Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Bảo tồn di sản bằng công nghệ cao: Cần huy động nguồn lực đầu tư xứng tầm - Bài 1
Ngày cập nhật 20/09/2017

Di sản Mỹ Sơn là “báu vật” vô cùng quý giá không chỉ của Việt Nam mà của cả thế giới. Tuy nhiên, di sản này đang đứng trước nguy cơ xuống cấp nghiêm trọng. Vì vậy, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ vào công tác bảo tồn là vấn đề cấp thiết đặt ra.

Kiến trúc độc đáo của tháp Chăm Mỹ Sơn. Nguồn: quangnamheritagefestival.com

Trong những năm qua, việc ứng dụng công nghệ cao vào bảo tồn các giá trị văn hóa lịch sử và di sản không còn là điều mới mẻ trên thế giới. Công nghệ cao được rất nhiều các quốc gia ứng dụng để bảo tồn di sản. Với một số di sản hay di tích đã bị mất hay đang bị đe dọa thì việc ứng dụng công nghệ cao là điều thực sự cần thiết để tái hiện lại hình ảnh và để di sản không tiếp tục bị hư hỏng bởi sự tác động của con người, khí hậu và thời gian.

Ở Việt Nam, thực tế cho thấy việc bảo quản công trình, di tích bằng công nghệ cao chưa thực sự phổ biến và cũng chưa thực hiện một cách hiệu quả. Nhưng tính đến thời điểm này, khu di sản Mỹ Sơn, tỉnh Quảng Nam đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan quản lý. Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định Phê duyệt Dự án Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Mỹ Sơn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2008 - 2020. Trong đó nội dung quy hoạch bảo tồn trùng tu di tích có đề cập đến nghiên cứu ứng dụng các vật liệu và công nghệ phục chế, thay thế; về giải pháp gia cố, gia cường; về bảo quản, bảo dưỡng di tích và các nghiên cứu nhằm phát huy giá trị của di tích.

Đến cuối năm 2015, nhóm chuyên gia Liên bang Nga đã phối hợp với UBND tỉnh tổ chức hội thảo khoa học về ứng dụng công nghệ cao bảo tồn tháp Chăm, thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia khoa học đầu ngành, các nhà quản lý. Nhiều tham luận, giải pháp kỹ thuật trong bảo tồn, trùng tu tháp Chăm được đưa ra như: công nghệ chế tạo gạch và vữa trong xây dựng các ngôi đền cổ đại của Nga thế kỷ X - XIII; công nghệ tôi bề mặt gạch và khả năng bảo vệ quần thể Mỹ Sơn; phân tích khoáng chất, giải pháp gia cố, gia cường, bảo quản, bảo dưỡng di tích; vật liệu phục chế, thay thế; phương pháp quang phổ IR-Fourier…

Các cụm đền tháp thuộc khu di sản Mỹ Sơn. Nguồn: thegioidisan.vn

Khu di sản Mỹ Sơn mang tính chất đặc biệt của kiến trúc khảo cổ học đứng trước nguy cơ dễ tổn thương và xâm hại các giá trị gốc. Vì vậy, những năm qua, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (BQLMS) cũng đã không ngừng nỗ lực trong việc bảo tồn và tôn tạo những hạng mục riêng biệt cũng như tổng thể chung của khu di sản này. Từ năm 1980 đến nay, công tác bảo tồn đã được BQLMS thúc đẩy mạnh mẽ nhằm bảo vệ và làm chậm lại quá trình hư hại của khu di sản trên cơ sở hợp tác với Viện Khảo cổ học và các tổ chức trong và ngoài nước. Trong chương trình hợp tác văn hóa Việt Nam - Ba Lan, tiểu ban phục hồi di tích Chămpa do kiến trúc sư người Ba Lan Kazimiers Kwiat Kowski phụ trách được thành lập. Năm 1981 - 1985, Tiểu ban đã dọn dẹp và gia cố nhóm đền tháp B, C, D. Hàng ngàn mét khối gạch vỡ và đất đá phủ lấp đã được dọn dẹp khỏi khu vực các đền tháp. Sau đó, một phần nhóm A cũng được dọn dẹp và gia cố tiếp theo. Nhờ đó, nhóm đền tháp này giữ được dáng vẻ như ngày hôm nay. Năm 1999, trên cơ sở hợp tác với tổ chức Lerici Foundation, dưới sự tài trợ của UNESCO, chương trình thông tin địa lý cho khu di sản Mỹ Sơn được thực hiện nhằm tăng cường năng lực khai thác du lịch cho Thánh địa. Giai đoạn 2002 - 2005, Trung tâm Bảo tồn di tích Quảng Nam hợp tác với tổ chức America Express, Quỹ Di sản thế giới, Viện Khảo cổ hợp tiến hành khai quật 02 đợt đã khơi thông dòng suối khe Thẻ đoạn chảy qua giữa khu A và khu B, C, D nhằm chống sạt lở cho nhóm tháp A.

