Tìm kiếm tin tức

Chung nhan Tin Nhiem Mang

 

 

Những họa tiết khắc trên Cửu đỉnh - kỳ 36
Ngày cập nhật 22/07/2021

Dụ đỉnh - Đỉnh đặt hàng thứ tư bên trái tượng trưng cho sự phong phú.

 
Tòng
 
 
Tòng, vì phép kiêng tránh kỵ húy nên đọc là tùng, tức cây thông. Người xưa nói: tùng là bậc trưởng trong trăm loại cây, nửa bên phải chữ tòng có chữ công. Lại nói: cây tùng già thì dư khí kết tụ thành thứ phục linh, được ngàn năm thì nhựa tòng hóa thành thứ hổ phách. Xưa ở đàn Nam Giao, Sơn lăng và núi Ngự Bình, chỗ nào cũng có trồng tùng thành rừng. Đốt cây tùng ngâm rượu để trị bệnh yếu chân, lá tùng đốt lấy khói xông trị bệnh phù thũng, chữa cảm cúm, nhức mỏi; tùng chi (nhựa tòng) gọi là tùng hương, hay gọi là lịch thanh chữa nhọt mủ, ghẻ lở. Người xưa bảo, cây tùng, biểu tượng cho sự trường tồn vĩnh cửu, tượng trưng cho bậc quân tử.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho chạm hình tượng cây tùng vào Dụ đỉnh.
 
Dương
 
 
Dương, tức là con dê, còn gọi là cổ, yết; sách Lễ ký chép là nhu mao, thiếu lao. Sách Chu Dịch chú rằng, con dê mắt không có con ngươi mà vẫn nhìn thấy được. Lại có một giống đại vĩ dương, đuôi rất to. Ngày xưa nhiều nhà trước thuật đi lại thường dùng dê kéo xe. Con dê là nguồn thực phẩm dồi dào, dễ nuôi, ở các tỉnh bán sơn địa và miền núi cao đều có. Một con dê đực có thể giao phối liên tục với nhiều dê cái. Ngạn ngữ có câu “Dâm như dê” là vậy. Thịt và xương dê có nhiều chất bổ âm dương, tăng cường sức lực, gân cốt người già, giảm thị lực, lại có dược tính chữa bệnh gầy còm, kích thích sinh dục.
 
Dê (mùi) được xếp đứng thứ tám trong địa chi 12 con giáp. Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng con dê vào Dụ đỉnh.
 
Đà Nẵng Hải Khẩu
 
 
Đà Nẵng Hải Khẩu, tức Cửa biển Đà Nẵng, còn gọi là Cửa Hàn, lại gọi Vũng Thùng, Vịnh Hàn, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam, nay phân địa giới thuộc về thành phố Đà Nẵng. Ấy là chỗ sông Cẩm Lệ từ huyện Hòa Vang chảy ra vũng Hàn đổ vào cửa ấy; cửa lạch rộng 105 trượng, thủy triều lên sâu 5 thước 5 tấc, thủy triều xuống sâu 4 thước 5 tấc. Đầu đời Gia Long đặt một viên thủ ngự, một viên hiệp thủ và 17 người thủ binh; năm Minh Mạng thứ 9 cấp cho ngựa trạm để chạy cấp báo; mấy năm sau lại đặt vọng lâu ở tấn sở, cấp cho kính thiên lý để xem xét ngoài biển. Về quân sự, nơi đây từng diễn ra các trận đánh ác liệt, trong lịch sử cận đại, hễ phe nào chiếm được cửa biển Đà Nẵng thì hầu như phe đó làm chủ cả vùng. Chẳng hạn, vào năm Đinh Tỵ, khi quân của Nguyễn Vương tiến vào Đà Nẵng, chúa Nguyễn sai các tướng Nguyễn Văn Khiêm và Ô Lý Vi (Olivier) chế tạo thuyền sam dùng hỏa công bắn mạnh vào thuyền của quân Tây Sơn đóng ở Cửa Hàn, hai bên kịch chiến mấy ngày mới phân thắng bại, tức là chỗ này. Năm 1822, người Pháp cho tàu chiến có tên Cléopâtre đến Việt Nam, vào cửa biển Đà Nẵng, dâng thư xin yết kiến vua Minh Mạng. Năm 1825, thủy quân Pháp lại đem hai tàu chiến vào Đà Nẵng, đưa đồ phẩm vật và quốc thư, xin yết kiến nhà vua, nhưng cả hai lần đều bị triều đình Huế cự tuyệt, phải trở về. Tuy không được nhà vua chấp thuận nhưng họ đã kịp để lại nhiều giáo sĩ cùng đi, ở lại đi giảng đạo các nơi. Năm 1858, khi quân Pháp tấn công vào Đà Nẵng, họ đã theo cửa biển hóc hiểm này đổ quân lên bộ nhưng bị chống trả quyết liệt.
 
Thương nhân nước ngoài khi đến buôn bán ở Đàng Trong, họ thường ghé vào Cửa Hàn, làm nơi trung chuyển đến Phú Xuân.
 
