Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Khởi nghiệp từ trăn trở về du lịch Huế
Ngày cập nhật 01/10/2018

Bắt nguồn từ những trăn trở về du lịch Huế, thầy trò Khoa Du lịch - Đại học (ĐH) Huế nghiên cứu và cho ra đời dự án “Cầu nối trải nghiệm văn hóa bản địa với nghệ nhân”. Đây cũng là dự án vừa giành giải Nhất cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” ĐH Huế.

Khoảnh khắc nhóm “Creative Tourism” giành giải nhất cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐH Huế năm 2018

Từ những trăn trở

Ý tưởng dự án “Cầu nối trải nghiệm văn hóa bản địa với nghệ nhân” mới chỉ hình thành trong đầu Ths. Ngô Văn Sơn, giảng viên Khoa Du lịch và người học trò (Phan Thị Thái) được ông hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp vào đầu năm 2018, khi cả hai đều trăn trở về thực trạng du lịch Huế. Họ chọn du lịch sáng tạo với mong muốn kết nối du khách và người dân địa phương trong việc trải nghiệm chân thực về văn hóa, ẩm thực, làng nghề truyền thống của Huế.

Ths. Ngô Văn Sơn chia sẻ, quá trình giảng dạy và trải nghiệm các điểm đến, ông và Thái tiếp xúc nhiều du khách. Điểm chung mà họ mong muốn là trực tiếp hòa nhịp vào cuộc sống nơi đến, trải nghiệm với vai trò như một thành viên của vùng đất. Tuy Huế có du lịch trải nghiệm, nhất là các hoạt động du lịch cộng đồng, song chủ yếu đang còn mang tính dàn dựng, biểu diễn. Trái lại, nhiều nghệ nhân làng nghề ở Huế mong muốn mở dịch vụ cho du khách đến cùng làm, cùng trải nghiệm với họ, nhưng khá khó khăn.

Sau khi khảo sát, ông Sơn và Thái cùng 4 thành viên mới thành lập nhóm “Creative Tourism”, tiến hành phát các bảng hỏi phân tích nhu cầu nghệ nhân và du khách. Từ đó, thiết kế web nhằm kết nối nghệ nhân, các điểm đến và du khách. Ông Sơn phân tích, ý tưởng dự án dựa trên nền tảng công nghệ. Sau khi các nghệ nhân tham gia web, khách du lịch sẽ dựa vào thông tin mô tả về điểm đến để tự chọn tour.

Điểm đặc biệt của ý tưởng này là khách được trải nghiệm thực tế với nghệ nhân, cư dân bản địa, làng nghề đang sản xuất sản phẩm đặc trưng của Huế đúng với những gì họ mong muốn, đảm bảo chất lượng và giá. Các điểm đến có thể giống nhau (hình thức trải nghiệm) để có sự cạnh tranh nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ. Hệ thống ứng dụng công nghệ để giám sát, theo dõi phản hồi, đánh giá của khách với từng điểm đến và công khai cho những ai truy cập, qua đó góp phần thay đổi nhận thức của người dân khi làm du lịch. “Mọi giao dịch, phản hồi thông tin đều được thực hiện nhanh trên nền tảng công nghệ. Du khách được đảm bảo nhiều quyền lợi và họ chủ động mọi thứ. Chi phí được thanh toán trên hệ thống và tự động chuyển về điểm đến khi trải nghiệm thành công, phía quản lý dự án chỉ thu 7 - 10% chi phí”, ông Sơn nói.

Theo đại diện nhóm, vướng mắc của dự án là một số nghệ nhân, người dân điểm đến không thông thạo công nghệ, song phương án giải quyết là có thể tìm người đại diện, hoặc có đại diện vùng làm nhiệm vụ này. Khi kết nối với các nghệ nhân hoặc điểm đến, nhóm đều trao đổi để họ hiểu thêm cách làm du lịch bền vững, đồng thời xây dựng các tiêu chí “cứng”, nhất là không chèo kéo khách mà phải giữ vai trò như “sứ giả văn hóa”.

Phan Thị Thái, thành viên nhóm chia sẻ, thuận lợi là có thành viên chuyên về du lịch, quản trị kinh doanh và công nghệ. Sau khi hoàn thiện web sẽ triển khai làm tiếp app để du khách tiếp cận dễ dàng hơn. Năm 2019 sẽ tiếp tục bổ sung phần dịch ngôn ngữ, đầu tiên là tiếng Anh để phục vụ du khách nước ngoài.

Triển vọng

Ngoài các nghệ nhân, điểm đến (ăn uống, làng nghề), dự án còn liên kết, tạo ra lợi ích cho các cơ sở lưu trú, dịch vụ cho thuê xe (xe đạp, xe máy tùy nhu cầu du khách). Theo ông Sơn, dự án này cũng có thể xem là hình thức bán tour nhưng không ảnh hưởng đến các công ty lữ hành. “Các công ty lữ hành có tour thiết kế sẵn, còn đây là tour tự do. Chúng tôi sẽ hợp tác với các công ty để kết hợp hai loại hình nếu khách có nhu cầu, nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch”, ông Sơn nhấn mạnh.

Ông Trương Thanh Hùng, chuyên gia cố vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Sáng lập điều hành FiNNO, thành viên hội đồng giám khảo cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” ĐH Huế 2018 đánh giá: “Dự án có sự độc đáo khi tập trung khám phá bản sắc, lấy giá trị từ nghệ nhân, đây là điểm khác biệt với các tour tuyến du lịch khám phá đã có trước đó. Hội đồng giám khảo cuộc thi nhận thấy tiềm năng phát triển của dự án này lớn, có thể nhân rộng ra toàn quốc. Nhóm có năng lực đội nhóm tốt, thành viên đáp ứng các chuyên môn để phát triển một dự án khởi nghiệp về du lịch”.

Tuy chưa vận hành chính thức, nhưng đến nay đã có khách tìm hiểu và có nhu cầu đặt tour. Dự kiến giữa năm 2019, ý tưởng này sẽ hoàn thiện và hoạt động chính thức. Thời gian tới, nhóm sẽ thúc đẩy kết nối với Sở Du lịch để có được sự hỗ trợ, tư vấn tốt hơn, đồng thời sẽ kết nối với chính quyền các địa phương trong vấn đề gắn kết điểm đến và định hướng nhận thức cho người dân, chú trọng chất lượng sản phẩm du lịch.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

Theo: baothuathienhue.vn
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.050.458
Đang truy cập 18.084