Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Bảo tồn di sản bằng công nghệ cao: Cần huy động nguồn lực đầu tư xứng tầm - Bài 3
Ngày cập nhật 04/10/2017

Ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nhiều nguồn lực tổng hợp trong đó nguồn lực tài chính đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy, việc huy động nguồn lực này là vấn đề tiên quyết nếu BQLMS muốn đưa công nghệ cao vào công tác bảo tồn.

Bảo tồn di sản bằng công nghệ cao: Cần huy động nguồn lực đầu tư xứng tầm - Bài 1
Bảo tồn di sản bằng công nghệ cao: Cần huy động nguồn lực đầu tư xứng tầm - Bài 2

Nguồn lực tài chính cho ứng dụng công nghệ cao vào trùng tu, bảo tồn di sản Mỹ Sơn đến từ 3 nguồn: ngân sách nhà nước, vốn từ các tổ chức, cá nhân và vốn tự có.

Trước năm 2015, Chương trình mục tiêu quốc gia dành cho lĩnh vực văn hóa (trong đó phân bổ nguồn vốn cho công tác bảo tồn tu bổ ở Mỹ Sơn) được phê duyệt. Năm 2016, Chương trình mục tiêu quốc gia thay đổi, xác định giai đoạn 2016 - 2020 chỉ còn lại hai mục tiêu trong đó có Mục tiêu xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Công tác bảo tồn Mỹ Sơn được chuyển sang Chương trình Nông thôn mới. Tuy nhiên, Chương trình Nông thôn mới còn phục vụ cho việc phát triển điện, đường, trường, trạm. Vì vậy, việc đưa bảo tồn di sản Mỹ Sơn vào Chương trình nông thôn mới không dự báo được triển vọng nguồn lực tài chính.

Biểu đồ nguồn lực tài chính nhận được từ nhà nước và các tổ chức đầu tư vào bảo tồn ở Mỹ Sơn. Số liệu từ BQLMS

Trong dự án “Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2008 - 2020”, tổng nguồn vốn đầu tư cho dự án là 282 tỷ đồng. Nguồn vốn này bao gồm vốn nhà nước cấp trực tiếp thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia, vốn ODA, vốn vay từ các tổ chức quốc tế, vốn huy động từ các cá nhân trong ngoài nước. Tuy nhiên đến nay tổng nguồn vốn đã huy động được là 79 tỷ đồng trong đó vốn ngân sách nhà nước là 9 tỷ. Theo tiến độ được quy hoạch, dự án đã bước vào giai đoạn hai. Tuy nhiên, với 79 tỷ đã huy động được, dự án còn thiếu hơn 200 tỷ đồng cho việc quy hoạch bảo tồn.

Với ưu thế là di sản văn hóa thế giới, Mỹ Sơn đã thu hút nhiều tổ chức quốc tế tài trợ tài chính cho công tác trùng tu, tôn tạo. Tổ chức America Exress là tổ chức phi chính phủ đầu tiên, thông qua Quỹ di sản thế giới, tài trợ cho công tác trùng tu ở Mỹ Sơn số tiền 75.000 USD, một số tiền lớn vào đầu những năm 1990. Tổ chức UNESCO cũng thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo liên quan đến Mỹ Sơn. Một trong những tài trợ lớn nhất của UNESCO chính là số tiền trị giá 1,3 triệu USD cho việc trùng tu tháp G, theo ba giai đoạn trong đó giai đoạn hai là 538.000 USD là giai đoạn ba là 500.000 USD. Tổ chức JICA Nhật Bản tài trợ 299 triệu Yên Nhật, Ấn Độ tài trợ trên 64 tỉ đồng giai đoạn 2016 - 2020 cho nghiên cứu và trùng tu các hạng mục đang xuống cấp ở Mỹ Sơn…

Biểu đồ minh họa mức tăng nguồn thu qua các năm của BQLMS (năm 2016 tính đến 31/6/2016). Số liệu từ BQLMS

Nhưng cho đến thời điểm này, BQLMS vẫn chỉ dừng lại ở việc thu hút được một số ít các tổ chức quốc tế. Trên thế giới hiện nay có rất nhiều quỹ bảo tồn di sản mà BQLMS vẫn chưa thể tìm ra con đường để tiếp cận và thu hút vốn như Quỹ bảo tồn quốc tế, Quỹ bảo tồn toàn cầu, Conservation funding programme (Chương trình tài trợ cho Công tác bảo tồn)... Việc vắng bóng các cá nhân, các tổ chức trong nước, doanh nghiệp và hệ thống ngân hàng, quỹ tín thác trong và ngoài nước trong thành phần nguồn vốn đầu tư đang khiến cho Mỹ Sơn mất cơ hội vàng trong thu hút vốn đầu tư vào bảo tồn và ứng dụng công nghệ cao vào bảo tồn di sản. Điều đó làm mất đi sự đa dạng trong nguồn vốn cho công tác bảo tồn ở Mỹ Sơn.

