗ trợ chuyển đổi số thành công, là ví dụ điển hình lan tỏa đến hàng nghìn doanh nghiệp khác trong ngành.
- Phối hợp với các Tập đoàn công nghệ triển khai tư vấn trực tiếp đến các doanh nghiệp về các giải pháp công nghệ ứng với từng bộ phận, nghiệp vụ chuyên môn của doanh nghiệp. Đến nay, đã có khoảng 100 doanh nghiệp được tư vấn 1-1: như xây dựng phương án kinh doanh trực tuyến xuyên biên giới, quản lý và bảo mật dữ liệu, công cụ số quản lý nhân sự, …
Các doanh nghiệp trên đã được chuyên gia của Chương trình hỗ trợ xây dựng lộ trình chuyển đổi số để có hướng đi và cách làm phù hợp với thực trạng công ty, đặc thù sản xuất kinh doanh, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí cho doanh nghiệp. Những phương pháp, cách làm mẫu của Chương trình đã lan tỏa tới các doanh nghiệp khác.
- Trong năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, xây dựng thêm nhiều tài liệu hướng dẫn chuyển đổi số cho các ngành, lĩnh vực, đồng thời tập trung thêm vào triển khai 3 gói hỗ trợ:
+ Gói Bắt đầu chuyển đổi số (Start Digital): Nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh mới bắt đầu chuyển đổi số.
+ Gói Tăng tốc chuyển đổi số (Grow Digital): Nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh chuyển đổi số để tăng tốc phát triển.
+ Gói Chuyển đổi số hướng đến thị trường toàn cầu (Go Digital - Go Global): Nhằm hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh doanh chuyển đổi số để thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thương hiệu và sản phẩm trên thị trường quốc tế.
Ngày 10 tháng 5 năm 2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 06/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn Nghị định số 80/2021/NĐ-CP, trong đó bổ sung một số quy định về hỗ trợ chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa. 
 
Kinh nghiệm quốc tế
 
a) Trung Quốc
Trung Quốc có 46 triệu doanh nghiệp, trong đó khoảng 99% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. 
Từ năm 2022 đến năm 2025, Trung Quốc sẽ triển khai thí điểm Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số. Chương trình được triển khai theo Thông tư liên tịch giữa Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin và Bộ Tài chính với mục tiêu hỗ trợ 4.000 – 6.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận với dịch vụ của khoảng 300 nền tảng số. Triết lý của Chương trình là “thị trường có nhu cầu, nền tảng có khả năng, doanh nghiệp có ý chí”. 
Mục tiêu trong năm 2022, Chính phủ sẽ hỗ trợ 100 nền tảng số để thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp. Mỗi một doanh nghiệp sở hữu nền tảng số được giao chỉ tiêu hỗ trợ tối thiểu 10 doanh nghiệp nâng cao năng lực thông qua chuyển đổi số với một khoản tối đa từ ngân sách nhà nước không vượt quá 06 triệu nhân dân tệ (khoảng 885.000 đô la Mỹ).  
Doanh nghiệp SMEs được lựa chọn từ 100 ngành công nghiệp, bao gồm dệt may, dược, ưu tiên các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mới, độc đáo, thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa … Tập trung vào thúc đẩy phát triển 4.000 – 6.000 doanh nghiệp SMEs hoạt động theo mô hình doanh nghiệp số, thúc đẩy phát triển kinh tế số.
Thông qua dự án thí điểm, tổng kết kinh nghiệm hay, cách làm đột phá có thể nhân rộng ra toàn quốc.
 
b) Singapore
Tại Singapore, doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 99% số lượng doanh nghiệp, chiếm 2/3 lực lượng lao động, và đóng góp 50% vào GDP.
Chương trình SMEs Go Digital được Cơ quan phát triển Thông tin và Truyền thông (Infocomm Media Development Authority/IMDA) triển khai từ tháng 4/2017 để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên hành trình chuyển đổi số. Tính đến tháng 3/2022, đã có 80.000 doanh nghiệp SMEs được tiếp cận và sử dụng giải pháp công nghệ số từ Chương trình.
Trong chương trình này, các doanh nghiệp sẽ nhận được các hỗ trợ: 
- Xây dựng lộ trình số hóa: Hướng dẫn từng bước các doanh nghiệp xác định rõ lộ trình số hóa, các giải pháp công nghệ dự kiến sẽ áp dụng và đào tạo kỹ năng số cho nhân viên. 
- Các giải pháp đã được tiền đánh giá: Danh sách giải pháp công nghệ số, các nền tảng số được IMDA tiền đánh giá đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp (Productivity Solutions Grant). 
- Gói Bắt đầu số (Start Digital Pack): Các giải pháp chuyển đổi số đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số cơ bản của bất kỳ doanh nghiệp SMEs. 
- Gói Tăng trưởng số (Grow Digital Pack): Các giải pháp thúc đẩy kinh doanh quốc tế theo mô hình Doanh nghiệp – Doanh nghiệp (B2B), Doanh nghiệp – Khách hàng (B2C) mà không cần doanh nghiệp có hiện diện ở nước ngoài.
- Gói Số hóa nâng cao (Advanced Digital Solutions): Các giải pháp công nghệ hướng tới xây dựng doanh nghiệp số bền vững, có sức chống chịu tốt. 
- Dịch vụ tư vấn (Consultancy Services).
- Dịch vụ “Giám đốc kỹ thuật như một dịch vụ” (CTO-as-a-service): Doanh nghiệp SMEs có thể tiếp cận dịch vụ này nhằm đánh giá mức độ sẵn sàng, tiếp cận giải pháp số và các tư vấn khác liên quan.
 
Sở Du lịch Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

 

Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.154.475
Đang truy cập 8.193