Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 24
Ngày cập nhật 08/02/2021

Nghị đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ hai bên phải tượng trưng cho sự cương nghị.

Hồ Gia Tử
 
 
2. Hồ Gia Tử, tục danh con đuôn dừa, sinh sản rất nhiều ở rừng dừa các tỉnh Nam bộ, thịt ăn rất ngon. Theo các nhà Đông y, con đuôn dừa có nhiều dược tính có thể làm thuốc chữa bệnh và bồi bổ cơ thể rất tốt, nó làm tăng sức, sung dương khỏe thận. Đây là một loại côn trùng sống trên ngọn cây dừa (33), ăn những thức ăn ngon từ trong thân cây dừa mà trưởng thành. Vùng rừng Trường Sơn có một loại tương tự là con đuôn mây, sống trên ngọn cây đoác, thịt ăn cũng rất ngon.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho chạm hình tượng con đuôn dừa vào Nghị đỉnh.
 
(33). ĐNTLCB, Hà Nội, xb, (1968), phiên nhầm là con bươm bướm. Con bươm bướm là hồ điệp, rễ bươm bướm là hồ điệp căn, không phải là con hồ gia tử.
 
Tượng
 
 
3. Tượng, tục danh là con voi, loài vật bốn chân to lớn nhất rừng xanh.Người xưa cho rằng, thân con voi đủ cả hình dáng của 12 giống vật. Và cònchua thêm: hào quang của Sao Dao tản ra hóa làm con voi. Nên nó cũng là con vật linh được thờ trong các ngôi đền, hay làm thần vật trấn yểm trước các dinh phủ, công đường xưa. Tuy con voi to lớn, nhưng con người biết dùng phép bắt voi: người ta lùa voi cái vào rừng, hàng ngày cho ăn mía, dụ voi đực đến, đặt bẫy để bắt, đem về nuôi dạy, dần dần voi hiểu biết ý người, do vậy người quản nài chỉ cầm cái búa nhỏ có mỏ cong để sai khiến mà voi không dám trái ý. Tương truyền hồi đầu triều nhà Nguyễn, ở địa phận xã Nguyệt Biều, tỉnh Thừa Thiên và phường Thị Bình, tỉnh Bình Định đều có sở dụ voi. Do tai của voi có dầu, gọi là sơn tính pháp, nên thường dùng cây ràng buộc để phòng voi chạy xổng. Theo kinh nghiệm của người chăm voi, nếu voi mắc bệnh ăn đất thì dùng bã đậu cho ăn liền khỏi. Voi ăn mỗi này khoảng từ 200 đến 300 kg cỏ, lá cây, cành cây nhỏ, măng tre nứa, mía cây. Thời gian voi mang thai từ 21 đến 22 tháng. Voi đẻ mỗi lứa 1 con, có chu kỳ sinh sản 4 đến 5 năm một lần. Dù to lớn, nặng nề nhưng voi có linh giác, đi biết chỗ chắc hay không chắc, thấy chỗ không được chắc thì không chịu đi qua, nên các tiền quân (tiền ngự đạo) của các đế vương ngày xưa thường dùng voi dẫn đường đi trước.
 
Voi biết phân biệt gian, ngay, là loài vật trung thành. Nhưng một khi nó phản thì tan tành những nơi nó đi qua. Thịt, da voi rất dai, phổi, da và thịt đều có thể dùng làm thuốc, chữa bệnh mụn nhọt lở loét lâu ngày không liền miệng, trị phong hàn. Ngà voi cũng là loại thuốc quí, có giá trị rất cao, và thường được dùng để trang trí thể hiện uy quyền và may mắn của chủ nhân.
 
Thời Minh Mạng, tượng quân chia ra thành đội, mỗi đội 40 con voi. Số voi ở Kinh thành 150 con, ở Bắc thành 110 con, ở Gia Định thành 75 con, ở Quảng Nam 35 con, ở Bình Định 30 con, ở Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Thanh Hóa mỗi nơi 15 con; Quảng Trị, Phú Yên, Bình Thuận, Ninh Thuận mỗi nơi 7 con. Nhiều con voi có công lao trong chiến đấu, được phong cấp hàm rất cao (như Đô đốc Hùng Tượng Ré, Đô đốc Hùng Tượng Bình, Đô đốc Hùng Tượng Nhĩ, Hùng Tượng Bôn), được hưởng chế độ ăn uống đúng với chức danh của tượng quân, khi chết được lập miếu thờ như miếu Long Châu thường gọi điện Voi Ré rất nổi tiếng ở thôn Trường Đá, phường Thủy Biều, thành phố Huế.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, nhà vua cho chạm hình tượng con voi vào Nghị đỉnh.
 
