Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Quy định bằng cấp của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành tại Thông tư 06/2017/BVHTTDL
Ngày cập nhật 06/11/2018
Nguồn ảnh: caodang.fpt.edu.vn

Ngày 31/10/2018, Tổng cục Du lịch thông tin về quy định bằng cấp của người phụ trách kinh doanh lữ hành tại Thông tư 06/2017/BVHTTDL.

1. Về thẩm quyền ban hành những quy định nêu trên tại Thông tư 06/2017/BVHTTDL
 
Điểm c khoản 1, điểm c khoản 2 Điều 31 Luật Du lịch năm 2017 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành, người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp chuyên ngành về lữ hành trình độ trung cấp trở lên (đối với lữ hành nội địa) và cao đẳng trở lên (đối với lữ hành quốc tế); trường hợp tốt nghiệp chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch (nội địa hoặc quốc tế tương ứng). 
 
Khoản 5 Điều 31 Luật Du lịch 2017 giao Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành; nội dung đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thi, cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa và nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế. Như vậy Thông tư được ban hành theo đúng thầm quyền. 
 
Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL được soạn thảo theo đúng quy định, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã mời đại diện các Bộ, ngành liên quan trong đó có Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Lao động thương binh và xã hội tham gia Tổ Soạn thảo Thông tư, ngoài việc lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ, ngành hữu quan và các cơ sở đào tạo, dự thảo Thông tư cũng được lấy ý kiến công khai qua các hội thảo và đăng tải trên mạng. Ngay từ đầu năm 2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch và các địa phương đã đồng loạt triển khai Luật Du lịch, Nghị định 168/2017/NĐ-CP và Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL trên cả nước với đối tượng rộng rãi gồm các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và cá nhân. 
 
2. Căn cứ pháp lý để xác định các ngành/chuyên ngành được coi là chuyên ngành về lữ hànhquy định tại Thông tư 06/2017/BVHTTDL
 
- Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 ngày 18/6/2012 
- Quyết định số 01/2017/QĐ-TTg ngày 17/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân, 
- Thông tư 24/2017/TT-BGDĐT ngày 10/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Danh mục giáo dục và đào tạo cấp IV trình độ đại học 
- Thông tư số 04/2017/TT-BLĐTBXH ngày 02/03/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và xã hội ban hành Danh mục, ngành nghề đào tạo cấp IV trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng. 
Trong đó, các quy định về tên ngành đào tạo và nội dung đào tạo của các ngành liên quan đến du lịch tại các văn bản trên đã kế thừa và bổ sung quy định tại các văn bản từ năm 2005 gồm: 
- Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 ngày 14/6/2005 
- Quyết định số 38/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 09/3/2009Về việc ban hành Bảng danh mục giáo dục, đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân 
- Thông tư số 14/2010/TT-BGDĐT ngày 27 tháng 4 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ cao đẳng, đại học, có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 6 năm 2010. 
- Thông tư số 32/2013/TT-BGDĐT ngày 05 tháng 8 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ cao đẳng, đại học ban hành kèm theo Thông tư số 14/2010/TT-BGDĐT ngày 27 tháng 4 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 9 năm 2013. 
- Thông tư số 17/2010/TT- BLĐTBXH ngày 04/06/2010 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội,Ban hành Bảng danh mục nghề đào tạotrình độ trung cấp nghề, trình độ cao đẳng nghề 
Trong đó, các ngành, nghề đào tạo liên quan đến lữ hành gồm: 

TT

Các ngành, nghề đào tạo được qui định tại Quyết định 38/2009/QĐ-TTg, Thông tư số 14/2010/TT-BGDĐT, Thông tư số 32/2013/TT-BGDĐT và Thông tư số 17/2010/TT- BLĐTBXH

Các ngành đào tạo được quy định tại Quyết định 01/2017/QĐ-TTg, Thông tư số 24/2017/TT-BGDĐT, Thông tư số 04/2017/TT- BLĐT

A

Lĩnh vực kinh doanh và quản lý

Lĩnh vực kinh doanh và quản lý

1

Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành;

Quản trị dịch vụ du lịch và lữ

hành

2

Marketing du lịch;

Marketing du lịch;

3

 

Du lịch

4

 

Quản lý và kinh doanh du lịch

B

Lĩnh vực Khách sạn, du lịch, thể thao và dịch vụ cá nhân

Lĩnh vực Du lịch, khách sạn, thể thao và dịch vụ cá nhân

5

Quản trị lữ hành;

Quản trị lữ hành;

6

Điều hành tour du lịch;

Điều hành tour du lịch;

7

 

Du lịch lữ hành;

 
3. Yêu cầu thực tiễn về tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp lữ hành nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của Du lịch Việt Nam 
 
Sự thay đổi về điều kiện kinh doanh lữ hành đối với người điều hành dịch vụ lữ hành từ quy định các doanh nghiệp tự xác nhận thời gian công tác, kinh nghiệm làm việc (Luật Du lịch 2005) sang quy định bằng cấp chuyên ngành về lữ hành (quy định của Luật Du lịch 2017) đã có nhiều tranh luận từ trước khi Luật Du lịch 2017 được ban hành và đặt ra vấn đề nhiều lao động trong ngành lữ hành sẽ phải thi để chuẩn hóa kiến thức vì du lịch là ngành dịch vụ mới phát triển ở nước ta, phần lớn lao động chưa được đào tạo chuyên ngành du lịch mà chủ yếu sử dụng lao động được đào tạo chuyên môn từ các ngành khác (sư phạm, ngoại ngữ, lịch sử, địa lý...). Phần lớn lao động trong ngành du lịch nói chung và lữ hành nói riêng của Việt Nam không được đào tạo bài bản nên chất lượng dịch vụ và khả năng cạnh tranh còn hạn chế trong khi nhóm lao động này là lao động đặc thù, liên quan trực tiếp đến chất lượng dịch vụ. Chỉ một số ít giám đốc doanh nghiệp lữ hành kinh doanh thành công từ kinh nghiệm thực tiễn. 
 
Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ đã xác định lĩnh vực du lịch là lĩnh vực đào tạo độc lập và cho phép mở các ngành đào tạo về lữ hành, về khách sạn, về hướng dẫn du lịch, về nhà hàng…từ năm 2009 với các qui định về ngành đào tạo, nội dung đào tạo cụ thể. Trong đó, các ngành liên quan đến lữ hành được xác định ở cả lĩnh vực du lịch và lĩnh vực quản lý kinh doanh gồm 4 ngành đào tạo với 3 trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học, cả đào tạo chuyên nghiệp và đào tạo nghề. Đến năm 2017, các ngành đào tạo nói chung được mở rộng cho phù hợp với nhu cầu của xã hội, lĩnh vực du lịch và lĩnh vực quản lý kinh doanh cũng được bổ sung nhiều ngành đạo tạo chuyên sâu, trong đó, những ngành liên quan đến lữ hành được bổ sung thêm 3 ngành đào tạo. Còn lại là các ngành liên quan đến khách sạn, nhà hàng và các ngành khác. 
 
Do vậy, Luật Du lịch 2017 đã quy định về trình độ chuyên môn của đối tượng này căn cứ các ngành đào tạo, nội dung và mục tiêu đào tạo theo qui định của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của các Bộ. Việc quy định mới về người điều hành đã đơn giản thủ tục hành chính về điều kiện kinh doanh lữ hành và chuẩn hóa trình độ nghiệp vụ nguồn nhân lực trong lĩnh vực lữ hành. Ngoài ra, kỳ thi không chỉ có tác dụng chuẩn hóa kiến thức chuyên môn về kinh doanh lữ hành mà còn tạo điều kiện cho hàng nghìn người học các chuyên ngành khác tiếp cận và khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lữ hành. 
 
Trước khi có các qui định về các ngành đào tạo trong lĩnh vực du lịch và các ngành liên quan đến lữ hành trong lĩnh vực quản lýkinh doanh, hệ thống các trường từ trung cấp, cao đẳng, đại học trong cả nước đã đào tạo nhiều nhóm ngành có liên quan đến du lịch và chủ yếu đào tạo theo phạm vi đào tạo hoặc theo thế mạnh của từng trường. Ví dụ: trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) đào tạo 2 chuyên ngành Quản trị kinh doanh du lịch và khách sạn và Quản trị kinh doanh lữ hành và hướng dẫn du lịch; Trường Đại học Thương mại Hà Nội đào tạo 3 chuyên ngành: Quản trị doanh nghiệp khách sạn du lịch, Marketing (cao đẳng); kinh doanh khách sạn - du lịch (cao đẳng); Đại học Văn hóa Tp Hồ Chí Minh và Đại học Văn hóa Hà Nội đào tạo chuyên ngành Văn hóa du lịch; Đại học Sư phạm Hà Nội đào tạo ngành Việt Nam học;Trường Đại học KHXHNV Hà Nội: đào tạo 4 chuyên ngành du lịch và chuyên ngành du lịch học, và một số trường đào tạo kinh tế du lịch, ngoại ngữ du lịch, quản trị kinh doanh... 
 
Vì vậy, để hướng tới sự chuyên nghiệp, chất lượng của hoạt động kinh doanh lữ hành, nâng cao khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam, cần có sự thống nhất, chuẩn hóa về nội dung đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực du lịch, trong đó có lữ hành. Đối với những người đào tạo chuyên ngành khác hoặc chưa đúng ngành, chưa đúng nội dung cần được bổ sung kiến thức nghiệp vụ điều hành du lịch để chuẩn hóa kiến thức và cập nhật các quy định, chính sách, chiến lược phát triển của ngành du lịch. 
 
4. Hướng xử lý những bằng cấp được các trường, khoa du lịch cấp theo quy địnhtrước năm 2009 
 
Việc ban hành quy định về chuyên ngành lữ hành tại Thông tư 06/2017/TT-BVHTTDL dựa trên các cơ sở pháp lý, mang tính hệ thống của Luật Du lịch 2017 và Thông tư 24/2017/TT-BGDĐTcủa Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Thông tư số 04/2017/TT-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh đã tuân theo các quy định hiện hành. Tuy nhiên để xử lý những trường hợp đã tốt nghiệp tại các trường, khoa du lịch trước Quyết định số 38/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 09/3/2009 và các văn bản hướng dẫn, Tổng cục Du lịch đang rà soát, báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sửa đổi một số điều của Thông tư 06/2017/BVHTTDL theo tinh thần đảm bảo các sinh viên tốt nghiệp có học các chuyên ngành du lịch, lữ hành (theo quy định của Luật Du lịch) sẽ được công nhận đủ điều kiện là người phụ trách kinh doanh lữ hành. 
 
Những người đã tốt nghiệp ngành, chuyên ngành đào tạo liên quan đến các lĩnh vực như khách sạn, hướng dẫn du lịch, nhà hàng và các lĩnh vực chuyên môn khác thì chỉ cần tham gia kỳ thi để được cấp chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch, không bắt buộc phải tham gia các khóa học mới được thi nhưquy định của Thông tư 06/2017/BVHTTDL. 
Tập tin đính kèm:
Sở Du lịch Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.964.341
Đang truy cập 630