Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 8
Ngày cập nhật 07/08/2020

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 8

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 8
Đỉnh đặt ở chính giữa tượng trưng cho sự vĩ đại (Tiếp theo)
 
ĐÔNG HẢI
 
 
16. Đông Hải, chỉ vùng biển nằm phía Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam (26), thông với Thái Bình Dương ở phía bắc qua eo Basni. Trong biển Đông có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ở vùng biển này từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 11 hàng năm, thường có gió bão mạnh, nhất là ở khu vực quần đảo Trường Sa, nên còn gọi là quần đảo Bão Tố. Biển Đông đúng là kho tài nguyên vô tận của nước ta. Từ xa xưa, từ thuở Hồng Bàng khai quốc, người Việt đã biết tiến ra làm chủ biển Đông.
Năm Minh Mạng thứ 17, 1836, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho khắc hình tượng biển Đông lên Cao đỉnh.
(26). Chỉ vùng biển phía Đông thuộc hải phận của nước ta, không bao gồm cả vùng biển Đông rộng lớn như ngày nay.
 
LONG
 
 
17. Long, thường gọi là rồng, một linh vật được huyền thoại hóa mang đầy tính siêu nhiên, đứng đầu trong tứ linh: “long, lân, qui, phụng”, xuất hiện hàng ngàn năm trước, được nâng lên thành vật biểu tượng trong văn hóa phương Đông; nó được xem là chúa tể cai quản vùng sông nước (thường được gọi là Long vương). Theo các nhà nghiên cứu ngôn ngữ, chữ rồng trong tiếng Việt và chữ long trong từ Hán Việt đều bắt nguồn từ krong, krông, klong trong tiếng Đông Nam Á cổ có nghĩa là sông nước. Nó được xem là con vật kết hợp giữa cá sấu và rắn, sinh ra dưới nước rồi bay vút lên trời mà không cần có cánh, miệng vừa phun nước, vừa phun lửa. Một số nhà khảo cổ học khẳng định rằng: “Rồng là con vật đặc thù chung cho tất cả các dân tộc Việt và chính từ đây nó đã đi vào văn hóa Trung Hoa”. Cụ thể hơn, đối với người Việt Nam, truyền thuyết Con Rồng - Cháu Tiên đã có từ thời họ Hồng Bàng lập quốc. Theo tư duy của người Việt cổ thì Rồng - Tiên là một cặp đôi âm dương mà thành, để giải thích cội nguồn tổ tiên của người Việt, trong đó tiên biểu trưng cho giống chim, ở núi non; còn rồng là con vật từ cá sấu và rắn biến thành, ở sông biển. Biểu tượng rồng đã ăn sâu vào đời sống văn hóa Việt. Con rồng nhanh chóng trở thành biểu tượng của quyền lực, gắn với hình ảnh tối thượng của ông vua. Trong tiến trình lịch sử, con rồng của mỗi thời cũng đã thay đổi ít nhiều về đường nét hình dáng. Có thể nói, rồng là một biểu tượng của sự linh thiêng, cương trực, mạnh mẽ, sự vươn lên của một dân tộc. Theo truyền thuyết, cá chép hóa rồng là bởi do kiên trì tu luyện mà thành. Ở vào thời nhà Đinh, bất kể con vật gì, nếu “chịu” tu luyện thành chính quả cũng có thể hóa rồng được.
Năm 1010, vua Lý Công Uẩn đã chọn đất Thăng Long (rồng bay) để định đô nước Đại Việt. Có thể vua Lý đã thấy “dấu vết” rồng tàng cư ở đây sẽ thịnh phát. Cùng với những quan niệm ấy, mà ở nước Nam ta, nhiều vùng đất được lấy chữ long để đặt tên, như: Hoàng Long, Thăng Long, Hạ Long, Bái Tử Long, Long Hưng, Cửu Long, Hàm Rồng, Hàm Long, Vĩnh Long, Kim Long... Người cũng có mạng rồng, con vật được chọn đứng hàng thứ năm trong địa chi của 12 con giáp.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho chạm hình tượng con rồng vào Cao đỉnh.
Theo Sách đỏ Việt Nam, hiện nay ở nước ta có loài rồng đất sinh sống, còn có tên rồng tạng, tò te, thuộc họ nhông, bộ có vảy; thường sống ở hang hốc, trong các bụi cây... Rồng đất có giá trị thẩm mỹ cao, nuôi trong các vườn thú; một số nơi còn dùng nó làm nguồn thực phẩm hoặc dược phẩm rất quí.
 
THIẾT MỘC
 
 
18. Thiết Mộc, tục danh cây gỗ lim, thứ gỗ đứng ở nhóm đầu trong các loại gỗ rừng (đinh, lim, sến, táu), sắc gỗ lim đen tím, bền rắn như sắt đá, người ta thường dùng để làm đình, chùa, đền, xây cung điện, dựng nhà, đóng thuyền, bắc cầu… Thật là thượng phẩm trong loài mộc. Ở trong rừng sâu các tỉnh đều có. Đầu triều Minh Mạng định lệ cấm dân gian mua bán gỗ lim. Sau “nới lỏng” định lệ thì thổ sản tỉnh nào có gỗ lim phải đóng thuế rất cao. Trong lịch sử chống ngoại xâm phương Bắc, từ Ngô Vương Quyền, sang Lê Đại Hành, đến Trần Hưng Đạo đều đã dùng loại thiết mộc này làm cọc nhọn để đóng xuống lòng sông Bạch Đằng, phá tan thuyền giặc.
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng cây gỗ lim vào Cao đỉnh.
(Còn nữa)
Dương Phước Thu
 
Sở Du lịch Thừa Thiên Huế
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.965.138
Đang truy cập 928