Trước đây ở Việt Nam, rừng tỉnh nào cũng có voi sinh sống, theo từng đàn từ 5 đến 20 con. Do nhiều nguyên nhân nên số lượng voi đang mất dần, rất cần được bảo vệ.
 
Thuận An Hải Khẩu
 
 
4. Thuận An Hải Khẩu, tức cửa biển Thuận An, ở về phía đông bắc của huyện Phú Vang, cách Kinh thành Huế chừng 13 cây số đường bộ và gần 10 cây số đường thủy, thời xa xưa gọi là cửa Noãn Hải, có lúc lại gọi là cửa Yêu Hải, tức cửa Eo, năm Gia Long thứ 13 đổi tên Thuận An. Hồi đầu thời chúa Nguyễn, lúc chúa Nguyễn Phúc Tần còn làm Thái tử, ông mưu trí, dũng cảm chỉ huy thủy quân đánh chìm tàu Ô Lan (tức Hà Lan) ở ngoài khơi cửa Noãn Hải, tức cửa biển này. Sách Ô Châu cận lục nói rằng: Trước kia, từ cửa biển Việt Hải đến cửa Tư Dung gọi là Đại Trường Sa, đến thời nhà Hồ, năm Khai Đại thứ nhất, chỗ thắt eo bị vỡ, lấy quân sĩ kinh thành (từ Thăng Long vào) đắp lại, nhưng vào khoảng tháng 8, tháng 9 hàng năm, thường bị nạn ngập lụt, đến đời Cảnh Thống nhà Lê, lại vỡ to, mới gọi là Tiểu Trường Sa. Cứ theo sự ghi chép của Ô Châu cận lục, thì thời cổ xưa, các sông ở Thừa Thiên đều chảy về phía đông nam vào phá Hà Trung, rồi đổ ra cửa Tư Dung, tức Tư Hiền ngày nay. Đến thời nhà Hồ, chỗ thắt eo vỡ ra đã được lấp lại ngay, đến đời Lê Cảnh Thống lại vỡ mới thành cửa biển; từ đấy đến nay, cửa Tư Hiền đã nông cạn, thuyền biển chỉ do cửa này ra vào, nhưng ngọn nước khuất khúc, bãi cát lô nhô, rất là hiểm trở. Người xưa thấy vậy thì nói rằng, có lẽ ý trời xếp đặt để làm thành hào móng bảo vệ quốc gia. Đầu đời vua Gia Long, lập thủ sở, đặt một chức thủ ngự và một chức tấn thủ, có 3 đội lính lệ đi tuần phòng ngoài biển, và hộ tống thuyền quan ra vào. Năm Minh Mạng thứ 15 dựng vọng lâu ở tấn sở, cấp cho thiên lý kính để quan sát tàu thuyền ngoài biển.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng cửa biển Thuận An vào Nghị đỉnh.
 
Giữa cuối thế kỷ XIX, tại cửa biển này, rất nhiều tấm gương giữ nước đã chiến đấu chống quân xâm lược Pháp và anh dũng hy sinh để bảo vệ Kinh thành Huế.
 
Cửa biển Thuận An có vị trí chiến lược xung yếu về mặt quốc phòng và giao thông vận tải bằng đường biển ngày trước của Kinh đô Huế; bấy giờ là một trong Hai mươi cảnh đẹp Thần kinh do vua Thiệu Trị “xếp hạng”.
 
Đầu thế kỷ XX, một nhà nghiên cứu về vùng Thuận An đã viết: “Cửa biển Thuận An là miệng cười duyên dáng của nàng sông Hương”, thật là giàu ý tứ chiêm nghiệm mới thốt lên được như vậy.
 
Ngày nay, tại vùng cửa biển Thuận An, dân cư đông đúc, phố xá phát triển đã trở nên sầm uất của một đô thị vệ tinh giàu tiềm năng kinh tế và văn hóa du lịch biển của Thừa Thiên Huế.
 
(Còn nữa)
 
Dương Phước Thu
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 13.037.249
Đang truy cập 5.411