Ngày trước các thương gia hay sứ thần nhà Nguyễn rời Huế bằng đường biển đi ra nước ngoài, họ phải vào Đà Nẵng để “xem xét thời tiết, lắng nghe tin tức”, tiếp thêm lương thực, chất đốt, rồi mới dong buồm ra khơi.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng cửa biển Đà Nẵng vào Dụ đỉnh.
 
Ngày nay, cửa biển Đà Nẵng trở thành một trong những cửa biển có cảng nước sâu lớn trong khu vực và quốc gia, tàu thuyền nhiều nước trên thế giới tấp nập vào ra ăn hàng. Cửa biển này đồng thời là một vị trí xung yếu về quốc phòng, an ninh của khu vực miền Trung và cả nước. Thành phố Đà Nẵng có nhiều lợi thế từ cửa biển này để có cơ hội phát triển, nhanh chóng trở thành một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, du lịch của miền Trung và cả nước.
 
Thuấn Hoa
 
 
Thuấn Hoa, tức hoa thuấn, tục danh hoa bụt, người Huế quen gọi bông bụt, có nơi gọi là dâm (hay râm) bụt, nó còn có các tên là đăng uyển hoa, xuyên phiêu lý hoa, xuyên can bì; do đặc tính sớm nở chiều rụng nên lại có tên nữa là nhật cập, triêu khai mộ lạc hoa. Theo các nhà y học cổ truyền, các thành phần của cây mộc cận như bông, lá, rễ hoa có rất nhiều dược tính quí, người ta lấy để làm thuốc dùng trị viêm da đầu, chữa mụt nhọt, đang nung mủ, khô thuốc lại thay, mụn nhọt sẽ đỡ nhức và chóng vỡ mủ; lại chế thuốc chữa cầm máu, kích thích lưu thông máu, giải nhiệt, lợi tiểu, an thần, điều kinh và chữa mẩn ngứa. Xem trong tập Thiệu Trị thánh chế, thơ Vịnh hoa mộc cận (một âm là cẩn) có lược chú rằng: Ngoại quốc đồ nói: nước quân tử nhiều hoa mộc cẩn, nhân dân dùng ăn. Quần phương phổ nói: hoa này có hai loại: loại hoa trổ năm cánh, nhị vàng; lại có loại hoa nhiều cánh chồng lên nhau, mà tơ nhỏ, đều có những sắc màu hồng, phấn hồng và trắng hồng mà thôi.
 
Thơ Quốc âm của Nguyễn Trãi viết về Cây mộc cận như sau: “Ánh nước hoa in một đóa hồng / Vết nhơ chẳng bén, bụt làm lòng / Chiều mai nở chiều hôm rụng / Sự lạ cho hay tuyệt sắc không”.
 
Hoa dâm bụt rực rỡ, tươi thắm, lưỡng tính, màu đỏ, rất dễ trồng, người ta thường trồng bằng cách giâm cành, giữ đất ẩm một thời gian thì các chồi nẩy mầm. Trồng mộc cẩn làm hàng rào quanh vườn nhà ở thôn quê trông rất đẹp mắt. Bây giờ có nhiều người thích chơi mộc cẩn, đem trồng vào chậu để thưởng lãm xem cũng rất thanh nhã.
 
Có người nói, không nên gọi tên là hoa dâm bụt: mà gọi là râm bụt thì hay hơn, vì chữ dâm (chỉ là đồng âm thôi) dễ bị hiểu nhầm. Nhưng cũng có người lại bảo, ngày xưa các cụ đặt tên để gọi chắc cũng có ý thâm hậu lắm, nay cứ thế mà gọi thôi. Duy ở miền Nam quen gọi là dâm bụp.
 
Nói về mộc cận, Kinh Thi có câu: Hữu nữ đồng xa, nhan như thuấn hoa (Nghĩa là: có cô gái đi cùng xe, nhan sắc như hoa thuấn). Thuấn hoa tức hoa mộc cẩn này. Bản thảo cứu hoang nói: hái lá non mộc cẩn luộc chín dầm nước lạnh rửa sạch rồi trộn muối ăn được. Lá bạch mộc cẩn cũng vậy. Đúng là Nhan như thuấn hoa - mặt người (con gái) đẹp như hoa thuấn - hoa bụt. Nên ngày trước ngạn ngữ thường nói “mặt hoa da thuấn” (không phải “mặt hoa da phấn” như bấy lâu vẫn gọi), để ví như cái đẹp của làn da mịn màng, tự nhiên, thoang thoảng mùi hương của người con gái đẹp.
 
Năm Minh Mạng thứ 17, đúc xong Cửu đỉnh, cho khắc hình tượng cây hoa dâm bụt vào Dụ đỉnh.
 
(Còn nữa)
 
Dương Phước Thu
 
Theo: baothuathienhue.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Trung tâm TTXTDL Bình ĐịnhKhám phá HuếDu lịch Khánh HòaCổng du lịch Thừa Thiên HuếTrung tâm TTXTDL Thừa Thiên HuếDu lịch Hà NộiDu lịch thành phố Hồ Chí MinhDu lịch Quảng NamDu lịch Đà NẵngDu lịch Quảng BìnhDu lịch Ninh BìnhDu lịch Gia LaiSở VHTTDL Thanh Hóa
Thống kê truy cập
Lượt truy cập 12.954.420
Đang truy cập 56.857