Về nguồn vốn tự có ở Mỹ Sơn chủ yếu là nguồn thu từ các hoạt động du lịch và dịch vụ phục vụ du lịch. 30% trong số đó được sử dụng vào công tác trùng tu và bảo tồn. Từ năm 2010 đến nay, nguồn thu đều tăng trưởng từ 5% trở lên theo từng năm. Đến 6 tháng đầu năm 2016, mức độ tăng so với 2015 được dự đoán là gấp 1,5 lần do tổng thu sáu tháng đầu năm 2016 đã đạt bằng tổng thu của năm 2015. Các hoạt động dịch vụ từ du lịch đều đạt mức trên 5% bao gồm hoạt động bán vé tham quan, hoạt động hướng dẫn thuyết minh, hoạt động biểu diễn văn nghệ văn hóa Chăm. Với mức độ tăng trưởng đều đặn như trên thì nguồn vốn tự có này ổn định và liên tục tăng theo hàng năm. Tuy nhiên mức độ tăng trưởng nửa năm 2016 tăng vọt là do việc tăng giá vé tham quan, không phải là do tăng các hoạt động dịch vụ du lịch.

Ngoài việc tiếp cận và huy động nguồn lực tài chính từ các tổ chức trong nước, quốc tế, BQLMS cũng cần gia tăng nguồn vốn tự có từ hoạt động dịch vụ du lịch. Ảnh minh họa. Nguồn: baoquangnam

Thực trạng của công tác huy động vốn có thể thấy rằng, huy động nguồn lực tài chính cho ứng dụng công nghệ cao có những thuận lợi, khó khăn chuyên biệt cùng những nguyên nhân xuất phát từ đặc thù về cơ chế quản lý cũng như đặc thù của một khu di sản được UNESCO công nhận và việc huy động nguồn lực tài chính cho ứng dụng công nghệ đang tồn tại nhiều bất cập. Thứ nhất là sự mất cân đối trong huy động vốn. Cho đến nay, việc ứng dụng công nghệ ở Việt Nam vẫn dựa trên nguồn vốn của nhà nước. Nguồn vốn của các trung tâm ứng dụng do nhà nước đầu tư chiếm tới 65%-70%, có nơi tới 80%. Phần còn lại lấy từ các dịch vụ về ứng dụng công nghệ hoặc hợp tác với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên tổng nguồn vốn cần thiết vẫn thiếu hụt ít nhất 10% mỗi năm. Thậm chí có nơi sự thiếu hụt này lên tới 20%. Sự mất cân đối về huy động nguồn lực tài chính dẫn đến khó khăn trong thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội. Thứ hai, trình độ, chuyên môn của đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ chưa cao, ảnh hưởng đến công tác và tiến độ triển khai dự án hoặc gây thiệt hại cho nguồn vốn, từ đó cản trở việc phê duyệt đầu tư vốn huy động cho cơ quan huy động vốn. Thứ ba, các trung tâm ứng dụng công nghệ còn bị động trong việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách, vẫn mang nặng tâm lý ỷ lại nguồn ngân sách nhà nước. Đồng thời, việc thực hiện dịch vụ công nghệ nhằm gia tăng vốn tự có cho cơ quan, đơn vị làm công tác ứng dụng công nghệ chưa được chú trọng. Vì thế nguồn huy động này chưa được khai thác tối đa. Thứ tư, việc huy động từ nguồn vốn ngoài nước hiện nay còn yếu. Những dự án hợp tác về chuyển giao công nghệ, ứng dụng công nghệ không nhiều. Sự đầu tư trực tiếp của các tổ chức tín dụng, tổ chức phi chính phủ, kiều bào xa tổ quốc vào lĩnh vực ứng dụng công nghệ không đáng kể.

Từ năm 1980 đến nay, tỉnh Quảng Nam đã nỗ lực kêu gọi và thu hút đầu tư vào trùng tu tôn tạo Mỹ Sơn. Tổng số vốn thu được đạt 85,4 tỷ. Tuy nhiên nếu so sánh con số này với Hà Tĩnh, Huế thì còn có sự chênh lệch lớn. Thực trạng công tác huy động vốn cho ứng dụng công nghệ cao vào trùng tu tôn tạo ở Mỹ Sơn cho thấy công tác huy động vốn chưa hiệu quả. Nguyên nhân là do chưa phát huy được tối đa phương thức xã hội hóa trong trùng tu tôn tạo di tích mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Bên cạnh đó, việc nhận thức chưa đầy đủ về vị thế của Khu di sản Mỹ Sơn trong nền văn hóa dân tộc cũng như văn hóa thế giới đã phần nào hạn chế sự tiếp cận nguồn vốn kêu gọi đầu tư. Những điều này đã tạo ra rào cản hoặc không tạo nên ưu thế trong việc thu hút sự quan tâm và chú ý của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Trịnh Thủy (Còn tiếp)

đặc sản Huế, fesstival huế, du lịch, hue tourism, du lịch Huế, khách sạn Huế, huetourism, festival huế, ẩm thực huế, món ngon, món ăn huế

Theo: cinet.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.058.162
Đang truy cập 1.948