Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Sắp hết thời hạn miễn thị thực đơn phương cho 5 nước Tây Âu: Doanh nghiệp du lịch như "ngồi trên lửa"
Ngày cập nhật 19/04/2018

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là hết thời hạn miễn thị thực đơn phương cho 5 nước Tây Âu gồm Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha (hết ngày 30.6.2018), nhưng đến nay vẫn chưa biết cơ quan có thẩm quyền có quyết định gia hạn tiếp hay không. Trong khi đó doanh nghiệp du lịch như “ngồi trên đống lửa”.

Lượng khách du lịch tăng thêm nhờ chính sách miễn visa của Việt Nam đạt 10,1%, cao gấp đôi so với mức trung bình cao nhất của khu vực ASEAN

Khách du lịch tăng nhờ miễn visa

Quyết định miễn visa cho các thị trường Tây Âu xem ra quá thận trọng và thường sát ngày hết hạn khiến cho doanh nghiệp du lịch và các bên liên quan vô cùng thấp thỏm, thiếu tự tin khi làm việc với đối tác. Và quan trọng hơn là du lịch Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực, hạn chế khả năng hội nhập kinh tế quốc tế. Bằng chứng là trong bảng xếp hạng chỉ số Năng lực cạnh tranh ngành Lữ hành và Du lịch (TTCI) năm 2017 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố, trong nhóm “Sự cởi mở đối với quốc tế”, Việt Nam đứng thứ 73/136, chỉ số “Yêu cầu về thị thực nhập cảnh” xếp thứ 113/136; thấp nhất là chỉ số “Thỏa thuận tự do thị thực” xếp thứ 116/136.

Nghị quyết 08- NQ/TW ngày 16.1.2017 về Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn đã chỉ rõ “tạo thuận lợi tối đa và đơn giản về thủ tục thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam”. Nhưng xem ra ngành Du lịch vẫn phải một mình chèo chống, kiến nghị nhiều lần nhưng không được giải quyết vì đụng đến lợi ích của ngành khác. Lý do “có đi- có lại” được Bộ Ngoại giao đưa ra để bảo vệ quan điểm “không miễn visa” chỉ là một phần. Các nước đang phát triển và muốn thu hút khách du lịch quốc tế cũng đều phải đơn phương miễn thị thực trước khi đòi hỏi nước kia cũng miễn visa cho công dân nước họ. Hiện nay, hầu hết các quốc gia căn cứ vào lợi ích của mình trong quan hệ với quốc gia khác mà hoạch định chính sách visa sao cho có lợi nhất cho mình. Còn đưa ra lý do “làm giảm nguồn thu ngoại tệ cho ngân sách nhà nước” liệu có thuyết phục. Lệ phí visa, theo thông lệ, là nguồn thu dùng để trang trải các chi phí hành chính phục vụ cho việc cấp visa (thủ tục giấy tờ, nhân sự, kiểm tra, xác minh…) chứ không đơn thuần là một nguồn thu như thuế hoặc kinh doanh cho ngân sách nhà nước. Hơn nữa, cũng không thể đem 25 USD phí visa của 1 khách so với 1.500 USD mà một khách du lịch chi tiêu cho chương trình du lịch ở Việt Nam.

Theo nghiên cứu của Tổ chức du lịch thế giới (UNWTO) và Hội đồng du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) về tác động của miễn thị thực ở các nước ASEAN khiến số khách du lịch tăng thêm từ 3- 5,1%; số việc làm trực tiếp từ du lịch tăng thêm 1,6- 3,1%. Còn theo nghiên cứu của Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), việc áp dụng miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu ở Việt Nam tạo sự đột phá cao hơn các nước ASEAN, số khách du lịch tăng thêm tới 10,1%.

Dư luận đặt câu hỏi, có lợi ích nào lớn hơn lợi ích quốc gia mà có những người, những ngành kiên quyết bảo vệ quan điểm không miễn thị thực đơn phương cho những thị trường du lịch trọng điểm?

Đừng tước đi cơ hội của chính mình

Năm 2017, TAB kiến nghị Chính phủ: Ưu tiên 12 nước (Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý, Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan) đã miễn thị thực 15 ngày được tăng thời gian miễn thị thực lên 30 ngày; Kéo dài thời gian áp dụng lên 5 năm và công bố sớm ít nhất 6 tháng; Bãi bỏ quy định “Mỗi lần nhập cảnh phải cách ngày xuất cảnh khỏi Việt Nam lần trước ít nhất là 30 ngày”; Bổ sung thêm 4 nước được miễn thị thực là Canada, Úc, New Zealand và Ấn Độ; Cải thiện việc áp dụng thị thực điện tử. Diễn đàn kinh tế tư nhân (VPSF) cũng đã đưa những kiến nghị về chính sách visa nói trên vào sách trắng năm 2017 gửi Chính phủ.

