Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Vấn đề tăng trưởng "nóng" của du lịch
Ngày cập nhật 05/04/2018

Thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhất là về chỉ số khách quốc tế. Ðây là tín hiệu đáng mừng, là cơ sở cho kỳ vọng để "ngành công nghiệp không khói" của nước nhà cất cánh. Song chính điều đó cũng đang đặt ra nhiều vấn đề, thách thức, vì sự tăng trưởng quá "nóng" đòi hỏi phải có định hướng, giải pháp mang tính chiến lược để kịp thời tháo gỡ.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2017, tổng doanh thu từ ngành du lịch của Việt Nam đạt hơn 510.900 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ USD, đóng góp khoảng 7% GDP. Cũng năm 2017, du lịch nước ta đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với năm 2016. Tính chung cả hai năm 2016 và 2017, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng gần 60% so với năm 2015. Trong thời gian này, ngành du lịch đã phục vụ 73,2 triệu lượt khách trong nước. Ðó cũng là cơ sở lý giải vì sao 2017 là năm đầu tiên Việt Nam trở thành quốc gia đứng thứ sáu trong tổng 10 quốc gia có tốc độ phát triển du lịch nhanh nhất thế giới. Những con số phản ánh sự tăng trưởng mạnh mẽ này một mặt khẳng định vị thế ngày càng quan trọng của du lịch trong tổng thể kinh tế quốc gia, tuy nhiên cũng cho thấy những sức ép của tăng trưởng nóng đối với ngành này. Trên thực tế, tăng trưởng "nóng" thường kèm nhiều hệ lụy, và với du lịch là sự xuất hiện của nhiều yếu tố có khả năng đe dọa tới sự phát triển bền vững. Cùng với các nước Thái-lan, Xin-ga-po, Ma-lai-xi-a, In-đô-nê-xi-a, Việt Nam đang đứng trong năm quốc gia ASEAN dẫn đầu về số lượng khách quốc tế. Song theo báo cáo Tác động kinh tế của du lịch và lữ hành ở Việt Nam năm 2017 của Hội đồng Du lịch và Lữ hành thế giới (WTTC), tổng đóng góp của du lịch và lữ hành Việt Nam vào GDP là 9,1%, chỉ xếp trên Bru-nây, Mi-an-ma, In-đô-nê-xi-a. Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp vào GDP từ du lịch ở các nước đón lượng khách ít hơn như Cam-pu-chia, Lào đều cao hơn, với các tỷ lệ lần lượt là 28,3%, 14,2%. Báo cáo Năng lực cạnh tranh du lịch năm 2017 của Diễn đàn Kinh tế thế giới đánh giá khá tốt về tiềm năng đầu vào để phát triển du lịch ở nước ta trong tổng số 136 nước được đánh giá, như: Tài nguyên thiên nhiên (xếp hạng 34/136), tài nguyên văn hóa (30/136), thị trường lao động (37/136); nhưng những yếu tố để biến tiềm năng thành động lực phát triển lại không được đánh giá cao, thậm chí một số chỉ số rất thấp như: mức độ bền vững về môi trường (hạng 129), chất lượng hạ tầng du lịch (hạng 113), mức độ yêu cầu về thị thực nhập cảnh (hạng 116)… Vì thế, xếp hạng năng lực cạnh tranh nói chung của du lịch nước ta chỉ xếp thứ 67. Ðiều này phần nào cho thấy thời gian qua du lịch Việt Nam vẫn chủ yếu chỉ tăng trưởng về số lượng.

