Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Thiện: Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển
Ngày cập nhật 01/11/2019

Sáng 31/10, trong phiên thảo luận của Quốc hội về kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, ĐBQH Thừa Thiên Huế đã phát biểu về các giải pháp phát triển lĩnh vực du lịch và văn hóa, khẳng định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện phát biểu tại hội trường sáng 31/10. Ảnh: Minh Quân
 
Du lịch đạt nhiều kết quả quan trọng
 
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, những năm vừa qua, lĩnh vực du lịch đã đạt những kết quả quan trọng. Từ năm 2015 – 2018, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp đôi, từ 8 triệu lên gần 16 triệu lượt, tốc độ tăng trưởng đạt bình quân 25%/năm. Những kết quả đó đã đưa Việt Nam trở thành 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.
 
Ông Nguyễn Ngọc Thiện thông tin thêm, trong 10 tháng đầu năm 2019, khách du lịch quốc tế đạt 14,5 triệu lượt, tăng 13% so với cùng kỳ. Du lịch Việt Nam cũng giành được nhiều giải thưởng trong những năm qua như: Du lịch hàng đầu châu Á; Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á; Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á…
 
Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp của Việt Nam như Vingroup, Sungroup, Viettravel… đã giành được rất nhiều giải thưởng ở quốc tế cũng như châu Á. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam tiếp tục được cải thiện, hiện nay đứng thứ 63/140 nước (tăng được 12 bậc). Các chỉ tiêu của du lịch Việt Nam đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Năm 2019 sẽ cơ bản thực hiện được Nghị quyết của Bộ Chính trị đề ra.
 
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, cần đổi mới nhận thức về du lịch là ngành đa ngành, đa nghề và mang tính xã hội cao; tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch từ Trung ương đến địa phương, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ.
 
Cùng với đó là bổ sung nguồn ngân sách cho công tác xúc tiến, quảng bá du lịch. Được biết, hiện nay, ngân sách cho hoạt động này chỉ đạt khoảng 2,5 triệu USD, trong khi đó Thái Lan là khoảng 80 triệu USD.
 
Ngoài ra, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh các giải pháp như: chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đa dạng hóa thị trường, sản phẩm du lịch, đẩy mạnh liên kết du lịch, xã hội hóa trong đầu tư xây dựng hạ tầng phát triển dịch vụ du lịch.
 
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng nêu dẫn chứng về sự phát triển của hạ tầng, dịch vụ du lịch trong thời gian qua như số lượng buồng, phòng 5 sao tăng gấp đôi trong 4 năm vừa qua. Ngoài ra, hàng không cũng phát triển mạnh mẽ sau khi có các hãng như Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo… Cùng với đó, việc đầu tư, nâng cấp các sân bay quốc tế cũng tạo điều kiện cho khách du lịch đến Việt Nam ngày càng đông hơn.
 
7 giải pháp để văn hóa phát triển bền vững
 
Hội thi Văn hóa công sở do Công đoàn Viên chức tỉnh tổ chức ngày 31/10
 
Liên quan đến vai trò quan trọng của văn hóa trong quá trình phát triển của đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, Đảng luôn xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội.
 
Lĩnh vực văn hóa luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo đầu tư phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng. Văn hóa từng bước trở thành nền tảng vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng, bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, sự phát triển văn hóa hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức, bất cập, nảy sinh nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết.
 
"Giờ đây chúng ta nói nhiều đến sự xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử, văn minh công cộng, lối sống thực dụng cá nhân vị kỷ, tệ nạn, tội phạm xã hội… Tất cả những điều đó đều là vấn đề của văn hóa, liên quan đến văn hóa và có nguyên nhân từ văn hóa"- Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nói.
 
Bộ trưởng khẳng định, xây dựng văn hóa, phát triển con người chính là mục đích cuối cùng của mọi sự phát triển. Tuy vậy, so với những thành tựu chính trị, kinh tế- xã hội thì thành tựu của lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng, chưa đủ tầm mức để tác động có hiệu quả đến việc xây dựng con người như Nghị quyết số 33 Ban Chấp hành TW XI, khóa 11 đã chỉ ra.
 
Để văn hóa thực sự hướng tới sự phát triển bền vững của đất nước như NQ 33, theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cần tập trung 7 giải pháp gồm:
 
Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa. Xác định phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân, do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.
 
Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện để phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Môi trường văn hóa lành mạnh, gia đình, nhà trường và xã hội sẽ là nơi hình thành, nuôi dưỡng, vun đắp nhân cách, văn hóa và giáo dục lối sống cho con người, để cái tốt, cái thiện được bảo vệ, nhân lên; cái xấu, cái ác bị lên án, bài trừ.
 
Để văn hóa liên kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội phải quan tâm xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đồng thời đầu tư cho văn hóa tinh hoa, tạo điều kiện cho cá nhân và cộng đồng được tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hóa.
 
Phát huy sứ mệnh của văn học nghệ thuật, vai trò của văn nghệ sĩ đối với xây dựng đạo đức, văn hóa ứng xử. Tăng cường đầu tư xứng đáng cho văn hóa, tương xứng với vai trò của văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực. Tăng cường hội nhập về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại đồng thời quảng bá văn hóa Việt Nam ra bạn bè thế giới.
 
Thái Sơn- Tấn Trọng
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 31.144