Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Du lịch "tự cứu mình" bằng cách làm chuyên nghiệp
Ngày cập nhật 06/09/2017

Nói về tính chuyên nghiệp trong hoạt động du lịch, nhiều người cho rằng đó là điều khó đạt tới đối với một nước nghèo như Việt Nam. Theo các chuyên gia, thực tế cho thấy, Việt Nam hoàn toàn có thể có một môi trường du lịch chuyên nghiệp, cải thiện năng lực cạnh tranh.

Mất lợi thế vì thiếu chuyên nghiệp

Sau chuỗi dài khủng hoảng, du khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng từng năm. Nhưng ngành du lịch Việt Nam vẫn loay hoay với những trở ngại khi khách đến thường chỉ lưu lại ngắn ngày, chi tiêu không nhiều và “một đi không trở lại”. Những trở ngại đó kìm hãm sức hút đầu tư, năng lực sinh lợi và giá trị gia tăng của du lịch Việt Nam. Chia sẻ thực tế từ trải nghiệm cá nhân, ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup đưa ra ví dụ cụ thể về tính chuyên nghiệp là khi ông đến một khách sạn ở Huế, đang ở trong phòng thì một kỹ thuật viên đạp cửa xông vào rồi nói: “Thôi chết em tưởng không có ai!”. Việc này khiến ông có cảm giác rất khó chịu.

Đội sinh viên hỗ trợ du lịch Hà Nội tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám (Hà Nội) góp phần tạo thiện cảm cho du khách bằng nhiệt huyết tuổi trẻ.

Dưới góc độ từ phía doanh nghiệp, ông Trịnh Minh Tú, Phó tổng giám đốc Hanoi Toserco (Công ty Cổ phần Du lịch Dịch vụ Hà Nội) lại nhìn nhận rằng, các địa phương, điểm đến du lịch cũng cần thay đổi để chuyên nghiệp. Chẳng hạn, ông Tú kể một chuyện rất đơn giản nhưng vì chưa chuyên nghiệp nên gây khó khăn cho các đơn vị kinh doanh: Theo quy định của Bộ Tài chính, thanh toán tiền vé thắng cảnh vịnh Hạ Long nếu từ 20 triệu đồng trở lên thì phải chuyển khoản. Tuy nhiên, khi đưa đoàn khách đến đây, chúng tôi đã liên hệ rất nhiều kể cả bằng điện thoại, công văn tới UBND TP Hạ Long (Quảng Ninh) yêu cầu cung cấp số tài khoản để chúng tôi được phép thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước mà hơn một năm nay vẫn không có phản hồi nào cả. Khi đó, doanh nghiệp phải cầm tiền mặt giao trực tiếp cho hướng dẫn viên xuống mua vé. Khi gặp đoàn khách đông, số lượng tiền lớn, việc này nảy sinh hai vấn đề: Một là không bảo đảm về an toàn, hai là không đúng quy định của Bộ Tài chính.

Theo các chuyên gia, từ những chuyện nhỏ nhặt như vậy, cộng với kinh doanh lữ hành bất hợp pháp, đeo bám, ép khách, không bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh thực phẩm, ứng xử của người dân với du khách ở một số nơi chưa văn minh… đều là những nguyên nhân khiến môi trường du lịch bị "ô nhiễm", năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam thấp.

Chuyên nghiệp từ những việc nhỏ

Chúng ta đều nhận thức được rằng, muốn chuyên nghiệp thì tất cả các khâu trong chuỗi cung ứng dịch vụ từ visa, hàng không, ứng xử tại cửa khẩu, vận chuyển, khách sạn, nhà hàng, tham quan, giải trí, mua sắm… đều phải chuyên nghiệp và đồng bộ. Nếu chỉ không chuyên nghiệp ở một khâu thôi sẽ ảnh hưởng chất lượng của cả hệ thống. Không phải bây giờ chúng ta mới nói câu chuyện về tính chuyên nghiệp nhưng vấn đề đặt ra là nhiều người vẫn còn e ngại vì nếu như vậy sẽ đòi hỏi quá nhiều công sức, tiền của... Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng, quả thật để cả hệ thống trở nên chuyên nghiệp, có nhiều việc phải làm. Trong đó có những phần việc phải tập trung nhiều công sức, tiền của mới có thể cải thiện như cơ sở hạ tầng, đầu tư các sản phẩm quy mô lớn, chất lượng cao... "Chúng ta cần các nhà đầu tư chiến lược cho phần việc này. Nhưng có những việc chúng ta không cần đầu tư nhiều tiền mà vẫn thu được hiệu quả cao, nếu thay đổi. Đó là nhận thức, cách thức mà chúng ta tiếp cận như thông điệp sạch và thân thiện, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh", ông Tuấn nói.

Từ thực tế doanh nghiệp của mình, ông Hoàng Việt Cường, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Sun Group cũng đồng tình với quan điểm đó. Ông cho rằng, để xây những khu du lịch tầm cỡ, những khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế nhằm ghi danh Việt Nam lên bản đồ du lịch thế giới, Sun Group đã mời bằng được những kiến trúc sư lừng danh thế giới, những đơn vị thiết kế, nội thất nổi tiếng toàn cầu. Nhưng có một việc mà kể cả những người khổng lồ trên thế giới trong lĩnh vực du lịch cũng không thể làm giúp chúng ta được, đó là tạo đẳng cấp, chất lượng ngay từ ý thức làm du lịch; ý thức, thái độ phục vụ của từng cá nhân trong ngành du lịch. Ông Cường nhấn mạnh: "Văn hóa, văn minh đó không phải từ những gì cao siêu mà đơn giản là từ những nghi thức cúi mình chào khách từ lúc khách đến cho đến khi khách đi. Chúng ta có thể gia tăng trải nghiệm, giúp du khách có thêm điểm đến, vui chơi và chi nhiều tiền hơn. Nhưng chúng ta khó cải thiện hình ảnh và giảm nhanh con số hơn 80% du khách quốc tế không muốn quay lại Việt Nam như hiện nay, nếu không thay đổi cung cách, thái độ của người làm du lịch và cộng đồng. Đẳng cấp, chất lượng của du lịch Việt Nam sẽ được dễ dàng tạo dựng, nếu chúng ta quyết tâm làm và làm du lịch bằng cái tâm của chính các nhà đầu tư, hãng lữ hành và của mỗi người Việt Nam”.

Bài và ảnh: LAN DỊU

đặc sản Huế, fesstival huế, du lịch, hue tourism, du lịch Huế, khách sạn Huế, huetourism, festival huế, ẩm thực huế, món ngon, món ăn huế

Theo: qdnd.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.124.526
Đang truy cập 7.357