Bên cạnh đó, dù khách quốc tế đến nước ta liên tục tăng nhưng lại bộc lộ sự thiếu cân đối trong cơ cấu khách. Trong tổng số gần 13 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam năm 2017, khách Trung Quốc chiếm 31%, khách Hàn Quốc chiếm 18,7%. Tỷ lệ này cho thấy dù Việt Nam chào đón du khách từ mọi quốc gia, nhưng sự tăng trưởng quá nóng cùng sự phụ thuộc quá lớn vào nguồn khách đến từ hai nước này rất dễ xảy ra tình trạng tăng trưởng nhanh nhưng lại có thể sụt giảm đột ngột, như từng xảy ra ở một số thời điểm. Bên cạnh đó là nguy cơ phát triển một nền công nghiệp du lịch kiểu đại trà với nhiều tác động xấu về kinh tế - văn hóa, nhất là khi đây không phải là thị trường khách có mức chi tiêu cao. Thời gian qua, sự tập trung quá lớn của lượng khách này vào cùng một thời điểm ở một số địa phương nhất định đã làm quá tải sức chứa của điểm đến, gây áp lực lớn lên cơ sở hạ tầng, dẫn đến tình trạng lộn xộn, ảnh hưởng việc bảo đảm thương hiệu, chất lượng dịch vụ du lịch quốc gia. Ðơn cử, năm 2017, tỉnh Khánh Hòa đón gần 5,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt hơn hai triệu lượt, tăng gần 70% so với năm 2016. Trong đó, chỉ riêng khách Trung Quốc đã chiếm 1,1 triệu lượt, tăng 130%; khách Nga đạt hơn 400 nghìn lượt, tăng hơn 70% so với năm 2016. Ðể đón tiếp lượng khách này, tính trung bình mỗi ngày, Khánh Hòa phải phục vụ hơn 3.000 phương tiện giao thông đường bộ, trong khi hạ tầng giao thông không đủ để đáp ứng, gây nhiều lộn xộn, khó khăn trong hoạt động. Về lưu trú, TP Nha Trang có hơn 600 cơ sở với gần 30 nghìn phòng mà có thời điểm vẫn xảy ra những "cơn sốt" khách sạn khó hạ nhiệt.

Sự tăng trưởng quá nóng về lượng khách du lịch cũng gây sức ép lên nguồn nhân lực du lịch vốn còn rất mỏng và yếu ở nước ta. Ðiển hình là tình trạng thiếu hướng dẫn viên tiếng nước ngoài tại một số điểm đến có lượng khách tăng đột biến. "Khoảng trống" này lập tức tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh kinh doanh lữ hành trái phép, xuất hiện đội ngũ hướng dẫn viên "chui", gây ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ, nghiêm trọng hơn là những giới thiệu, thuyết minh sai lệch về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Ðáng chú ý, do các doanh nghiệp du lịch trong nước chủ yếu là vừa và nhỏ, năng lực, nguồn lực tài chính hạn chế, khả năng liên kết còn yếu cho nên rất dễ bị đối tác nước ngoài chi phối, lợi dụng để ép giá, chủ động đưa khách đến, tổ chức các tua khép kín được quảng bá có giá 0 đồng nhưng du khách phải chi tiêu với mức giá "trên trời". Trong khi Nhà nước vẫn thất thu thuế; hình ảnh điểm đến và uy tín thương hiệu du lịch Việt Nam bị ảnh hưởng lớn... Chưa kể, sự quá tải về lượng khách còn góp phần làm gia tăng ô nhiễm môi trường không khí, thiên nhiên, ít nhiều tác động tiêu cực, làm biến đổi môi trường, bản sắc văn hóa vốn có của người dân bản địa. Thời gian qua, báo chí từng tốn không ít giấy mực báo động về thực trạng những khu du lịch ven biển chịu tác động lớn từ hoạt động du lịch, những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số vốn rất nhạy cảm đang có nguy cơ pha tạp, lai căng.

Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút 17 đến 20 triệu lượt khách quốc tế, đóng góp hơn 10% GDP, giá trị xuất khẩu từ du lịch đạt hơn 20 tỷ USD. Ðiều này cho thấy yêu cầu tăng trưởng cả về số lượng lẫn chất lượng khách vẫn là mục tiêu ngành du lịch cần đạt được thời gian tới. Thị trường du lịch, nhất là ở những địa phương tập trung lượng khách quốc tế lớn, nếu không có sự chủ động, có những giải pháp phát triển phù hợp, rất có thể dễ rơi vào tình trạng phát triển "nóng", thậm chí còn "nóng" hơn so với mấy năm qua. Nếu không có sự chuẩn bị, tính toán kỹ lưỡng để giãn khách thì sự tăng trưởng cao về lượng khách khó có thể là sự tăng trưởng khỏe mạnh. Ðã đến lúc ngành du lịch cần xác định không nên chỉ hướng vào tốc độ tăng trưởng mà phải quan tâm hơn chất lượng tăng trưởng. Theo các chuyên gia du lịch, trong các mục tiêu này, cần ưu tiên hơn mức tăng trưởng về đóng góp du lịch so với tăng trưởng về lượng khách du lịch. Muốn khống chế tình trạng tăng trưởng "nóng" về lượng khách du lịch, cần tránh trường hợp xuất hiện những thị trường chi phối (vượt quá 25% thị phần du lịch). Ðối với Việt Nam, để làm được điều này, cần có chính sách tập trung thu hút nhiều thêm lượng khách có mức chi tiêu cao, lưu trú dài ngày ở các thị trường châu Âu, Bắc Mỹ, Australia (Ô-xtrây-li-a), New Zealand (Niu Di-lân), Nga… thông qua việc đầu tư xúc tiến, quảng bá có trọng tâm, trọng điểm và những chính sách hấp dẫn về thị thực như tăng thời gian, thời hạn miễn visa…