Trùng tu nhóm tháp G. Nguồn: baoquangnam.vn

Năm 2005, Tổ chức JICA Nhật Bản tài trợ xây dựng Nhà trưng bày Mỹ Sơn. Từ năm 2003 đến 2013, Dự án hợp tác ba bên UNESCO - Việt Nam - Italia về “Thuyết trình và đào tạo các tiêu chuẩn quốc tế về bảo tồn nhóm tháp G Mỹ Sơn” đã thực hiện qua 3 giai đoạn, trùng tu và tôn tạo nhóm tháp G. Dự án đã góp phần quan trọng vào việc gia cố chống xuống cấp và từng bước định hình lại nguyên trạng nhóm tháp G. Sau khi dự án hoàn thành, BQLMS được nhận bàn giao 1.500 hiện vật khảo cổ đưa vào chế độ bảo quản đặc biệt và hệ thống quản trị dữ liệu để phân loại lập danh mục hiện vật. Bên cạnh đó, dự án đã góp phần quan trọng vào việc gia cố chống xuống cấp và từng bước định hình lại nguyên trạng nhóm tháp G đồng thời đã tìm ra  vật liệu thay thế cho việc trùng tu các tháp Chăm nói chung, đó là đã nghiên cứu sản xuất thành công gạch phục chế có tính năng tương đương với gạch Chăm cổ.

Từ tháng 06/2011 đến 5/2013, dự án trùng tu tháp E7 được tiến hành trên cơ sở hợp tác giữa Viện Bảo tồn di tích và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Nam. Trong dự án Trưng bày cộng đồng “Vết tích văn hóa Chăm trong khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng”, BQLMS đã phối hợp với Bảo tàng Chăm Đà Nẵng tiến hành lập hồ sơ và các thủ tục liên quan tới thẩm định hiện vật quý hiếm Mukhalinga là bảo vật quốc gia. Năm 2016, dự án trùng tu Ấn Độ bắt đầu đi vào thực hiện bước đầu, dự án giai đoạn 2016 - 2020, trùng tu khu tháp A. Hàng năm, BQLMS còn cho tiến hành xử lý bảo tồn một số hạng mục nhỏ theo kế hoạch công việc của cơ quan. Bên cạnh đó, BQLMS còn đẩy mạnh công tác bảo vệ di sản và các hiện vật khảo cổ, chống mất cắp, tuần tra truy quét rừng. Nhiều hạng mục đã và đang được triển khai theo “Quy hoạch tổng thể bảo tồn Mỹ Sơn giai đoạn 2008 - 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Một nhóm tháp đã được trùng tu. Nguồn: duyxuyenrt.vn

Hiện nay, BQLMS đã hoàn thiện hồ sơ về “Quản lý Di sản Văn hóa Thế giới Mỹ Sơn” và triển khai các bước thực hiện. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để BQLMS thực hiện quản lý bảo tồn, phát huy giá trị khu di sản Mỹ Sơn.

Bên cạnh các dự án trùng tu và tôn tạo, BQLMS còn triển khai việc giáo dục và nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo tồn di sản. Từ năm 2004, BQLMS đã phối hợp với các ban ngành, địa phương, phòng Giáo dục huyện Duy Xuyên thực hiện chương trình giáo dục di sản trong trường học. Việc biên soạn sách báo, tập huấn nghiệp vụ, hướng dẫn tham quan, tổ chức thuyết trình và đưa các em học sinh toàn huyện tiếp cận di sản đã đem lại hiệu quả tích cực. Ý thức trách nhiệm của cộng đồng địa phương trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản Mỹ Sơn thay đổi hoàn toàn và nâng cao rõ rệt. Nếu như trước đây BQLMS từng gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ cảnh quan di tích trước nạn phá rừng, săn bắn động vật, làm ruộng, các hành vi xâm hại thì hiện nay, những khu rừng xung quanh khu di sản đã phủ màu xanh tươi, hiện vật không bị trộm cắp, cảnh quan được giữ nguyên trạng…

Xã hội ngày càng phát triển thì việc đưa công nghệ ứng dụng vào mọi hoạt động là điều tất yếu, đặc biệt là với sự phát triển của công nghệ cao hiện nay. Công tác bảo tồn di sản cũng không ngoại lệ. Vậy công nghệ cao có vai trò quan trọng như thế nào đối với bảo tồn, tôn tạo các di sản, di tích và tại sao chúng ta cần lựa chọn công nghệ cao?

Trịnh Thủy (Còn tiếp)

đặc sản Huế, fesstival huế, du lịch, hue tourism, du lịch Huế, khách sạn Huế, huetourism, festival huế, ẩm thực huế, món ngon, món ăn huế

Theo: cinet.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.999.146
Đang truy cập 4.994