Mặc dù những kiến nghị nói trên chưa được giải quyết nhưng mới đây, TAB tiếp tục kiến nghị Chính phủ: Bổ sung 6 nước được miễn thị thực 30 ngày, gồm: Úc, Canada, Hà Lan, New Zealand, Thụy Sỹ, Bỉ; thêm 4 nước/ vùng lãnh thổ được áp dụng thị thực điện tử là Đài Loan, Hồng Kông, Thụy Sỹ, Bỉ; Áp dụng chính sách miễn thị thực quá cảnh 48 hoặc 72 giờ cho những hành khách có vé máy bay từ Úc đi châu Âu hoặc ngược lại; Chính sách cấp Thị thực tại cửa khẩu cho một số nước (mà không cần thư xét duyệt trước).

Bà Đặng Thị Bích Thọ, Phó tổng giám đốc Hà Nội Redtours cho biết: “Việc miễn visa cho khách đã đẩy nhanh việc làm thủ tục xuất nhập cảnh của khách ở sân bay. Hơn nữa, khi chưa được miễn visa, có vé máy bay giá rẻ khách cũng không dám mua (vì không biết có được cấp visa hay không, thời gian cấp như thế nào), còn nay khách có thể mua bất kỳ khi nào và chuyến đi đến Việt Nam thực hiện rất nhanh chóng, thuận tiện”.

Đại diện nhiều công ty du lịch cũng cho rằng, việc có thông báo sớm sẽ miễn visa cho thị trường các nước Tây Âu giúp cho các công ty du lịch Việt Nam tự tin hơn khi đi ra nước ngoài quảng bá và bán sản phẩm. “Chúng tôi tha thiết kiến nghị TCDL, Bộ VHTTDL tiếp tục đề nghị Chính phủ sớm gia hạn thời gian miễn visa cho thị trường 5 nước Tây Âu và cho công dân các nước phát triển khác. Chính sách visa thông thoáng, thuận lợi sẽ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển du lịch. Như thế, không chỉ giúp tổng thu từ du lịch tăng cao mà còn làm tăng giá trị xuất khẩu tại chỗ, giải quyết việc làm hiệu quả, nhanh chóng và tạo điều kiện phát triển các ngành kinh tế khác, tạo cơ hội phát triển thương mại quốc tế, giao lưu hợp tác văn hóa”, ông Nguyễn Văn Tấn, Tổng giám đốc JTB-TNT bày tỏ quan điểm.

“Dùng chính sách visa thuận lợi để thu hút khách là cách mà các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đang làm. Tôi cho rằng Việt Nam không nên chỉ miễn visa đơn phương cho hơn chục nước như hiện nay mà cần mở rộng thêm một số nước được miễn visa như: Úc, New Zealand, Canada, Ấn Độ, Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Luxembourg (nước giàu nhất châu Âu), Monaco… Khi muốn thì sẽ tìm cách để làm, còn khi không muốn sẽ tìm ra đủ lý do để không làm. Nhưng dù thế nào, lợi ích quốc gia cũng phải được đặt lên cao nhất. Ta mất ở khoản này sẽ được ở khoản khác. Mất ấy có khi còn là được. Đừng tước đi cơ hội của chính mình”, bà Đặng Thị Bích Thọ nói.

 Chúng tôi tha thiết kiến nghị TCDL, Bộ VHTTDL tiếp tục đề nghị Chính phủ sớm gia hạn thời gian miễn visa cho thị trường 5 nước Tây Âu và cho công dân các nước phát triển khác. Chính sách visa thông thoáng, thuận lợi sẽ thúc đẩy tăng trưởng và phát triển du lịch. Như thế, không chỉ giúp tổng thu từ du lịch tăng cao mà còn làm tăng giá trị xuất khẩu tại chỗ, giải quyết việc làm hiệu quả, nhanh chóng và tạo điều kiện phát triển các ngành kinh tế khác.

(Ông Nguyễn Văn Tấn, Tổng giám đốc JTB-TNT)

Thúy Hà

Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.170.019
Đang truy cập 1.946