Thái-lan, quốc gia đang dẫn đầu khu vực về phát triển du lịch, từng phải trả giá vì sự tăng trưởng quá nóng. Năm 2016, chính phủ nước này từng buộc phải đóng cửa đảo Koh Tachai, một trong những hòn đảo đẹp nhất nước, để giảm dần những tác động tiêu cực từ sự phát triển du lịch ồ ạt tới tài nguyên thiên nhiên ở đây. Ðược biết, sức chứa của đảo chỉ là 70 người, song vào mùa cao điểm, có lúc có tới cả nghìn khách cùng tới đây. Một số quần đảo khác của Thái-lan như Surin và Similan cũng từng phải đóng cửa có thời hạn vì lý do tương tự. Rõ ràng trên lộ trình phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp không khói, nếu không quan tâm đúng mức đến nguy cơ bùng phát khách du lịch và có giải pháp kịp thời thì rất dễ phải trả giá đắt. Trên thế giới, một số quốc gia đã có giải pháp nhất định để kiểm soát lượng khách tới các địa điểm du lịch nổi tiếng của mình. Chẳng hạn, để tránh tình trạng quá tải, gây tác động xấu tới môi trường, Cục Bảo tồn Niu Di-lân áp dụng hệ thống đặt trước bắt buộc đối với du khách muốn tham gia một số tua du lịch dài ngày đến những điểm du lịch tự nhiên của nước này. Còn Bhutan (Bu-tan) lại khống chế lượng khách bằng yêu cầu bắt buộc du khách phải mua tua trọn gói của công ty du lịch trong nước. Ðây là cách để bảo đảm khi đến Bhutan, mỗi du khách sẽ phải tiêu ít nhất từ 200 đến 250 USD/ngày. Tất nhiên, áp dụng giải pháp nào còn tùy thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh, tình hình mỗi quốc gia, nhưng cách mà các nước nêu trên áp dụng cũng là gợi ý hữu ích để các nhà quản lý, chuyên gia du lịch tìm ra giải pháp linh hoạt để kiểm soát tình trạng tăng trưởng nóng lượng khách.

Trong bối cảnh bài toán về nguồn nhân lực du lịch không thể giải trong một sớm một chiều, yêu cầu tăng trưởng đang đặt ra những "sức ép" cần nhanh chóng tháo gỡ, để phát triển du lịch theo hướng bền vững mà vẫn bảo đảm tăng trưởng chính là đẩy mạnh phát triển du lịch có trách nhiệm, tức là phát triển hài hòa tất cả các thành tố chính liên quan đến hoạt động du lịch, bao gồm: môi trường, văn hóa, xã hội, kinh tế… Ðây cũng là hướng đi mà các chuyên gia của Dự án EU-ESRT (Chương trình Phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội) thường xuyên đưa ra trong suốt quá trình hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam thông qua việc sử dụng hiệu quả và hợp lý nguồn tài nguyên du lịch, nhất là tài nguyên thiên nhiên bảo đảm duy trì đa dạng sinh học, tôn trọng bản sắc và tính trung thực về xã hội và văn hóa cộng đồng nhằm nâng cao ý thức của tất cả các chủ thể tham gia du lịch. Phát triển du lịch có trách nhiệm sẽ góp phần gìn giữ văn hóa dân tộc, làm tăng những tác động tích cực và hạn chế những tác động tiêu cực tới môi trường và xã hội, không gây ảnh hưởng tới các ngành kinh tế khác, phát triển đúng định hướng, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước cũng như không ảnh hưởng tới khả năng cất cánh của ngành trong tương lai...
HẠNH DUYÊN

Theo: nhandan.com.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.037.249
Đang truy cập 8.986